Soạn Bài Hai đứa Trẻ SBT Ngữ Văn 11 Tập 1

1. Bài tập 1, trang 101, SGK.

Cảnh vật trong truyện đã được miêu tả trong thời gian và không gian như thế nào ?

Trả lời: 

Các nhân vật có thể gây ấn tượng sâu sắc là : Liên, An, chị Tí, bác Siêu, bà cụ Thi,... Những chi tiết nghệ thuật tịêu biểu là : đoàn tàu, bóng tối và ánh sáng, âm thanh, hình ảnh Hà Nội xa xăm, ngọn đèn ở hàng nước của chị Tí,...

Ví dụ, phân tích hình ảnh ngọn đèn ở hàng nước của chị Tí:

Trong truyện Hai đứa trẻ, hình ảnh ngọn đèn con ở hàng nước của chị Tí được trở đi trở lại rất nhiều lần. Anh (chị) cần đọc kĩ mới có thể tìm ra các chi tiết này. Dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu :

- Chị em Liên “lại cúi nhìn về mặt đất, về quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”.

- “Giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí, và cả cái bếp lửa của bác Siêu, chiếu sáng một vùng đất cát; trong cửa hàng, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”.

- “Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”.

Hình ảnh ngọn đèn ở hàng nước của chị Tí “chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ” trước hết có ý nghĩa như một biểu tượng về những kiếp người nhỏ bé, sống leo lét, quẩn quanh, không tương lai, không hạnh phúc trong đêm trường tăm tối của xã hội cũ. Ngoài ra, hình ảnh này còn có tác dụng tô đậm thêm sự tối tăm, nghèo khổ của những cư dân nơi phố huyện.

2. Bài tập 2*, trang 101, SGK.

Thạch Lam đã miêu tả cuộc sống và hình ảnh những người dân phố huyện ra sao ?

Trả lời: 

- Truyện Hai đứa trẻ rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam với những trang viết vừa đậm đà yếu tố hiện thực vừa phảng phất chất lãng mạn, chất thơ. Toàn bộ câu chuyện chỉ kể về nỗi buồn trước cảnh ngày tàn và tâm trạng thao thức của chị em Liên mong mỏi chờ đợi một chuyến tàu đêm, thế nhưng qua chuyện kể tưởng như quá đơn sơ, nhỏ nhặt ấy, Thạch Lam đã thể hiện khá chân thực khung cảnh nghèo nàn, đơn điệu của phố huyện nhỏ và thân phận khốn khổ, nhàm chán của những con người ở đó. Đan xen, hài hoà với chất hiện thực ấy, chất lãng mạn, chất thơ thể hiện ở cảm giác mơ hồ về thời gian, không gian, cái thăm thẳm mênh mông của vũ trụ, khung cảnh miền quê êm ả, đượm buồn, sự hồi tưởng về quá khứ và ước mơ kín đáo, xa xôi về tương lai...

- Đặc biệt, Hai đứa trẻ là minh chứng rõ nhất cho loại truyện tâm tình của Thạch Lam. Cuộc sống nghèo nàn nơi phố huyện chỉ là cái nền để tác giả nói tới quan hệ giữa những người dân mộc mạc trong cảnh sống bình thường ; cái tình người chân chất cứ nhẹ nhàng thấm sâu khắp thiên truyện, nó toả ra trong mọi mối quan hệ : giữa chị em Liên với nhau, giữa chị em Liên với chị Tí, bác Xẩm, bác Siêu, mấy đứa trẻ nhặt rác,... Ngay trong cách cư xử của chị em Liên với bà cụ Thi, người đọc cũng thấy sự ấm áp của tình thương và sự cảm thông. Khi miêu tả từng nhân vật, Thạch Lam ít quan tâm đến ngoại hình, hành động mà ông tập trung chú ý tới thế giói nội tâm, cái “hiện thực tâm hồn” với những cảm giác, cảm xúc mong manh, mơ hồ. Với nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật rất tinh tế, Thạch Lam đã khắc hoạ được những xao động trong tâm hồn cô bé Liên : lúc chiều về trên phố huyện “lòng buồn man mác” ; thấy mấy đứa trẻ bới rác mà “động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”; sự hãnh diện với chiếc xà tích và cái khoá “vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang”; cái ước mơ chập chờn “thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi”... khi đoàn tàu đã đi qua... Thạch Lam còn có giọng điệu rất riêng biệt, độc đáo - đó là giọng kể chuyện thủ thỉ như tâm sự vói người đọc, rất nhỏ nhẹ mà man mác, thi vị. Người đọc thấy ẩn hiện, kín đáo, lặng lẽ sau những hình ảnh, những dòng chữ một tâm hồn Thạch Lam đôn hậu, tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi biến thái của lòng người và tạo vật. Văn Thạch Lam rất tiêu biểu cho tính cách người Việt, những người “sống cảm nhiều hơn là suy nghĩ” (Hoài Thanh).

3. Anh (chị) hãy nêu nhận xét về cảm hứng thiên nhiên của Thạch Lam qua truyện ngắn Hai đứa trẻ.

Trả lời: 

Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, nhà văn đã thể hiện khá rõ cảm hứng về thiên nhiên:

- Tác giả đã miêu tả khá thành công nhiều bức tranh thiên nhiên thơ mộng, đầy gợi cảm. Chẳng hạn, những âm thanh, hình ảnh quen thuộc của mùa hạ lúc chiều tà : “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều” ; “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” ; hay không khí êm đềm, tĩnh lặng khi đêm xuống ở làng quê : “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”.

- Điều đáng nói hơn là thiên nhiên và con người ở đây luôn được khắc hoạ trong sự hoà hợp với nhau. Hai đứa trẻ có thể phát hiện tinh tế những biến thái của đất trời, cây cỏ : “An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông", “Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”.

- Qua cảm hứng về thiên nhiên, Thạch Lam đã ít nhiều gọi được ở người đọc những tính cảm đối với quê hương xứ sở. Có lẽ đây cũng là điều góp phần tạo nên sự đặc sắc của thiên truyện này. Tiếc rằng, lâu nay cảm hứng ấy ít được chúng ta bàn tới.

4. Phân tích hình anh hai chị em Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Trả lời: 

Đây là một đề thuộc kiểu bài phân tích nhân vật. cần phân tích hai mặt trong cuộc sống của chị em Liên :

+ Cuộc sống vật chất

+ Cuộc sống tinh thần

Hai mặt đó có liên quan với nhau. Không nhất thiết phải tách ra thành hai đoạn rạch ròi, cân xứng, nhưng phải làm rõ được hai mặt nói trên :

- Cần đặt chị em Liên vào khung cảnh chung - cuộc sống của cả phố huyện với những người cũng như Liên:

+ Nghèo khổ trong cuộc sống vật chất

+ Hạn hẹp, tù túng trong cuộc sống

- Cần nhận rõ những nét đẹp trong cách sống của chị em Liên (cách cư xử giữa hai chị em, tình cảm giữa những người nghèo). Và nhất là khát vọng tinh thần hướng về một cái gì mói lạ, về những chân trời mới tuy còn mơ hồ, mong manh.

- Thạch Lam viết văn rất tinh tế, gợi lên nhiều ấn tượng, nhiều ẩn ý hơn là nói rõ, nói trực tiếp. Vậy từ những chi tiết, những câu chữ trong văn bản có thể nói thêm những cảm nhận của mình.

5. Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Trả lời: 

Có thể phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên theo dòng chảy của thời gian từ chiều tối cho đến đêm khuya theo các ý sau :

+ Trong buổi chiều tà : Buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn, cảm thương với lũ trẻ con nhặt rác nơi góc chợ, cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc của chị em Liên với phố huyện nghèo, buồn tẻ, tăm tối.

+ Khi trời tối hắn : Không muốn tính tiền hàng vì chảng được bao nhiêu ; sợ bà cụ Thi điên với tiếng cười khanh khách xa dần ; không còn sợ bóng tối ; trong đêm, Liên mải mê với những bí ẩn của vũ trụ đầy trăng sao, thao thức, ngóng chờ chuyến tàu đêm đi qua phô huyện mặc dù hai chị em đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn gượng để thức.

+ Khi đoàn tàu đến phố: Háo hức, vui mừng, thoả thích, say sưa nhìn ngắm và liên tưởng.

+ Khi đoàn tàu rời phố. Buồn man mác, lưu luyến và hoài niệm về quá khứ.

- Ý nghĩa của việc khắc hoạ tâm trạng nhân vật Liên.

+ Cho thấy bức tranh hiện thực về cuộc sống ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

+ Làm rõ hơn đời sống nội tâm của nhân vật để cảm thương, trân trọng hơn những khát khao, mong ước của họ.

+ Gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ bị nhấn chìm, bị chết mòn trong buồn chán, đói khổ, tù túng và bế tắc của những kiếp người nhỏ bé, mong manh trong xã hội cũ.

+ Khẳng định ngòi bút nhân đạo sâu sắc của Thạch Lam.

+ Chứng minh khả năng quan sát tinh tế, tâm hồn nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người.

Sachbaitap.com

Từ khóa » Cảm Nhận Về Ngọn đèn Con Của Chị Tí