Sơ Lược Về Cây Tiêu Lốt (Piper Longum L.)

ThS. Phạm Thị Hoài

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây Hồ tiêu

     Cây tiêu lốt (Piper longum L.) là cây gia vị và là nguồn dược liệu được sử dụng từ hàng ngàn năm trước. Hiện nay tiêu lốt là một trong những cây thuốc quan trọng được sử dụng trong các hệ thống y học khác nhau và đã được chứng thực bởi một số nghiên cứu trên thế giới.

     Ở Việt Nam, cây tiêu lốt chưa được kiểm định và đưa vào trồng thử nghiệm bài bản mà chỉ được nông dân trồng tự phát. Các nghiên cứu về cây tiêu lốt ở nước ta không nhiều do đó cần có những nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng và công dụng của cây lốt.  

     Bài viết này nhằm tổng hợp giới thiệu một số nghiên cứu trên thế giới về nguồn gốc, đặc điểm thực vật học, môi trường sống và công dụng của cây tiêu lốt.

     1. Nguồn gốc và phân bố

     Cây tiêu lốt (Piper longum L.) được mô tả lần đầu tiên bởi Hippocrates, tuy nhiên nó được mô tả như một loại thuốc chứ không phải là cây gia vị. Ở Hy Lạp, tiêu lốt được biết đến vào thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 trước Công Nguyên. Ở châu Âu, tiêu lốt là cây gia vị được biết đến trước cả khi hạt tiêu đen trở nên phổ biến ở đây. Lịch sử của hạt tiêu đen gắn liền với hạt tiêu lốt và thường bị nhầm lẫn với nhau mặc dù đã có công trình nghiên cứu phân biệt đặc điểm thực vật học của hai loại cây này. Hạt tiêu đen bắt đầu cạnh tranh với tiêu lốt từ thế kỷ thứ 12 và thay thế nó vào thế kỷ 14 ở châu Âu [6].

     Tiêu lốt thường được gọi là tiêu dài, được phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới [3]. Cây có nguồn gốc ở Đông Bắc Ấn Độ, từ trung tâm dãy Himalaya đến Assam, Khasi và Mikir hills, Tamil Naidu và Andhra Pradesh. Ở Ấn Độ, tiêu lốt được gọi là Pipli, Pipar, Pipal, Hippali, Thippali balli, Tippali, Pippali, Pimpli, Pippli, Tippili, Pippallu, Magadhi, Kana, Usana. Ngoài Ấn Độ, tiêu lốt cũng xuất hiện ở các quốc gia Malaysia, Indonesia, Singapore, Sri Lanka và các nước khu vực Đông Nam Á khác [4].

     Ở Việt Nam, tuỳ từng vùng mà người ta đặt cho tiêu lốt với những cái tên khác nhau như tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tim,… Cây tiêu lốt phân bố ở các vùng cao nguyên của 2 miền Nam, Bắc nước ta [8].

     2. Đặc điểm thực vật học cây tiêu lốt

     Phân loại thực vật của cây Tiêu lốt:

  • Giới: Plantae
  • Ngành: Magnoliophyta
  • Lớp: Magnoliopsida
  • Bộ: Piperales
  • Họ: Piperaceae
  • Chi: Piper
  • Loài: Longum
  • Tên thực vật: Piper longum [1]

     Cây tiêu lốt đực và cái có đặc điểm tương tự nhau, chúng ta chỉ phân biệt được khi cây có quả. Trong khi cây tiêu lốt cái mang gié thẳng đứng, màu vàng, ngắn và to hơn so với gié cây tiêu lốt đực. Màu gié của tiêu lốt đực có màu xanh vàng, có hình trụ, kích thước gié nhỏ hơn nhưng dài hơn cây cái [4].

     Tiêu lốt thuộc loại cây thân thảo, tăng trưởng nhanh, chiều cao có thể mọc dài tới 10 m [8]. Các lá đơn mọc xen kẽ với nhau, cuống lá có rãnh, phiến lá hình trứng, thuôn khác nhau về kích thước. Các lá dưới dài 5 – 7 cm, lá trên cùng dài 2 – 3 cm [1]. Hoa tiêu lốt là hoa đơn tính, mọc thành cụm, hình trụ. Hoa cái dài từ 1,2 – 2,5 cm có đường kính từ 4 – 5 mm. Hoa đực lớn và thon hơn hoa cái. Quả do nhiều quả mọng nhỏ tập họp tạo thành, hình trụ không đều, hơi cong, dài từ 2 – 5 cm. Quả tiêu lốt được gắn liền trên gié, màu đen, mỗi quả chỉ chứa 1 hạt [3]. Rễ có 4 loại rễ chính là rễ cọc, rễ cái, rễ phụ và rễ bám. Rễ có nhiệm vụ giữ cây bám chắc vào đất-trụ, hút dinh dưỡng và nước để nuôi cây [8].

     3. Điều kiện đất đai và khí hậu

     Cây tiêu lốt phát triển mạnh ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm. Cây chịu được nhiệt độ từ 24 – 300C. Lượng mưa hàng năm trên 2.500 mm là lý tưởng nhất cho cây sinh trưởng phát triển, nhưng nó cũng phát triển tốt ở những khu vực có lượng mưa thấp hơn với điều kiện mưa phân bố đều trong suốt cả năm [5].

     Cây thích hợp với điều kiện đất giàu hữu cơ, thoát nước tốt, pH từ 5,5 – 8,5. Tiêu lốt cũng có thể phát triển tốt ở các vùng đất thịt pha cát. Cây phát triển tốt nhất trong điều kiện che bóng 50%, độ cao lý tưởng để cho cây sinh trưởng tốt cũng như cho chất lượng cao nhất là từ 900 – 1.500 m so với mặt nước biển [4].

     4. Thành phần hóa học và công dụng của cây tiêu lố

     Thành phần hóa học

     Thành phần chính được phân lập từ các bộ phận khác nhau của P. longum là piperine, piperlongumine, sylvatin, sesamin, diaeudesmin piperlonguminine, pipermonaline và piperundecalidine

     Thành phần hóa học của cây tiêu lốt gần giống với hạt tiêu đen. Các thành phần quan trọng gồm có: Protein 12,2%, tinh bột 39,5%, chất sơ 5,8%, tro tổng số 5,9%, axit không hòa tan 4,2%, dầu dễ bay hơi 1,5%, dầu cố định 6,6%, piperine 4,5%.

     Piperine là thành phần hoạt động chính của hạt tiêu lốt, tạo cảm giác cay đặc trưng, chảy nước bọt và gây tê ở miệng. Hàm lượng cao nhất của piperine được tìm thấy ở phần thân ngầm và rễ. Hàm lượng piperine tăng dần theo độ chín của quả tiêu lốt từ 0,53% (ở 14 – 16 ngày sau chín) đến 0,9% (ở 40 – 45 ngày sau chín) [5].

      Công dụng của tiêu lốt

     Cây tiêu lốt được sử dụng như một loại thuốc truyền thống quan trọng ở châu Á và các đảo Thái Bình Dương. Tiêu lốt là một phương thuốc tốt trong điều trị bệnh lao và nhiễm trùng đường hô hấp. Quả và rễ của cây tiểu lốt đã được sử dụng trong điều trị hen suyễn ở trẻ em [2].

     Giá trị y học của cây tiêu lốt đã được chú ý đến trong vài năm gần đây. Quả tiêu lốt được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc phổ biến để điều trị một số bệnh như: ngăn ngừa ung thư, giảm đường huyết, bảo vệ tim mạch, bảo vệ gan, chống oxy hóa, rối loạn hô hấp, chống viêm, viêm khớp, kháng khuẩn, kháng nấm, điều hòa hệ miễn dịch, chống trầm cảm… [1].

     Tiêu lốt được sử dụng để điều trị viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, táo bón, lậu, liệt lưỡi, tiêu chảy, dịch tả, sốt rét mãn tính, viêm gan virut,  nhiễm trùng đường hô hấp, đau dạ dày, viêm phế quản, các bệnh về lá lách, ho và khối u [6].

     Sử dụng quả tiêu lốt được coi là an toàn nếu sử dụng với liều lượng vừa phải. Tuy nhiên đã có báo cáo về tác dụng tránh thai nên khuyến cáo không sử dụng trong quá trình mang thai và cho con bú. Với liều lượng 1 mg/kg trọng lượng cơ thể có tác dụng tránh thai hiệu quả mà không gây độc và dị tật thai nhi. Tinh dầu của tiêu lốt có tác dụng diệt và xua đuổi côn trùng, phòng trừ nấm bệnh hại cây trồng [3].

Tài liệu tham khảo

Tiếng Anh

1. Hakim Md. Osman gani, Md. Obydul Hoq and Tahamina Tamanna, 2019. Ethnomedicinal, phytochemical and pharmacological properties of Piper longum Asian Journal of Medical and Biological Research. ISSN 2411 – 4472.

2. Kavita Gulati, Nishant Rai, Sulekha Chaudhary, Arunabha Ray, 2016. Chapter 6 – Nutraceuticals in Respiratory Disorders. Nutraceuticals, 75-86.

3. Maitreyi Zaveri, Amit Khandha, Samir Patel, Archita Patel, 2010. Chemistry and Pharmacology of Piper Longum L. International Journal of Pharmaceutical Sciences Review and ResearchVolume 5 (Issue 1), 67-76.  

4. Manoj, E.V. Soniya, N.S. Banerjee and P. Ravichandren, 2004. Recent studies on well-know spice, Piper longum Linn. Natural Product Radiance Vol 3 (4), 222 – 227.

5. Purnima Jayasinha, Dilmani Warnasuriya, Hashani Dissanayake, 1999. Tippili (Piper longum). Medicinal and Aromatic Plant Series, No. 5. Published by Information Services Centre, Industrial Technology Institute.

6. Suresh Kumar, Jitpal Kamboj, Suman, Sunil Sharma, 2011. Overview for Various Aspects of the Health Benefits of Piper Longum Linn. Fruit. Journal of Acupuncture and Meridan Studies, 134 – 140.

Trang web

  1. https://www.planetayurveda.com/library/pippali-piper-longum.
  2. https://amp.thaythuoccuaban.com/vithuoc/tieulot.htm.

Từ khóa » Tiêu Lốt Tiếng Anh Là Gì