Sốt Co Giật ở Trẻ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Biến Chứng Nguy Hiểm

Sốt co giật là tình trạng trẻ tăng nhiệt độ sốt đột ngột, cứng người, trợn mắt tay chân giật liên hồi và có thể tự hết trong vòng 15 phút (thường là sau 1-2 phút). Khoảng 2-4% trẻ trong độ tuổi 6 tháng đến 5 tuổi có khả năng bị sốt co giật.

sốt co giật ở trẻ em

Vì sao trẻ nhỏ thường bị sốt cao co giật?

Sốt là triệu chứng, không phải bệnh lý. Sốt là một phản ứng hết sức bình thường của cơ thể đối với các bệnh nhiễm trùng nhằm chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus, vi khuẩn. Về cơ bản, sốt là biểu hiện có lợi cho cơ thể.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, trẻ nhỏ thường bị sốt cao co giật là vì bộ não của trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi chưa thực sự phát triển hoàn chỉnh, do đó khá nhạy cảm với sự thay đổi của thân nhiệt. Nhiệt độ cao hoặc tốc độ thay đổi thân nhiệt đột ngột có thể kích thích bộ não gây nên tình trạng co giật. Trong giai đoạn phát triển từ 2 tháng đến 6 tuổi, trẻ bị sốt cao co giật 1 hoặc 2 lần thì có thể coi là lành tính.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy sốt cao co giật cũng ảnh hưởng bởi yếu tố bẩm sinh di truyền (liên hệ nhiều gen), những người trong gia đình có tiền sử co giật thì những đứa trẻ cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng này.

Có 2 dạng sốt co giật:

  • Co giật do sốt đơn thuần: Cơn giật toàn thể; Cơn giật kéo dài dưới 15 phút; chỉ có 1 cơn giật trong 24 giờ.
  • Co giật do sốt phức hợp: Cơn giật cục bộ; Cơn giật kéo dài trên 15 phút; có ≥ 2 cơn giật trong 24 giờ.

Biểu hiện của sốt co giật

Sốt cao co giật là tình trạng co giật gây ra bởi cơn sốt ở trẻ, nhiệt độ xuất hiện co giật là từ 40 độ C trở lên. Nếu để sốt đến 41 độ C, hầu hết 100% trẻ sẽ bị co giật.

Khi co giật, trẻ có thể tăng trương lực cơ thân mình, mất cảm giác ở chân, tay, miệng, và co giật trong một thời gian nhất định. Trẻ cũng có thể thét lên và sùi bọt mép. Thời gian co giật khoảng vài chục giây đến vài phút và thường chỉ co giật một cơn trong một đợt bệnh. Ngoài cơn, trẻ hoàn toàn bình thường. Những trường hợp sốt co giật với đặc điểm như vậy được gọi là sốt co giật đơn giản, diễn tiến thường lành tính, tiên lượng tốt và không cần điều trị đặc hiệu.

Co giật do sốt thường kéo dài trong vài phút. Một cơn co giật kèm sốt kéo dài hơn 5 phút được xem là bất thường. Trong trường hợp này, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xác định nguyên nhân gây co giật kèm sốt. Đối với trường hợp sốt cao co giật từ vài giây đến dưới 5 phút, trẻ không cần phải nhập viện, không cần chụp X-quang hoặc kiểm tra điện não đồ.

Những biểu hiện của sốt cao co giật bố mẹ cần lưu ý:

  • Nhiệt độ cơ thể cao từ 38.5 độ, bắt đầu mất ý thức,
  • Tay chân bị giật hoặc lắc cả 2 bên,
  • Các cơ siết chặt,
  • Nhịp thở rối loạn, co giật toàn cơ thể,
  • Có thể có thêm các biểu hiện như nôn ói, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã.

Bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý về mức độ sốt của trẻ, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, sốt không làm em bé mệt, không khiến em bé bị bứt rứt khó chịu, không làm em bé chán ăn… thì phụ huynh không cần lo lắng vì phần lớn là sốt sẽ nhanh khỏi.

Nhưng nếu trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên, nguy cơ co giật là có, do đó phụ huynh phải do bé uống thuốc hạ sốt, trong trường hợp sốt cao kéo dài, trẻ sốt lại sau khi thuốc hạ sốt hết tác dụng, thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Sốt co giật ở trẻ

Sốt cao co giật có nguy hiểm không?

“Co giật do sốt không nghiêm trọng như nhiều người vẫn nghĩ, hiện tượng này hầu như ít khi gây hại cho trẻ. Trẻ cũng không thể “nuốt lưỡi”, cắn lưỡi trong cơn co giật. Khi lên cơn co giật do sốt, lưỡi của trẻ không đưa ra mà thường tụt nhẹ vào nên nguy cơ cắn lưỡi là rất ít. Đưa lưỡi ra bên ngoài là hành động có ý thức, thông thường cơn co giật sẽ làm cơ cứng lại, không thể xảy ra hành động cắn lưỡi” – bác sĩ Chính giải thích.

Sốt cao co giật thông thường không gây ảnh hưởng đến não, trừ các bệnh lý khác gây nên tình trạng này như viêm não, viêm màng não… Vì thế, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng. Cơn sốt cao co giật lành tính không phải uống bất cứ thuốc gì.

Trẻ sốt cao co giật có nguy cơ mắc bệnh động kinh?

Bác sĩ Bạch Thị Chính đặc biệt lưu ý, không phải cứ sốt cao co giật là trẻ sẽ có di chứng động kinh. Tỷ lệ chuyển đổi từ sốt cao co giật sang động kinh rất thấp, do đó phụ huynh tuyệt đối không được cho trẻ sốt cao co giật uống thuốc điều trị bệnh động kinh.

Chẩn đoán động kinh là việc rất cẩn trọng, người bệnh cần được thăm khám chuyên sâu với các tiêu chuẩn chẩn đoán riêng. Nếu các cơn co giật kéo dài, sau co giật cơ thể có biểu hiện yếu, liệt hoặc cùng lúc nhiều cơn co giật trong một đợt sốt, tiền sử gia đình có người bị động kinh,… phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám để được xác định có liên quan đến động kinh hay không.

Não bộ thường xuyên được sửa chữa và thích nghi, do đó, nếu cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành phản ứng có điều kiện, tạo thói quen cứ sốt là co giật hoặc co giật ngay cả khi không sốt. Việc sốt cao co giật tái diễn nhiều lần sẽ tạo ra sự phóng điện đột ngột, quá mức của các nơ-ron thần kinh có thể “giết chết” các tế bào não, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, giác quan, ngôn ngữ và làm giảm trí nhớ của trẻ.

Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc di chứng động kinh sau sốt cao co giật là thấp, nhưng nguy cơ tái phát cơn co giật ở những trẻ này trong 2 năm kế tiếp có thể lên đến 70% từ khi cơn co giật đầu tiên xuất hiện.

Những điều cần tránh khi bé bị sốt cao co giật

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho rằng, nếu trẻ đang trong cơn co giật, phụ huynh phải hết sức bình tĩnh vì các cơ co giật đều không nguy hiểm đến tính mạng. Di chứng cơ bản nhất của tình trạng này là thiếu oxy não, do đó điều quan trọng là phụ huynh cần phải tìm cách làm cho các dịch ở mũi, ở họng chảy theo đường miệng ra ngoài để thông đường thở cho bé bằng cách bế nghiêng hoặc cho trẻ nằm nghiêng, tránh tình trạng thiếu oxy hoặc dịch chảy ngược vào phổi, gây tắc thở rất nguy hiểm.

Nhận định về sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh khi trẻ bị sốt cao co giật, bác sĩ Bạch Thị Chính cảnh báo, phụ huynh tuyệt đối không cho bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ trong lúc trẻ sốt co giật vì sẽ gây nguy hiểm, làm trẻ ngạt thở, sặc. Tuyệt đối không đút tay miệng trẻ, không nên tập trung đông người khiến trẻ có không khí để thở.

Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý một số yếu tố sau:

  • Không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ, không tìm cách giữ chặt trẻ vì có thể gây tổn thương các cơ quan của trẻ.
  • Không dùng vật cứng chặn miệng trẻ vì có thể làm tổn thương niêm mạch miệng, làm gãy răng, sứt lợi.
  • Không quấn chặt trẻ, nên cho trẻ mặc thoáng, nới lỏng quần áo để trẻ dễ thở.
  • Dùng khăn nhúng nước ấm đắp lên người trẻ vùng nách và bẹn nhiều lần để hạ nhiệt, đặt thuốc hạ sốt đường hậu môn nếu có thể.
  • Sau cơn co giật, cho trẻ uống oresol, sinh tố trái cây, nước ép để bổ sung vitamin, cân bằng điện giải, tăng sức đề kháng cho trẻ.
  • Ghi nhận thời gian co giật và kiểu giật của trẻ để cung cấp thông tin cho bác sĩ.
  • Nếu cơn giật kéo dài đến 5 phút thì đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu hoặc dùng thuốc cắt cơn cho trẻ nếu đã được tập huấn (thuốc diazepam dạng gel bơm hậu môn hoặc midazolam xịt mũi …).

Sốt co giật ở trẻ

Trẻ tiêm vắc xin có bị sốt cao co giật?

Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng bất thường của sức khỏe xảy ra sau tiêm chủng, hầu hết đều ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ). Về cơ bản, sốt co giật sau khi tiêm vắc xin là trường hợp rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, phụ huynh nên tuân thủ nguyên tắc an toàn tiêm chủng cho trẻ nhỏ, để trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm và theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bé ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng ngay cả khi bé đang ngủ. Nếu trẻ có triệu chứng sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc dai dẳng trên 3 giờ đồng hồ, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái… phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phòng sốt co giật ở trẻ

Bác sĩ Bạch Thị Chính đặc biệt nhấn mạnh, nếu trẻ sốt sau khi tiêm vắc xin, bố mẹ nên chăm sóc theo dõi sát sao để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời. Chăm sóc trẻ bị sốt sau tiêm chủng

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
  • Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5 độ C, quấy khóc. Có thể chườm ấm để hạ sốt cho trẻ.
  • Có thể chườm lạnh lên vết tiêm để giảm đau và giảm sưng cho trẻ.
  • Không bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.

Từ khóa » Chứng Co Giật ở Trẻ Em