Sự Tế Nhị Biểu Hiện Của Trí Tuệ Và Nhân Cách

Tế nhị được hiểu theo nghĩa thông thường là sự ý tứ, khéo léo, tinh tế, nhã nhặn, uyển chuyển, nhẹ nhàng trong lời nói, cử chỉ, hành động nhất là đối với các tình tiết rất nhỏ, sâu kín, khó nói hoặc không thể nói ra được tại các mối quan hệ xã hội.

Người tế nhị là người giỏi nắm bắt tâm lý, đọc được suy nghĩ, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác..., là người khôn khéo, cẩn trọng, hiểu biết, có lòng nhân hậu, có tính cao thượng, là người biết dùng ngôn ngữ chuẩn mực để nói cái gì cần nói và không nói cái gì chưa nên nói, hoặc nói như thế nào để người nghe dễ chấp nhận. Người tế nhị luôn lấy câu ngạn ngữ: “Đừng làm điều gì mà bạn không muốn người khác làm cho mình”, để làm phương châm sống.  

Nhiều bạn trẻ khoác cho sự tế nhị cái áo thẳng thắn rồi tha hồ huỵch toẹt bất cứ thứ gì mình muốn nói. Ảnh: TL

Nhiều bạn trẻ khoác cho sự tế nhị cái áo thẳng thắn rồi tha hồ huỵch toẹt bất cứ thứ gì mình muốn nói. Ảnh: TL

Sự tế nhị được xem là một bảo bối để chinh phục trái tim con người và là một trợ thủ đắc lực góp phần tạo nên sự thành công của mỗi người trong cuộc sống. Sự tế nhị còn cứu ta thoát khỏi nhiều “bàn thua trông thấy” mà đôi khi ta không lường trước được.  

Danh gia Delarme khuyên rằng: “Hãy suy nghĩ những điều bạn nói, nhưng đừng nói tất cả những điều bạn nghĩ”. Lời nói tế nhị luôn để lại một khoản thấm thía trong tâm tư người nghe.

Trong đời sống hằng ngày, ta không khó bắt gặp những tình huống éo le, thậm chí không cứu vãn được do sự thiếu tế nhị gây ra

Anh bạn tôi đi hỏi vợ cho con trai, đang “rình” thời cơ để bắt vô vấn đề chính trong tình cảnh ông “thông gia” nhà gái cứ mãi thao thao bất tuyệt chuyện bên lề. Chưa kịp chi đã nghe thấy ông “thông gia” lái sang câu chuyện tiêu cực của ngành giáo dục bằng giọng điệu rất chi là hậm hực, trong khi cả tông chi họ hàng ba đời nhà anh bạn tôi làm cán bộ giáo dục, giáo viên các cấp. Cả nhà gái ngồi đó không ai đỡ kịp. Anh bạn tôi quê độ, bèn biến buổi đi hỏi vợ thành ra đi thăm nhà gái rồi kiếu về. Thằng con trai tưởng phen này không lấy được vợ, mặt mày xanh lét. May mà sau đó mọi việc cũng êm xuôi.

Ở nơi công sở, trong cách ứng xử hằng ngày, nhiều bạn trẻ khoác cho sự tế nhị cái áo thẳng thắn rồi tha hồ huỵch toẹt bất cứ thứ gì mình muốn nói. Đó là trường hợp của Kim Chi. Trong văn phòng cô được tiếng là người thẳng thắn, bộc trực, thấy đâu nói đó, mà đã nói là nói oang oang. Đại khái: Cái bàn làm việc của bà nước nôi thấy gớm kìa, lấy giẻ lau giùm cái. Trời ơi! Ba bữa tết ăn cái giống gì mà mập ú vậy. Cái váy xấu ve kêu…  Còn trong buổi họp thì cô ưa tìm cách chê bai, phủ nhận sự cố gắng của người khác…

Nhưng nếu chỉ như vậy thì cùng lắm là ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp, đến không khí làm việc chung thôi. Đằng này, một bữa cao hứng, Chi đem chuyện người thứ ba ra bình luận với thái độ lên án gay gắt mà không biết chị trưởng phòng vốn đang mắc kẹt trong mối tình tay ba với anh phó giám đốc nãy giờ đứng bên ngoài cửa nghe không sót một chữ, vậy mới là chuyện lớn.

Mới đây, trong tình hình không ít người lâm vào cảnh túng quẫn vì dịch bệnh, sống lay lắt từng bữa với các túi hàng cứu trợ thì thật không tế nhị chút nào khi có người lên mạng xã hội khoe tủ lạnh không chỗ chứa, vừa phải mua thêm một tủ đông. Hoặc úp một mâm đầy ắp những món cao lương mỹ vị. Hay việc cô gái khoe được tiêm vắc xin Pfizer 'nhờ ông ngoại' cũng là một ví dụ.

Đặc biệt ở nước ta ngày nay, tiệc cưới không thể nào thiếu âm nhạc. Âm nhạc góp phần cho bữa tiệc thêm sắc màu tươi vui, nhộn nhịp. Tuy nhiên, ít nơi nào có hẳn một chương trình âm nhạc chuyên nghiệp mà thường là hình thức hát với nhau, tự biễu diễn tự phục vụ. Vì thế, mới có trường hợp, nhiều vị khách đến dự tiệc cưới, “hồn nhiên” hát mừng tân lang và tân giai nhân bằng các ca khúc: "Đồi thông hai mộ", "Biệt ly", "Ngăn cách", "Sầu tím thiệp hồng"....

Tôi còn nhớ có lần cũng trong một tiệc cưới, anh bạn tôi lên sân khấu góp vui bằng màn độc tấu guitar bài hát "Dấu chân kỷ niệm" của Thúc Đăng. Bài hát có câu kết: “Nay không anh vườn hoang buồn xơ xác nghĩa trang lạnh lùng!”. Tôi thấy khó chịu bèn góp ý thì anh bạn tôi trả lời, anh chỉ trình bày giai điệu chứ có hát lời đâu. Thật là một kiểu ngụy biện. Bởi vì rõ ràng, anh ấy còn rất nhiều sự lựa chọn khác. Trong kho tàng âm nhạc cũng còn rất nhiều bài hát phù hợp cho một bữa tiệc cưới. Xảy ra tình huống này là do anh bạn tôi cẩu thả, không cẩn thận và thiếu tế nhị trong ứng xử chứ thật ra anh không có ác ý “trù ẻo” gì ở đây.  

Sự tế nhị thể hiện ở việc chọn lựa một bài hát phù hợp với bữa tiệc cưới. Ảnh: TL

Sự tế nhị thể hiện ở việc chọn lựa một bài hát phù hợp với bữa tiệc cưới. Ảnh: TL

Tế nhị là một nội dung quan trọng trong kỹ năng ứng xử rất cần được chúng ta coi trọng. Tuy nhiên, nên tránh “nhân danh” sự tế nhị để thực hiện những ứng xử mang tính tiêu cực, lẩn tránh sự công bằng, minh bạch, hay cố ý bảo vệ, duy trì các mối quan hệ vụ lợi.

Nếu như ở giữa sự tế nhị và giả dối, thủ đoạn, khôn vặt là một lằn ranh rất mong manh thì sự tế nhị không hề mâu thuẫn, đối lập với lòng can đảm đấu tranh bảo vệ chân lý.  

Từ khóa » Cách Tế Nhị Là Gì