SỰ KHÁC BIỆT THÚ VỊ GIỮA TẾT XƯA VÀ NAY

Tết xưa nhà nhà đốt pháo giấy, Tết nay chỉ được bắn pháo hoa. Tết xưa cả gia đình quây quần gói bánh chưng, ngày nay nhiều gia định chọn bánh chưng bán sẵn.

1. Đốt pháo

"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu như Tết xưa nhà nhà có tràng pháo giấy treo trước cửa để đốt, thì ngày nay pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa. Pháo hoa được bắn ở các địa điểm lớn, người dân háo hức đi chơi sớm, tìm những địa điểm đẹp nhất để ngắm pháo hoa.

Tết xưa đốt pháo giấy là nét đẹp truyền thống những ngày Tết

Ngày nay, pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa

2. Mứt Tết

Tết xưa dân dã giản dị với những hộp mứt Tết đơn giản, không quá cầu kỳ. Hộp mứt tết bìa các tông được gói gém đơn sơ, bên trong có chút ít mứt bí, mứt dừa, mứt lạc hay quả táo tàu vốn được coi là hàng "sang" thời bao cấp. Tết ngày nay những hộp mứt Tết được cách điệu ngày càng sang trọng, nhiều gia đình còn chọn cách làm mứt Tết tại nhà để đảm bảo an toàn, độ ngon miệng cũng như màu sắc đẹp mắt. Bên cạnh những hộp mứt Tết, thì những giỏ quà Tết sang trọng cũng được nhiều gia đình chọn lựa để làm quà.

Hộp mứt Tết xưa giản dị, dân dã

Mứt Tết ngày nay đa dạng cả về mẫu mã, sản phẩm, hương vị, màu sắc

3. Bánh chưng ngày Tết

Gói bánh chưng ngày Tết là một nét văn hóa đẹp truyền thống không bao giờ thay đổi được. Nếu như Tết xưa cả gia đình quây quần cùng gói bánh chưng bên nhau, thì ngày nay nhiều gia đình chọn cách mua bánh chưng, bánh tét làm sẵn ngoài hàng để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều gia đình chọn cách gói bánh chưng tại nhà để mang hơi ấm Tết về với gia đình, cũng như chia sẻ cho con cháu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc.

4. Mua hàng Tết

Thói quen mua sắm Tết vẫn được giữ gìn từ Tết xưa đến Tết nay. Ngày xưa, vào những ngày giáp Tết các gia đình đều đi chợ quê sắm sửa quần áo, đồ dùng, thực phẩm. Nếu ở Hà Nội, những con phố cổ như hàng Ngang, hàng Đào luôn luôn tấp nập người qua lại. Ngày nay, người dân chọn cách mua sắm Tết tại các trung tâm thương mại, siêu thị để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả cũng phải chăng.

5. Du xuân

Một trong những điểm khác biệt khác giữa Tết xưa và nay là xu hướng đi chơi Tết xa thay vì nghỉ Tết gần. Nhiều gia đình chọn đi du lịch vào dịp Tết như một cách nghỉ ngơi, xả stress sau một năm làm việc vất vả.

6. Chúc Tết

Sự lên ngôi của mạng xã hội khiến nhiều thói quen, nếp sống của con người thay đổi. Trong dịp Tết, người ta không cần đến tận nhà, gặp tận mặt mới có thể chúc Tết, mà chỉ cần một chiếc smartphone là đã có thể gửi lời chúc năm mới tốt lành đi khắp nơi.

7. Giải trí ngày Tết

                     

Tối 30, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen quây quần bên nhau, mở tivi xem Táo quân và nhiều chương trình chào xuân. Trong khi đó, không ít người chọn giải trí cách cày phim, đọc truyện hay ngủ nướng suốt những ngày nghỉ Tết.

8. Quà biếu Tết

Giỏ quà biếu Tết xưa thường không quá cầu kỳ với hộp mứt tết bìa các tông được gói đơn sơ, chai rượu nếp hay vài loại hoa quả quen thuộc. Trong dịp Tết ngày nay, giỏ quà mang đi biếu ngày càng sang trọng với đủ loại rượu ngoại, bánh mứt cao cấp và trái cây khắc chữ, in hình độc đáo.

9. Cây chưng nhà dịp Tết

Ngày xưa, người ta chỉ cần cành đào, cành mai hay chậu quất nhỏ để chưng nhà dịp Tết. Còn ngày nay, đủ loại cây trái độc, lạ như bưởi thỏi vàng, đào bonsai, xoài in chữ, dưa hấu vuông... được lựa chọn để bày trong nhà.

10. Dọn nhà ngày Tết

Năm hết Tết đến, dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa đón Tết là một trong những công việc gia đình Việt không thể bỏ qua. Ngày xưa, các thành viên trong gia đình thường giúp nhau dọn dẹp. Còn ngày nay, không ít người bỏ tiền ra thuê người làm dịch vụ dọn nhà theo nhu cầu chỉ với một vài thao tác nhanh gọn trên điện thoại.

11. Làm đẹp

Tết xưa vào ngày cuối cùng của năm cũ, các chị em thường tắm rửa sạch sẽ với bồ kết, hoặc xông hơi với các loại lá cây để tẩy sạch bụi bẩn, xui rủi của năm cũ, còn giờ đây, cách Tết hàng tháng trời các chị em đã ra tiệm làm tóc, sấy, uốn, duỗi nhuộm để chưng diện ngày Tết.

12. Chụp ảnh

Tết xưa, khi đi chơi chúng ta thường thấy những bác, chú chụp ảnh dạo thường. Nếu ai thích thì chụp, sau đó phải chờ mấy ngày sau mới lấy được hình. Còn giờ đây, ai cũng lăm lăm điện thoại trong tay để chụp ảnh sống ảo, đôi khi thời gian chụp ảnh còn nhiều hơn là vui chơi, ngắm cảnh nữa.

Những câu thơ dí dỏm để thể hiện sự khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay:

Tết này chẳng giống Tết xưa

Chẳng ai còn nhớ Tết xưa thế nào

Tết xưa cảm xúc nao nao

Tết nay cảm xúc cho vào hư vô

Tết xưa sếp thưởng tiền đô

Tết nay sếp thưởng hàng lô về dùng

Tết xưa chẳng muốn trôi qua

Tết nay chỉ muốn ở nhà cho xong

Tết xưa dạo bộ lòng vòng

Tết nay đánh võng uốn cong vỉa hè

Tết xưa bánh kẹo nước chè

Tết nay thanh niên chỉ nhăm nhe hút cần

Tết xưa nhọ nồi tình thân

Tết nay "sát phạt" mới gần nhau hơn

Tết xưa mọi thứ giản đơn

Tết nay vay mượn để hơn mọi người

Tết xưa xong Tết vui cười

Tết nay xong Tết nhiều người bi oan

Tết xưa được nhận phong bao

Tết nay con cháu nhao nhao đòi quà

Tết xưa tụ họp gần xa

Tết nay chỉ thấy lên bar, vũ trường

Tết xưa đốt pháo đầy đường

Tết này đốt pháo lên phường nha bây

Tết xưa đi hội ngắm cây

Tết nay đi hội bẻ cây bẻ cành

Tết xưa con trẻ hiền lành

Tết nay tí tuổi đã thành "dân chơi"

Cho dù thay đổi nhiều rồi

Nhưng đừng quên Tết ai ơi nhớ về!

Còn rất nhiều những nét đẹp văn hóa cũng như phong tục truyền thống được giữ gìn từ Tết xưa đến Tết nay như xin lộc đầu xuân, lỳ xì, du xuân hay xin chữ... Mặc dù có nhiều thay đổi, song Tết vẫn là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, cùng nhau chúc Tết, cùng nhau cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.

 https://khoahoc.tv/su-khac-biet-thu-vi-giua-tet-xua-va-tet-nay-77591

Từ khóa » Sự Khác Biệt Giữa Tết Xưa Và Tết Nay