Soạn Bài Vào Phủ Chúa Trịnh SBT Ngữ Văn 11 Tập 1

1. Tìm trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh những từ ngữ nói lên thái độ của Lê Hữu Trác đối với danh lợi.

Trả lời:

Muốn hiểu đúng đoạn trích, cần hiểu con người tác giảXem chú thích từ danh lợi ở bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát (trang 41, SGK). Khái niệm danh lợi xưa thường được nhà nho sử dụng để chỉ việc làm quan (làm quan có danh vị, lại có lợi - bổng lộc). Cần tìm trong đoạn trích những từ như quê mùa mà Lê Hữu Trác tự nói về mình. Quê mùa có sắc thái đối lập vói thành thị. Đây là cách dùng từ của một nhà nho ẩn dật lánh đòi có thái độ xem thường danh lợi. Tìm những từ ngữ tác giả trực tiếp nói về danh lọi, ví dụ như nỗi bãn khoăn của ông khi đưa ra phương án chữa bệnh cho thế tử, lo rằng nếu ông chữa khỏi bệnh cho thế tử thì sẽ bị danh lọi ràng buộc, bởi lẽ người ta sẽ phong chức tước cho ông và ông không được sống cuộc sống tự do, không được “về núi” nữa. Ông đưa ra phương thuốc điều trị cho thế tử sau khi nghĩ đến truyền thống gia đình : “Cha ông mình đòi chịu ơn của nước, ta phải dốc hết cả lòng thành, để nối tiếp cái lòng trung của cha ông mình” chứ không hề nhằm được thăng thưởng.

2. Cho biết ý nghĩa của việc quan sát, miêu tả người và cảnh trong phủ chúa Trịnh.

Trả lời:

Cần chú ý đến dụng ý của tác giả khi quan sát và chọn các sự việc, nhân vật để miêu tả. Có thể tách riêng việc tả người và tả cảnh để lần lượt phân tích. Các nhân vật chính của đoạn trích là các quan - thầy thuốc, quan Chánh đường (tức Huy Quận công Hoàng Đình Bảo), thế tử. Họ sống trong cảnh giàu sang, phú quý (những yếu tố này anh (chị) có thể tìm thấy dễ dàng, chẳng hạn “mâm vàng, chén bạc”). Cảnh trí trong phủ chúa : cần chú ý đến các cảnh được tả như vườn hoa, cung điện, lầu gác,... Lí giải tại sao lại có sự chú ý như vậy. Tác giả nhấn mạnh quyền lực của nhà chúa, quyền lực của quan Chánh đường, sự sang trọng chốn cung phủ. Có thể có ngầm ẩn một hàm ý phê phán nhất định đối với chúa Trịnh qua những miêu tả tưởng như vô tình về lầu gác, cung điện sơn son thếp vàng, ghế ngồi chạm rồng của chúa, các cung nữ,... Rồng là biểu tượng của vua, thế mà chúa Trịnh cũng sử dụng thì trật tự luân thường ở đây đã bị chính chúa Trịnh chà đạp. Cũng có một ý nghĩa nữa là tác giả kín đáo phê phán lối sống xa hoa, truỵ lạc của chúa Trịnh.

Nhưng cần biết một ý nghĩa ngầm ẩn rất quan trọng của việc tả cảnh giàu sang, phú quý này : Đoạn kết Thượng kinh kí sự có kể khi Lê Hữu Trác về đến Hương Sơn, Hà Tĩnh được vài ngày thì nghe tin cả nhà quan Chánh đường bị hại (đây muốn nói đến sự kiện kiêu binh nổi loạn, giết Quận Huy), ông viết : “Tôi nghe chuyện than rằng : - Giàu sang như mây nổi, những noi đàn sáo lâu đài trước đây bỗng phút chốc thành gò hoang cồn vắng. Lại mừng thầm rằng mình đã ẩn thân nơi núi rừng, chẳng đoái hoài gì tới chuyện công danh thành đạt. Một sớm bị triệu, mang thân già tới kinh, thấm thoắt đã một năm trời. Trăm xin nghìn cầu mới được thoát khỏi. Ví như lúc đầu lòng dạ không bền vững, để vướng mắc vào một chức quan, thì đúng là bây giờ danh chưa thành mà thân đã nhục vậy”. Như vậy, việc miêu tả kĩ lưỡng cảnh giàu sang, phú quý ở đoạn trích này là chuẩn bị cho một triết lí sẽ nêu lên ở đoạn kết “giàu sang như mây nổi” và triết lí bảo thân (giữ mình) của một ẩn sĩ lánh đời, xa chốn quan trường, quay lưng với danh lợi.

3. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả hiện thực phủ chúa Trịnh trong đoạn trích.

Trả lời:

- Anh (chị) cần chú ý đến hai điểm : thứ nhất là việc tác giả lựa chọn chi tiết và thứ hai là thái độ, cảm xúc mà tác giả bộc lộ trước đối tượng miêu tả.

- Chú ý sự quan sát tinh tế và chọn chi tiết điển hình, có sức diễn tả cao ; đồng thời lưu ý việc tác giả luôn bộc lộ ấn tượng, cảm tưởng, cảm nhận của bản thân trước các hiện tượng quan sát thấy trong phủ chúa.

+ Các chi tiết như “cáng chạy như ngựa lồng”, “người có việc quan qua lại như mắc cửi” mở đầu báo hiệu không khí khẩn trương cúa phủ chúa.

+ Tác giả quan sát các công trình kiến trúc, cảnh trí qua hình khối, màu sắc. hương thơm, âm thanh để truyền đạt đến bạn đọc cảm nhận của bản thân.

+ Chỉ ra các chi tiết nói về quyền lực của quan Chánh đường, ví dụ như điếm “Hậu mã quân túc trực”, nơi ngồi nghỉ của vị quan này ; chi tiết khi quan đến, mọi người đều đứng dậy, rồi ông ngồi trên,... Hầu như tất cả mọi công việc được kể trong đoạn trích đều do quan Chánh đường quyết định.

+ Các chi tiết liên quan đến thế tử : người ngồi trên sập độ “năm, sáu tuổi”, Lê Hữu Trác lạy bốn lạy trước cậu bé này, được cậu cười khen : “Ông này lạy khéo!”. (Một ông già phải lạy một cậu bé năm, sáu tuổi. Tại sao tác giả lại ghi chép chi tiết này ? Có thể là chi tiết ấy đã gây cho ông ấn tượng về cái giá mà ngưòi muốn có danh lợi sẽ phải trả.). Nhận xét về nguyên nhân bệnh tật, ông nghĩ là “thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi”.

Các chi tiết đều có nghĩa ngầm ẩn tinh tế, thường bao hàm sự đánh giá, thái độ của Lê Hữu Trác. Tác giả làm như miêu tả vô tình hay thoáng qua các hiện tượng, sự việc nhưng thực ra sau những dòng chữ ấy là những nỗi niềm, cảm xúc, thái độ đối với giàu sang, phú quý và quyết tâm giữ vững phẩm chất đạo đức, khí tiết của mình.

4. Phân tích vài nét đặc sắc trong ngòi bút kí sự của tác giả trong đoạn trích.

Trả lời:

Có thể nêu ra những nét đặc sắc trong ngòi bút kí sự của Lê Hữu Trác trong đoạn trích :

- Miêu tả, ghi chép rõ nét, trung thực, sinh động, nhiều màu sắc : vườn cây, lối đi, hành lang, địa danh cụ thể, tên người, tên quan có thật trong phủ chúa, cảnh nơi chúa ngự, thể trạng thái tử, cuộc đối thoại của tác giả với quan Chánh đường.

- Chọn lựa chi tiết tiêu biểu, ấn tượng : quang cảnh trong phủ chúa, hình ảnh thế tử, sự tăm tối đầy ám khí của phủ chúa, cách bài trí đồ đạc trong phủ chúa, cuộc đối đáp của tác giả với quan Chánh đường.

- Kết hợp miêu tả, tự sự và biểu cảm tạo sự cuốn hút, tăng giá trị hiện thực, gây ấn tượng sâu sắc về cảnh, việc và người nơi phủ chúa.

- Giọng điệu châm biếm, hài hước, phê phán nhẹ nhàng, kín đáo : thể hiện qua lời ngợi ca cảnh vật, lời nhận xét về phủ chúa, cách luận giải về bệnh tình của thế tử.

- Tổ chức điểm nhìn trần thuật linh hoạt : có đoạn sự việc được kể theo quan sát của nhân vật xưng tôi ; có đoạn nhà văn để cho nhân vật quan truyền chỉ miêu tả, giới thiệu. Người đọc có cảm tưởng không chỉ có Lê Hữu Trác dẫn ta vào phủ chúa để tự do quan sát, ngắm nhìn mà cả những kẻ hầu cận chúa cũng đưa ta thâm nhập, khám phá sự thật ở “Đông cung”.

Ngòi bút kí sự đặc sắc của tác giả đã phản ánh sinh động bức tranh chân thực về cảnh sống xa hoa, quyền quý và chân dung một số nhân vật nơi phủ chúa Trịnh, đồng thời cho thấy tấm lòng thanh bạch, bản lĩnh vững vàng, không màng danh lợi, không coi trọng chức tước, bổng lộc của Lê Hữu Trác.

 

Sachbaitap.com

Từ khóa » Phiếu Học Tập Bài Vào Phủ Chúa Trịnh