Soạn Bài Thao Tác Lập Luận Bình Luận Ngắn Nhất | Soạn Văn 11

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Thao tác lập luận bình luận giúp các em hiểu biết về thao tác lập luận bình luận trong cách làm bài văn nghị luận. Từ đó, viết được một vài đoạn văn bình luận về một chủ đề gần gũi với cuộc sống và suy nghĩ của học sinh.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.

    Cùng tham khảo...

Soan bai Thao tac lap luan binh luan

Lý thuyết Thao tác lập luận bình luận

I. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

1. Thao tác lập luận bình luận là gì?

Khái niệm:

- Thao tác lập luận bình luận là thao tác lập luận của văn nghị luận, đưa ra ý kiến đánh giá, bàn bạc về một tình hình, một vấn đề nào đó.

2. Mục đích của thao tác lập luận bình luận

Thuyết phục người đọc, người nghe tán đồng với mình về một hiện tượng, vấn đề nào đó...

3. Yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

  • Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận.
  • Lập luận để khẳng định nhận xét, đánh giá của mình là đúng đắn.
  • Bàn bạc, mở rộng vấn đề một cách sâu sắc và có sức thuyết phục.
  • Cần có quan điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Bố cục mạch lạc, khi bình luận cần chính xác, trong sáng.
  • Phải nắm vững kĩ năng bình luận.

4. Vai trò của thao tác lập luận bình luận

Thể hiện chính kiến của mình và thuyết phục người nghe.

II. Cách bình luận

Khi thực hiện thao tác lập luận bình luận có 3 bước:

  • Bước 1: Nêu hiện tượng, vấn đề cần bàn luận → Trình bày trung thực, rõ ràng, ngắn gọn vấn đề cần bình luận.
  • Bước 2: Đánh giá hiện tượng, vấn đề cần bàn luận → Phải đề xuất và chứng tỏ được ý kiến, nhận định, đánh giá của mình là xác đáng.
  • Bước 3: Bàn về hiện tượng, vấn đề cần bình luận → Cần có những lời bàn xâu rộng về chủ đề bình luận.

Soạn bài Thao tác lập luận bình luận ngắn nhất

Gợi ý trả lời các câu hỏi soạn văn Thao tác lập luận bình luận trang 71-73 SGK Ngữ văn 11 tập 2 ngắn nhất.

Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

Câu 1 trang 71 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Bình luận là đánh giá (xác định phải trái, đúng sai, hay dở) và bàn bạc (trao đổi ý kiến).

Câu 2 trang 71 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Đoạn trích Võ Thị Hảo về vấn đề giao thông có sử dụng kiểu lập luận bình luận. Điều này thể hiện ở:

- Chủ đề lập luận: Vấn đề giao thông và tai nạn giao thông ở nước ta.

- Mục đích thuyết phục: hướng đến đề xuất “chúng ta cần một chương trình truyền thông hiệu quả hơn để “những lưới hái tử thần”, “không còn nghênh ngang trên đường phố”.

- Các lập luận được triển khai chặt chẽ, có hệ thống và giàu sức thuyết phục.

- Có mở rộng vấn đề bình luận: vấn đề an toàn giao thông không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực giao thông mà là “món ăn văn minh” đem ra “đãi khách” trong thời gian giao lưu, hội nhập toàn cầu.

Câu 3 trang 71 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Muốn làm cho ý kiến bình luận có sức thuyết phục người đọc (người nghe) thì phải nắm vững kĩ năng bình luận.

Câu 4 trang 71 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Con người dám và có kĩ năng tham gia bình luận để trở thành người có ích cho xã hội. Muốn có các cuộc tranh luận có hiệu quả, bổ ích chúng ta cần thành thạo kĩ năng bình luận.

Luyện tập Thao tác lập luận bình luận

Câu 1 trang 72 SGK Ngữ văn 11 tập 2

a) Vì người đọc, người nghe không thế tiếp nhận và càng không thể tiếp nhận một cách hứng thú những lời bình luận về một hiện tượng (vấn đề) một khi họ còn mơ hồ chưa rõ về chính cái hiện tượng (vấn đề) được đưa ra bình luận đó.

b) Nên trình bày hiện tượng (vấn đề) cần bình luận rõ ràng, trung thực.

Câu 2 trang 72 SGK Ngữ văn 11 tập 2

– Tình trạng hút thuốc lá trong học sinh

=> Học sinh có quyền tự do cá nhân riêng, nhưng phải phù hợp với nội quy của trường học, nếu trường học quy định không cho học sinh hút thuốc trong trường học thì các em học sinh nên tôn trọng và tuân thủ.

– Lũ ở Đồng Tháp Mười có phải chỉ là tai họa?

=> Lũ lớn ở Đồng Tháp Mười gây ra nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên khi địa phương này không có lũ hoặc lũ muộn lại ảnh hưởng nhiều tới công việc sản xuất vào mùa lũ của nhiều người dân sống bằng chăn nuôi, đánh bắt thủy sản trên địa bàn.

Câu 3 trang 72 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Cả 3 câu trên đều đúng khi nói về bàn về vấn đề, hiện tượng nào đó.

Soạn bài Thao tác lập luận bình luận chi tiết

Gợi ý trả lời các câu hỏi soạn văn Thao tác lập luận bình luận chi tiết trang 71-73 SGK Ngữ văn 11 tập 2.

Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

Bài 1 trang 71 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta rất hay gặp từ bình luận (bình luận tình hình thời sự, bình luận quân sự, bình luận thể thao,…). Theo anh (chị), từ bình luận trong những trường hợp ấy mang ý nghĩa gì?

(Gợi ý: Anh (chị) có thể giải thích về bóng đá cho một người chưa biết, chưa hiểu gì về bóng đá, nhưng anh (chị) có thể bình luận về bóng đá với những người không biết, không hiểu về bóng đá hay không? Bình luận về bóng đá có phải nhằm dẫn dắt người nghe từ chỗ chưa biết đến chỗ biết, từ chỗ chưa hiểu đến chỗ hiểu về bóng đá hay không? Khi chưa có những ý kiến nhận xét về một trận đấu không? Vậy anh (chị) phải thực hiện công việc bình luận bằng những ý kiến như thế nào, với ai và để làm gì?)

Trả lời

Bình luận: là bàn bạc, đánh giá, nhận xét về sự đúng sai, thật giả, lợi hại của các hiện tượng đời sống như: ý kiến, chủ trương, sự việc, con người, tác phẩm văn học…

Bài 2 trang 71 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Hãy tìm hiểu một lần nữa đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ (Ngữ văn 11, tập một)

a) Trong đoạn trích đó, tác giả có nhận định, đánh giá đúng – sai, hay – dở không? Có bàn bạc sâu rộng vấn đề được nói đến hay không? Nếu có thì đích cuối cùng của các lời nhận định, đánh giá, bàn bạc đó là gì?

b) Nguyễn Trường Tộ có lí do để viết Xin lập khoa luật không, nếu vào lúc bấy giờ, ai nấy đều đã thống nhất rằng muốn trị nước thì phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu hay lễ nghĩa, rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức?

c) Dựa vào nhận thức về ý nghĩa của từ bình luận trong mục 1, anh (chị) thấy Xin lập khoa luật có phải là một đoạn trích có tính chất bình luận không? Vì sao không thể coi đây là một đoạn trích chứng minh hay giải thích?

Trả lời

a) Trong đoạn trích, Nguyễn Trường Tộ có đưa ra những nhận định, đánh giá đúng - sai, hay - dở (Ai hiểu luật được sẽ làm quan,… Bất cứ một hình phạt nào ở trong nước không vượt ra ngoài luật…) đồng thời cũng có bàn bạc mở rộng (Biết rằng đạo làm người không gì lớn bằng trung hiếu…). Tất cả những lập luận đều nhằm hướng tới khẳng định vai trò của pháp luật và việc giáo dục luật pháp trong xã hội.

b) Nguyễn Trường Tộ rõ ràng có lí do để đề nghị lập khoa luật bởi trên thực tế, muốn trị nước phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu lễ nghĩa và rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức.

c) Đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ là một đoạn lập luận bình luận vì nó thể hiện rõ tính chất đề xuất vấn đề đồng thời các lập luận cũng là để hướng vào thuyết phục người đọc tán đồng thời với những nhận xét, đánh giá của tác giả.

Bài 3 trang 71 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Muốn làm cho ý kiến bình luận có sức thuyết phục người đọc (người nghe) thì phải nắm vững kĩ năng bình luận. Vì sao?

Trả lời

Muốn làm cho ý kiến bình luận có sức thuyết phục người đọc (người nghe) thì phải nắm vững kĩ năng bình luận.

Vì: Nếu không nắm vững kỹ năng bình luận thì vấn đề sẽ không được làm rõ, ý kiến cá nhân cũng không được chấp nhận vì dẫn chứng, lý lẽ không rõ ràng.

Luyện tập Thao tác lập luận bình luận

Bài 1 trang 72 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Có người cho rằng bình luận chẳng qua chỉ là sự kết hợp của hai kiểu lập luận giải thích và chứng minh. Nhận xét ấy đúng hay không đúng? Vì sao?

Trả lời:

Bình luận không phải là giải thích, không phải chứng minh và cũng không phải là giải thích và chứng minh cộng lại. Sự khác nhau là ở mục đích.

+ Mục đích của giải thích là giúp người nghe (người đọc) hiểu nhận định được nêu, còn mục đích của chứng minh là giúp họ tin rằng nhận định ấy là có căn cứ trong sự thật (hay lẽ phải).

+ Sự giải thích, do đó, phải hướng về những người còn chưa rõ, chưa tin. Trong khi ấy, mục đích cuối cùng của bình luận lại là giúp người nghe (người đọc) đánh giá hiện tượng (vấn đề) được chính xác, toàn diện, công bằng và bàn luận cùng họ về những ý nghĩa sâu rộng có thể rút ra từ hiện tượng (vấn đề) đó, bằng những ý kiến chặt chẽ, sắc sảo và mới mẻ của riêng mình.

+ Xét về bản chất, lập luận bình luận là để dành cho những người đã biết, đã có ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) nào đó, nhưng ý kiến của họ còn khác với ý kiến của người bình luận.

=> Vì thế, yêu cầu cao nhất của hoạt động bình luận không phải là dễ hiểu (đó là yêu cầu của giải thích), hay có nhiều dẫn chứng phong phú, đáng tin cậy (đó là yêu cầu của chứng minh). Trôi chảy, hấp dẫn, giàu nhiệt tình thuyết phục, giàu tính đấu tranh cho quan điểm, ý kiến đúng đắn, đó mới là những phẩm chất thích hợp với văn bình luận.

Bài 2 trang 72 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Đoạn trích (trang 73 SGK Ngữ văn 11 tập 2) có sử dụng thao tác bình luận không? Căn cứ vào đâu để anh (chị) có thể kết luận là có (hoặc không)?

Trả lời:

Đoạn trích của Võ Thị Hảo về vấn đề giao thông có sử dụng kiểu lập luận bình luận. Điều này thể hiện rõ ở:

- Chủ đề lập luận: Vấn đề giao thông và tai nạn giao thông ở nước ta.

- Mục đích thuyết phục (mục đích lập luận): hướng đến đề xuất "chúng ta cần một chương trình truyền thông hiệu quả hơn để "những lưỡi hái tử thần" không còn nghênh ngang trên đường phố!".

- Các lập luận được triển khai chặt chẽ, có hệ thống và giàu sức thuyết phục:

+ Bài viết mở đầu bằng hai dẫn chứng tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh đối với người đọc.

+ Tiếp đến là những phân tích, bình luận rất xác đáng về "thần chết" trong lĩnh vực giao thông.

+ Lập luận thêm thuyết phục bởi những số liệu thống kê mà tác giả đã dẫn ra.

+ Đề xuất của tác giả.

Bài 3 trang 72 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Sau khi đọc và suy nghĩ kĩ về đoạn trích Xin lập khoa luật, anh (chị) thấy mình có thể bình luận gì thêm về vai trò của pháp luật và việc giáo dục pháp luật trong xã hội?

Trả lời:

Bài “Xin lập khoa luật” chúng ta còn có thể bình luận thêm:

- Nêu vai trò của pháp luật đối với xã hội ta hiện nay.

+ Làm cho mọi người hiểu được pháp luật và làm theo pháp luật

+ Để xây dựng xã hội thực sự văn minh, công bằng

- Làm thế nào để có luật nghiêm và làm tốt việc giáo dục pháp luật trong xã hội

+ Đặt ra luật pháp và hoàn chỉnh bộ luật. Luật pháp phải xuất phát từ hiện thực và nguyện vọng của nhân dân

+ Mọi người phải có ý thức sống và làm theo pháp luật. Đặc biệt nêu cao tinh thần gương mẫu của mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức trong việc chấp hành pháp luật.

Soạn bài Thao tác lập luận bình luận nâng cao

     Đọc tài liệu tổng hợp bổ sung thêm phần soạn văn lớp 11 nâng cao bài Thao tác lập luận bình luận để các em học sinh học chương trình cơ bản có thêm nhiều tài liệu tham khảo, mở rộng kiến thức.

Câu 1. Đọc kĩ bài văn ngắn Thời gian nhàn rỗi để trả lời bốn câu hỏi :

a) Văn bản bình luận về thời gian nhàn rỗi đối với đời sống con người, trong đó khẳng định thời gian nhàn rỗi cực kì quan trọng.

b) Trước khi tìm hiểu cách nêu vấn đề bình luận như thế nào, cần hiểu rõ yêu cầu của hai chữ “bình luận”. Bình luận là bàn bạc và đánh giá về sự đúng sai, hay dở, lợi hại của một hiện tượng đời sống. Ở đây là bàn bạc, đánh giá về thời gian nhàn rỗi.

Vì vậy nêu vấn đề bình luận là khẳng định giá trị của thời gian nhàn rỗi.

Có thể có nhiều cách bình luận về vấn đề này, nhưng bài viết tập trung vào một khía cạnh: thời gian nhàn rỗi gắn với đời sống riêng của mỗi người, với nhu cầu tu dưỡng, giao tiếp, hoạt động văn nghệ, thể thao, tự học,… giúp con người phát triển năng lực, cá tính, văn hoá,…

c) Bài viết khẳng định ý nghĩa của thời gian nhàn rỗi. Hãy cho biết cách sử dụng thời gian đó đối với mỗi người.

d) Kết luận, bài viết liên hệ thực tế, đề ra yêu cầu mọi người và xã hội hãy quan tâm tới thời gian nhàn rỗi.

Câu 2. Lập dàn ý bình luận ý kiến: “Đời người quý nhất là sự sống”. Yêu cầu của bình luận là bàn bạc, đánh giá ý kiến về mặt đúng sai, tốt xấu, lợi hại. Vậy muốn bình luận trước hết phải tìm hiểu ý kiến ấy có nội dung gì, thế nào là “sự sống”, thế nào là “quý”, cách “quý” của mỗi người lại khác nhau thì đánh giá như thế nào. Từ cách hiểu đó mà tiến hành bình luận.

“Đời người quý nhất là sự sống” là một chân lí hiển nhiên: ai cũng chỉ sống có một lần, sống hơn chết, sinh ra ở đời không ai muốn chết, vậy đó là một chân lí ai cũng biết.

Tuy nhiên, đi sâu vào nội dung mới thấy có nhiều vấn đề nảy sinh. Có phải mọi sự sống, cách sống đều quý như nhau hay không? Ví dụ sống mà ốm đau, bệnh tật, sống mà tầm thường, thậm chí làm hại người khác, phạm tội ác thì thế nào. Sống thế nào cho có hạnh phúc, có ý nghĩa ở trên đời là vấn đề đặt ra bức thiết cho mỗi người. Đó đều là những vấn đề cần bàn bạc để thấy rõ “đời người quý nhất là sự sống”.

Theo gợi ý này, học sinh có thể suy nghĩ thêm và lập dàn ý bình luận.

Câu 3. Bình luận câu thơ Hồ Xuân Hương

− Câu thơ của nữ sĩ cho thấy thái độ coi thường “sự anh hùng” của tướng Sầm Nghi Đống. Cần tìm hiểu để biết Sầm Nghi Đống là ai, tại sao có đền thờ để hiểu cái “sự anh hùng” của ông ta.

− Câu thơ tỏ chí không thua “phận làm trai” của một phụ nữ dưới xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.

Câu 4. Bình luận ý kiến của nhà triết học Anh Ph. Bê-cơn về đọc sách. Có thể nhận định, đánh giá ý kiến đó theo các phương diện sau :

− Một ý kiến sâu sắc (sâu sắc như thế nào ?).

− Một ý kiến thú vị (lí luận mà đọc thấy thú vị thì nó phải như thế nào ?).

− Một ý kiến bổ ích (bổ ích đối với ai, như thế nào ?).

Tổng kết Thao tác lập luận bình luận

  • Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của mình về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học.
  • Có nhiều cách bình luận. Nhưng dù theo cách nào thì người bình luận cũng phải:

- Trình bày rõ ràng, trung thực hiện tượng (vấn đề) được bình luận.

- Đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá của mình là xác đáng.

- Có những lời bàn sâu rộng về chủ đề bình luận.

-/-

Trên đây là những gợi ý trả lời câu hỏi soạn văn 11 bài Thao tác lập luận bình luận với đầy đủ các yêu cầu của các em học sinh. Hi vọng các em có thể tự soạn bài Thao tác lập luận bình luận của bản thân thật đúng và hữu ích khi làm văn nghị luận sau này.

Từ khóa » Tác Lập Luận Bình Luận