Sự Thích ứng Linh Hoạt Về Lối Sống Sau Dịch Covid-19

Trước hết, trong hành vi tiêu dùng, chúng ta thấy rõ có sự thay đổi lớn. Dường như một bộ phận đáng kể người dân chuyển từ tiêu dùng theo thói quen, sở thích sang trạng thái chú trọng về nhu cầu hơn. Bởi trong dịch, rất nhiều hoạt động bị tạm ngưng, bị gián đoạn, một số thói quen, sở thích đã không thể thực hiện và có những thói quen thay đổi, có thói quen cũng mất đi. Trong nhu cầu, có những nhu cầu thiết yếu việc thực hiện trong dịch có khi còn gặp khó khăn, chậm trễ. Vì vậy, nhiều người quan tâm nhiều hơn đến các nhu cầu thiết yếu, còn lại thì tùy theo điều kiện cụ thể, giảm dần tính phô trương, hình thức. Về cơ bản, nhiều người thấy hài lòng với sự chuyển trạng thái này bởi tâm lý những ngày rất khó khăn còn chịu đựng và vượt qua được thì nay mọi thứ đã thoải mái hơn nhiều!

Đương nhiên, sự thay đổi đó liên quan với yếu tố kinh tế rất lớn. Khi phần nhiều người dân bị giảm thu nhập thì không chỉ thói quen tiêu dùng thay đổi mà cả nhu cầu cũng thay đổi. Dự cảm về những rủi ro, khó khăn sắp tới hình thành ở từng cá nhân dường như rõ nét hơn, từ đó mọi người có tâm lý tiết kiệm hơn, dè sẻn hơn, chỉ chi tiêu những gì thật cần thiết hoặc đầu tư vào những hoạt động ít rủi ro. Đại dịch kéo dài thực sự là một nỗi ám ảnh lớn đối với rất nhiều người có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt là những người có công việc và thu nhập không ổn định. Trong khi đó, khả năng bùng phát dịch trở lại vẫn lơ lửng nên nhiều người không còn tiêu xài rộng rãi như trước mà có ý thức “để dành” nhiều hơn.

Thực tế đó cũng đã tác động đến sự hưởng thụ đời sống tinh thần. Chẳng hạn, việc mua sách báo có thể bị cắt giảm vì dù đây là nhu cầu thiết yếu nhưng có thể trì hoãn được, thay vào đó nhu cầu ăn, mặc, đi lại, chữa bệnh, học hành… cấp thiết hơn. Hay nhu cầu về xem phim, xem ca nhạc, thưởng thức các tác phẩm sân khấu… cũng có sự thay đổi. Bên cạnh việc phải tiết kiệm nên hạn chế mua vé đến rạp, đến nhà hát, nhiều người còn lo ngại sự đông đúc có thể dễ bị nhiễm Covid-19. Từ đó, không ít người đã chuyển sang thưởng thức giải trí trên các nền tảng trực tuyến vốn chủ động thời gian, không gian và giá thì rẻ hơn hẳn xem trực tiếp. Chính vì thế, thời gian qua, nhiều phim, chương trình giải trí… đã được đầu tư và phát trên YouTube cùng một số nền tảng khác, thu hút khá đông người xem.

Talkshow Đọc sách hiệu quả - Liều vắc xin tinh thần giúp vượt qua đại dịch Covid-19 do Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, Ngày hội văn hóa đọc TPHCM, Chương trình Vắc xin tinh thần Thư viện Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức. (Ảnh minh họa: hcmussh.edu.vn) Talkshow Đọc sách hiệu quả - Liều vắc xin tinh thần giúp vượt qua đại dịch Covid-19 do Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, Ngày hội văn hóa đọc TPHCM, Chương trình Vắc xin tinh thần Thư viện Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức. (Ảnh minh họa: hcmussh.edu.vn)

Dịch cũng tác động đến cách thể hiện sự gắn kết xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ gắn liền với các ứng dụng giao tiếp vốn đã làm giảm giao tiếp trực tiếp thì qua dịch điều đó càng thể hiện rõ hơn. Đôi lúc có một số cá nhân cảm thấy việc hạn chế giao tiếp trực tiếp là một biểu hiện của sự xa cách nhau nhưng sau quãng thời gian dài phòng chống dịch, đa số thấy rằng điều đó là cần thiết và thực sự đã có những cách gắn kết khác hiệu quả hơn, gần gũi hơn. Sự quan tâm, sẻ chia, đồng cảm… rõ ràng là sâu đậm hơn, chặt chẽ hơn; từ đó, nhiều người đã nói “giãn cách nhưng không xa cách”, bởi trên thực tế, tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau đã được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Có người nói sự gắn kết qua mạng xã hội là ảo, kỳ thật, qua dịch chúng ta đều thấy rõ điều đó không ảo mà rất thật, rất gần, tạo ra những mối liên kết khá đặc biệt, như về họ hàng, về bạn bè, người đang cùng mắc bệnh, tình nguyện viên…

Một biểu hiện khác cũng bộc lộ khá rõ là sự gắn kết khá chặt giữa người dân với hệ thống chính trị ở cơ sở. Ở chiều từ phía người dân, nhu cầu được quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ đã khiến nhiều người thấy rằng ngay cả vị tổ trưởng dân phố vốn bình thường không hề cần biết đến bây giờ cũng trở nên rất quan trọng; từ đó, các vị trí như cảnh sát khu vực, trưởng khu phố, trưởng ban công tác Mặt trận, trạm y tế phường… đều cần biết đến. Ở chiều ngược lại, hệ thống chính trị cần nắm chắc tình hình đời sống người dân, hoàn cảnh của từng hộ, từng người để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, hỗ trợ cần thiết…, gắn liền với việc bảo vệ vùng xanh và hoàn thành các trách nhiệm theo yêu cầu của cấp trên. Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể, do đó phải có sự liên hệ mật thiết hơn thay vì chỉ nắm khi cần như trước đây.

Ở một biểu hiện khác, nhu cầu và sự lệ thuộc về công nghệ ngày càng rõ nét. Khi trước, nhiều người chỉ cần có điện thoại để nghe, gọi, nhắn tin… là đủ, bây giờ cần phải có smartphone để tải các ứng dụng phục vụ phòng chống dịch và các công việc có liên quan, tham gia khám chữa bệnh, yêu cầu giải quyết hồ sơ hành chính, mua sắm, kể cả cho con cái học trực tuyến... Từ việc phải có thiết bị, nhiều người phải học các kỹ năng sử dụng và hình thành nên nhiều thói quen mới liên quan đến điều này. Sự lệ thuộc đó có những tác động tiêu cực, nếu không được quan tâm, hỗ trợ, điều chỉnh có thể sẽ phát sinh những hệ lụy phức tạp, như ảnh hưởng đến sức khỏe, bị tiêm nhiễm bởi các thông tin không lành mạnh, dễ dàng bày tỏ quan điểm khi chưa cân nhắc kỹ lưỡng, xâm phạm quyền riêng tư của người khác thông qua việc ghi âm, ghi hình, phát tán thông tin…

Về cơ bản, người dân ở TPHCM đã bước đầu thích ứng khá linh hoạt với tình hình dịch bệnh, thể hiện trong lối sống, trong chăm sóc sức khỏe, trong tiếp cận công nghệ… Do đó, ở tầm quản lý vĩ mô, các cơ quan, các nhà lãnh đạo cần nhìn rõ sự thay đổi này để có các biện pháp quản lý, điều hành, định hướng, tác động phù hợp. Các doanh nghiệp, những người hoạt động thương mại… cũng cần nắm bắt để điều chỉnh hoạt động của mình sao cho có hiệu quả hơn.

Từ khóa » đoạn Văn Nghị Luận Về Covid