Sự Ra đời Của Một Ngành Công Nghiệp - Dệt Sợi Việt Nam Thế Kỷ XX

Sự ra đời của một ngành công nghiệp – Dệt sợi Việt Nam thế kỷ XX

Ngày đăng: 14/06/20

Việt Nam đã có những bước tiến trong lịch sử kinh doanh thương mại từ thế kỷ XIX. Việc mua bán giữa các tỉnh thành trong nước lẫn giao thương với các thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản và Phương Tây đã được đẩy mạnh, tuy nhiên các giá trị sản xuất thương mại còn hạn chế và hoạt động xuất nhập khẩu còn gặp nhiều trở ngại. 

Tóm tắt nội dung

Toggle
  • Những nhà máy kéo sợi đầu tiên ở miền Bắc
  • Những nhà máy dệt sợi đầu tiên ở miền Nam
          • CHÚ Ý 
          • Giàu lòng ái quốc 
          • Người An Nam! Hãy giúp ngành công nghiệp lớn đầu tiên của chúng ta sống sót và tồn tại.
          • Sự thịnh vượng và sự sống còn của nó (tức ngành công nghiệp dệt của nước nhà) phụ thuộc vào thiện chí của mỗi bạn. Hãy đến Tissage Lê-phát-Vĩnh, đến trong đám đông, để chọn lựa loại vải mà bạn cần, từ lụa, cam tự, nhieu, lãnh, vân vân
          • Tissage Lê-phát-Vĩnh
          • Nhà máy tơ lụa lớn chạy bằng điện
          • Qual de belgique (giữa ga Cầu Kho và eelle du Dépót)
          • Chúng tôi bán lẻ
          • Mở cửa đến 9 giờ tối mỗi ngày

Cho đến cuối thế kỷ XIX, sau khi Pháp chính thức đạt được “quyền bảo hộ” trên toàn lãnh thổ Việt Nam, dự định về một nền công nghiệp Đông Dương bản địa cũng được hình thành và theo đó thúc đẩy mở rộng giao thương quốc tế, làm tiền đề cho sự ra đời của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. 

Người dân địa phương trao đổi vải dệt thủ công tại khu vực gần biên giới Trung Hoa. Photo by Roger Viollet / Bắc Kỳ 1902

Những nhà máy kéo sợi đầu tiên ở miền Bắc

Nhận thấy lợi nhuận to lớn từ nghề tằm tơ dệt lụa có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, ngay từ thời nhà hậu Lê (14281789), các thương nhân người Hoa đã đến mở nhiều xưởng dệt và buôn bán khá phát đạt ở khu Thọ Xương (Phố Cổ Hà Nội). Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, “bình minh” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất – hay cách mạng công nghiệp 1.0 (cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX) mới bắt đầu lan đến Việt Nam. Trước thời kỳ này, nền kinh tế thương mại của đất nước tương đối giản đơn, quy mô nhỏ, sản xuất nông nghiệp, thủ công và lao động chân tay là chủ yếu. Năm 1894, một số nhà công nghiệp người Pháp đã cho xây dựng nhà máy kéo sợi cotton đầu tiên tại Hà Nội. Hai nhà máy kéo sợi khác cũng được thành lập ở Hải Phòng và Nam Định.  

Công nghiệp Châu Âu tại Hà Nội. Kéo sợi cotton. Photo by Gervais-Courtellemont. Ảnh được in trong sách L’Empire colonial de la France : L’Indochine, Paris, 1901, p. 166. Nguồn: Entreprises-coloniales.fr
Thành lập Bourgouin Meiffre – Chứng nhận cổ phiếu đã đăng ký

Cơ sở Bourgouin Meiffre được thành lập vào năm 1884 với số vốn 4 triệu đồng Đông Dương, công chứng tại Trụ sở Hà Nội, 74, rue Jean-Dupuis, Hà Nội. Nguồn: Entreprises-coloniales.fr

Năm 1884, doanh nhân Numa Bourgouin Meiffre (1851-1911) – con của một gia đình thương nhân người Pháp, và là một trong các thành viên của phòng thương mại Hà Nội, đã thành lập công ty Bourgoin-Meiffre và xây dựng nhà máy kéo sợi cotton đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1890, Bourgouin Meiffre sở hữu một mảnh đất từ bờ sông Đà đến dãy núi Ba Vì (de la rivière Noire au mont Bavi, Tonkin) để trồng cây cotton. Năm 1891 – 1893, công ty Bourgouin-Meiffre et Cie được thành lập dưới sự kết hợp với 5 nhà công nghiệp tại Paris (gồm Alsatian và Vosgian). Từ năm 1891 – 1932, bà mở xưởng may đồng phục quân đội và thuê nhiều thợ người bản xứ Việt Nam. [*1] 

Nhóm nữ thợ may tại xưởng may quân phục của côn ty Bourgouin Meiffre. Phoby by Pierre Dieulefit (1862 – 1837) – nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đầu tiên ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX. Đây là một trong những bức ảnh đặc sắc về người Hà Nội xưa, được in trong một cuốn sách xuất bản ở Pháp vào năm 1892. Nguồn ảnh: otofun.net
Những thợ thủ công người Việt tại xưởng may quân phục của công ty Bourgouin Meiffre, Hà Nội 1920 – 1929. Nguồn ảnh: otofun.net

Đăng trên blog 360.hncity của Tiến Sĩ Nguyễn Chí Công (bài về con phố Nguyễn Thiện Thuật ở Hà Nội) có thông tin rằng: “Năm 1892 có hãng Bourgouin-Meiffre được phép đến đây xây dựng một xí nghiệp sản xuất sợi bông, dân gọi là nhà máy Bắc Qua. Năm 1918, nhà máy Bắc Qua bị sáp nhập vào nhà máy dệt Nam Định, xưởng và nhà kho bị phá bỏ, trở thành bãi đất trống. Những thập niên 1920, 1930, phong trào thể dục thể thao phát triển, bãi Bắc Qua trở thành một sân tập và thi đấu, gọi là “Stade Lepage” (sân vận động Lepage).” 

Như vậy, nhà máy kéo sợi cotton của doanh nhân Numa Bourgouin Meiffre – được xem là nhà máy sản xuất sợi cotton đầu tiên ở miền Bắc, đã từng đặt tại khu vực chợ Bắc Qua, ngày nay khu chợ “cổ” này vẫn hoạt động, nhưng ít danh tiếng, nằm phía sau chợ Đồng Xuân tại Hà Nội. 

Nhà máy kéo sợi Nam Định được thành lập vào năm 1889 là tiền thân của Tổng Công Ty Cổ Phần Dệt May Nam Định, hay thường gọi là Nhà Máy Dệt Nam Định [*2]. Ban đầu, nhà máy kéo sợi Nam Định từng hoạt động như một cơ sở nghiên cứu tơ lụa, cho phép một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước có 6 lò đặt ngay tại trung tâm thành phố Nam Định. Nhà quản lý Louis Léon Anthyme Dupré (1865-1940), người đã làm việc 7 năm tại Ngân Hàng Đông Dương, đến Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1890, và bắt đầu tiếp quản việc điều hành quản lý nhà máy kéo sợi ở Hà Nội, cũng như các cơ sở phụ khác từ năm 1900.

Khu nhà máy tại Nam Định đầu thế kỷ XX. Nguồn: Belleindochine.free.fr.
Chân dung của nhà quản lý Léon Anthyme Dupré. Bức ảnh được chụp vào năm 1923 tại Hải Phòng.  Nguồn: Belleindochine.free.fr.

Đến năm 1913, ba cơ sở nhà máy kéo sợi nằm dưới sự quản lý của “Société Cotonnière de l’Indochine” (Công ty Bông Đông Dương, hay còn gọi là Công Ty Sợi Bông Bắc Kỳ). Nhà máy ở Hà Nội ngừng hoạt động, ở Hải Phòng được duy trì, trong khi nhà máy ở Nam Định ngày càng phát triển. Các chi nhánh ở nước ngoài cũng sớm được ra đời, tại Phnom Penh (Campuchia) và hai chi nhánh ở Montzé và Yunann-San, tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) 

Trong suốt những năm 1920, nhà máy kéo sợi và dệt vải ở Nam Định đã huy động đông đảo lực lượng lao động gồm khoảng 40 kỹ thuật viên người Châu Âu và hơn 10,000 người bản xứ. Công ty đã thiết lập 3 nhà máy kéo sợi, các xưởng dệt – nhuộm – tẩy trắng – xử lý hoàn tất ở Nam Định, xây dựng sân vận động cho công nhân, đầu tư tổ hợp máy phát điện và hệ thống đường ống dẫn nước riêng biệt. Từ thập niên 30 ở thế kỷ XIX, cụm nhà máy ở Nam Định được mệnh danh là cơ sở kỹ nghệ lớn và hiện đại nhất Đông Dương. 

120 năm trước, tại làng công nhân Anthyme Dupré nằm dưới quyền quản lý của Công Ty Sợi Bông Bắc Kỳ, ở Quần Phương Hạ, Hải Hậu, Nam Định. Chỗ ở cho công nhân được làm bằng tre, cho đến những 1960 thì những ngôi nhà kiên cố được xây dựng. Nguồn: Belleindochine.free.fr.
Sơ đồ tổng thể tổ hợp công trình Công Ty Sợi Bông Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX, gồm khu nhà máy, sân vận động, dinh thự của người sáng lập và khu ở của các nhà quản lý Châu Âu. Nguồn: Belleindochine.free.fr.

Theo tài liệu giới thiệu của Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia N1 Việt Nam, “hoạt động chính của Công ty là chế biến bông thô thành sợi. Trên thực tế, một lượng nhỏ bông thô là nguồn sẵn có tại chỗ, hàng ngàn tấn còn lại được công ty nhập khẩu hàng năm từ Ấn Độ thuộc Anh, Mỹ và Ai Cập”.  Một phần sản lượng của Công Ty Sợi Bông Bắc Kỳ dùng để dệt vải, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng địa phương hoặc xuất khẩu, và một lượng lớn các cuộn bông dành cho thợ thủ công ở các khu vực nông thôn. 

Xưởng xử lý bông thô. Công Ty Sợi Bông Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Nguồn: Belleindochine.free.fr.
Xưởng xử lý sợi bông. Công Ty Sợi Bông Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Nguồn: Belleindochine.free.fr.
Các cỗ máy tại xưởng dệt vải. Công Ty Bông Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Nguồn: Belleindochine.free.fr.
Khu xử lý và tẩy trắng vải. Công Ty Bông Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Nguồn: Belleindochine.free.fr.

Năm 1908, hãng Emory và Toócten của Pháp đứng ra thành lập Công Ty Tơ Lụa Xuất Khẩu Pháp – Việt (SFATE) tại Nam Định với số vốn là 1,4 triệu franc. Từ năm 1928, SFATE mở rộng với các nhà máy chi nhánh ở khu vực Lạc Quần, Quy Phú, Thượng Kỳ (Nam Định). Trong giai đoạn từ 1930 – 1940, Công Ty Tơ Lụa Xuất Khẩu Pháp – Việt (SFATE) ngừng sản xuất sợi do ảnh hưởng bởi giá tơ sống ở miền Bắc tăng cao. Trong khi thời gian này cũng là lúc các loại sợi nhân tạo phổ biến trên thế giới, do đó công ty hướng sang sản xuất các loại vải satin, và mở thêm các xưởng nhuộm, hồ vải để đẩy mạnh xuất khẩu. 

Công Ty Kỹ Nghệ Tơ Lụa Pháp-Việt (SFATE). Nguồn: Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia N1 Việt Nam
Công Ty Kỹ Nghệ Tơ Lụa Pháp-Việt (SFATE). Nguồn: Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia N1 Việt Nam

Từ kéo sợi đến dệt vải, từ thương mại nội địa đến xuất khẩu, trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, các đồn điền bông và nhà máy bông-vải-sợi ở miền Bắc đã trở thành một trong những biểu tượng công nghiệp hoá thành công nhất của chính quyền thuộc địa. 

Những nhà máy dệt sợi đầu tiên ở miền Nam

Trong thập niên 20 của thế kỷ XIX, tại miền Nam Việt Nam đã nổi lên một “thương hiệu dệt” do người Việt làm chủ, có tên là Manufacture de Tissage Le Phat. Người Việt này là ông Lê Phát Vĩnh, chú ruột của Nam Phương Hoàng Hậu sau này, con trai của ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt – một đại phú gia bậc nhất khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh với tục ngôn trong dân gian rằng “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. 

Trong sách “Giai thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh” của tác giả Húa Hoành có viết rằng “…năm 1920, ông Vĩnh lập hãng dệt the, lấy tên Lê Phát (Manufacture de Tissage Le Phat) ở Cầu Kho (Quận l), sử dụng 50 công nhân, ông lại cho trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ để cung cấp cho nhà máy, khỏi lệ thuộc nguyên liệu vào nước ngoài.” 

Báo Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) số ra ngày 23/2/1922 có đăng một quảng cáo xưởng dệt của ông Lê Phát Vĩnh với nội dung kêu gọi lòng yêu nước của người An Nam, giúp đỡ cho ngành công nghiệp lớn trong nước bằng việc mua hàng ủng hộ. 

TẠM DỊCH

CHÚ Ý 
Giàu lòng ái quốc 
Người An Nam! Hãy giúp ngành công nghiệp lớn đầu tiên của chúng ta sống sót và tồn tại.
Sự thịnh vượng và sự sống còn của nó (tức ngành công nghiệp dệt của nước nhà) phụ thuộc vào thiện chí của mỗi bạn. Hãy đến Tissage Lê-phát-Vĩnh, đến trong đám đông, để chọn lựa loại vải mà bạn cần, từ lụa, cam tự, nhieu, lãnh, vân vân
Tissage Lê-phát-Vĩnh
Nhà máy tơ lụa lớn chạy bằng điện
Qual de belgique (giữa ga Cầu Kho và eelle du Dépót)
Chúng tôi bán lẻ
Mở cửa đến 9 giờ tối mỗi ngày

Liên quan đến “thương hiệu dệt” Lê Phát Vĩnh, quốc phục áo dài và thị trường nội địa thời bấy giờ, vào cuối thập niên 20 có một sự kiện đáng chú ý là chuyến thăm Sài Gòn của thi hào Ấn độ Rabindranath Tagore. 

Ngày 21/6/1929, thi hào Rabindranath Tagore có một chuyến đến Sài Gòn. Sáng chủ nhật ngày 23/6/1929, ông đã ghé tòa soạn Phụ Nữ Tân Văn, nằm ở số 42 rue Catinat (nay là đường Đồng Khởi, Quận 1). Nơi này vừa là trụ sở của báo Phụ Nữ Tân Văn, vừa là cửa hiệu kinh doanh vải lụa của bà chủ báo Nguyễn Đức Nhuận. 

Phụ Nữ Tân Văn số 10, ra ngày 4/7/1929 đã có một bài báo tường thuật về cuộc tiếp đón vị khách quý đó do chính bà Nhuận đặt bút. Đặc biệt, bà Nhuận có kể về sự quan tâm của thi hào Rabindranath Tagore đối với việc kinh doanh vải của nhà bà, hỏi thăm hàng hoá ở miền Bắc, và mua một cái áo gấm bông bạc. Chủ báo cho biết đã tặng cho ngài thi hào “một cây lãnh của hãng dệt Lê-Phát-Vĩnh ở Cầu-Kho để làm kỷ-niệm.” 

Bài báo và ảnh chân dung của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore khi ghé thăm Sài Gòn vào năm 1929. Chân dung được chụp bởi hiệu ảnh Khánh Ký rất có tiếng tăm ở thế kỷ XX

Bà còn viết thêm: “Chiều lại, ông còn sai người tới mua hai cái khăn đóng. Hỏi thăm mới biết là ông có đặt may một cái áo dài Annam, thợ làm suốt một ngày đã xong. Thì ra nhà thi-hào Ấn-độ ưng ý cái lối quấc-phục của mình, cho nên sắm một bộ y phục Annam để mặc và làm kỷ niệm”

Một phần nội dung của bài tường thuật cuộc tiếp đón vị khách quý Rabindranath Tagore, đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 10, ra ngày 4/7/1929. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

Song song với nền công nghiệp sản xuất và xuất khẩu bông-vải-sợi được dựng nên ở miền Bắc, người Pháp cũng đầu tư phát triển ngành công nghiệp tương tự tại miền Nam Việt Nam. Năm 1924, tập đoàn Tài Chính Pháp & Thuộc Địa, SFFC (Société financière française et coloniale) [*4] – của doanh nhân tỷ phú, cựu nhà ngoại giao Octave Homberg (1876-1941), đã cho ra đời Công Ty Sợi Bông Sài Gòn (Soceété Cotonnière de Saigon) gồm 2 nhà máy lớn với vốn đầu tư 12 triệu franc và tăng lên 20 triệu franc vào năm 1927. 

Công ty đại chúng Société Cotonniere de Saigon có vốn 6 triệu franc chia thành 24,000 cổ phiếu 250 fr, trụ sở chính tại Paris, số 76 rue Taitbout. Nguồn: entreprises-coloniales.fr

Các nhà tư sản người Hoa cũng không nằm ngoài sự tiến bộ của ngành công nghiệp. Lĩnh vực dệt may được coi làm công việc làm ăn phát đạt vào thời kỳ phát triển của Sài Gòn. 

Năm 1958, một thương nhân người Hoa tên Lý Long Thân đã thành lập xưởng nhuộm và xử lý hoàn tất Vinatexfinco. Đầu thập niên 60, sau khi tiến thân lên chức Hoa Vụ Kinh Lý tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Lý Long Thân đã thu hút đầu tư của các “đại xì thẩu” (người giàu có) người Hoa và sáng lập Công Ty Dệt Sợi Việt Nam – Vinatexco, hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng vải và cung cấp cho cả thị trường nội địa. 

Lý Long Thân, chủ nhà máy Việt Nam Dệt Sợi Công Ty ( (theo cách đọc thời thuộc Pháp) đứng bên tấm bia khắc chữ: “Ngày mồng mười tháng bảy, năm một ngàn chín trăm năm mươi chín. Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Ngọc Thơ đặt viên đá đầu tiên này cho Nhà máy của Việt Nam Dệt Sợi Công Ty”. Nguồn: Saigonxua
Phân xưởng sợi – Công Ty Dệt Sợi Việt Nam – Vinatexco. Nguồn: Life magazine
Phân xưởng dệt vải – Công Ty Dệt Sợi Việt Nam – Vinatexco. Nguồn: Life magazine

Trong thập niên 60 đến trước 1975, với sự đầu tư hệ thống máy móc nhập ngoại tiên tiến, Vinatexco là một công ty dệt nhuộm vải quy mô lớn và hàng đầu tại miền Nam Việt Nam, tiền thân của Công Ty Cổ Phần May Quốc Tế Thắng Lợi mà chúng ta biết đến ngày nay. 

Một công ty (hoặc nhà xưởng khác) là Vimitex cũng thuộc sở hữu của Lý Long Thân. Ông cũng thành công trong các ngành sản xuất và dịch vụ khác như hãng xử lý phế liệu Vicasa, hãng dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico, ngân hàng Nam Việt, ngân hàng Trung Nam, khách sạn Arc en Ciel, hãng tàu Rạng Đông

Trải qua thăng trầm lịch sử của đất nước, sau 1975, Vinatexco đổi tên thành Nhà Máy Dệt Thắng Lợi. Năm 1991, trở thành Công ty Dệt Thắng Lợi (Thangloi Textile) 100% vốn của Nhà nước.  Năm 2001, chuyển đổi thành Công ty Dệt may Thắng Lợi (VIGATEXCO), xưởng nhuộm Vinatexfinco lúc này trở thành nhà máy in – nhuộm – hoàn tất. Đến năm 2007, Vigatexco cổ phần hoá, chính thức trở thành Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Quốc Tế Thắng Lợi (VIC) 

Mặt tiền nhà máy dệt Vinatexco ở Sài Gòn xưa, năm 1962, nay là Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Quốc Tế Thắng Lợi (VIC) trên đường Trường Chinh, giáp sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn: Life magazine

Khoảng từ giữa những năm 1960, người dân địa phương khắp Sài Gòn và Nam Kỳ Lục Tỉnh còn biết đến khu dệt vải Bảy Hiền. Tập trung trên một số tuyến đường như Võ Thành Trang, Nguyễn Bá Tòng, Năm Châu, Tái Thiết…bên góc ngã tư Bảy Hiền (nay thuộc địa bàn phường 11, quận Tân Bình, Sài Gòn), khu vực này được mệnh danh là “làng dệt xứ Quảng” giữa Sài Gòn, hình thành nên do quá trình di cư vào Sài Gòn của người dân huyện Duy Xuyên [*3].

Nghề dệt truyền thống ở huyện Duy Xuyên đã theo chân những người di cư vào miền Nam và trú ngụ lại ở khu Bảy Hiền, từ đó hình thành nên một làng nghề dệt thu nhỏ giữa đô thành. Nhà văn Nguyên Ngọc từng có nhắc đến: “Làng dệt Bảy Hiền ở Tp. Hồ Chí Minh hoàn toàn do người Quảng Nam, trong những điều kiện lịch sử nào đó đã phải chạy vào tìm đất làm ăn ở phương Nam, tự kết hợp lại với nhau, tạo thành cả một khu công nghiệp dệt, cạnh tranh hiệu quả với cả một thế lực kinh tế dệt rất mạnh ở Sài Gòn là lực lượng người Hoa Chợ Lớn…” 

Không cạnh tranh nổi với vải công nghiệp giá rẻ từ Trung Quốc , Đài Loan…nhiều gia đình đã bỏ nghề, tiếng máy dệt ở khu Bảy Hiền rơi dần vào tĩnh lặng. Photo: Ngọc Nhiên/nguoiduatin.vn

Thời hoàng kim thập niên 60 – 70, làng dệt Bảy Hiền nhập nguyên liệu từ nước ngoài, dệt ra thành phẩm vải không chỉ phục vụ nhu cầu của bà con tiểu thương ở khu Chợ Lớn để đi hàng các tỉnh, mà còn xuất khẩu một phần đến các quốc gia lân cận. Mặc dù có nhiều hộ sở hữu hơn chục máy dệt khung gỗ và dần cơ khí hóa từ thập niên 80 – 90, nhưng làng dệt Bảy Hiền vẫn thuộc dạng quy mô nhỏ, từ đầu thế kỷ XXI đã không gồng nổi trước nền công nghiệp hiện đại phát triển nhanh mạnh của Trung Quốc và cả các nhà máy lớn trong nước.

Dệt khung gỗ và rất nhiều công đoạn được làm bằng tay nên làng dệt vải Bảy Hiền chỉ thu được năng suất thấp, khó cạnh tranh trong thời đại công nghiệp hoá. Photo: phóng sự ảnh của Dương Thái Tân/thegioihoinhap.vn

Chú thích:

[*1] Thời gian đầu hoạt động thương mại ở Hà Nội, khoảng 1884, Bourgouin Meiffre là một nhà buôn, bán các loại quần áo, khăn tay, bánh quy champagne, peppermint Get frères (một loại rượu bạc hà thơm ngon nổi tiếng của Pháp, đóng chai bởi công ty Get Frères), rượu Chartreuse…Từ 1887 – 1893, Bourgouin Meiffre trồng cây gia vị đại hồi hương (hồi sao), và thành lập một nhà máy chưng cất các loại cây gia vị thơm ở Hà Nội vào năm 1889. 

[*2] Từ năm 1954, nhà máy sợi và dệt vải Nam Định được nhà nước tiếp quản, đổi tên thành nhà máy Liên Hợp Dệt Nam Định. Trong thời hiện đại, tên gọi “nhà máy dệt Nam Định” được xem là biểu tượng của ngành dệt may Việt Nam. Hình ảnh công nhân làm việc tại nhà máy dệt Nam Định được in trên tờ tiền mệnh giá 2000 đồng của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam. 

[*3] Làng nghề dệt vải truyền thống ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có lịch sử lâu đời từ thế kỷ XV, nằm bên cạnh kinh đô Trà Kiệu xưa của Vương Quốc Champa. “Tơ vàng Duy Xuyên” từ lâu đã nổi tiếng về chất lượng và vẻ đẹp tinh xảo. Các làng nghề ở huyện Duy Xuyên chuyên dệt lụa cung cấp cho hoàng tộc các vương triều. Khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua thương cảng Hội An thì tơ lụa Mã Châu (làng Mã Châu, thuộc huyện Duy Xuyên) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, là một di sản đánh dấu thời kỳ khai sinh và phát triển của “Con đường tơ lụa trên biển” của Việt Nam. Nghề trồng dâu nuôi tằm tập trung nhiều ở làng Đông Yên – Thi Lai, và ươm tơ dệt lụa thì chủ yếu ở làng Mã Châu, về sau đều mai một dần theo thế sự, cho đến sau năm 2009 bắt đầu được chính quyền tỉnh Quảng Nam triển khai các dự án khôi phục nghề dệt lụa Mã Châu truyền thống, trả lại “thương hiệu” tơ lụa Mã Châu mà chúng ta hiện biết đến. 

[*4] Tập đoàn Tài chính Pháp và Thuộc địa, SFFC (Société financière française et coloniale) có trụ sở đặt tại tòa nhà tại 32 bou Boulevard de la Somme (đường Hàm Nghi ngày nay), xây dựng vào 1925 – 1926. Từ năm 1997, tòa nhà tại số 32 Hàm Nghi hoạt động chủ yếu với tư cách là trụ sở của Ngân hàng Nhà ở Mê Kông (MHB).

Ảnh bìa: 

Chú thích trên bức ảnh là Hà Nội 1920 – 1929: Bên trong một xưởng dệt máy của người Annam. 

Theo đó, đây có thể là một bức ảnh chụp nhà máy kéo sợi đầu tiên tại Hà Nội (1894), trước khi ngừng hoạt động và trở thành một phần của Công ty Bông Đông Dương, hay còn gọi là Công Ty Sợi Bông Bắc Kỳ. Nguồn: manhhai/flickr.com. Photo by: chưa xác định

Nguồn:

Ba công ty kỹ nghệ lớn nhất tỉnh Nam Định thời Pháp – Archives.org

Di sản từ quá khứ – Vanhoaquangnamonline.gov

Tình hình Nam Định cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX – Baonamdinh

CotonniereDuTonkin – Belleindochine.free.fr.

32 ham nghi – Historicvietnam.com

Thực hiện: Xu

Tags:

dệt may Việt Namdệt sợi việt namdệt vải thủ côngngành công nghiệp dệt maythời trang Việt Namxưởng xử lý bông

BÀI VIẾT HAY CHO BẠN

17/07/2024
Đâu là thương hiệu xa xỉ có doanh thu cao nhất tại Việt Nam?

Ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng với nhu cầu lớn.

08/08/2023
4 thương hiệu thời trang Việt với hơn 20 năm tuổi

Ngành thời trang Việt Nam đã đi một chặng đường xa để có được như ngày hôm nay. Mặc dù có nhiều thương hiệu thời...

08/03/2023
Nhận diện bản sắc Việt Nam trong thời trang?

Xã hội hiện đại, với sự phát triển của công nghệ, trang phục được mặc theo xu hướng xóa nhòa đi ranh giới giữa các...

Post navigation

Previous post:

[Điểm tin Thời Trang Việt] Lider, TheBlueTshirt, Dear Man và The Twenty Three – trang phục công sở phong cách hiện đại

Next post:

[How to dress like] Thanh xuân rực rỡ trong mùa hè đầy nắng của Mamma Mia

Bài viết mới nhất

25/11/2024
Ký gửi tâm tư, “number one girl” là bản tình ca Rosé dành cho chính mình

Sau khi gây bão toàn cầu với hit Apt. hợp tác cùng Bruno Mars, Rosé một lần nữa chinh phục khán giả với ca khúc...

09/11/2024
67 năm về trước có Christian Dior: một biểu tượng hai số phận

Cách đây 67 năm về trước, đóa hoa thời trang huyền thoại – cha đẻ Dior, Christian Dior đã lụi tàn, để lại cho hậu...

06/11/2024
“Modern Flirt” – Thước phim lãng mạn mở màn cho show diễn Chanel Cruise 2025 tại Hồng Kông

Trước thềm show diễn trình làng bộ sưu tập Chanel Cruise 2025 tại Hồng Kông, nhà mốt Pháp dẫn dắt làng mốt vào vũ trụ...

25/10/2024
Những chiếc váy sống mãi từ trang sách đến màn ảnh

Những chiếc váy kinh điển đã đi từ trang sách đến màn bạc, qua hàng thập kỷ vẫn sống mãi và đẹp tuyệt vượt thời...

Từ khóa » Nhà Máy Dệt Vải Công Nghiệp