Sống Bám đá đánh Giặc, Chết Hóa đá Bất Tử - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Hòa vào đất mẹ
Trên địa bàn tỉnh biên giới Hà Giang không chỉ có Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Nơi đây, còn có tới 10 điểm di tích mà mỗi lần đến đó, trong lòng người dân đất Việt không khỏi dâng trào cảm xúc…
Tại cao điểm 468, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Nhà tưởng niệm tri ân các Anh hùng liệt sĩ của toàn mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang khang trang, đẹp đẽ cũng đã được khánh thành bằng nguồn kinh phí do Ban Liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên huy động. Nơi đây từng là cao điểm 468 thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy - trung tâm của mặt trận Vị Xuyên phía tây sông Lô, cũng là nơi có đài quan sát và trận địa pháo của bộ đội ta.
Hướng dẫn chúng tôi thăm điểm cao này, sau khi thành kính dâng hương cho các Anh hùng liệt sĩ, Mai Anh - cô cán bộ văn hóa xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên kể lại, tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn sang xâm lược biên giới Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50 km, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc, thị trấn. Ðặc biệt, trong một chiến dịch xâm lược quy mô lớn nhất từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đã lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của tám trong 10 đại quân khu tấn công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên. Ðể bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, chín sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn đã trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên.
Tại các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Ðồi Ðài, Cô Ích, Bốn Hầm..., trận chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt. Toàn bộ mặt trận Vị Xuyên lúc đó trải rộng trên 20 km2, trở thành vùng đất lửa với những địa danh khốc liệt như đồi thịt băm, thác gọi hồn, lò vôi thế kỷ, ngã ba cửa tử… Chiến sĩ trẻ nhất đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên lúc đó là người đã viết đơn tình nguyện ra trận khi mới 16 tuổi.
Với sự can đảm và anh dũng phi thường, quân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới. Tuy nhiên, những mất mát hy sinh của chúng ta cũng không hề nhỏ: nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh; trong đó hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên, chưa quy tập được hài cốt. Hàng triệu quả đạn pháo dập xuống trong suốt 10 năm chiến tranh đã làm thay đổi địa hình, địa vật, vùi lấp nhiều tầng đất đá, khiến cho công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cực kỳ khó khăn. Những sườn núi đã phủ đầy cây cối xanh tươi nhìn từ cao điểm 468 này chính là một nghĩa trang rộng lớn của các liệt sĩ, hầu hết ở tuổi 20.
Những cuộc tìm kiếm bền bỉ
Ðược cử lên trông coi Nhà tưởng niệm tri ân các Anh hùng liệt sĩ của toàn mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, anh Tạ Viết Trường là một cựu chiến binh có 10 năm quân ngũ. Năm 2001, anh chuyển công tác về Ðoàn kinh tế quốc phòng 323, rồi năm 2006 xuất ngũ về sinh sống tại xã Thanh Thủy.
Trường kể với chúng tôi: "Trước đây, Nhà tưởng niệm chỉ là một đài hương nhỏ, sau được Ban Liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên và thân nhân các Anh hùng liệt sĩ huy động vốn xã hội xây dựng lại khang trang như hiện nay. Dự án khởi công năm 2015, khánh thành tháng 6/2018".
Giờ đây, từ điểm cao này phóng tầm mắt nhìn sang dải núi yên ngựa và những triền núi và thung lũng xa xanh, ít ai có thể hình dung được chiến trường xưa khốc liệt đến thế nào. Năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc bùng nổ, cả một dải biên cương Vị Xuyên đã diễn ra hàng chục trận đánh lớn nhỏ với Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc tạm rút quân và đến năm 1984 quay trở lại thực hiện chiến dịch xâm lấn.
Từ Nhà tưởng niệm nhìn sang hướng tây, xuôi theo đường yên ngựa, có thể quan sát thấy cao điểm 772. Ngày 12/7/1984, ba tháng sau khi Trung Quốc quay trở lại chiến trường Vị Xuyên, Sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ tiến hành chiến dịch có mật danh là MB84, đánh chiếm cao điểm 772. Trận đánh diễn ra một ngày, một đêm, ác liệt đến mức đã có tới hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có 592 người thuộc biên chế của Sư đoàn 356. Nằm ngay cạnh vị trí Nhà tưởng niệm hiện nay, cao điểm 685 cũng bị hạ thấp gần 3 m do sức công phá của hàng nghìn quả đạn pháo. Trong số các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại cao điểm 685 ngày ấy có hai Anh hùng liệt sĩ đang được thờ tại chính nhà đền. Ðó là anh Nguyễn Viết Ninh, quê ở Phú Thọ và Lê Trần Mãn, quê ở Thanh Hóa. Là Trung đội trưởng của Sư đoàn 356, Nguyễn Viết Ninh đã khắc lên báng súng lời thề, cũng là phương châm sống của những người lính can trường năm ấy: "Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử". Trong một trận đánh, Nguyễn Viết Ninh không may bị thương tới ba lần. Hai lần đầu vết thương không quá nặng, anh đã tự băng bó và tiếp tục chiến đấu. Tới lần thứ ba, anh bị thương ở chân, mất quá nhiều máu, nên khi được đồng đội đưa về hang Suối Cụt, Nguyễn Viết Ninh đã anh dũng hy sinh.
Câu chuyện về Anh hùng liệt sĩ Lê Trần Mãn, nguyên là y sĩ của Sư đoàn 356 cũng hào hùng không kém. Anh Mãn là người đã xung phong mang lá cờ Tổ quốc lên cắm trên đỉnh E5, điểm cao nhất của cao điểm 685 để đánh dấu chủ quyền của Tổ quốc, thay thế lá cờ mà quân Trung Quốc đã cắm. Một đợt pháo bắn trùm lên cao điểm đã khiến anh ra đi mãi mãi, thịt xương hòa vào lòng đất mẹ, đến nay vẫn chưa thể tìm được hài cốt…
Từ đó, ngày 12/7 hằng năm được coi là ngày giỗ trận Vị Xuyên. Chưa bao giờ ký ức chiến tranh đau thương đó nguôi quên trong tâm trí những cựu chiến binh. Dưới mỗi tấc đất nơi này đều có thể có một phần xương thịt những chiến sĩ quả cảm đã hy sinh vì Tổ quốc. Và những cuộc tìm kiếm kiên nhẫn, bền bỉ vẫn chưa bao giờ ngừng lại. Lễ truy điệu và an táng được tổ chức tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên vừa qua chỉ là một trong nhiều hoạt động đầy ý nghĩa hướng về tháng 7 của lòng biết ơn vô hạn.
Trong làn hương trầm vấn vít, mong anh linh các anh yên nghỉ đời đời giữa lòng Ðất Mẹ ■
Từ khóa » đá Bất Tử
-
Lũy đá Bất Tử | Trương Quý Hải | Official MV | FULL 4K - YouTube
-
Lũy đá Bất Tử - Bài Ca đi Cùng Năm Tháng
-
Bộ KH&ĐT Tri ân Những Anh Hùng - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Những Cái Chết Hóa đá Bất Tử - Báo Cần Thơ Online
-
" Sống Bám Đá Đánh Giặc | By THEO DÒNG SỬ VIỆT - Facebook
-
Lời Thề 'sống Bám đá' Của Người Lính Vị Xuyên - VnExpress
-
Về Nơi “Sống Bám đá đánh Giặc, Chết Hóa đá Bất Tử”
-
Nhạc Sĩ Trương Quý Hải Hát 'Lũy đá Bất Tử' Trước đồng đội Vị Xuyên
-
Bài 1: “Lũy đá Bất Tử”- Nơi địa đầu Tổ Quốc - Báo Đại Biểu Nhân Dân
-
Nhớ Lời Thề Người Lính Vị Xuyên - Báo Công Thương
-
Thành Viên:Đá Bất Tứ – Wikipedia Tiếng Việt
-
“Lũy đá Bất Tử” - Tri ân Các Anh Hùng Liệt Sĩ Tại Nghĩa Trang Quốc Gia ...
-
Nhạc Sỹ Trương Quý Hải Hát Về đồng đội - VOV