SƠN THÙ DU

SƠN THÙ DU

Tên khác

Thục táo, Thục toan táo (Bản Kinh), Nhục táo (Bản Thảo Cương Mục), Chi thực (Biệt Lục), Thực táo nhi (Cứu Mang Bản Thảo), Thạch táo, Thang chủ, Thực táo nhi thụ (Hòa Hán Dược Khảo), Kê túc, Thử thỉ (Ngô Phổ Bản Thảo), Táo bì (Hội Dược y Kính), Thù nhục (Y Học Trung Trung Tham Tây Lục), Trần du nhục, Sao du nhục, Tỉnh thù nhục, (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Dược táo (Tứ Xuyên Trung Dược Chí), Hồng táo bì (Tân Hoa Bản Thảo Cương Yếu), Phiến tử dự Phật chưởng thự (Dược Tài Học), Sơn bản thự (Quảng Tây Trung Dược Chí).

Tên dược: Fructus corni.

Tên thực vật: Cornus officinalis sieb et zucc. Họ khoa học : Họ Sơn Thù (Cornaceae).

Tiếng Trung: 山 茱 萸

Cây Sơn thù

( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)

Mô Tả :

Cây sống lâu năm, mọc thành bụi nhỏ, cao khoảng 3m. Vỏ cây nứt nẻ, màu nâu nhạt. Lá mọc đối, hình trứng hay hình bầu dục, đôi khi hình mũi mác, mép nguyên, dài khoảng 5-12cm; đầu lá nhọn, mặt có 1 ít lông dài, mặt sau lông dài hơn, gân lá có lông màu vàng. Hoa mọc ở nách cành, nở vào tháng 2-3. Hoa tự tán, cánh hoa hình mũi mác, phẳng. Quả hình bầu dục, khi chín màu đỏ tươi, bóng. Vỏ quả nhăn nhúm, có 1 hạt chia làm 2 ô, trong có 2 nhân. Hạt hình tròn dài.

Địa lý:

Sơn thù mọc ở miền trung Triều Tiên, Trung Quốc. Chưa thấy mọc ở Việt Nam.

Thu hoạch:

Về mùa Thu, Đông, khi quả chuyển sang mầu đỏ, thu hái về, sấy nhỏ lửa, để nguội, lấy cùi lại phơi khô hoặc sấy nhỏ lửa cho khô.

Bộ phận dùng làm thuốc:

Quả chín khô, bỏ hạt. Loại dầy, mập, mầu hồng, có dầu ẩm là loại tốt. Loại cùi mỏng, mầu nhạt hơn là loại vừa. Hạt không dùng làm thuốc (Dược Tài Học).

Mô tả dược liệu:

Sơn thù hình phiến hoặc hình nang, đa số đã bị vỡ, nhăn, dài 1 – 1,5cm, cùi dầy không đến 0,12cm. Mặt ngoài mầu hồng tím hoặc mầu đen tím, nhăn, có miệng rạch bỏ hột, 1 đầu có rốn nhỏ hình tròn. Mầu đậm, mặt trong mầu tương đối nhạt hơn, không trơn bóng. Không mùi, vị chua, chát, hơi đắng (Dược Tài Học).

Bào chế:

Ngâm với rượu, bỏ hột đi, lấy vỏ và thịt quả sấy nhỏ lửa cho khô để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tửu Sơn thù: Trộn đều rượu với Sơn thù nhục (cứ 1kg Sơn thù, dùng 60ml rượu), cho vào bình đựng, đậy kín, cho vào nồi nước, chưng cách thủy cho đến khí hút hết rượu thì lấy ra, phơi khô (Dược Tài Học).

Bảo quản:

Để nơi khô ráo.

Thành phần hóa học:

Gallic acid, Malic acid, Tartaric acid, Vitamin A (Trung Xung Thái Thất Lang, Phúc Sơn Dược Truyền Hối Báo [Nhật Bản] 1933, 1 : 202 ).

Verbenalin, Saponin, Ursolic acid, Tannin, Vitamin A (Trung Dược Học).

Cornus Tannin 1, 2, 3 (T. Okuda và cộng sự, Heterocycles 1981, 16 : 1321).

Isoterchebin, Tellimagradin I, Tellimagradin II, Cornusiin A, B, C (Hatano Tsutsmu và cộng sự, Chem Pharm Bull 1989, 37 (8) : 2083).

Trapai (Hatano Tsutsmu và cộng sự, Phytochemistry 1990, 29 (9) : 2975).

Linoleic acid, Oleic acid, Palmitic acid, Stearic acid, Linoleic acid, Lauric acid (Trương Quảng Cường, Trung Dược Tài, 1991, 14 (1) : 38).

Threonine, Valine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Histidine, Lysine, Serine, Glutamic acid, Glycine, Alanine, Tyrosine, Arginine, Aspartic acid, Methionine, Proline, Cystine (Dương Gia Hoa, Trung Thảo Dược 1989, 20 (11) : 497).

Cornus-tannin (T. Okuda, et al. Heterocycles, 1981, 16 : 1321).

Isoterchebin (Hatano Tsutsmu et al. Chem Pharm Bull, 1989, 37 (8) : 2038).

Tác dụng dược lý:

. Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Sơn thù, in vitro, có tác dụng ức chế Staphylococus aureus (Trung Dược Học).

. Tác dụng ức chế ngưng tập máu: Chích dịch chiết Sơn thù với liều 1.0g/kg, 0.5g/kg cho thỏ nhà thấy có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu (Lý Sĩ Mậu, Trung Quốc Y Dược Học Báo 1988, 3 (3) : 31).

. Tác dụng tổng quát: Nước sắc Sơn thù chích tĩnh mạch chó đã gây mê thấy có tác dụng lợi tiểu và hạ áp với liều nhỏ đối với serum Glucose (Trung Dược Học).

Độc tính:

Sơn thù có độc tính thấp. Đối với các loại súc vật khác nhau, không có dấu hiệu ngộ độc chỉ trừ thuốc có làm tăng xung huyết niêm mạc dạ dầy (Julian F Smith FapMaKop h ToKchkop, 1953, 16 (2) : 32).

Thuốc không gây ảnh hưởng đến kết mạc thỏ. Sơn thù cũng gây tác dụng phụ rất thấp và có tác dụng giống đối giao cảm (Trung Dược Học).

Vị thuốc Sơn thù

( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng .... )

Tính vị:

Vị chua, tính bình (Bản Kinh).

Tính hơi ôn, không độc (Biệt Lục).

Vị mặn, cay, rất nhiệt (Dược Tính Luận).

Vị chua, tính hơi ôn (Trung Dược Đại Từ Điển).

Vị chua, sáp, tính hơi ấm (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Vị chua, chát (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh:

. Vào kinh túc Quyết âm Can, túc Thiếu âm Thận (Thang Dịch Bản Thảo).

. Vào kinh thủ Thái âm Phế, túc Quyết âm can (Bản Thảo Kinh Giải).

. Vào kinh Can, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Công dụng:

Tráng nguyên khí, bí tinh (Lôi Công Bào Chích Luận).

Noãn yêu tất, trợ thủy tạng, trừ nhất thiết phong, trục nhất thiết khí, phá trưng kết (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

Ôn Can (Trân Châu Nang).

Bổ Can Thận, sáp tinh khí, cố hư thoát (Trung Dược Đại Từ Điển).

Bổ Can thận, cố tinh khí, liễm hãn, chỉ huyết (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Bổ Can, Thận, liễm tinh, chỉ hãn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

Trị lưng đau, gối đau, chóng mặt, tai ù, liệt dương, di tinh, tiểu nhiều, Can hư, hàn nhiệt, mồ hôi ra không cầm (Trung Dược Đại Từ Điển).

Trị lưng đau, gối mỏi, liệt dương, tai ù, di tinh, kinh nguyệt ra nhiều, mồ hôi tự ra do hư nhiệt (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều dùng:

4 –12g, có thể đến 40g.

Kiêng kỵ:

Có thấp nhiệt, tiểu không thông: không dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Mệnh môn hỏa nung nấu, vốn có thấp nhiệt, tiểu không thông: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liễu thực làm sứ; Sơn thù sợ Cát cánh, Phòng phong, Phòng kỷ (Bản Thảo Kinh Tập Chú).

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Sơn thù

Trị 5 loại lưng đau, hạ tiêu bị phong lạnh, chân yếu không có sức:

Sơn thù 40g, Ngưu tất 40g, Quế tâm 1,2g. Tán bột, uống 8g với rượu ấm, trước bữa ăn (Thánh Huệ phương).

Trị Thận hư, liệt dương, di tinh, choáng váng, tai ù, điếc, tiểu vặt, lưng đau, gối mỏi:

Sơn thù du, Bổ cốt chỉ, Đương quy đều 12g, Xạ hương 0,12g. tán bột, làm hoàn, uống với nước muối loãng (Thảo Hoàn Đơn – Phù Thọ Tinh phương).

Trị Tâm hư, hồi hộp:

Long nhãn nhục 40g, Toan táo nhân (sao) 20g, Sơn thù nhục (bỏ hột)20g, Bá tử nhân (sao) 16G, Long cốt (sinh), Mẫu lệ (sinh) đều 16g, Nhũ hương, Một dược đều 4g. Sác uống (Định Tâm Thang – Y Học Trung Trung Tham Tây Lục).

Trị cơ thể vốn bị khát nhưng lại không muốn uống, tiểu ngày trên 10 lần, khí hụt

Sơn thù, Sơn dược,Ngũ vị tử (sao), Nhục thung dung (cắt ra, tẩm rượu sấy khô). Tán bột, trộn với rượu làm thành viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên, lúc đói (Thù Du Hoàn - Toàn Sinh Chỉ Mê).

Trị thận hư, lưng đau:

Sơn thù, Đỗ trọng, Địa hoàng, Bạch giao, Sơn dược. Lượng bằng nhau. Sắc uống hoặc tán bột làm thành viên uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Ích tinh, tăng tủy, cường yêu, kiện tất, ích dương đạo, thêm con:

Sơn thù nhục, Thỏ ty tử, Ba kích, Nhục thung dung, Lộc nhung, Ngưu tất, Bạch giao, Xa tiền tử, Câu kỷ tử, Sinh địa, Sa uyển tật lê, Mạch môn. Lượng bằng nhau, tán bột. Luyện với mật ong làm viên, to bằng hạt Nhãn. Mỗi lần uống 20 viên hoặc sắc uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Trị lớn tuổi tiểu nhiều, tiểu gắt, tiểu són:

Thù du nhục, Nhân sâm, Ngũ vị tử, Mẫu lệ, Ích trí nhân. Lượng bằng nhau. Sắc uống hoặc tán bột làm viên uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Trị đầu đau, não đau, tủy xương đau :

Sơn thù, Sa uyển tật lê, Thục địa, Nhân sâm, Mạch môn, Ngưu tất, Cam cúc hoa. Lượng bằng nhau, tán bột làm viên hoặc sắc nước uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Trị thận hư, tai ù, trong tai như ve kêu:

Sơn thù, Thạch xương bồ, Cam cúc hoa, Địa hoàng, Hoàng bá, Ngũ vị. Lượng bằng nhau, sắc uống hoặc làm viên uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Trị mồ hôi ra nhiều có thể dẫn đến hư thoát, bệnh lâu ngày hư thoát:

Sơn thù 40g. Long cốt (sống), Mẫu lệ (sống), Bạch thược (sống) đều 12g, Đảng sâm 40g, Cam thảo 4g, sắc uống (Lai Phục Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị cơ thể suy yếu, tiểu cầu giảm gây nên kinh nguyệt ra nhiều:

Sơn thù 40g, Nhân sâm 4 – 8g, sắc uống [nếu do huyết nhiệt: không dùng] (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị cơ thể suy yếu, tiểu cầu giảm gây nên kinh nguyệt ra nhiều:

Sơn thù, Thục địa đều 20g, Đương quy, Bạch thược 12g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị thần kinh suy nhược, suy nhược cơ thể do thận hư, liệt dương, di tinh, tai ù, tiểu nhiều:

Sơn thù, Bổ cốt chỉ, Đương quy đều 10g, Xạ hương 0,1g. Tán bột làm thành viên, uống với nước muối (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Tham khảo:

Tác dụng của sơn thù trong các tài liệu khác

Sơn thù vị hậu thì giữ vững tinh; Vị chua thì nhuận Can; Tính ôn mà nhuận cho nên rất có công với chân thủy. Phương thuốc ôn noãn mới có bổ ích cho nguyên dương. Cho nên thời lệnh 4 mùa thì mùa xuân phát sinh mà mùa thu giảm bớt, tính của vạn vật thích ấm mà ghét lạnh, Can và Thận ở chỗ chí âm, không có khí dương hòa thì âm lấy gì mà sinh trưởng được. Chính vị Sơn thù vào 2 kinh Can và Thận, khí ôn chủ về bổ, vị chua chủ về thu liễm, cho nên thêm tinh khí mà thắt lưng và đầu gối mạnh. Chỉ có chứng tiểu tiện không thông và dương vật cứ cương mãi thì không nên dùng (Dược Phẩm Vậng Yếu).

Sơn thù, sức bổ âm ở Can, Thận không hay bằng tác dụng thu liễm vì vị của nó chua, chát, chua chủ thu liễm, chát làm bền vững và sít lại được, là vị thuốc quan trọng phòng hoạt thoát. Khi cơ thể hư nhược, mồ hôi ra nhiều, không kể âm hư hoặc dương hư, chỉ cần dùng lượng cao Sơn thù, 40 – 80g, sắc uống, hiệu quả rất hay (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Sơn thù và Phúc bồn tử đều bổ Can, Thận, thu liễm, cố sáp. Nhưng Phúc bồn tử vị ngọt, chua, tính bình, công dụng thiên về bổ Thận, trợ dương, cố tinh, súc tuyền, lại hay trị chứng tiểu nhiều, làm cho sáng mắt, nhưng về bổ Can và cố thoát thì không bằng Sơn thù. Sơn thù vị chua, hơi ôn, có tác dụng bổ hư, mạnh hơn Phúc bồn tử. Lại có sở trường về bổ Can, cố thoát nhưng cố tinh, súc tuyền thì yếu hơn Phúc bồn tử (Trung Dược lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê)

Thaythuoccuaban.com Tổng hợp

*************************

Từ khóa » Tác Dụng Chữa Bệnh Của Vị Thuốc Sơn Thù