Sự Kiện HYSTERIA Tập Thể - Bệnh Viện Tâm Thần Ban Ngày Mai Hương

Trong thời gian gần đây, sự kiện hysteria tập thể xảy ra tại một số trường học trong cả nước đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, cha mẹ học sinh và các thầy cô giáo. Vậy bản chất của hiện tượng này là gì? Nguyên nhân và cách phòng chống? Nó có ảnh hưởng gì đến kết quả học tập của các cháu hay không? Sau đây là ý kiến của các nhà chuyên môn Tâm thần học, hy vọng sẽ giúp thêm một số hiểu biết về bệnh và vấn đề rèn luyện nhân cách học sinh trong gia đình và nhà trường. Bệnh tâm căn Hysteria - tên gọi cũ. Rối loạn phân ly (chuyển di) là tên gọi mới của bệnh, nằm trong mục F44 bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10). Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn này bao gồm: - Có nét đặc biệt về nhân cách. - Có bằng chứng nguyên nhân tâm lý. - Không có bằng chứng của một bệnh thực thể nào gây ra các triệu chứng lâm sàng. Bệnh rối loạn phân ly (RLPL) là một bệnh tương đối phổ biến. Bệnh phát sinh ở người trẻ tuổi nhiều hơn người già, nữ nhiều hơn nam. Biểu hiển bệnh với rất nhiều các loại triệu chứng cả triệu chứng cơ thể lẫn triệu chứng tâm thần. Vì vậy trong thực hành lâm sàng, RLPL giống triệu chứng của nhiều loại bệnh, chẩn đoán phân biệt nhiều khi rất khó và không ít trường hợp chẩn đoán nhầm lẫn về RLPL. Căn nguyên và cơ chế bệnh sinh về bệnh có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên theo nhiều nhà chuyên môn đánh giá thì đây là một bệnh có nguyên nhân tâm lý, xuất hiện sau các sang chấn tinh thần, trên một nhân cách có nhiều đặc điểm riêng biệt. 1. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là các sang chấn tâm lý (Stress) hay các hoàn cảnh xung đột. Các stress gây bệnh thường là những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thật vọng nặng nề…và bệnh phát sinh một thời gian ngắn ngay sau khi có sang chấn. Có một số trường hợp sang chấn tâm lý khó tìm thấy nhất là những trường hợp tái phát. 2. Các nhân tố thuận lợi thúc đẩy bệnh phát sinh. Bệnh thường xảy ra ở các đối tượng có một nhân cách đặc biệt, do hoàn cảnh sinh sống, do phương pháp giáo dục không thích hợp đã hình thành cho trẻ những nét tính cách như thiếu tự chủ, thiếu kìm chế bản thân, thích được chiều chuộng, thích phô trương, chịu đựng kém các khó khăn của cuộc sống, của môi trường, lý tưởng bản lĩnh không vững mạnh. Ở những đối tượng này, hệ thống tín hiệu thứ 2 (ý chí) vì nhiều lý do bị suy yếu và hệ thống tín hiệu thứ 1 (bản năng) chiếm ưu thế hay nói một cách khác: ở những đối tượng này hoạt động lý trí bị giảm sút và hoạt động cảm xúc bản năng trội hơn. 3. Các nhân tố có hại của môi trường cũng là một yếu tố thúc đẩy bệnh phát sinh như bị nhiễm khuẩn, bị nhiễm độc, thiếu dinh dưỡng, kiệt sức, căng thẳng,…. tác động mạnh hay kéo dài làm suy yếu hoạt động võ não. (Điều này giải thích tại sao những người có nhân cách lý tưởng vững mạnh nhưng do môi trường tác động vào có thể bị RLPL như các nữ thanh niên xung phong bị Hysteria trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) * Một đặc điểm tâm lý nổi bật của người bị RLPL là: - Tăng cảm xúc. - Dễ bị ám thị và tự ám thị bởi môi trường và tác động bên ngoài. Điều này giải thích tại sao RLPL lây lan từ cháu này sang cháu khác như một bệnh dịch và người ta gọi đó là hiện tượng RLPL tập thể. Thí dụ về sự lây lan là cơn co giật ở trường THPT Xuân Ái, Hạ Hoà, Phú Thọ tháng 5/2004 từ một cháu sang 130 cháu khác và cơn ngất ở trường PTTH Nguyễn Hiền, phường Hoà Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng năm 2004 lây sang 30 cháu tại trường và sang cả một số trường bên cạnh. CÁC BIỂU HIỆN CỦA BỆNH RLPL rất đa dạng: 1. Các triệu chứng cơ thể và thần kinh: - Cơn co giật. - Cơn ngất xỉu. - Cơn run rẩy. - Liệt chân tay. - Rối loạn phát âm: không nói, nói lắp, nói khó… - Các rối loạn giác quan: mù, điếc. - Các rối loạn cảm giác: đau, tê, mất cảm giác. - Các rối loạn thực vật nội tạng: nấc, nôn, co thắt cơ… 2. Các triệu chứng tinh thần: - Khóc cười (cảm xúc không ổn định), dễ lây cảm xúc của người khác. - Ảo thị. - Tư duy cụ thể, hình tượng, quá trình phân tích và tổng hợp nông cạn, nói nhiều về bản thân mình, trình bày bệnh tật, khiêu gợi sự chú ý của những người khác (phô trương). - Trí tưởng tượng phong phú, có thể có bịa chuyện hấp dẫn ly kỳ, lời nói trầm bổng…. - Tác phong hành vi: nhiều kịch tính, nhiều tính phô trương, hành vi tự phát thiếu kìm chế do bản năng chi phối. ĐIỀU TRỊ BỆNH RLPL NHƯ THẾ NÀO? 1. Trong cơn RLPL: - Chủ yếu bằng các liệu pháp tâm lý (ám thị cá nhân và tập thể). - An thần, trấn tĩnh. - Tăng cường sức đề kháng của cơ thể. - Châm cứu, bấm huyệt hoặc thư giãn luyện tập. - Cách ly để không lây lan ở các môi trường tập thể có cùng hoàn cảnh. 2. Điều trị lâu dài và phòng bệnh:

Quan trọng nhất là rèn luyện cho các cháu ngay từ nhỏ một nhân cách vững mạnh có nhiều tính cách tốt như: tính tự lập, tự chủ, biết chịu đựng gian khổ, biết kìm chế bản thân, có lý tưởng vững mạnh…

Tạo một môi trường sinh sống và học tập lành mạnh trong sạch, tránh các sang chấn tinh thần (căng thẳng) do các thành viên tự gây ra cho nhau.

Có sự hài hoà giữa học tập, lao động và nghỉ ngơi hợp lý. RLPL không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cũng như khả năng lao động học tập, tuy nhiên ít nhiều có ảnh hưởng về tâm lý tình cảm.Dự phòng để bệnh không xảy ra là quan trọng và cần thiết.

BS Nguyễn Mạnh Hoàn

Gọi ngay 043. 6275762 để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn!

Từ khóa » Chẩn đoán Hysteria