“Sống Như Anh”, Cuốn Sách Mang Nhiều Dấu ấn đặc Biệt - CAND

Hình tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trở thành cảm hứng trong văn học nghệ thuật của nhiều tác giả. Tên anh cũng được đặt cho nhiều địa danh, trường học trên khắp Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất viết về anh Trỗi, chính là tập hồi kí "Sống như Anh" của nhà văn Trần Đình Vân (tức nhà báo Thái Duy, nguyên phóng viên Báo Đại đoàn kết). Khi cuốn sách được xuất bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời mở đầu cho tác phẩm: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập". Đây không chỉ là cuốn sách được tái bản nhiều lần, mà còn là một trong ba cuốn sách được bạn đọc bình chọn có nội dung hay nhất trong năm 2002.

Nhân dịp cả nước kỷ niệm 50 năm ngày mất của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, tôi tìm đến thăm tác giả của tác phẩm “Sống như Anh” đã nổi tiếng suốt nhiều thập kỷ qua. Đã ở tuổi 89, nhà văn Trần Đình Vân vẫn còn khỏe mạnh, sống cùng con trai trong ngôi nhà bên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Những ký ức về khoảng thời gian ra đời tác phẩm ấy, dường như vẫn in đậm trong ông.

Cuối năm 1963, nhà báo Trần Đình Vân cùng hơn 100 nhà báo vào chiến trường, sống giữa bom đạn, gian nan cùng những người lính chiến. Ở chiến trường, ông công tác tại Báo Giải phóng, đóng ở Tây Ninh, thường xuyên bám cơ sở để phản ánh tình hình sản xuất của bà con trong vùng tự do. Sau khi anh Trỗi hy sinh vài tháng, nhà báo Trần Đình Vân và một số người được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục phân công viết về anh Trỗi, để có cuốn sách về người anh hùng tiêu biểu ở miền Nam. Trong Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, anh Trỗi là tấm gương nổi bật trong số những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở miền Nam giai đoạn ấy. Dịp này, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã đón chị Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi) đưa về căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Bìa tác phẩm “Sống như Anh”.

Nhân dịp chị Quyên ra vùng tự do, nhà văn Trần Đình Vân đã được bố trí gặp gỡ chị, nghe chị kể chuyện về anh Trỗi. Hơn chục ngày liên tục, ông hỏi han và ghi chép tỉ mỉ những điều chị Quyên nói về người chồng yêu dấu. Gặp chị Quyên, ông càng thấy thương người phụ nữ trẻ tuổi góa bụa, khi dễ dàng nhận thấy chị là một người phụ nữ yêu nước, nhưng hiểu về cách mạng và "Việt Cộng" chưa nhiều. Song, khi anh Trỗi bị bắt ngay sau khi cưới ít ngày, nhưng chị không hề khuyên anh khai báo để hy vọng được trả tự do, mà để anh tự quyết định với con đường đã chọn.

Để có thêm các thông tin về anh, nhà văn Trần Đình Vân quyết định đi Củ Chi để gặp những người đã từng ở tù với anh Trỗi, các đồng chí chỉ huy và chiến sĩ từng công tác trong tổ biệt động với anh, để khai thác thêm tư liệu. Sau một thời gian thu thập tài liệu đầy đủ và kỹ càng, ông mới bắt tay vào viết. Ông kể: “Những gì chị Quyên và đồng đội của anh Trỗi kể về anh, làm tôi vô cùng cảm động. Bởi thế, tôi đã viết cuốn sách bằng tất cả sự khâm phục, kính trọng người thanh niên Sài Gòn trẻ tuổi mà tôi chưa từng gặp mặt. Cũng bởi tính chân thực của các sự kiện được cung cấp, tôi đã viết theo dạng hồi ký, tất cả những gì tôi được biết về anh”.

Mất chừng vài tháng, nhà văn Trần Đình Vân mới hoàn thành tác phẩm viết về anh Trỗi. Từ nội dung câu chuyện, ông lấy tên sách là "Những lần gặp gỡ cuối cùng" (của anh Trỗi và chị Quyên). Khi bản thảo hoàn thành, cơ quan ông lập tức gửi ra Hà Nội. Nhà văn Trần Đình Vân nhớ lại: Ông cũng không ngờ rằng, bản thảo cuốn sách đã được các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư rất quan tâm. Đích thân các đồng chí Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tố Hữu (Trưởng ban Tuyên huấn TW) và Trần Quang Huy (Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn TW) đọc và cho ý kiến xuất bản cuốn sách. Chừng một tháng sau, giữa chiến trường khói lửa, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà văn Trần Đình Vân biết rằng, tác phẩm của mình đã được xuất bản. “Bà đỡ” cho cuốn sách từ miền Nam gửi ra này chính là Nhà xuất bản Văn học - đơn vị đầu tiên xuất bản tác phẩm “Sống như Anh”.

Ngay lập tức, cuốn “Sống như Anh” được công chúng đón nhận và tên tuổi nhà văn Trần Đình Vân nổi như cồn cả trên văn đàn lẫn trong đời sống. Tái hiện cuộc đời bình dị của một người anh hùng, tác phẩm đã như ngọn lửa tiếp thêm vào đời sống tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Sau đó, Hội Văn nghệ miền Nam gửi danh sách ra và cái tên Trần Đình Vân đã được Hội Nhà văn Việt Nam đón nhận, với niềm vinh dự được ghi tên ông, một cây bút đang ở miền Nam, với tư cách là hội viên. “Sống như Anh” cũng đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong nhà trường nhiều năm liền. Cho đến nay, tác phẩm đã được tái bản nhiều lần.

Năm 1967, ông ra Hà Nội sau 4 năm lăn lộn giữa chiến trường. Biết tin ông còn sống, Nhà xuất bản Văn học đã mời ông đến nhận lại tập bản thảo "Những lần gặp gỡ cuối cùng". Từ đó, ông vẫn nâng niu, cất giữ tập bản thảo viết tay trên giấy loại xấu, còn cả chữ viết phê trên đó của một số đồng chí lãnh đạo. Cách đây 8 năm, khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sưu tầm các hiện vật lịch sử, đã đến nhà vận động và được nhà văn Trần Đình Vân hiến tặng tập bản thảo viết tay "Những lần gặp gỡ cuối cùng" cùng toàn bộ tài liệu liên quan đến việc viết tác phẩm “Sống như Anh”.

Biết tôi sẽ đến Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam để chụp lại tập bản thảo “Sống như Anh”, nhà văn Trần Đình Vân dặn: “Nếu thấy bản thảo ghi "Những lần gặp gỡ cuối cùng" thì đừng ngạc nhiên nhé, vì đó chính là bản thảo gốc của tác phẩm “Sống như Anh” đấy!” Hóa ra, trong bản thảo của nhà văn Trần Đình Vân, cuốn sách mang tên “Những lần gặp gỡ cuối cùng”, nhưng đã được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc và sửa lại thành “Sống như Anh”

Từ khóa » Hãy Sống Như Anh