Sỏi Túi Mật - Những Thông Tin Không Thể Bỏ Qua

1. Quá trình hình thành sỏi túi mật

Sỏi túi mật có dạng bùn hoặc viên rắn, nằm bên trong túi mật. Xuất phát điểm của nó vốn là dịch mật trong túi mật có vai trò giúp cơ thể tiêu hóa chất béo và chuyển hóa nhiều loại vitamin.

Có 2 loại sỏi túi mật chính: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố. Loai sỏi cholesterol chủ yếu được tạo ra từ cholesterol trong dịch mật, thường gặp ở các nước phương Tây. Ở nước ta, tỷ lệ bệnh nhân mắc sỏi cholesterol chỉ chiếm khoảng 30 - 50% và chủ yếu ở nhóm bệnh nhân béo phì, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai estrogen. Sỏi sắc tố hình thành chủ yếu do nhiễm khuẩn đường mật, bệnh xơ gan, bị viêm hoặc đã cắt hồi tràng, các bệnh gây tán huyết.

Sỏi túi mật gây nên các cơn đau ở bụng trái hoặc thượng vị

Sỏi túi mật gây nên các cơn đau ở bụng trái hoặc thượng vị

Kích thước và số lượng sỏi túi mật ở mỗi người không giống nhau. Có người chỉ có một viên sỏi nhưng có người lại có đến chục viên. Sỏi có thể bé như hạt cát nhưng cũng có thể to bằng quả trứng.

2. Đối tượng có nguy cơ mắc và triệu chứng sỏi túi mật

2.1. Đối tượng có nguy cơ cao đối với bệnh sỏi túi mật

Những đối tượng sau được xem là có nguy cơ cao đối với bệnh sỏi túi mật:

- Phụ nữ

Sở dĩ nữ giới có nguy cơ cao hơn nam giới trong bệnh lý này là bởi có liên quan đến kích thích tố nữ như progesterone gây giảm vận động túi mật, estrogen làm tăng cholesterol và giảm axit mật hòa tan cholesterol. Estrogen khiến nồng độ cholesterol trong dịch mật gia tăng còn progesterone làm tốc độ giải phóng túi mật bị chậm đi. Đây cũng chính là lý do phụ nữ trước 40 tuổi có nguy cơ sỏi túi mật cao gấp 3 lần nam giới nhưng sau 60 tuổi thì xác suất mắc bệnh này lại giảm xuống.

Bên cạnh đó, phụ nữ còn dễ mắc bệnh này do sử dụng liệu pháp hormon thay thế (estrogen), nhất là những người bổ sung hormone cho cơ thể ở dạng uống. Dùng thuốc tránh thai cũng là lý do khiến phụ nữ tăng nguy cơ với sỏi túi mật.

- Người béo phì

Ở những người béo phì, mô trong cơ thể chứa mỡ nhiều hơn nên khả năng sản xuất estrogen cũng nhiều hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường hoặc chậm nhu động ruột, mắc bệnh hạn chế chức năng túi mật cũng là nhóm có nguy cơ cao với sỏi túi mật.

2.2. Triệu chứng sỏi túi mật

Đa phần bệnh nhân sỏi túi mật không có triệu chứng. Ở những người xuất hiện triệu chứng thì điển hình nhất đó là các cơn đau quặn có đặc điểm:

- Đau lặp lại theo chu kỳ dài 30 phút đến vài giờ.

- Cảm giác đau ở bụng bên phải hoặc thượng vị (dễ nhầm với bệnh dạ dày).

- Tần suất đau liên tục, nhiều, thậm chí có thể ngưng thở vì đau.

- Chủ yếu đau vài giờ sau ăn hoặc về đêm gây mất ngủ.

Bên cạnh cảm giác đau bụng, một số người cũng có triệu chứng đau lưng, đầy bụng, buồn nôn và nôn.

3. Những biến chứng nguy hiểm do sỏi túi mật gây ra

Sỏi túi mật có thể gây biến chứng không báo trước và đột ngột, cản trở quá trình lưu thông từ gan xuống túi mật của dịch mật và từ túi mật xuống đường tiêu hóa. Tùy thuộc vào kích thước sỏi mà biến chứng có sự khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Nguy hiểm nhất có thể kể đến các biến chứng như:

Sỏi túi mật có thể biến chứng thành ung thư túi mật

Sỏi túi mật có thể biến chứng thành ung thư túi mật

- Viêm túi mật cấp: nguyên nhân do sỏi bị kẹt ở cổ hoặc ống túi mật. Trường hợp này bệnh nhân cần phải được phẫu thuật gấp.

- Tắc đường mật: tác nhân gây ra là sỏi túi mật chui vào ống mật chủ khiến cho đường mật bị tắc nghẽn. Biến chứng này tương đối nặng và cần phải lấy sỏi ngay.

- Viêm tụy cấp: nguyên nhân do sỏi túi mật chui vào ống mật chủ và kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ làm tắc nghẽn ống mật và ống tụy. Trường hợp này cũng cần nhanh chóng lấy sỏi ra.

- Ung thư túi mật: thường có liên quan với sỏi túi mật trên 25mm, túi mật sứ, sỏi kèm polyp túi mật. Bệnh diễn biến âm thầm nên thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.

4. Lưu ý về chẩn đoán và điều trị bệnh sỏi túi mật

4.1. Khi nào cần đi khám

Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi có triệu chứng như đã nói đến ở trên hoặc:

- Bị vàng mắt, vàng da không rõ nguyên nhân.

- Sốt cao và ớn lạnh khi sốt.

- Bụng đau dữ dội.

4.2. Phương pháp chẩn đoán là gì

Hiện nay, để chẩn đoán sỏi túi mật, bác sĩ thường căn cứ trên các phương pháp sau:

Siêu âm có thể phát hiện sỏi túi mật

Siêu âm có thể phát hiện sỏi túi mật

- Siêu âm bụng: khả năng chẩn đoán đúng là 90 - 95%.

- Chụp cắt lớp (CT) và cộng hưởng từ (MRI): dùng cho các trường hợp nghi ngờ sỏi mật nhưng không phát hiện được qua siêu âm.

4.3. Phương thức điều trị như thế nào

Để đạt được mục đích loại bỏ bệnh, ngăn ngừa biến chứng thì dù kích thước sỏi là bao nhiêu cũng cần được điều trị càng sớm càng tốt. Có 2 phương thức điều trị phổ biến gồm:

- Không phẫu thuật: dùng thuốc uống tan sỏi, tán sỏi bằng sóng chấn động, làm tan và lấy sỏi qua da hoặc nội soi lấy sỏi túi mật. Những phương pháp này không cắt bỏ túi mật nên nguy cơ tạo sỏi trong tương lai cao, hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào kích thước, loại sỏi và giải phẫu của ống mật.

- Phẫu thuật cắt túi mật: ít đau, khả năng hồi phục nhanh, tính thẩm mỹ cao, sau vài ngày bệnh nhân có thể xuất viện.

Từ những chia sẻ trên đây có thể thấy những biến chứng do sỏi túi mật gây ra là không thể chủ quan và việc điều trị luôn là cần thiết. Để hạn chế nguy cơ mắc phải bệnh lý này mỗi người trong chúng ta nên hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo, tăng trái cây và rau xanh trong thực đơn hàng ngày để giảm nồng độ cholesterol trong máu.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần được tư vấn kỹ hơn về bệnh sỏi túi mật bạn đọc có thể gọi tới tổng đài 1900565656 để được các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ những thông tin hữu ích.

Từ khóa » Hình ảnh Sỏi Túi Mật Trên Siêu âm