Sống Khỏe Cùng BVXA - Kỳ 23: Người Trẻ Tuổi Cũng Bị Cao Huyết áp

Sống khỏe cùng BVXA – Kỳ 23: Người trẻ tuổi cũng bị cao huyết áp
  • Home
  • GIỚI THIỆU BVXA
  • Sống khỏe cùng BVXA
  • Sống khỏe cùng BVXA – Kỳ 23: Người trẻ tuổi cũng bị cao huyết áp

Sống khỏe cùng BVXA – Kỳ 23: Người trẻ tuổi cũng bị cao huyết áp

Bệnh tăng huyết áp là một căn bệnh khá quen thuộc trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, có rất ít người biết được rằng người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh tăng huyết áp, thường rơi vào thể huyết áp cao ác tính, có nguy cơ tai biến mạch máu não, biến cố bệnh mạch vành, tàn phế và tử vong cao.

Trong chuyên mục hôm nay, bác sĩ Phan Thị Như Ngọc – khoa Nội Tim Mạch Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á sẽ thông tin cho chúng ta về vấn đề tăng huyết áp ở người trẻ.

1. Thưa bác sĩ, thế nào là tăng huyết áp ở người trẻ?

– Theo định nghĩa tăng huyết áp của BYT:
  • Huyết áp của một người được cho là tối ưu khi HA max (huyết áp số trên) <120mmHg và HA min ( huyết áp số dưới)< 80mmHg.
  • Huyết áp của một người được gọi là bình thường khi HAmax từ 120-129mmHg và HA min từ 80-84mmHg.
  • Tiền tăng huyết áp khi HA max từ 130-139mmHg và/hoặc HA min từ 85-89 mmHg.
  • Được chẩn đoán là bị bệnh tăng huyết áp khi HA max từ 140 mmHg trở lên và/hoặc HA min từ 90 mmHg trở lên.
– Người có tuổi từ 35 tuổi trở xuống mà bị tăng huyết áp thì được gọi là tăng huyết áp người trẻ.

2. Những người trẻ bị tăng huyết áp thì có những đặc điểm hay biểu hiện như thế nào thưa bác sĩ?

– 70 % trường hợp tăng huyết áp người trẻ không có triệu chứng, tình cờ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. – Triệu chứng chung thường gặp của người bị tăng huyết áp:
  • Không tập trung, mất kiên nhẫn, dễ nóng giận, biểu hiện cảm xúc thất thường
  • Đau đầu, đặc biệt đau đầu vùng chẩm (phía sau đầu) và thường xảy ra vào buổi sáng sớm.
  • Cơn bốc hỏa đỏ bừng mặt, say xẩm, chóng mặt.
  • Rối loạn vận ngôn thoáng qua, tê các đầu ngón tay hay yếu liệt ½ người.
– Một số bệnh nhân trẻ bị tăng huyết áp có triệu chứng rõ ràng như là đau đầu dữ dội, tim đập nhanh, da tái nhợt, vả mồ hôi hay vọp bẻ, yếu liệt 2 chân… Những trường hợp này có mức huyết áp thường rất cao, và thường có nguyên nhân xác định.

Đau đầu, say xẩm, chóng mặt… là những triệu chứng thường gặp ở bệnh tăng huyết áp.

3. Mọi người thường nghĩ là lớn tuổi thì mới bị tăng huyết áp, vậy nguyên nhân những người trẻ tuổi bị tăng huyết áp và có khác gì so với người lớn tuổi hay không thưa bác sĩ?

– Có tới 30 % trường hợp tăng huyết áp người trẻ tìm được nguyên nhân và những nguyên nhân này có thể sửa chữa được (so sánh với tăng huyết áp người lớn tuổi thì có tới 95% không tìm được nguyên nhân và gọi là tăng huyết áp vô căn, chỉ có khoảng 5% các trường hợp tìm thấy được nguyên nhân). – Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp người trẻ thường gặp là: Hẹp động mạch thận, U tủy thượng thận, U vỏ thượng thận, bệnh lý chủ mô thận, bệnh hẹp eo động mạch chủ.

4. Như bác sĩ đã trình bày: những người trẻ tăng huyết áp có triệu chứng rõ ràng, mức huyết áp thường rất cao thì do những nguyên nhân xác định. Vậy những nguyên nhân này là gì và thường được chuẩn đoán, điều trị ra sao?

– Sau đây tôi xin nói về một số bệnh gây tăng huyết áp người trẻ thường gặp,điều trị được và huyết áp trong các trường hợp này thường được điều trị khỏi: 1/Tăng huyết áp do hẹp động mạch thận: Mỗi người chúng ta có 2 quả thận, giữ chức năng lọc máu, chức năng thải trừ các chất độc ra khỏi cơ thể, chức năng cân bằng điện giải, kiềm toan, chức năng tạo máu và chức năng điều hòa huyết áp. Mỗi thận được nuôi dưỡng bởi một mạch máu được gọi là động mạch thận. Khi sự thu hẹp một hoặc cả 2 động mạch thân vì một số nguyên nhân nào đó chẳng hạn là viêm động mạch, loạn sản hay xơ vữa động mạch (là nguyên nhân thường gặp ở người trưởng thành) sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp, tổn thương nhu mô thận, giảm chức năng thận. Người bị hẹp động mạch thận thường có những cơn tăng huyết áp xảy ra một cách đột ngột, mức huyết áp thường rất cao (HA max có thể trên 180mmHg,HA min có thể trên > 110mmHg). Kèm theo sự gia tăng mức huyết áp, bệnh nhân có thể có những cơn đau đầu dữ dội, tim đập nhanh, mệt, có thể có đau thắt ngực hoặc chóng mặt một cách thoáng qua hoặc yếu liệt… Chẩn đoán tăng huyết áp do bệnh hẹp động mạch thận dựa vào khám lâm sàng và một số phương tiện chẩn đoán như là siêu âm động mạch thận, chụp điện toán cắt lớp và dựng hình 3D động mạch thận (MSCT), hay là chụp động mạch thận. Nếu là tăng huyết áp do nguyên nhân hẹp ĐM thận, điều trị bằng thuốc hạ áp thường không mang lại hiệu quả như mong muốn. Điều trị tối ưu hẹp động mạch thận là nong chổ hẹp bằng bóng (angioplasty) hoặc đặt giá đỡ lòng mạch (đặt stent), thường là nong và kết hợp đặt giá đỡ lòng mạch hoặc cắt bỏ nội mạc (endarterecomy) làm sạch các mảng bám, làm cho lòng mạch trơn tru hơn hoặc phẫu thuật bắt cầu (Bypass surgery, sử dụng mạch máu nhân tạo hoặc tự thân nối tắc qua vị trí hẹp, nối ĐMC với thận) 2/Tăng huyết áp do u thượng thận: Ở cực trên mỗi thận có 1 tuyến được gọi là tuyến thượng thận, nó gổm 2 phần, phần vỏ và phần tủy. Tuyến này tiết ra một số hormon tham gia chức năng chống Stress, chức năng chuyển hóa đường, đạm, béo, chức năng điều hòa nước và muối, và chức năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể. U tuyến thượng thận thường là ác tính. Nếu là u vùng tủy thượng thận, có sự tăng quá mức chất Catecholamine trong máu, bệnh nhân thường có những cơn tăng huyết áp kịch phát, huyết áp số dưới thường rất là cao, nó được xếp vào loại là tăng huyết áp ác tính. Trong cơn huyết áp tăng bệnh nhân thường có cảm giác hồi hộp tim đập nhanh, da tái nhợt, vả mồ hôi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn, ù tai, tê rần tay chân, đỏ bừng mặt, rối loạn thị giác, co giật cơ hay yếu liệt thoáng qua. Chẩn đoán nhờ vào việc đo nồng độ Catecholamine/metanephrine trong huyết tương và trong nước tiểu 24 giờ. Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp điện toán cắt lớp vùng đầu, ngực hoặc bụng để định vị khối u. Nếu là khối u nằm vùng vỏ thượng thận, có sự tăng quá mức chất Aldosterone trong máu, tăng huyết áp với đặc điểm là tăng huyết áp cả 2 số, huyết áp ở mức cao trung bình hay rất cao, tăng huyết áp kháng trị. Trong cơn tăng huyết áp tăng bệnh nhân thường cơn co cơ, vọp bẻ giống cơn Tenani (Cơn hạ calci máu), bệnh nhân mệt rất nhiều đến rã người, yếu cơ hoặc có tình trạng liệt chu kỳ có tính gia đình (liệt 2 chi dưới thành cơn, kéo dài 1 đến vài giờ có khi kéo dài vài ngày, tự hết, không để lại di chứng). Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm như là Ion đồ máu và nước tiểu, đo hoạt động rennin trong huyết tương, đo nồng độ aldosterone máu, tỉ lệ rennin và aldosteron, test ức chế bài tiết aldosterone bằng NaCl 0.9% và chụp cộng hưởng từ ( MRI) tuyến thượng thận. Điều trị u tuyến thượng thận: phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp hữu hiệu nhất. 3/ Tăng huyết áp do bệnh hẹp eo động mạch chủ: Động mạch lớn xuất phát từ tim đưa máu nuôi cơ thể được gọi động mạch chủ, gồm đoạn trên và đoạn dưới, đoạn hẹp giữa đoạn trên và đoạn dưới trên gọi là eo động mạch chủ. Khi phần eo này hẹp hơn bình thường sẽ gây ra bệnh hẹp eo động mạch chủ. Bệnh hẹp eo động mạch chủ thường là bẩm sinh và bệnh này sẽ gây ra tăng huyết áp với đặc điểm huyết áp chi trên cao, huyết áp chi dưới có thể thấp hoặc là đo không được. Chẩn đoán được thiết lập qua thăm khám lâm sàng và nhờ vào một số phương pháp thăm dò như siêu âm Doppler tim, thông tim thăm dò huyết động. Điều trị bệnh hẹp eo động mạch chủ bằng phẫu thuật sửa chữa chỗ hẹp hay nong chỗ hẹp có kèm hay không kèm đặt giá đỡ (đặt stent). 4/Tăng huyết áp do bệnh lý nhu mô thận: Tăng huyết áp trong bệnh cảnh bệnh thận mạn, đái tháo đường, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm vi cầu thận mạn và cấp… Chẩn đoán được thiết lập qua khám lâm sàng, một số xét nghiệm như đo nồng độ ure, creatinin máu, đo độ lọc cầu thận GFR, TPTNT, đạm niệu 24h, và siêu âm thận… Chọn lựa thuốc hạ áp dựa trên bệnh sinh bệnh thận mạn, điều trị bệnh nguyên…

Tăng cường hoạt động thể lực: đi bộ ít nhất 30 phát mỗi ngày, giảm rượu bia, ngưng thuốc lá, thực hiện chế độ ăn phù hợp, giảm cân là các biện pháp biện pháp không dùng thuốc khi điều trị tăng huyết áp.

5. Thưa bác sĩ, bệnh tăng huyết áp đối với người trẻ tuổi thường được điều trị như thế nào?

– Về mặt nguyên tắc, gồm biện pháp không dùng thuốc, dùng thuốc hạ áp trong thời gian tìm kiếm nguyên nhân, kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch và điều trị phẫu thuật sửa chữa nguyên nhân. Cụ thể như sau: + Biện pháp không dùng thuốc:
  • Ngưng thuốc lá
  • Giảm rượu bia: < 2 cốc/ngày/nam; <1 cốc/ngày/nữ
  • Tăng cường hoạt động thể lực: đi bộ mỗi ngày, ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Giảm cân: Duy trì BMI từ 18,5-22,9
  • Chế độ ăn: Giảm muối (không quá 6g/ngày tương đương 1 thìa muối/ngày), tăng cường ăn rau củ quả, hạn chế thức ăn chứa cholesterol và acid béo no.
+ Hạ huyết áp bằng thuốc trong thời gian tìm kiếm nguyên nhân + Kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch: Hút thuốc, béo phì, stress, uống rượu quá mức, lối sống tĩnh lặng, ĐTĐ, rối loạn lipid máu… + Điều trị theo nguyên nhân – chỉnh sửa nguyên nhân:
  • Hẹp ĐM thận: tái tạo mạch và đặt stent hoặc mổ bắt cầu bypass hoặc cắt bỏ nội mạc mạch máu;
  • U tủy hay u vỏ thượng thận thì cắt bỏ khối u;
  • Bệnh lý nhu mô thận, điều trị bệnh nguyên, thuốc hạ áp chọn lựa dựa trên cơ chế sinh bệnh thận.
6. Bác sĩ có lời khuyên thế nào đối với những người trẻ tuổi đang bị và đã bị tăng huyết áp? – Vì tính chất nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp và lợi ích từ việc kiểm soát huyết áp tốt, cũng như lợi ích từ việc xác định được nguyên nhân tăng huyết áp của người trẻ, chúng tôi có những lời khuyên sau: 1. Tuổi trẻ cũng có thể mắc bệnh tăng huyết áp, thường rơi vào thể huyết áp cao ác tính, nguy cơ tai biến mạch máu não, biến cố bệnh mạch vành, tàn phế và tử vong cao. Do vậy, người trẻ không nên chủ quan sức khỏe của mình mà nên khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình thường xuyên, để phát hiện bệnh tăng huyết áp một cách kịp thời và điều trị đúng lúc. 2. Tăng huyết áp người trẻ thường có nguyên nhân, nếu xác định được nguyên nhân gây tăng huyết áp thì sẽ điều trị tận gốc bệnh tăng huyết áp. 3. Hiện nay, nền y khoa Việt Nam đã và đang phát triển mạnh, có khả năng phát hiện sớm và điều trị tận gốc tăng huyết áp người trẻ có nguyên nhân. Tại BVXA, có đầy đủ các xét nghiệm và phương tiện chẩn đoán hình ảnh, đủ khả năng tìm kiếm và xác chẩn các nguyên nhân tăng huyết áp người trẻ, và có thể điều trị lành bệnh tăng huyết áp người trẻ.

Người trẻ không nên chủ quan sức khỏe của mình mà nên khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình thường xuyên tại các cơ sở y tế đầy đủ chuyên khoa và máy móc thiết bị cận lâm sàng.
Chia sẻ:

Comments are closed.

Tin tức khác

  • BVXA – NGƯỜI LỚN TUỔI CŨNG BỊ HÓC DỊ VẬT NGUY HIỂM

    BVXA – NGƯỜI LỚN TUỔI CŨNG BỊ HÓC DỊ VẬT NGUY HIỂM Trong thời gian qua, Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á […]

  • BVXA-VL: HO KÉO DÀI SUỐT HƠN 2 NĂM ĐIỀU TRỊ KHÔNG HẾT, HÓA RA DO MẢNH XƯƠNG BỊ MẮC KẸT TRONG PHỔI

    Thời gian gần đây Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long đã liên tục tiếp nhận điều trị cho rất nhiều ca hóc dị vật. Những tưởng, […]

  • BỆNH TAY CHÂN MIỆNG VÀ NHỮNG ĐIỀU BA MẸ CẦN LƯU Ý

    BỆNH TAY CHÂN MIỆNG VÀ NHỮNG ĐIỀU BA MẸ CẦN LƯU Ý Những ngày gần đây, số lượng trẻ đến khám và nhập viện do bệnh […]

  • 10 ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĂN UỐNG TRONG NGÀY TẾT

    10 ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĂN UỐNG TRONG NGÀY TẾT Những ngày Tết đang cận kề, ai ai trong chúng ta cũng mong muốn mình […]

Từ khóa » điều Trị Huyết áp Cao Cho Người Trẻ