SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG CỦA NGUYỄN DU
Có thể bạn quan tâm
Xét về nội dung, qua các sáng tác của Nguyễn Du, nét nổi bật chính là sự đề cao xúc cảm, tức đề cao “tình”. Điều quan trọng hàng đầu, là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh (xem: Văn tế thập loại chúng sinh, Sở kiến hành, Thái Bình mại ca giả v.v.). Cái nhìn nhân đạo này khiến ông được đánh giá là “tác giả tiêu biểu của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19”. Riêng với Truyện Kiều, kiệt tác này còn “thấm đẫm tinh thần ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp kì diệu của tình yêu lứa đôi.”
Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật , thất ngôn luật, ca, hành...nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông, mà bằng chứng là ở Truyện Kiều, đã cho thấy thể thơ lục bát “có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn của thể loại truyện thơ. Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của một bức tranh hiện thực đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, Nguyễn Du hiện ra: vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận. Đây là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du. Từ thơ chữ Hán đến truyện Kiều, nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ ở hầu hết tác phẩm của ông.
1. Tác phẩm bằng chữ Hán: Những tác phẩm bằng chữ Hán của Nguyễn Du rất nhiều, nhưng mãi đến năm 1959 mới được ba nhà nho là: Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh sưu tầm, phiên dịch, chú thích và giới thiệu tập: Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn hóa, 1959) chỉ gồm có 102 bài. Đến năm 1965 NXB Văn học đã ra Thơ chữ Hán Nguyễn Du tập mới do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, gồm 249 bài như sau:
Thanh Hiên thi tập còn gọi là Thanh Hiền tiền hậu tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài thơ trong giai đoạn 1786-1804, gồm 10 năm gió bụi, ông sống ở Thái Bình quê vợ, 6 năm trở lại nhà dưới chân núi Hồng, và 2 năm làm chi huyện ở huyện Bắc Hà. Tập thơ là các bài viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn. Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài, giai đoạn 1805-1812, ông được thăng hàm Đông các đại học sĩ, làm quan ở Kinh Đô 5 năm và làm cai bạ ở Quảng Bình 3 năm Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ, giai đoạn 1813-1814, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.
2 . Tác phẩm bằng chữ Nôm:
Những tác phẩm bằng chữ Nôm của Nguyễn Du gồm có:
Đoạn trường tân thanh còn có tên gọi khác là Kim Vân Kiều truyện,(Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột. Tên phổ biến là Truyện Kiều), được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Nội dung của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều, nhân vật chính trong truyện, một cô gái có tài sắc. Về thời điểm sáng tác, Từ điển văn học (bộ mới) ghi: "Có thuyết cho rằng Nguyễn Du viết ra sau khi ông đi sứ Trung Quốc (1814-1820), có thuyết cho nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn”.
Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh, dịch nghĩa: Văn tế mười loại chúng sinh), còn có tên gọi khác là Văn chiêu hồn, Văn tế chiêu hồn. Tác phẩm hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Ông Hoàng Xuân Hãn cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết Văn chiêu hồn trước cả Truyện Kiều, khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812). Tác phẩm được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm. Thác lời trai phường nón, 48 câu, được viết bằng thể lục bát. Nội dung là thay lời anh con trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải.
Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, 98 câu, viết theo lối văn tế, để bày tỏ nỗi uất hận vì mối tình với hai cô gái phường vải khác. Với những đóng góp trên Nguyễn Du xứng đáng là Đại Thi Hào của dân tộc.
Đánh giá:
Trước năm 1930:
Trong quãng thời gian hơn một trăm năm này, người bình luận các tác phẩm của Nguyễn Du là các nhà nho. Ở thế kỷ XIX, các nhà nho thường qua những bài thơ vịnh, những bài tựa mà bộc lộ cách nhìn, chính kiến của mình với tác phẩm. Sang thế kỷ XX, các nhà nho lại phát biểu bằng những bài văn chính luận. Nhưng bình luận ở giai đoạn nào họ cũng đều chia làm hai dòng khen và chê. Tuy nhiên, dù khen hay chê thì tất cả họ đều đánh giá cao nghệ thuật văn chương của Nguyễn Du. Nhưng văn chương được nhìn như có sự tách rời của hình thức với nội dung.
Từ 1930 đến 1945:
Nghiên cứu phê bình văn học thời gian này đã thành một bộ môn riêng biệt, mang ý nghĩa hiện đại. Các tác phẩm của Nguyễn Du trong giới nghiên cứu, phê bình thấy rõ ba khuynh hướng sau: 1. Khuynh hướng phê bình ấn tượng chủ quan với các ông Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư 2. Khuynh Hướng giáo khoa qua những công trình của các ông Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm 3. Cách tiếp cận kiểu khoa học của ông Nguyễn Bách Khoa
Từ 1945 đến 1980:
Trong giai đoạn này việc nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Du trong quan hệ với hiện thực đời sống xã hội theo quan điểm mỹ học Mác xít. Tác phẩm văn học được nhìn nhận như là sự phản ánh đời sống xã hội và bộc lộ thái độ của nhà văn đối với hiện thực đó. Hai công trình theo hướng này xuất hiện sớm và đáng chú ý hơn cả là cuốn: Quyền sống của con người trong "Truyện Kiều" của Hoài Thanh (19490) và bài báo Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung "Truyện Kiều" của Đặng Thai Mai (1955). Vấn đề tinh thần nhân đạo và tính hiện thực của "Truyện Kiều" được hai tác giả chú ý đặc biệt và coi là giá trị cơ bản của tác phẩm.
Ở miền Nam thời kỳ 1954 - 1975 cũng có nhiều người để tâm phê bình nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Du. Dịp kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du trên các tập san Văn (số 43, 44) và Bách khoa thời đại (số 209) nhiều bài phê bình được công bố. Trước đó, năm 1960 có cuốn Chân dung Nguyễn Du tập hợp một loạt bài viết về Nguyễn Du của nhiều tác giả. Trước sau năm 1970 cũng thấy một số công trình khá công phu của Phạm Thế Ngũ, Đặng Tiến, Nguyễn Đăng Thục...
Từ 1980 đến nay:
Trong giai đoạn này, các tác phẩm của Nguyễn Du được tiếp cận bởi nhiều phương pháp mới: phong cách học, thi pháp học, ký hiệu học... Đã xuất hiện một số công trình đáng chú ý của Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu... Nhìn chung các tác giả đều cố gắng khách quan hóa việc phân tích tác phẩm, muốn làm cho các kết luận của mình là hiển nhiên, "không còn tranh cãi". Tuy vậy mọi việc không đơn giản, các ý kiến vẫn cứ rất xa nhau, điều đó có nghĩa là những cuộc tranh luận sẽ vẫn tiếp diễn và như vậy nghiên cứu, phê bình về các tác phẩm của Nguyễn Du sẽ tiếp tục tiến triển. Sáng tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về khối lượng, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân tộc. Hơn nữa nó lại rất năng sản. Từ Truyện Kiều đã nảy sinh biết bao những hình thức sáng tạo văn học và văn hóa khác nhau: thơ ca về Kiều, các phóng tác Truyện Kiều bằng văn học, sân khấu, điện ảnh; rồi rất nhiều những dạng thức của nghệ thuật dân gian: đố Kiều, giảng Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều... Đặc biệt là số lượng rất lớn những bài bình luận, những công trình phê bình, nghiên cứu.
Từ khóa » Sự Uyên Bác Của Nguyễn Du được Thể Hiện ở Chỗ
-
Nghệ Thuật Thơ Nguyễn Du?
-
Nguyễn Du – Wikipedia Tiếng Việt
-
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ "TRUYỆN KIỀU" - ĐẠI THI HÀO ...
-
Phân Tích Cái Tôi Của Nguyễn Tuân Trong Người Lái đò Sông Đà (6 ...
-
Nguyễn Du Là Ai: Tiểu Sử, Sự Nghiệp, Cuộc đời Và Dấu ấn Cá Nhân ...
-
[PDF] Chất Tài Hoa, Uyên Bác Của Nhà Văn Trong Hai Bài Tùy Bút
-
Nguyễn Tuân Là Nhà Văn Có Phong Cách Tài Hoa, Uyên Bác. Qua Tùy ...
-
Chuyên đề Bồi Dưỡng HSG Đặc Trưng Thi Pháp Văn Học Trung đại
-
Nguyễn Tuân Một Ngòi Bút Tài Hoa, Uyên Bác - Tài Liệu Text - 123doc
-
Khám Phá Phong Cách Sáng Tác Của Danh Nhân Nguyễn Du - Vnhoi
-
Tác Giả Nguyễn Tuân - Môn Văn - Tìm đáp án, Giải Bài Tập, để Học Tốt
-
Nét Nổi Bật Trong Phong Cách Nghệ Thuật Của Nguyễn Tuân Là Sự Tài ...
-
Tiểu Sử Cuộc đời, Sự Nghiệp Văn Học Của đại Thi Hào Nguyễn Du
-
Giới Thiệu Về Nguyễn Tuân Và Phong Cách Nghệ Thuật Của ông
-
6 Bài Văn Phân Tích đặc Sắc Nghệ Thuật Trong "Người Lái đò Sông Đà ...
-
Nguyễn Tuân Và Người Lái đò Sông Đà - Tiền Phong
-
Hướng Dẫn Soạn Người Lái Đò Sông Đà Dễ Hiểu - Kiến Guru
-
Chuyên đề Nguyễn Dữ