Soạn Truyện Ngắn Rừng Xà Nu- Tóm Tắt, Bố Cục đầy đủ Nhất

Xin chào các bạn, trong bài viết này HocThatGioi sẽ hướng dẫn các bạn tìm hiểu về bố cục, nội dung, nghệ thuật, giúp các bạn trả lời được các câu hỏi trong phần đọc hiểu của truyện ngắn Rừng xà nu. Cùng HocThatGioi theo dõi đến cuối bài viết nhé!

Chúng ta cùng khái quát sơ lược về tác giả, tác phẩm

I. Tìm hiểu chung về truyện ngắn Rừng xà nu

1. Tác giả

  • Nguyễn Trung Thành (bút danh khác là Nguyên Ngọc) tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
  • Ông là một nhà văn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục nổi tiếng của Việt Nam
  • Ông còn được xem là một nhà văn quân đội, gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, từng được phong hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
  • Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho nền văn học dân tộc: Đất nước đứng lên (tiểu thuyết, 1955), Mạch nước ngầm (truyện vừa, 1959), Rẻo cao (tập truyện ngắn, 1962), Rừng xà nu (truyện ngắn, 1965), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (tập truyện và ký, 1969)
  • Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành: tác tác phẩm của ông mang đậm âm hưởng sử thi và cảm hứng lãng mạn, chất thơ hòa quyện với độ hoành tráng của núi rừng Tây Nguyên, của những người anh hùng cách mạng bất khuất, kiên trung với quê hương đất nước
  • Ông là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam.
Soạn truyện ngắn Rừng xà nu- Tóm tắt, bố cục đầy đủ nhất 3

2. Tác phẩm

  • Truyện ngắn “Rừng xà nu” được viết năm 1965 và in trong tập ” Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”
  • Truyện được viết khi tác giả tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước và hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên anh hùng
  • Có thể nói đây là tác phẩm nổi trội trong thời kì kháng hiến chống đế quốc Mỹ

3. Bố cục

Có thể chia truyện ngắn thành 3 phần:

  • Phần I: Từ đầu đến những đồi xà nu nối tiếp nhau đến chân trời : Đoạn văn miêu tả vị trí và đặc điểm của cánh rừng xà nu.
  • Phần II : Từ ba năm đi lực lượng đến hà… được!: Sau ba năm tham gia bộ đội Tnu được trở về thăm làng trong sự chào đón hân hoan của những người dân trong làng.
  • Phần 3: Đoạn còn lại : Trong đêm Tnú trở về Cụ Mết đã kể lại câu chuyện về cuộc đời đầy đau khổ nhưng anh dũng của Tnú, đồng thời cũng là kể về quá trình chiến đấu chống đế quốc Mĩ của người dân làng Xô Man.

4. Tóm tắt

Rừng xà nu truyện ngắn của tác giả Nguyễn Trung Thành kể về cuộc đời bi tráng của nhân vật Tnu và cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Tnu- một cậu bé mồ côi từ nhỏ, được dân làng Xô Man nuôi lớn. sống trong ngôi làng cách mạng, từ nhỏ Tnu đã sớm tham gia nuôi giấu cách mạng và cùng với bé Mai làm liên lạc. Mặc dù học chữ không giỏi nhưng Tnu lại rất mưu trí khi làm liên lạc, biết ở những nơi đường dễ đi giặc sẽ mai phục cậu luôn chọn những nơi rừng khó đi, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang. Cậu dũng cảm khi bị bắt Tnu nhanh chóng nuốt lá thư vào bụng nhất quyết không nói ra một lời nào cho đám giặc. Trong một lần đi liên lạc, không cẩn thận bị bắt, Tnú bị bắt nhốt trong 3 năm. Sau này khi đã trốn thoát ra khỏi nhà tù của kẻ thù, Tnu trở về cùng với các thanh niên trai tráng trong làng để chuẩn bị vũ khí làm cách mạng. Nhưng chưa kịp nổi dậy bọn thằng Dục đã xông vào làng bắt Mai- là vợ con anh, thấy cảnh vợ con bị hành hạ Tnu không chịu nổi mà xông ra, nhưng chẳng những không cứu được Mai và con, anh còn bị bọn giặc dùng nhựa xà nu ở quê hương đốt hết cả 10 đầu ngón tay anh. Thấy vậy Cụ Mết cùng các thanh niên quay về làng lấy vũ khí chiến đấu, tiêu diệt thằng Dục. Sau biến cố ấy, nén lại đau thương anh tiếp tục tham gia làm cách mạng và lập được nhiều chiến công vang dội, Tnu không gục ngã mà ngược lại anh càng mạnh mẽ hơn, dùng chính đôi bàn tay mỗi ngón chỉ còn một đốt của mình cầm súng để bảo vệ quê hương của mình. Sau này khi được nghỉ phép anh về thăm làng và được cụ Mết tiếp đón chu đáo, cụ còn kể những chuyện mà Tnu đã làm cũng như những đóng góp to lớn của anh cho dân làng nghe. Hôm sau, Tnu chia tay mọi người để trở về đơn vị. Trong cảnh chia tay, mọi người thấy cánh rừng xà nu hiện lên bạt ngàn, bất khuất.

Soạn truyện ngắn Rừng xà nu- Tóm tắt, bố cục đầy đủ nhất 4

5. Nội dung, nghệ thuật

* Giá trị nội dung

  • Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện về sự giác ngộ lí tưởng cách mạng và cuộc nổi dậy từ tự phát đến tự giác của dân làng Xô Man, với triết lí cách mạng được cụ Mết – trưởng bản, đúc kết “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”
  • Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về cuộc đời của Tnú – một người con của núi rừng Tây Nguyên, của bản làng Xô Man. Tnú lớn lên trong không khí cả làng làm cách mạng nên con người ấy nhanh chóng bén duyên.
  • Cuộc đời của Tnú là cuộc đời của biết bao nhiêu con người, cũng là hình ảnh biểu trưng cho cả đất nước Việt Nam đau thương mà quật cường đứng dậy trong cuộc đọ sức cam go với đế quốc Mĩ.

* Giá trị nghệ thuật

  • Câu chuyện được kể theo hình thức truyện lồng truyện, truyện của một đời người của Tnú lại được kể trong một đêm qua lời kể của cụ Mết
  • Xây dựng được không khí sử thi hào hùng, tráng lệ qua lối kể khan của cụ Mết ở nhà ưng tạo nên sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và truyền thuyết.
  • Xây dựng được những hình tượng đặc sắc mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đó là hình tượng của cây xà nu; hình tượng những thế hệ xà nu – những thế hệ của bản làng Xô Man, của mảnh đất Tây Nguyên; hình tượng người anh hùng Tnú
  • Ngôn ngữ đặc sắc, mang đậm chất Tây Nguyên

II. Các câu hỏi phần đọc hiểu SGK

Câu 1:

a. Ý nghĩa nhan đề tác phẩm

  • Ý nghĩa tả thực: Xà nu là một loại cây quen thuộc ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Nhan đề của tác phẩm đề cập đến một loại cây gần gũi với người dân Tây Nguyên. Đây là một loại cây có sức sống mạnh mẽ, chống chịu được trước những khắc nghiệt của thời tiết.
  • Từ hình ảnh quen thuộc ấy, nhan đề còn mang một lớp nghĩa biểu tượng, khi rừng xà nu là hình ảnh ẩn dụ cho lớp lớp thể hệ những người con Tây Nguyên. Đó cũng là những con người kiên cường, mạnh mẽ, không ngại khó khăn, gian khổ, có ý chí quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là đặt vào hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm trong những năm chống Mỹ ác liệt thì những phẩm chất đáng quí ấy của người dân Tây Nguyên càng được thể hiện rõ nét.
  • Ý nghĩa biểu tượng: Qua sức sống mãnh liệt của cây xà nu, rừng xà nu, nhà văn nói đến nỗi đau và sức sống, phẩm chất kiên cường bất khuất của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

b. Hình tượng Rừng xà nu dưới tầm đại bác

  • Sự đau thương, mất mát (“không cây nào không bị thương, cây bị chặt đứt ngang thân mình, nhựa ứa ra… từng cục máu lớn, vết thương cứ loét mãi ra”). Những đau thương mà xà nu phải ghánh chịu cũng giống như sự mất mát, thương đau mà người dân phải chịu khi giặc tàn phá: anh Xút bị treo cổ lên cây vả, bà Nhan bị giặc chặt đầu,…
  • Những phẩm chất tốt đẹp (“sinh sôi khỏe”, “ham ánh sáng”, “thơm mỡ màng”, “ưỡn tấm ngực che chở cho làng”) của xà nu => Đó là ẩn dụ cho số phận đau thương và phẩm chất anh hùng của dân làng Xô Man nói riêng và nhân dân Tây Nguyên nói chung.

c. Hình ảnh cánh rừng xà nu

  • Hình ảnh những cánh đồi trải dài tít tắp đến tận chân trời cho thấy sức sống mạnh mẽ, sự hùng tráng, kiêu hãnh bất diệt của núi rừng Tây Nguyên, con người Tây Nguyên nói riêng và con người Việt Nam nói chung trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt của dân tộc.

Câu 2:

a. Phẩm chất đáng quý của người anh hùng Tnú

  • Gan góc, táo bạo, dũng cảm, trung thực (khi còn nhỏ cùng Mai vào rừng tiếp tế cho anh Quyết): Điều đó trước hết được thể hiện khi học chữ cùng với Mai và anh Quyết. Vì học chữ không vào, tự cảm thấy bản thân mình kém cỏi, tự lấy đá đập vào mình đến chảy máu để cảnh tỉnh bản thân.
  • Lòng trung thành với cách mạng được bộc lộ qua thử thách: Khi bị giặc bắt, tra tấn dã man, lưng T’nú ngang dọc vết dao chém của kẻ thù nhưng anh vẫn gan góc, trung thành, không hé lộ ra nửa lời cho bọn giặc
  • Số phận đau thương: Không cứu được vợ con, bản thân bị bắt, bị tra tấn (bị đốt mười đầu ngón tay).
  • Dùng chính 10 đầu ngón tay bị giặc đốt để quật khởi đứng dậy cầm vũ khí tiêu diệt bọn ác ôn.

*Hình tượng Tnú mới mẻ hơn:

  • Không phải sống kiếp tù đầy, nô lệ mà từ nhỏ đã được sống trong vòng tay yêu thương của dân làng Xô Man. Hơn thế nữa, sớm kế thừa truyền thống của buôn làng, Tnu cũng sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng và tìm đường cứu buôn làng, dân tộc mình.
  • Tnú giác ngộ cách mạng từ nhỏ, con đường tranh đấu của Tnú là con đường tự giác và có ý thức rõ ràng trong khi con đường của A Phủ là con đường tự phát.
  • Trong Tnú chứa đựng chân lí đấu tranh của thời đại: dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng

b. Cụ Mết nhắc đi nhắc lại câu: “Tnu không cứu được vợ con”

  • Cụ Mết muốn nhắc nhở rằng Tnú chỉ có hai bàn tay không thì ngay cả những người yêu thương nhất Tnú cũng không cứu được. Câu nói của cụ Mết muôn khẳng định: chỉ có cầm vũ khí đứng lên mới là con đường sống duy nhất, mới bảo vệ được những gì thân yêu, thiêng liêng nhất; chân lý cách mạng đúc rút từ chính thực tế máu xương, tính mạng của dân tộc, những con người thương yêu nên chân lý ấy phải ghi tạc vào xương cốt, tâm khảm và truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.

c. Câu chuyện của Tnú nói lên một chân lý

  • Câu chuyện của Tnú cũng như của dân làng Xô man nói lên một chân lý với dân tộc ta trong thời đại chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ: phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Cụ Mết muốn chân lí đó phải được truyền cho con cháu bởi chân lí ấy đã được đúc kết từ biết bao xương máu, mất mát của dân làng và vì đó là con đường duy nhất để bảo vệ buôn làng, quê hương. Cho dù có phải hy sinh cũng phải quyết tâm bảo vệ được tổ quốc của chính mình

d. Vai trò của các hình tượng cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng

  • Cụ Mết: “quắc thước như một cây xà nu lớn” là hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh tập hợp đế nổi dậy đồng khởi.
  • Mai, Dít là thế hệ hiện tại, trong Dít có Mai của thời trước và có Dít của hôm nay. Vẻ đẹp của Dít là vẻ đẹp của sự kiên định, vững vàng trong bão táp chiến tranh.
  • Bé Heng là thế hệ tiếp nối, bé heng cũng được coi như là những cây xà nu con trong những cây xà nu bạt ngàn, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.

Câu 3: Hình ảnh cánh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú

  • Cánh rừng xà nu chính là hình ảnh đại diện cho Tnu, vừa là những khó khăn, vất và mà anh phải trải qua, vừa là những phẩm chất tốt đẹp, đáng quí mà anh có.
  • Vẻ đẹp hình thế của Tnu cũng được miêu tả với vẻ đẹp rắn rỏi, chắc chắn của một cây xà nu trưởng thành.
  • Cây xà nu dù bị bao nhiêu bom đạn trút vào cũng không chịu khuất phục, cũng như Tnu mỗi một vết thương thêm vào thân thể anh là một lần anh khắc sâu thêm lòng căm thù giặc và ý chí quyết tâm đánh giặc trả thù nước đền nợ nhà.
  • Xà nu và Tnú luôn được miêu tả ứng chiếu làm nổi bật lẫn nhau, Tnú như một cây xà nu đã trưởng thành mạnh mẽ và đầy sức sống. Phẩm chất kiên cường, sức sống bất diệt của xà nu cũng là phẩm chất bất khuất, anh hùng của Tnú.

=> Xà nu biểu tượng cho làng Xô Man, Tnú biểu tượng cho người anh hùng trong kháng chiến

Câu 4: Vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm

  • Tạo ra cảnh Rừng xà nu làm phông nền thiên nhiên hào hùng, tráng lệ cho câu chuyện kể
  • Kết cấu chuyện: Câu chuyện một đời được kể trong một đêm
  • Khắc họa nhân vật sống động, dẫn chuyện khéo, nhiều chi tiết gợi cảm, gây ấn tượng mạnh
  • Khuynh hướng sử thi thể hiện đậm nét ở tất cả các phương diện: đề tài, chủ đề, hình tượng, hệ thống nhân vật, giọng điệu…
  • Cách thức trần thuật: kể theo hồi tưởng qua lời của cụ Mết (già làng), kể bên bếp lửa gợi nhớ lối kể “khan” sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, những bài “khan” được kể như những bài hát dài hát suốt đêm.
  • Cảm hứng lãng mạn: tính lãng mạn thể hiện ở cảm xúc của tác giả bộc lộ trong lời trần thuật, thể hiện ở việc đề cao vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong thế đối lập với sự tàn bạo của kẻ thù.

Bài viết trên HocThatGioi đã chia sẻ với các bạn bài soạn truyện ngắn Rừng xà nu và những gợi ý giúp các bạn trả lời các câu hỏi trong phần đọc hiểu của tác phẩm. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và hãy đồng hành cùng trong các bài viết tiếp theo để tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé. Chúc các bạn học tốt!

Bài viết khác liên quan đến Lớp 12 – Ngữ Văn – Rừng xà nu
  • Vẻ đẹp của hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu
  • Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm rừng xà nu
  • Top 7 mẫu tóm tắt truyện ngắn Rừng xà nu chi tiết, ngắn gọn
  • 11 mẫu mở bài phân tích tác phẩm Rừng Xà Nu cực hay
  • 15 mẫu mở bài phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng Xà Nu siêu hay
  • Top 5 mẫu phân tích hình tượng rừng xà nu cực chi tiết
  • Sơ đồ tư duy truyện ngắn Rừng xà nu, đầy đủ, chi tiết nhất
  • Dàn ý phân tích truyện ngắn Rừng xà nu ngắn gọn, chi tiết nhất
  • Top 5 mẫu phân tích truyện ngắn Rừng xà nu cực hay
  • 10 mẫu mở bài, kết bài truyện ngắn Rừng xà nu cực hay
  • Truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành- Giáo án chi tiết

Từ khóa » Bo Cuc Rừng Xà Nu