Sống Như Anh – Tinh Thần Nguyễn Văn Trỗi Bất Tử!
Có thể bạn quan tâm
“Sống như Anh” là lời kể của chị Phan Thị Quyên – vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, do nhà văn Trần Đình Vân chấp bút, về “những lần gặp gỡ cuối cùng” giữa chị với anh Trỗi từ khi bị giam cho đến khi bị xử bắn. Tác phẩm là cuốn sách gối đầu giường truyền lửa chiến đấu cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, lớp thanh thiếu niên và các chiến sĩ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Tuy đau đớn mà rất đỗi tự hào.
“Có những phút làm nên lịch sử Có cái chết hoá thành bất tử Có những lời hơn mọi bài ca Có con người từ chân lý sinh ra.”
(Tố Hữu)
Sống như Anh – Anh là ai?
Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 01/02/1940 tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con thứ ba nên còn được gọi là Tư Trỗi.
fcd2acd95e742af551977237fd697260
Sau Hiệp định Genève 1954, anh một mình vào Sài Gòn sinh sống, làm thợ điện ở Nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động Sài Gòn, thuộc đại đội Quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.
Ngày 21/04/1964, anh Nguyễn Văn Trỗi lập gia đình với chị Phan Thị Quyên .
Ngày 02/05/1964, Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ từ tổ chức, cho đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm tiêu diệt phái đoàn quân sự chính trị cấp cao của Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu sang kiểm tra kế hoạch bình định miền Nam Việt Nam và hoạch định sách lược chiến tranh ở Việt Nam.
Việc không thành, 22 giờ ngày 09/05/1964, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt và bị kết án tử hình.
Biết tin này, nhóm Biệt đội du kích quân chống chế độ thân Mỹ tại Venezuela đã đề nghị trao đổi con tin là Đại tá Không quân Mỹ Michael Smolen bị họ bắt cóc ở Caracat, và tuyên bố:
“Nếu ở Việt Nam xử bắn Nguyễn Văn Trỗi thì ở Venezuela một giờ sau họ sẽ xử bắn Đại tá Smolen.”
Tuy hai bên đã có sự thỏa thuận, nhưng sau khi Michael Smolen vừa được tự do, chính phủ Sài Gòn đã trơ trẽn lật lọng, xé bỏ thỏa thuận và đưa Nguyễn Văn Trỗi đi xử bắn tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình đã tìm được nơi Chính quyền Việt Nam Cộng hoà bí mật chôn xác anh tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Đông, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 17/10/1964, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương Thành đồng hạng Nhất.
Cuốn sách về “Những lần gặp gỡ cuối cùng”.
Một ngày sau khi anh Trỗi bị bắt, địch bắt cả chị Quyên vợ anh vào tù. Trong thời gian bị giam giữ, chị biết chồng bị quân địch sử dụng nhiều phương thức moi thông tin để tìm ra tổ chức đứng phía sau, hết tra tấn dã man rồi lại chuyển sang mua chuộc bằng những lời ngon ngọt, thậm chí đem chuyện gia đình vợ mới cưới xinh đẹp ra hòng làm nao núng trái tim anh, xong chúng lại quay sang dụ dỗ để chị khuyên anh Trỗi quy hàng… nhưng sau tất cả đều không đạt kết quả gì.
Trong khám, chị được gặp những người bạn tù là chiến sĩ cách mạng. Nhờ họ, chị mới thực sự hiểu nhiệm vụ công tác của chồng và đồng đội, đồng thời hiểu về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hiểu vì sao anh Trỗi tham gia chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Dựa trên lời kể của chị Phan Thị Quyên về “những lần gặp gỡ cuối cùng” giữa chị với anh Trỗi từ khi bị giam cho đến khi bị xử bắn, nhà văn miền Nam Trần Đình Vân (tức nhà báo Thái Duy) đã viết và chuyển ra miền Bắc cuốn sách “Sống như Anh”.
Ngày 20/07/1965, cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học xuất bản lần thứ nhất. Qua giọng văn chân thành, mộc mạc, nhà văn “Sống như Anh” đã giúp độc giả hiểu biết sâu và rộng hơn về cuộc sống, tình cảm của các chiến sĩ giải phóng quân, cũng như về cuộc đời, về hành động kiên trung dũng cảm của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong nhà tù và những phút giây làm nên lịch sử của anh.
Những giây phút đó đã làm cho nhiều nhà báo có mặt tại pháp trường phải xúc động và cảm phục, đã làm cho kẻ thù phải run sợ trước người thanh niên trẻ tuổi nhưng yêu nước bằng cả một tấm lòng kiên trung. Với 9 phút ngắn ngủi tại pháp trường anh Trỗi đã tạo nên bản hùng ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, làm rung động hàng triệu trái tim yêu nước, yêu hoà bình của Việt Nam và bạn bè trên toàn thế giới.
Tại pháp trường, khi địch bịt mắt anh, anh giật tấm băng đen rồi nói:
“Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!”
Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô to:
“Hãy nhớ lấy lời tôi Đả đảo đế quốc Mỹ Đả đảo Nguyễn Khánh Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”
Người thanh niên thợ điện trở thành tấm gương sáng ngời của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do cho tổ quốc thân yêu và gắn kết cả những phong trào chống Mỹ, phản đối chiến tranh trên toàn thế giới, nhất là khu vực Mỹ la tinh những thập niên 60, 70 thế kỷ XX.
“Sống như Anh” mang tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời và tinh thần lẫm liệt của anh Trỗi đi rộng khắp đất nước và được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành một tác phẩm rất nổi tiếng lúc đó, cuốn hút hàng triệu người, nhất là sinh viên, học sinh.
Đọc thêm:
- Nhật ký Đặng Thùy Trâm – Sức mạnh cảm hóa từ một tâm hồn cao đẹp!
- Búp Sen Xanh – Nhờ đâu nuôi dưỡng một vĩ nhân?
- Đơn Tuyến – Tiểu thuyết chân dung Nguyễn Đình Ngọc.
- Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi – Nhật ký Nguyễn Văn Thạc
- Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời
Tinh thần Nguyễn Văn Trỗi bất tử!
Chị Quyên có kể về quãng thời gian yêu nhau và 19 ngày tân hôn với anh Trỗi. Trong cuộc sống hằng ngày, anh luôn nắn nót vợ từ cách ăn mặc đến cách đối đãi trong các mối quan hệ. Anh luôn tỏ rõ lòng căm thù giặc Mỹ của mình. Lúc đó chị chưa hiểu lắm về công tác bí mật của anh, cho đến khi được những đồng chí cộng sản trong tù giảng giải, chị mới hiểu từng câu nói và hành động của anh trong đời sống hằng ngày chính là mỗi một bài học tựa mưa dầm thấm lâu để xây dựng cho chị một tư tưởng khoáng đạt, một ý chí kiên định vững vàng hướng về cách mạng và công cuộc giải phóng dân tộc.
Sau khi anh Trỗi hy sinh, đầu 1965, chị Quyên được tổ chức đưa ra vùng giải phóng để hoạt động cách mạng ở nơi khác, vì trong nội thành quân địch theo dõi chị quá gắt gao. Trước ngày ra đi, chị đứng trước mộ anh thật lâu và thầm hứa với anh rằng sẽ làm trọn theo lời anh căn dặn trong lần gặp cuối cùng:
“Nếu phải xa anh lâu, thì dù trong hoàn cảnh nào cũng không sợ chúng nó, cố tìm mọi cách để được tham gia cách mạng, như các anh các chị trong tù đã dạy dỗ hướng dẫn em.”
Thời gian ở “R”, chị nhận được sự động viên của mọi người khắp từ Bắc chí Nam. Cho dù là chiến tranh, hàng trăm lá thư vẫn đến được với chị, cả của những người bạn quốc tế như Liên Xô, Hungary, Đức, Venezuela… Chính những tình cảm ấm áp trong sáng ấy đã giúp chị vượt qua nỗi đau riêng, vững vàng hơn trong cuộc sống và chiến đấu.
Từ một người vợ chỉ biết “đi làm cách mạng vì yêu thương anh Trỗi, để trả thù cho anh”, mà chị đã trở thành một nữ chiến sĩ giải phóng quân.
Không chỉ riêng chị Phan Thị Quyên, người yêu nước khắp nẻo đường trên mảnh đất hình chữ S đều khâm phục tấm gương hy sinh anh dũng của anh hùng Trỗi, mang niềm đau thương và tự hào tiếp tục theo Bác, theo Đảng chiến đấu hy sinh để giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông.
Tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi – sống là người chiến sĩ cách mạng giác ngộ lý tưởng từ rất sớm, sau khi bị địch bắt vẫn hiên ngang và giữ trọn khí tiết của bộ đội cụ Hồ. Anh đem giác ngộ cách mạng của mình hoà vào truyền thống vẻ vang của dân tộc, anh nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Anh thiết thực đem thứ vũ khí sắc bén mà Bác và Đảng đã trao cho thanh niên, đó là “tinh thần cách mạng” và “tri thức cách mạng” trong khi chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ chân lý và lý tưởng tuyệt vời của chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Anh ra đi để lại nỗi đau đớn xót xa nhưng cũng quá đỗi tự hào cho một tinh thần bất khuất trước bè lũ cướp nước và lũ bán nước, đã anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Cái chết của anh thổi bùng ngọn lửa căm thù và ý chí đấu tranh của đồng bào, đồng chí trên khắp nẻo đường đất nước, vượt biên giới lan tỏa cả hoàn cầu trong phong trào cộng sản thế giới.
Anh chết đi nhưng tinh thần anh không chết, và lời anh sẽ còn vọng mãi ngàn năm!
Thương tiếc và xúc động trước tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi trong bức ảnh chụp Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường:
“Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là 1 tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước – nhất là cho các cháu thanh niên học tập!”
Đau đớn nghiêng mình mặc niệm hương hồn anh, người con của dân tộc đã hiến dâng mình cho sự nghiệp cách mạng!
Kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến người Chiến sĩ biệt động nội thành đại đội Quyết tử, Chiến sĩ anh hùng trong Chiến tranh Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Anh sống mãi trong lòng hậu thế!
Từ khóa » Hãy Sống Như Anh
-
Sống Như Anh – Nhà Xuất Bản Kim Đồng
-
Hãy Sống Như Anh Người Hùng NGUYỄN VĂN TRỖI - YouTube
-
Sống Như Anh
-
Giới Thiệu Tác Phẩm Sống Như Anh - Trường THCS Chu Văn An
-
HÃY SỐNG NHƯ ANH - NGƯỜI ANH HÙNG BẤT KHUẤT NGUYỄN ...
-
LỮ ĐOÀN ĐỎ - HÃY SỐNG NHƯ ANH ! | Facebook
-
Giới Thiệu Tác Phẩm Sống Như Anh - Hỏi Gì 247
-
Bài Thơ: Hãy Nhớ Lấy Lời Tôi! (Tố Hữu - Nguyễn Kim Thành) - Thi Viện
-
Danh Ngôn Của Mahatma Gandhi - Hãy Sống Như Ngày Mai Anh Chết ...
-
Sống Như Anh (Tái Bản 2021) | Tiki
-
Thanh Niên Miền Đông - HÃY SỐNG NHƯ ANH - Facebook
-
55 Năm “Sống Như Anh” - Báo Người Lao động - NLD
-
“Sống Như Anh”, Cuốn Sách Mang Nhiều Dấu ấn đặc Biệt - CAND