Sơn Thù Du: Công Dụng, Hướng Dẫn Sử Dụng & Liều Dùng

Sơn thù du

Sơn thù du

Đặt lịch

Sơn thù du (còn được gọi là thù nhục, du nhục, sơn thu nhục) là dược liệu được dùng phổ biến. Vị thuốc thường được ứng dụng trong điều trị chứng đau lưng, moi gối, di tinh liệt dương do can thận hư tổn; chứng ra mồ hôi; rong kinh ở nữ giới; các chứng huyễn vựng (hoa mắt, chóng mặt…).

Sơn thù du
Sơn thù du (còn được gọi là thù nhục, du nhục, sơn thu nhục) là dược liệu liệu được dùng trong điều trị bệnh phổ biến.

Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Thục táo, Thục toan táo (Bản kinh), Thực táo nhi (Cứu Mang Bản Thảo), Nhục táo (Bản Thảo Cương Mục), Chi thực (Biệt Lục), Thạch táo, Thang chủ, Thực táo nhi thụ (Hòa Hán Dược Khảo); Thử thỉ, Kê túc (Ngô Phổ Bản Thảo); hù nhục (Y Học Trung Trung Tham Tây Lục); Táo bì (Hội Dược y Kính); Trần du nhục, Tỉnh thù nhục, Sao du nhục (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển); Hồng táo bì (Tân Hoa Bản Thảo Cương Yếu); Sơn bản thự (Quảng Tây Trung Dược Chí); Phiến tử dự Phật chưởng thự (Dược Tài Học)…

Tên dược: Fructus corni.

Tên thực vật: Cornus officinalis sieb et zucc.

Thuộc họ: Họ Sơn Thù (Cornaceae).

Đặc điểm sinh thái

Mô tả: 

Sơn thù là cây sống lâu năm, cao khoảng 3m, mọc thành bụi nhỏ. Vỏ cây có màu nâu nhạt, nứt nẻ. Lá cây có hình bầu dục hoặc hình trứng, đôi khi là hình mũi mác. Mép lá nguyên (khoảng 5 -12 cm), đầu lá nhọn, có một ít lông dài, gân lá có màu vàng.

Hoa sơn thù du mọc tại ngọn hoặc nách lá, nở vào tháng 2 – 3 hằng năm, có hình bầu dục, khi chín có màu đỏ tươi. Phần hạt có hình tròn dài.

Phân bố: Sơn thù được trồng nhiều ở miền trung Trung Quốc, Triều Tiên. Loại dược liệu trên chưa được tìm thấy tại Việt Nam.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Quả chín khô, bỏ phần hạt. Nên chọn loại quả có màu hồng, dầu ẩm, dầu, cùi mỏng, hạt vừa. Phần hạt không được dùng làm thuốc.

Sơn thù có hình nang hoặc hình phiến,nhăn dài 1 – 1.5 cm, phần cùi mỏng (chưa đến 0.12 cm). Bên ngoài sơn thù du có mày đen tím, nhăn hoặc màu hồng tím, có miệng rạch bỏ phần hạt. Sơn thù du không mùi, vị chua, hơi đắng.

Thu hái & sơ chế: Vào mùa thu đông – khi quả chuyển sang màu đỏ thì thu hoạch, đem sấy với lửa nhỏ, để nguội, sau đó đem phần cùi phơi khô (hoặc sấy khô ở lửa nhỏ).

Chế biến:

  • Đem ngâm với rượu (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Tửu sơn thù: trộn đều thuốc với sơn thù nhục (cứ 1 kg sơn thù thì dùng 60 ml rượu, cho tất cả vào trong bình, đậy kín, cho vào nồi nước chứng cách thủy. Khi rượu bay hơi hết thì lấy ra, phơi khô. (theo Dược Tài học).

Bảo quản: Đặt dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát.

Thành phần hóa học

Trong Sơn thù du có chứa các thành phần hóa học sau đây:

  • Gallic acid, Tartaric acid, Malic acid, Vitamin A (theo Trung Xung Thái Thất Lang, Phúc Sơn Dược Truyền Hối Báo).
  • Verbenalin, Ursolic acid, Saponin, Vitamin A, Tannin (theo Trung Dược Học).
  • Linoleic acid, Palmitic acid, Oleic acid, Stearic acid, Lauric acid, Linoleic acid (theo Trương Quảng Cường, Trung Dược Tài).
  • Threonine, Leucine, Valine, Isoleucine, Histidine, Lysine, Phenylalanine, Serine, Glycine, Alanine, Glutamic acid, Tyrosine, Aspartic acid, Arginine, Methionine, Cystine, Proline (theo Trung Thảo Dược).

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Sơn thù du có tác dụng sau đây:

  • Tác dụng kháng khuẩn, ức chế được được chủng vi khuẩn Staphylococus aureus.
  • Ức chế ngưng tập tiểu cầu.
  • Lợi tiểu
  • Hạ huyết áp
  • Lợi niệu
  • Giãn cơ
  • Chống kinh giật
  • Chống ung thư
  • Chống lão hóa
  • Làm tăng tế bào.

Theo Y học cổ truyền

Theo một số nghiên cứu của y học cổ truyền, sơn thù du có đặc tính sau:

  • Tư can bổ thận
  • Thu liễm
  • Cố sáp.

Với đặc tính trên, người ta thường dùng sơn thù du trong điều trị các bệnh lý sau đây:

  • Chứng huyễn vựng (hoa mắt, chóng mặt, ù tai).
  • Can thận hư tổn (mỏi gối, di tinh liệt dương, tiểu buốt, đau lưng, tiểu rắt).
  • Hư hãn (vãn mồi hôi tự nhiên).
  • Rong kinh
  • Bạch đới hạ.

Tính vị

Sơn thù du có tính – vị sau đây:

  • Vị chua, tính bình (theo Bản Kinh).
  • Vị cay, mặn, rất nhiệt (theo Dược Tính Luận).
  • Vị chua, tính ôn (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Tính hơi ôn, không có độc ( theo Dược Tính Luận).
  • Vị chát, chua (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Vị sáp, chua, tính ấm (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Qui kinh

Vị thuốc quy vào các kinh sau:

  • Vào kinh túc Thiếu âm Thận, Quyết âm Can (theo Thang Dịch Bản Thảo).
  • Vào kinh túc Quyết âm can, thủ Thái âm Phế (theo Bản Thảo Kinh Giải).
  • Vào kinh Thận, Can (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

XEM THÊM: Bạch đồng nữ – Vị thuốc quý và các bài thuốc chữa bệnh từ cây

Liều dùng và cách dùng

Liều dùng: 4 -12 gam mỗi ngày, có thể tăng liều dùng 40 gam mỗi ngày.

Bài thuốc

Sơn thù du được ứng dụng trong một số bài thuốc sau đây:

Ích thận cố tinh:

Bài thuốc 1 (Viên thảo hoàn):

  • Chuẩn bị: 12 gam sơn thù, 12 gam phá cố chỉ, 12 gam đương quy.
  • Thực hiện: Đem tán các nguyên liệu trên thành bột mịn, thêm 0.1 gam xạ hương tán lại, làm hoàn với mật ong. Thuốc dùng kèm với nước muối nhạt. Bài thuốc thích hợp cho những người bị chứng thận hư nên dương suy yếu, hoa mắt, ù tai, di tinh, điếc, tiểu vặt, đầu gối đau buốt…

Bài thuốc 2:

  • Chuẩn bị: 8 gam sơn thù, 8 gam thạch xương bồ, 8 gam địa hoàng, 8 gam cúc hoa, 8 gam ngũ vị, 8 gam hoàng bá.
  • Thực hiện: Sắc dùng hằng ngày, dùng trong 3 – 5 liệu trình (một liệu trình kéo dài trong 15 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày rồi tiếp tục liệu trình tiếp theo). Bài thuốc có tác dụng trị suy nhược cơ thể do thận hư, suy nhược thần kinh.

Bài thuốc 3:

  • Chuẩn bị: 24 gam thục địa. 12 gam sơn thù, 10 gam đan bì, 10 gam phục linh, 12 gam hoài sơn.
  • Thực hiện: Đêm tán tất cả các nguyên liệu trên thành bột, luyện với mật ong làm hoàn. Bài thuốc có tác dụng tư can bổ thận, trị chứng can thận âm hư, hoa mắt, váng đầu, đau mỏi gối, mồ hôi trộm, hạ nồng độ cholesterol máu, tiêu khát…

Cố kinh cầm máu:

Bài thuốc 1:

  • Chuẩn bị: 40 gam sơn thù, 4 – 8 gam nhân sâm.
  • Thực hiện: Sắc thuốc hằng ngày. Bài thuốc có tác dụng chữa phụ nữ yếu mệt, kinh nguyệt nhiều, giảm tiểu cầu. Chống chỉ định bài thuốc nếu các triệu chứng trên được sinh ra do huyết nhiệt.

Bài thuốc 2:

  • Chuẩn bị: 20 gam thục địa, 20 gam đương quy, 12 gam bạch thược, 20 gam sơn thù.
  • Thực hiện: Sắc uống.

Bài thuốc 3:

  • Chuẩn bị: 15 gam thục địa, 15 gam sơn thù, 1 gam bạch thược, 12 gam đương quy.
  • Thực hiện: Sắc uống. Bài thuốc có công dụng trị chứng kinh nguyệt ra nhiều do cơ thể suy nhược hoặc do giảm tiểu cầu.

Cố biểu cầm mồ hôi

Bài thuốc 1 (Thang lai phục):

  • Chuẩn bị: 40 gam sơn thù, 16 gam long cốt sống, 16 gam mẫu lệ sống, 16 gam bạch thược, 40 gam đảng sâm, 4 gam cam thảo.
  • Thực hiện: Sắc uống tất cả các vị thuốc trên. Bài thuốc dành cho những người mới ốm dậy, yếu mệt, hay ra mồ hôi.

Bài thuốc 2: 

  • Chuẩn bị: 10 gam sơn thù, 12 gam phù tiểu mạch, 15 gam sinh mẫu lệ.
  • Thực hiện: Sắc mẫu lệ trước (trong khoảng 15 – 20 phút), sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào.

Bài thuốc 3:

  • Chuẩn bị: 10 gam sơn thù, 12 gam phù tiểu mạch, 15 gam sinh mẫu lệ, 12 gam câu kỷ tử.
  • Thực hiện: Sắc mẫu lệ trước (trong khoảng 15 – 20 phút), sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào. Bài thuốc thích hợp cho những người bị chứng đổ mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi.

Trị chứng tiểu nhiều, tiểu són, tiểu gắt

  • Chuẩn bị: Nhân sâm, Ngũ vị tử, Ích trí nhân, Ngũ vị tử, Mẫu lệ – một lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: Sắc uống hoặc tán bột làm hoàn (viên).

Trị tai ù, thận hư, trong tai có tiếng ve kêu

  • Chuẩn bị: Thạch xương bồ, Cam cúc hoa, Sơn thù, Hoàng bá, Ngũ vị – một lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: Sắc uống hoặc tán bột làm hoàn (viên).

Kiêng kỵ

Không dùng thuốc cho những trường hợp sau đây:

  • Tiểu không thông, tiểu tiện ít, tiểu tiện rắt buốt.
  • Thấp nhiệt
  • Thanh niên đang trong độ tuổi phát dục bị viêm tiết niệu cấp.

Trên đây là một số thông tin về vị thuốc Sơn thù du. Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả, bạn nên dùng thuốc theo chỉ định và tư vấn của lương y.

Nội dung bài viết mang tính chất tổng hợp và tham khảo. ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán & phương pháp điều trị thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Công dụng của Bạch cập, tính vị, qui kinh
  • Ngọc trúc: Liều dùng, cách dùng & bài thuốc

Từ khóa » Tác Dụng Chữa Bệnh Của Vị Thuốc Sơn Thù