Sợ Sệt Ngụy Trang Bằng Lòng Sùng đạo | Ron Rolheiser
Có thể bạn quan tâm
Thật dễ để nhầm lòng sùng đạo với lời đáp đích thực mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, nghĩa là thực sự đi vào một liên hệ mật thiết với Ngài và cố gắng giúp đỡ người khác cũng có được cảm nghiệm như vậy.
Chúng ta thấy điều này khắp Kinh thánh. Ví dụ như, trong Tin mừng theo thánh Luca, sau khi chứng kiến phép lạ bắt được nhiều cá vô số kể, Phêrô đã phản ứng bằng việc sấp mình trước Chúa Giêsu và nói rằng: ‘Xin tránh xa con, lạy Chúa, vì con là kẻ tội lỗi!’ Nhìn qua, thì đây có vẻ là một phản ứng phù hợp, một phản ứng sùng mến tuyệt vời, nhận thức về sự bé nhỏ và vô giá trị của mình trước sự phong phú và tốt lành của Thiên Chúa. Nhưng, John Shea đã chỉ ra rằng, Chúa Giêsu lại nhìn nhận phản ứng của Phêrô theo một cách khác, và mời gọi ông hãy làm khác thế. Là điều gì? Phản ứng của Phêrô thể hiện một sự sùng mến thật tâm, nhưng, theo lời của Shea, phản ứng này ‘sai lầm trong sợ hãi.’ ‘Nhận thức về Thiên Chúa khiến cho Phêrô run rẩy và tan vỡ. Nếu ông bám vào chân Chúa Giêsu, ông hẳn phải khụy gối. Phêrô không đón lấy sự viên mãn, ông muốn trốn chạy. Đây thật không phải là phản ứng mà Chúa Giêsu muốn. Vậy nên Chúa dạy Phêrô đừng sợ. Và thay vào đó, hãy dùng những gì mình đã cảm nghiệm được để đưa người khác đến với cảm nghiệm đó. Như Chúa Giêsu đã bắt lấy Phêrô, ông cũng phải bắt lấy người khác.’ Chúa Giêsu đang mời gọi Phêrô hãy ra khỏi nỗi sợ và đi vào những dòng nước thâm sâu hơn của sự mật thiết và sự dồi dào của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng thấy chuyện tương tự trong sách Samuel quyển thứ nhất (21, 1-6). Một sáng nọ, vua Đavid đến đền thờ, bụng thì đói và chẳng có gì ăn. Vua xin tư tế 5 chiếc bánh. Vị tư tế đáp lại rằng mình không có bánh thường, mà chỉ có bánh đã dâng tiến, chỉ được phép ăn sau khi chay tịnh và cử hành các nghi lễ phù hợp. Nhưng, Đavid, biết rằng, mình là vua trần gian của Thiên Chúa và cần phải hành động tháo vát chứ không phải sợ sệt, nên đã xin những chiếc bánh tiến và ăn những chiếc bánh mà trong những hoàn cảnh khác thì ông sẽ không được phép ăn.
Điều quan trọng trong câu chuyện này, là khi đối mặt với nỗi sợ sệt và sùng đạo của những kinh sư và biệt phái, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh và cho chúng ta biết rằng phản ứng của Đavid là phản ứng đúng đắn. Với những người thấy khó chịu bởi các môn đệ của Chúa ‘không biết sợ’, Chúa Giêsu nói rằng phản ứng của vua Đavid là phản ứng đúng đắn, bởi vua nhận ra rằng, trong phản ứng của chúng ta với Thiên Chúa, sự mật thiết và bạo dạn nhất định, phải thắng vượt nỗi sợ sệt. Chúa Giêsu xác quyết rằng, ‘Ngày Sabbath là để cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath.’ Câu này có thể diễn giải như sau: Thiên Chúa không phải là một luật để vâng theo cách mù quáng. Nhưng Thiên Chúa là một hiện hữu sáng tạo và yêu thương, mời gọi chúng ta đi vào sự mật thiết và rồi cho chúng ta sinh lực để sáng tạo hơn nữa trong mối liên hệ này.
Cách đây vài năm, một bà mẹ trẻ đã kể cho tôi câu chuyện này. Con trai của bà, 6 tuổi và đang đi học, ngay từ những năm đầu đời đã được dạy quỳ gối trên giường mỗi đêm và đọc lớn tiếng những lời kinh như kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh cầu thiên thần hộ thủ và kinh cầu cho cha mẹ và anh chị em mình. Một tối nọ, không lâu sau khi đã đi học, lúc bà mẹ đưa cậu về phòng, cậu lao lên giường mà không quỳ gối đọc kinh như trước nữa. Mẹ hỏi câu: ‘Có chuyện gì vây? Con không đọc kinh nữa sao?’ Cậu bé trả lời, ‘Không, con không đọc kinh nữa. Cô giáo của con ở trường (một nữ tu) đã dạy chúng con là đừng đọc kinh nhưng hãy trò chuyện với Chúa … mà tối nay con mệt, và không có gì để nói!’ Về căn bản, đây chính là lời đáp như vua Đavid xin linh mục những chiếc bánh tiến vậy. Cậu bé này có được một nhận thức trực giác rằng Thiên Chúa không phải là một luật phải tuân giữ, nhưng là một hiện diện mật thiết cho chúng ta được dồi dào.
Một số nhà thần nghiệm Kitô giáo lớn đã dạy rằng, khi lớn lên sâu sắc hơn trong mối liên hệ với Thiên Chúa, thì dần dần chúng ta trở nên bạo dạn hơn với Chúa, nghĩa là nỗi sợ sệt ngày càng nhường chỗ cho sự thân mật, tính chiếu luật ngày càng nhường chỗ cho sự lanh lẹ, phán xét thay thế bằng cảm thông, và một dạng sùng đạo vốn đẩy chúng ta ôm chân Chúa Giêsu một cách tê liệt bởi nhận biết tội lỗi của mình, dần nhường chỗ cho một sinh lực hân hoan truyền giáo.
Tất nhiên, lòng sùng đạo có một vị trí quan trọng. Lòng sùng đạo lành mạnh và khiêm nhượng lành mạnh là những ơn của Thánh Thần, nhưng chúng không được khiến chúng ta tê liệt trong nỗi sợ không lành mạnh, khóa chặt một liên hệ mật thiết hơn, hân hoan hơn và sâu sắc hơn với Thiên Chúa. Vua Đavid có một lòng sùng đạo lành mạnh, nhưng điều này không ngăn vua hành động bạo dạn và đầy sáng tạo trong tình thân mật với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng có một lòng sùng mến lành mạnh, ngay cả khi Ngài không ngừng phê phán kiểu sùng đạo của những người cùng thời.
Chúng ta cũng quá dễ dàng nhầm lẫn nỗi sợ sệt không lành mạnh với lòng sùng mến đích thực. Chúng ta cứ nhầm suốt, ngây thơ nghĩ rằng sợ sệt là một nhân đức, trong khi biểu hiện của sự mật thiết đích thực không bao giờ sợ hãi, nhưng là sinh lực hân hoan và bạo dạn. Một người có lòng đạo lành mạnh nhất, sẽ thể hiện sự bạo dạn và hân hoan này chứ không phải một lòng sùng đạo cứng đờ, quá sợ sệt.
Từ khóa » Sùng đạo Quá Mức
-
Lòng Sùng ðạo Và Những Tôn Sùng
-
Tín Ngưỡng Thái Quá! - Báo điện Tử - Đảng Cộng Sản Việt Nam
-
Bộ Não Của Những Người Vô Thần Có Khác Với Não ...
-
Tôn Giáo đã Lỗi Thời? - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
8 Sự Thật Gây Sốc Về Người Hồi Giáo ở Mỹ - Hànộimới
-
NGƯỜI SÙNG ĐẠO? - Hướng Đi Ministries
-
Lịch Sử Tiến Hoá: Tôn Giáo đã Xuất Hiện Thế Nào - BBC News Tiếng Việt
-
Quá Sùng đạo Trong Tiếng Anh Là Gì? - English Sticky
-
Đừng Lợi Dụng Tôn Giáo Làm điều Trái đời, Ngược đạo
-
Vì Sao Người Ấn Độ Hết Mực Tôn Sùng Giáo Sĩ Bị Kết Tội Hiếp Dâm?
-
Sùng Bái Cá Nhân – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tự Do Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Trong Lịch Sử Việt Nam