So Sánh Cái đẹp Trong Tự Nhiên Và Trong Nghệ Thuật

You're Reading a Free Preview Pages 4 to 5 are not shown in this preview.

Nội dung chính Show
  • Nguyên nhân sự lẫn lộn là gì?
  • Cái Đẹp và Nghệ Thuật là hai khái niệm
  • Cái Đẹp là gì?
  • Nghệ Thuật là gì?
  • Quy luật Nghệ Thuật gồm có những gì?
  • Nghệ thuật có phải là lĩnh vực của cái đẹp?
  • Đồng nhất giữa Cái Đẹp và Nghệ Thuật như thế nào?

Chúng ta nói nghệ thuật là nơi tập trung cao nhất quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực, và nói đã là nghệ thuật thì phải đẹp, không đẹp không thành nghệ thuật. Nhưng tại sao lại không thể nói “cái đẹp là nghệ thuật” ?

Đó là vì mệnh đề khá quen tai và tưởng như hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn hợp lý kia, có thể gây ra những hiểu lầm liên quan trực tiếp đến cách nhìn nhận bản chất của cái đẹp và nghệ thuật, dẫn đến các hành động cụ thể trong sáng tác, và cảm thụ nghệ thuật, có thể dẫn đến sự lẫn lộn nghệ thuật với cái đẹp.

Nguyên nhân sự lẫn lộn là gì?

Nguyên nhân của sự lẫn lộn này một phần là do từ ngữ tạo nên. Trong tiếng Việt hiện đại, từ “nghệ thuật” được dùng ít nhất với ba nghĩa sau đây:

– Chỉ những hoạt động gì thật khéo léo, đạt đến trình độ điêu luyện, tay nghề cao. Chúng ta vẫn thường nghe nói “nghệ thuật mổ xẻ”, “nghệ thuật bắt rắn”, “nghệ thuật lái xe”, hay “một đường chuyền bóng nghệ thuật”, hay “một cú sút nghệ thuật”,…

Có thể nói đây chính là nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của từ “nghệ thuật”. Bởi vì, theo từ nguyên “thuật” là hoạt động, là kỹ thuật, còn “nghệ” là tài năng, kỹ năng. Trong tiếng Pháp và tiếng Anh, từ “art” đầu tiên cũng có nghĩa là khéo léo, kỹ xảo, tài nghệ, sau mới có thêm nghĩa “mỹ thuật”, “nghệ thuật”. Trong tiếng Nga cũng vậy.

– Chỉ những hoạt động và sản phẩm hài hòa, đẹp mắt, có thể mang lại cho người ta khoái cảm thẩm mỹ. Trong nghĩa này, chúng ta gọi một bộ bàn ghế mây tre xuất khẩu, một bộ bàn ghế gỗ xuất khẩu, một chiếc thuyền bằng sừng để bàn, một cái gạt tàn thuốc lá bằng gỗ sơn mài khảm xà cừ, một bộ quần áo thêu nhiều màu của phụ nữ dân tộc ít người.

Một buổi đồng diễn thể dục,… là tác phẩm nghệ thuật, là công trình nghệ thuật. Gần đây, lại xuất hiện các khái niệm: “thể dục nghệ thuật, trượt băng nghệ thuật, bơi nghệ thuật”,… Nghệ Thuật ở đây chính là Cái Đẹp

– Chỉ một loại hoạt động đặc thù của con người nhằm tạo ra một loại sản phẩm đặc biệt, không phải chỉ đẹp mắt, êm tai, hài hòa, mà còn có ý nghĩa tư tưởng xã hội sâu sắc. Trong nghĩa này, chỉ có hội họa, điêu khắc, múa, âm nhạc, văn chương, sân khấu, điện ảnh, ảnh nghệ thuật, và kiến trúc mới được gọi là nghệ thuật.

Như vậy, trong thực tế từ “nghệ thuật” được dùng theo những khía cạnh khác nhau. Tình trạng những sự vật khác nhau được gọi chung bằng một tên dễ tạo ra cảm giác rằng chúng là một, đặc biệt là đối với các hiện tượng thuộc nghĩa thứ hai và thứ ba.

Cái Đẹp và Nghệ Thuật là hai khái niệm

Song, sự lẫn lộn giữa khái niệm nghệ thuật và cái đẹp còn có nguyên khác nữa, bắt đầu nguồn sâu xa trong Mỹ Học. Trước Tehernychevski, Mỹ Học chủ yếu là khoa học về cái đẹp của nghệ thuật. Mở đầu những bài giảng về mỹ học nổi tiếng của mình.

Hegel viết: “Những bài giảng này dành nói về Mỹ Học, đối tượng của Mỹ Học và vương quốc bảo của cái đẹp, nói đúng hơn là lĩnh vực của nghệ thuật hay đúng hơn nữa, là lĩnh vực của sáng tạo nghệ thuật”.

Quan niệm trên đây có truyền thống lâu đời, đạt đến sự phát triển cao nhất trong hệ thống của Hegel, và tồn tại mãi cho tới hiện nay. Sau Hegel, mỹ học dần dần mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình, không còn hoàn toàn bị giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật.

Tuy nhiên, quan niệm cũ vẫn chưa phải đã mất hẳn, và thói quen hễ nói đến cái đẹp là nói đến nghệ thuật, vẫn làm cho người ta nghĩ rằng hai khái niệm này là tương tự như nhau, đồng nghĩa với nhau. Thật ra, cái đẹp và nghệ thuật là hai khái niệm tuy có gần gũi nhau, nhưng rất khác nhau.

Cái Đẹp là gì?

Cái Đẹp là phạm trù chỉ những giá trị thẩm mỹ tồn tại khắp nơi, trong thiên nhiên, trong xã hội, ở con người, trong sản phẩm vật chất và tinh thần, trong nghệ thuật. Hoạt động thẩm mỹ là hoạt động nhằm tạo ra các giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu của con người về cái đẹp.

Hoạt động này rất đa dạng, có mặt trong hầu hết các lĩnh vực thực tiễn của con người. Nó quy tụ thành ba nhóm cơ bản:

– Các hoạt động nhằm cải tạo thế giới vật chất, đem lại những sản phẩm vật chất có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ. Việc tạo ra giá trị thẩm mỹ (cái đẹp) tuy không phải là nhu cầu số một, nhưng cũng là nhu cầu nội tại của các hoạt động này, nằm ngay trong khuynh hướng và mục đích của chúng. Tiêu biểu cho các hoạt động này là: nghề thủ công, thiết kế mỹ thuật và kiến trúc.

– Các hoạt động hướng vào việc thay đổi, tô điểm, làm đẹp cho chính bản thân con người, từ quần áo, giày dép và da dẻ, cơ thể đến cử chỉ, cách ăn nói, đối xử và thế giới bên trong của con người. Nhóm này gồm các ngành may mặc, trang phục, trang điểm, thể dục, thể thao, hùng biện, thẩm mỹ hành vi, giáo dục nghệ thuật, và giáo dục thẩm mỹ.

– Sáng tạo nghệ thuật như một hoạt động đặc thù, tập trung cao nhất quan hệ thẩm mỹ của con người, với cuộc sống và thực hiện những chức năng xã hội to lớn khác. Hoạt động này bao gồm sáng tác hội họa, điêu khắc, âm nhạc, múa, văn học, sân khấu, điện ảnh, ảnh nghệ thuật và kiến trúc nghệ thuật.

Nghệ Thuật là gì?

Nghệ thuật là một phương cách tồn tại của ý thức con người, một hoạt động sáng tạo độc đáo, một hình thức giao tiếp xã hội đặc biệt, một lĩnh vực của cái đẹp.

Cũng như nhiều hình thái ý thức khác, nghệ thuật gắn chặt với hiện thực khách quan tồn tại ngoài ý thức của con người. HIện thực đó trước hết là đời sống xã hội với những cơ sở kinh tế, chính trị, pháp lý, đạo đức,… của nó là sinh hoạt tinh thần của cộng đồng.

Nghệ thuật của một xã hội bao giờ cũng gắn liền với xã hội ấy. Bởi vậy, một khi đời sống xã hội thay đổi, nghệ thuật cũng biến đổi theo, dù có thể là không cùng ngay một lúc. Nghệ thuật, xét ở một phương diện khác, là một hoạt động sáng tạo độc đáo của con người.

Giống như các loại hoạt động khác, nghệ thuật cũng đòi hỏi phải đổ mồ hôi, công sức và cũng đem lại những sản phẩm nhất định. Có điều sáng tạo nghệ thuật không chỉ nhằm biến đổi trực tiếp thế giới khách quan, hay nhận thức các quy luật phát triển của nó, mà còn có những mục đích riêng khác.

Nhà thơ, nhà soạn nhạc,… sáng tác trước hết là để nói lên những cảm xúc, tình cảm, tư tưởng, quan niệm của mình. Nguyễn Trãi đã từng viết: “Liêu bả tân thi tả ngả sầu. (Hãy làm bài thơ mới nói lên nỗi buồn của ta)”. Ông cũng lại viết: “Hảo bả tân thi chí hướng luân. (Muốn làm bài thơ mới nói lên cái chí của mình)”.

Tác phẩm nghệ thuật có khi chỉ là một cảm xúc, một tâm trạng, có khi là những quan niệm về vũ trụ, về cuộc đời, về chính trị, về nhân sinh,… Nó có thể là tiếng nói tâm linh, là lời chia sẻ, giãi bày, có thể là tiếng chim gọi đàn, tiếng kèn tập hợp.

Đồng thời, bên cạnh việc thể hiện cảm xúc và quan niệm, nghệ sĩ còn nói lên nhận thức, sự nghiền ngẫm của mình về cuộc đời, về hiện thực. Mở đầu, Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Viết Truyện Kiều, nhà thơ không chỉ bày tỏ tấm lòng của mình, mà còn muốn nói về những điều trông thấy, về hiện thực xã hội đương thời. Tự bản thân bức tranh Nguyễn Du, vẽ ra cũng đã có ý nghĩa nhận thức và giá trị nhân văn sâu sắc.

Khác với các hoạt động khác, sức hấp dẫn của nghệ thuật thể hiện không chỉ ở chiều sâu tư tưởng, và ý nghĩa nhận thức của nó, mà nó còn có sức mạnh tình cảm và tính hình tượng của tác phẩm.

Quy luật Nghệ Thuật gồm có những gì?

Nghệ thuật là quy luật của tình cảm. Tình cảm là đối tượng miêu tả, là nội dung biểu hiện của nghệ thuật. Hơn thế nữa nó là chất men, là động lực làm cho một cảm xúc bình thường, một ý nghĩa, một tư tưởng, một điều quan sát, được có thể chuyển thành bức tranh, lời thơ và nốt nhạc.

Trong nghĩa đó, rõ ràng không có tình cảm cũng sẽ không có nghệ thuật. Tình cảm vừa là chất men sáng tạo, vừa là con đường nối liền tác giả với công chúng, đưa tác phẩm đến với người đọc, người xem.

Khả năng tác động vô cùng to lớn của nghệ thuật sở dĩ có được một phần cũng là do nó gắn liền với tình cảm, thông qua tình cảm. Đồng thời, sức lôi cuốn hút của nghệ thuật bắt nguồn cũng từ bản chất hình tượng của nó.

Tính hình tượng này một phần nằm ngay trong bản thân cách cảm nghĩ của những người sáng tác, một phần là phương tiện mà nhà văn, nhà thơ, họa sĩ,… dùng để diễn đạt tư tưởng, tình cảm của mình và ghi lại bức tranh về cuộc sống. Khác với các loại hình tượng khác, hình tượng nghệ thuật không dừng lại ở sự minh họa và cũng không đòi hỏi phải giống y như thật.

Hình tượng nghệ thuật là kết quả sáng tạo của trí tưởng tượng của nghệ sĩ. Chính bằng cách vẽ ra một bức tranh nào đó, hoặc xây dựng những nhân vật nào đó, mà người sáng tác có thể diễn tả những cảm xúc và suy nghĩ của mình, được cụ thể hơn và dễ tác động đến người đọc, người xem hơn, làm cho chúng trở nên dễ hình dung hơn, dễ nhớ và có sức khiêu gợi tình cảm hơn.

Tác phẩm nghệ thuật là phương tiện mang tiếng nói của nghệ sĩ đến với cuộc đời. Mối quan tâm lớn nhất của mỗi người là cầm bút là làm sao, diễn tả được hết ý mình cho người khác hiểu và thông cảm. Bởi vậy, có thể nói, ngoài quy luật của cái đẹp, tác phẩm nghệ thuật được tổ chức chủ yếu theo những quy luật của sự tiếp nhận.

Tất cả các biện pháp nghệ thuật, các hình thức thi pháp và các yếu tố khác của tác phẩm đều được hướng vào thực hiện nhiệm vụ ấy. Điều này đúng với từng câu thơ, từng bài hát cũng như với cả những bộ tiểu thuyết dày hoặc những vở kịch diễn suốt nhiều đêm.

Nghệ thuật tự nó là một hoạt động đa chức năng. Ngoài chức năng thẩm mỹ đã nói ở trên ra, nghệ thuật còn có nhiều chức năng khác như: giao tiếp, nhận thức, giáo dục, giải trí,…

Tác phẩm nghệ thuật là một trong những hình thức giao tiếp của xã hội, một trong những con đường dẫn con người đến với con người. Chừng nào một tâm hồn này còn cần đến một tâm hồn khác, thì khi đó nghệ thuật còn cần đến cho con người.

Bằng những bài thơ, bản nhạc, bức tranh, pho tượng hay vở kịch, người này sẽ thông báo với người kia, thời đại này sẽ lưu lại cho thời đại khác tất cả những gì liên quan đến sự sinh tồn, đến hạnh phúc mà mỗi người, mỗi thời đại xem là sâu xa, xúc động nhất, đến mức biến thành cảm hứng, thành khát vọng tràn ngập trong lòng, đòi hỏi phải nói lên, phải chia sẻ.

Tác phẩm nghệ thuật, bởi vậy, trở thành một thứ thông điệp độc đáo và mãnh liệt. Nghệ thuật cũng chính là phương tiện nhận thức, giúp con người hiểu được mình và thế giới đầy đủ hơn. Trong những thế kỷ gần đây, chức năng nhận thức của nghệ thuật càng ngày càng được đề cao.

Điều đó dễ hiểu, bởi vì thời đại chúng ta là thời đại của sự phân tích, thời đại trưởng thành của tư duy, của trí tuệ. Trong bối cảnh đó, nghệ thuật hiện ra như sự khám phá, nghệ sĩ hiện ra như nhà tư tưởng.

Nghệ thuật của thế kỷ chúng ta đang đẩy mạnh sự tìm tòi, cùng một lúc trên cả hai hướng: khám phá những quy luật của hiện thực khách quan và đi sâu vào những bí ẩn của thế giới bên trong của con người.

Trên hướng thứ nhất, nó cố gắng khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa tự nhiên, hoặc minh họa để nhận thức đời sống cho sâu sắc, chân thực. Trên hướng thứ hai, nghệ thuật thâm nhập vào các quá trình tư tưởng tình cảm, vào đời sống bên trong của con người.

Ở đây, nó biến thành biện chứng của tâm hồn, thành cuộc viễn du của tâm thức và nghệ sĩ thì đóng vai trò của nhà thám hiểm, người phiêu diêu trong cõi tâm linh kỳ diệu ấy.

Nghệ thuật không chỉ có giá trị thông báo, nhận thức mà còn có tác dụng giáo dục hết sức sâu sắc. Bản thân hoạt động sáng tạo nghệ thuật như là tiếng nói, sự chia sẻ tự nó đã bao hàm tính chất thuyết phục, kêu gọi sự đồng tình, tập hợp, đã chứa đựng ý nghĩa cải tạo.

Nghệ thuật cải tạo con người không phải bằng cách cưỡng bức, mà bằng cách đưa ra những tấm gương lớn. Tấm gương nghệ thuật phản chiếu cả những tấm gương lớn. Tấm gương nghệ thuật phản chiểu cả những hình ảnh đẹp đẽ lẫn những bóng dáng xấu xa của cuộc đời.

Trong tấm gương ấy, cả cái đẹp và cái xấu đều được khuếch đại lên sao cho cái đẹp trở nên đẹp đẽ hơn, rực rỡ hơn, biến thành lý tưởng, còn cái xấu thì cũng hiện ra bần tiện và độc ác hơn để con người thấy ghê tởm nó, từ bỏ nó và đấu tranh chống lại nó.

Đồng thời, khi mang lại cho cuộc đời tấm gương của chính nó, nghệ thuật muốn mọi người tự soi mình vào trong đó, đối chiếu mình với cái hay và cái dỡ của người khác, kiểm tra lại mình. Cuộc đối thoại bên trong con người chính là quá trình tự giáo dục, tự cải tạo vô cùng sâu sắc. Nghệ thuật không trực tiếp thay đổi thế giới, nhưng nó thay đổi tư tưởng, tình cảm của con người.

Nghệ thuật không trực tiếp tiêu diệt bọn xâm lược, chặn tay chủ nghĩa phát xít, hay chấm dứt nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng nó gieo vào lòng nhân loại tình yêu tha thiết cuộc sống, lòng căm thù tội ác và chiến tranh. Từ đấy lại sinh ra sức mạnh khổng lồ khác.

Có thể kể thêm những chức năng khác nữa của nghệ thuật, chẳng hạn chức năng giải trí. Trong đời sống hằng ngày, con người vẫn sử dụng nghệ thuật như phương tiện để nghỉ ngơi. Sau giờ làm việc, người ta hát múa, đi xem kịch, đọc sách và xem phim,…

Nhưng bên cạnh những cách giải trí khác, nghệ thuật là hình thức nghỉ ngơi đặc biệt của con người. Đặc biệt ở chỗ khi tìm sự thoải mái, giải trí bằng cách ca hát, đọc sách, xem phim, vô tình con người lại buộc phải tư duy, rung cảm. Vậy mà, người ta vẫn bằng lòng, sẵn sàng tìm đến với tác phẩm nghệ thuật bất kỳ lúc nào sau giờ làm việc. Giải thích điều đó như thế nào đây?

Nghệ thuật có phải là lĩnh vực của cái đẹp?

Dĩ nhiên, nghệ thuật là lĩnh vực của cái đẹp và trong nghệ thuật có rất nhiều yếu tố giải trí thuần túy. Điều đó, bao giờ cũng hấp dẫn và làm vui con người. Song đó mới chỉ là một phần. Quan trọng hơn là ở chỗ, nghệ thuật chính là một trong những hình thức nghỉ ngơi độc đáo nhất, theo nguyên tắc: nghỉ ngơi là thay đổi hoạt động.

Nói cách khác, con người nhìn thấy ở nghệ thuật, một trò chơi có ích. Giải trí bằng xem kịch cũng tương tự như đánh cờ vậy. Đây không phải là những hình thức nghỉ ngơi chân tay, mà còn là những cách giải trí trí tuệ. Trong ý nghĩa này, nội dung tác phẩm càng sâu sắc và phong phú bao nhiêu, thì nhu cầu giải trí của con người càng được thỏa mãn đầy đủ bấy nhiêu.

Đồng thời, việc gia tăng yếu tố giải trí của tác phẩm cũng không phải chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi của con người, mà còn làm cho tư tưởng, nội dung của tác phẩm dễ đi vào lòng người, đọc, người xem, thấm sâu vào họ.

Coi thường chức năng giải trí của nghệ thuật là coi thường ngay chính bản thân nhu cầu sinh tồn bình thường của con người, là bỏ mất một khả năng tác động của nghệ thuật.

Như vậy, rõ ràng về một phương diện nào đó, cái đẹp rộng hơn nghệ thuật. Cái đẹp không phải chỉ có trong nghệ thuật, mà cả trong thiên nhiên, trong đời sống, trong sản xuất. Sáng tạo nghệ thuật chỉ là một bộ phận trong hoạt động thẩm mỹ của con người. Song đến lượt mình, nghệ thuật cũng không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực cái đẹp, không phải chỉ là một hiện tượng thẩm mỹ.

Nó là một hoạt động đặc biệt của con người. Nó thấm nhuần cái đẹp, đồng thời cũng chứa đựng những ý nghĩa và chức năng xã hội khác như vừa nói ở trên. Đồng nhất cái đẹp với nghệ thuật, sẽ dẫn đến những sai lầm cả trong sáng tác và cảm thụ nghệ thuật.

Trước hết, nó có thể tạo ra cơ sở lý luận cho quan niệm duy mỹ, coi nghệ thuật chỉ có nhiệm vụ tạo ra cái đẹp, chủ yếu là cái đẹp của hình thức mà thôi. Trong một mức độ nhẹ hơn, nhưng lại phổ biến hơn, nó có thể dẫn đến cách cảm thụ nghệ thuật một cách hời hợt, nông cạn.

Đây chính là một trong những nguyên nhân đã dẫn tới quan niệm xem nghệ thuật chủ yếu như là thứ để thưởng thức, mua vui. Chúng ta vẫn thường nghe nói mấy tiếng thưởng thức nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật phải chăng chỉ để thưởng thức? Khi ngắm một bông hoa, một phong cảnh, một tòa nhà hay một chiếc bình hoa sơn mài, đúng là chúng ta thưởng thức vẻ đẹp của chúng.

Tác phẩm nghệ thuật cũng mang lại cho ta những khoái cảm như vậy, song đó chưa phải là tất cả. Bởi vậy, có lẽ cũng không nên ví nghệ thuật với một bông hoa, cho dù bông hoa đẹp đến đâu. Nếu là hoa thì nghệ thuật cũng là loài hoa đặc biệt, không phải chỉ có sắc thắm, hương thơm mà còn có sức cảm hóa được con người.

Đồng nhất giữa Cái Đẹp và Nghệ Thuật như thế nào?

Chỉ nghiên cứu cái đẹp của nghệ thuật, tất yếu sẽ dẫn đến coi thường những vấn đề thẩm mỹ hết sức gần gũi và thiết thực đối với con người như vẻ đẹp của sản phẩm lao động, của sinh hoạt, của cử chỉ, hành vi. Mỹ học vô tình bỏ rơi mất khả năng tốt để tìm hiểu cái đẹp của thế giới ngoài nghệ thuật. Ngày nay, vấn đề này đang được nhìn nhận lại một cách đầy đủ hơn.

Việc đồng nhất cái đẹp với nghệ thuật còn có thể đưa đến việc đồng nhất giáo dục thẩm mỹ với giáo dục nghệ thuật. Giáo dục nghệ thuật như học nhạc, học vẽ, đọc sách, xem tranh,…

Là một trong những con đường cơ bản và có hiệu quả nhất để nâng cao trình độ thẩm mỹ của con người. Song nhiệm vụ và lĩnh vực của giáo dục thẩm mỹ rộng hơn, không chỉ bó hẹp trong giáo dục nghệ thuật.

Thực tế cho thấy là để giúp trẻ em biết sống đẹp, bên cạnh việc dạy học cho các em biết ca hát, nhảy múa, biết vẽ, đọc thơ, cần phải hướng dẫn cho các em biết mặc bộ quần áo cho ngay thẳng, biết thắt một cái nơ trên tóc, biết nói năng nhã nhặn, lịch sự, biết trang trí góc học tập của mình,…

Đây là những cái nhỏ, bình thường, gặp hằng ngày nhưng lại có ảnh hưởng trực tiếp và không kém quan trọng đến sự hình thành nhân cách thẩm mỹ của trẻ em.

Bỏ qua những việc đó, chỉ tập trung vào việc dạy vẽ, dạy nhạc, là bỏ qua mất một cơ hội thuận tiện, để đào tạo trẻ em thành những con người phát triển toàn diện nhất.

Tóm lại, nói đến nghệ thuật thì không thể không nói đến cái đẹp, vì đã là nghệ thuật thì phải đẹp. Song nghệ thuật không phải chỉ có vấn đề cái đẹp: nó phải vừa đẹp lại vừa hay, vừa sâu sắc. Đó chính là những điều rất quan trọng nhưng cũng rất thường bị lẫn lộn.

Lê Ngọc Trà Lâm Vinh Huỳnh Như Phương

#caidep #tacpham #nghethuat

Từ khóa » Cái đẹp Trong Nghệ Thuật Không đồng Nhất Với Cái đẹp Trong Tự Nhiên