Tác động Của đại Dịch COVID-19 Và Một Số Giải Pháp Chính Sách ...

Cho đến nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu... Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, COVID-19 tác động lên nền kinh tế và làm cho tăng trưởng kinh tế nước ta rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tưởng chừng, cơn bão đại dịch COVID-19 đã qua đi và nền kinh tế sẽ phục hồi sau giai đoạn đầy khó khăn đó, tuy nhiên sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, những ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 lại được phát hiện tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam và lan ra các tỉnh, thành phố khác trong cả nước (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Đắk Lắk…), đe dọa đến tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.

Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế thế giới

Tính đến sáng ngày 23-9-2020, cả thế giới có gần 32 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 23,4 triệu ca đã được chữa trị khỏi, gần 1 triệu người tử vong(1). Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 lớn nhất, hơn 7,1 triệu người, tiếp đến là Ấn Độ, Brazil, Nga, Colombia, Peru… Số ca nhiễm và tử vong do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn tiếp tục tăng từng ngày trên thế giới. Tại Việt Nam, sau hơn 3 tháng không phát hiện thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì những ngày cuối tháng 7-2020, những ca bệnh mới đã được phát hiện mà chưa tìm được nguồn lây bệnh. Tính cho đến ngày 23-9-2020, Việt Nam ghi nhận 1.069 ca mắc COVID-19.

Nghiên cứu và thử nghiệm vaccine chống COVID-19 tại một phòng thí nghiệm ở thành phố Saint Petersburg (Nga)_Ảnh: Reuters.

Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và quay trở lại tại Việt Nam mà chưa có vắc-xin điều trị được sản xuất hàng loạt buộc các quốc gia phải sử dụng các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các trung tâm của chuỗi. Trong đại dịch COVID-19, các quốc gia chịu tác động nặng nề cũng là các trung tâm của mạng sản xuất toàn cầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Khi đại dịch bùng nổ, các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện, nhiều hoạt động sản xuất tạm dừng lại. Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu, từ đó làm suy giảm tăng trưởng nền kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, khu vực nói riêng.

Do tác động của COVID-19, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2020 được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đánh giá sẽ thu hẹp “từ mức 1.540 tỷ USD năm 2019 xuống dưới 1.000 tỷ USD”. Theo dự báo của UNCTAD, năm 2021, dòng FDI sẽ giảm thêm từ 5% - 10% và có thể bắt đầu phục hồi từ năm 2022(2). Cho đến nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, khả năng dòng vốn FDI phục hồi là rất mịt mờ.

Thương mại toàn cầu - gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng và dòng vốn FDI toàn cầu - cũng đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Vào ngày 4-8-2020, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu giảm 13% trong năm 2020. Cấu trúc sản xuất toàn cầu mang tính tập trung cao độ, một số trung tâm lớn trên thế giới cung ứng đầu vào, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Vì thế, cú sốc COVID-19 tác động đến các trung tâm sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, một số quốc gia chuyển sang “tự cung tự cấp” trong thời kỳ dịch bệnh như một biện pháp phản ứng trước đại dịch COVID-19 sẽ càng làm cho thương mại toàn cầu thêm tồi tệ(3).

Đại dịch COVID-19 tác động đến hai trụ cột trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu là thương mại và đầu tư, do đó cũng sẽ tác động làm suy giảm tăng trưởng sản lượng toàn cầu. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngày 24-6-2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm ước giảm 4,9%. Dự báo của IMF cũng phản ánh tình hình kinh tế thế giới ngày càng tồi tệ hơn khi vào tháng 4-2020, IMF dự báo tăng trưởng thế giới giảm 3%. Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nền kinh tế toàn cầu thậm chí còn tồi tệ hơn, suy giảm ở mức 5,2% năm 2020. Tăng trưởng kinh tế Mỹ được IMF dự báo giảm 8%, tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm 10,5%, Nhật Bản giảm 5,8% và Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp 1%. Tăng trưởng kinh tế thế giới và tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ là bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam suy giảm sẽ tác động trực tiếp đến thương mại, đầu tư của nền kinh tế nước ta.

Tác động của COVID-19 đến việc làm toàn cầu cũng rất mạnh mẽ. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (ILO), trong quý II năm 2020, tổng số giờ làm việc toàn cầu giảm 14%, tương đương 400 triệu lao động toàn thời gian. Mức giảm việc làm toàn cầu còn mạnh hơn so với dự báo trước đó của ILO. Suy giảm việc làm bên cạnh nguyên nhân sản xuất đi xuống, còn do việc nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để chống sự bùng phát của vi-rút SARS-CoV-2.

Đại dịch COVID-19 làm bộc lộ những điểm yếu của các tổ chức và hệ thống toàn cầu như hệ thống y tế thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cho là phản ứng quá chậm chạp khi để dịch bệnh bùng phát.

Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41) được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 8 - 10-9-2020_Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng đem đến những nhìn nhận mới, rõ nét hơn về cơ hội phát triển. Chẳng hạn, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội, các cuộc họp, học tập, hội thảo trực tuyến nở rộ ở các quy mô và cấp độ khác nhau cho thấy tiềm năng của mạng internet chưa được khai thác một cách đầy đủ từ trước đến nay. Chẳng hạn, Quốc hội Việt Nam đã có những phiên họp trực tuyến mang tính tiên phong; Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức họp trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử vào những ngày tháng 6-2020 - thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường; hay Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN họp trực tuyến trong tháng 9-2020. Nhiều trường học các cấp, nhiều cuộc họp trong và ngoài nước tiến hành trực tuyến. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian đi lại cho mọi người. Tuy nhiên, đi liền với đó, thể chế cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng trước quá trình chuyển đổi số đó.

Tóm lại, đại dịch COVID-19 là cú sốc y tế mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt lên nền kinh tế thế giới. Tăng trưởng toàn cầu và của nhiều quốc gia, khu vực ở mức âm; đầu tư và thương mại toàn cầu suy giảm; người lao động mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong khó khăn do dịch bệnh mang lại, cũng có những cơ hội xuất hiện, nhất là các hoạt động kinh tế - xã hội trực tuyến như bán hàng trực tuyến, học trực tuyến, họp trực tuyến và thậm chí có những doanh nghiệp có kế hoạch dài hạn cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà. COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình ứng dụng và cho ra đời những sản phẩm mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đại dịch đem đến cho thế giới những khó khăn, thách thức; nhưng đồng thời cũng đem đến cơ hội. Quốc gia nào biết tận dụng cơ hội sẽ có khả năng vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch. Và ngược lại, quốc gia nào không tận dụng tốt cơ hội sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ “hậu COVID-19”.

Tác động của Đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam

Qua 35 năm đổi mới (1986 - 2020), nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tăng trưởng kinh tế luôn ở mức dương, có nhiều năm tăng trưởng đạt mức cao trên dưới 8%; tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống 11,3% năm 2009 và chưa đến 4% vào năm 2019; thu nhập người dân được cải thiện rõ rệt, đời sống người dân nâng cao. Tuy nhiên, trong hơn 3 thập niên đổi mới, nền kinh tế Việt Nam nhiều lần chịu tác động bởi các cú sốc bên ngoài như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và cú sốc dịch tễ vào năm 2020. Khác với 2 cú sốc trước là về tài chính - tiền tệ, cú sốc COVID-19 lần này chưa từng có tiền lệ, tác động mạnh mẽ lên nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, nhưng thể hiện tập trung ở hai yếu tố chính là cung và cầu. Đối với yếu tố cầu, dịch bệnh COVID-19 cùng với việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội cần thiết, bắt buộc theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19” làm tiêu dùng trong nước sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc) cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội dẫn đến tăng trưởng kinh tế suy giảm, kéo theo sự sụt giảm về cầu nhập khẩu, trong đó có hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp_Ảnh: zing.vn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019 và nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm mạnh hơn, ở mức 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Những mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống như lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng; nhưng những mặt hàng như may mặc, phương tiện đi lại, văn hóa phẩm, giáo dục… chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp giãn cách xã hội có tốc độ giảm.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm tới 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu du lịch lữ hành giảm tới 53,2% - đây là lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 và từ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Đối với cầu đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó khu vực nhà nước tăng 7,4%; khu vực ngoài nhà nước tăng 4,6% và khu vực FDI giảm 3,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nhà nước tăng 3%, khu vực ngoài nhà nước tăng 16,4% và khu vực FDI tăng 9,7%. Như vậy, nhu cầu đầu tư của 2 khu vực: khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư khu vực FDI giảm mạnh nhất, từ tăng trưởng 9,7% 6 tháng đầu năm 2019 xuống tăng trưởng âm 3,8% so với cùng kỳ năm 2020; tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước sụt giảm từ 16,4% 6 tháng đầu năm 2019 xuống còn 7,4% năm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, điểm sáng duy nhất là vốn đầu tư của khu vực nhà nước tăng từ 3% 6 tháng đầu năm 2019 lên 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn và tổng cầu suy giảm, Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế sự suy giảm của tổng cầu.

Đối với nhu cầu bên ngoài cũng có sự suy giảm, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 11,7%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) giảm 6,7%. Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực kinh tế trong nước tăng 10,8% và khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 5,9%. Như vậy, khu vực kinh tế trong nước vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%; khu vực FDI có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 giảm và năm 2019 tăng, do đó làm cho kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế tăng vào năm 2019 và giảm vào năm 2020. Thực trạng này cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào khu vực FDI và đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đầu tư và chuỗi giá trị toàn cầu cũng đang tác động đến xuất khẩu của nền kinh tế nước ta.

Nhìn chung, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cầu của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) bị sụt giảm, từ đó làm suy giảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế. Các biện pháp của Chính phủ đang triển khai hiện nay chủ yếu hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất.

Đối với yếu tố cung, đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động. Chẳng hạn, trong ngành công nghiệp ô-tô, do linh kiện đầu vào khan hiếm cùng với thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp sản xuất ô-tô trong nước như Honda, Nissan, Toyota, Ford, Hyundai… phải tuyên bố tạm dừng sản xuất, chỉ đến khi thời kỳ giãn cách xã hội kết thúc và chuỗi cung ứng được kết nối trở lại, các doanh nghiệp sản xuất ô-tô mới quay trở lại hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia người nước ngoài và người lao động nước ngoài chịu tác động nặng nề từ COVID-19 khi nguồn cung lao động bị thiếu. Chi phí sử dụng lao động trong thời kỳ này cũng cao hơn khi các doanh nghiệp phải đầu tư thêm khẩu trang, nước sát khuẩn, thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động để tránh lây nhiễm vi-rút.

Ở góc độ xã hội, COVID-19 tác động làm tăng tỷ lệ nghèo và cận nghèo về thu nhập và làm sụt giảm thu nhập tạm thời của hộ gia đình và người lao động. Theo kết quả khảo sát của UNDP và UN WOMEN (2020), “trong tháng 12-2019, trung bình tỷ lệ hộ nghèo là 11,3%. Tỷ lệ này tăng lên tới 50,7% trong tháng 4-2020. Tỷ lệ hộ cận nghèo tăng từ 3,8% vào tháng 12-2019 lên 6,5% vào tháng 4-2020”. Quan trọng hơn, những hộ gia đình thuộc nhóm dân tộc thiểu số và hộ gia đình có lao động phi chính thức và gia đình những người nhập cư chịu tác động từ dịch bệnh lớn hơn. Cũng theo kết quả điều tra của UNDP và UN WOMEN (2020), “thu nhập trung bình của các hộ gia đình dân tộc thiểu số trong tháng 4 và tháng 5-2020 lần lượt chỉ tương ứng 25,0% và 35,7% so với mức tháng 12-2019. Trong khi đó, những con số này cao hơn, lần lượt ước tính khoảng 30,3% và 52% đối với nhóm hộ gia đình người Kinh và người Hoa. Trong tháng 4 và tháng 5-2020, thu nhập trung bình của hộ di cư được ước tính chỉ tương đương 25,1% và 43,2% so với mức của tháng 12-2019. Những con số này lần lượt là 30,8% và 52,5% đối với nhóm hộ gia đình không di cư”.

COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, đứng trước cú sốc này, Nhà nước nhanh chóng thực hiện các giải pháp mạnh, trước hết là để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, sau đó là để phát triển kinh tế. Các giải pháp đã chứng tỏ thành công bước đầu khi khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng trong thời gian dài (trên 3 tháng) và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động du lịch cũng đang bắt đầu trên con đường khởi sắc trở lại trước khi dịch bệnh bùng phát lần nữa vào cuối tháng 7-2020.

Giải pháp chính sách cho giai đoạn tới

Nước ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, hướng đến xây dựng Việt Nam trở thành nước hùng cường, thịnh vượng.

Yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số nền kinh tế đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết vì đó là cách thức để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, đuổi kịp các nước đi trước và đạt được tầm nhìn xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xuất hiện vào năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và khả năng sẽ ảnh hưởng đến một vài năm đầu của giai đoạn 2021 - 2030 đang đặt ra những thách thức mới không lường trước được. Đây là cú sốc bất ngờ làm nền kinh tế chệch khỏi đường ray đang trên đà phát triển kể từ năm 2012. Vì thế, để nền kinh tế nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo phát triển bình thường mới, cú sốc dịch bệnh “vô tiền khoáng hậu” này cần được xử lý kịp thời, không để kéo dài và không để các vấn đề phát sinh trong thời kỳ dịch bệnh tồn đọng dai dẳng, kéo chậm tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Để hướng đến mục tiêu dài hạn, Chính phủ cần có giải pháp giúp nền kinh tế trong thời gian sắp tới vừa phát triển kinh tế, vừa ổn định xã hội, tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trước tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, Chính phủ nhanh chóng đưa ra các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cú sốc COVID-19. Thứ nhất, gói chính sách tiền tệ - tín dụng nhằm cơ cấu lại, giãn - hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng. Thứ hai, gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1% - 2,5%/năm. Thứ ba, gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số thuế và phí) với tổng giá trị 180.000 tỷ đồng. Thứ tư, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu lao động và đối tượng yếu thế… (xem Bảng 1).

Bảng 1: Chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị tác động của COVID-19

Các gói hỗ trợ cho các chủ thể trong nền kinh tế đang được triển khai và chưa thể đánh giá đầy đủ hiệu quả ngay được. Nền kinh tế chưa kịp hồi phục từ đợt sóng COVID-19 lần thứ nhất khi cả nước thực hiện giãn cách toàn xã hội vào tháng 4-2020 thì vào cuối tháng 7-2020, những ca lây nhiễm vi-rút trong cộng đồng bùng phát mạnh trở lại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch tốt đang trở nên khó khăn, thách thức hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mục tiêu này không phải là bất khả thi với sự quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, địa phương và sự chung tay, góp sức của toàn thể người dân cả nước trong cuộc chiến chống sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2. Để thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội đầy khó khăn, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nhanh chóng khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng để tiến tới hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hạn chế những hoạt động có sự tương tác đông người (du lịch, lễ hội, quán bar…), nhất là tại những điểm nóng về dịch bệnh. Cần tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống sự lây lan của vi-rút như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng, rửa tay thường xuyên.

Thứ hai, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công theo mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra, gắn trách nhiệm giải ngân đầu tư công cho người đứng đầu; các bộ, ban, ngành, địa phương cần đồng hành, phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ nút thắt để có thể nhanh chóng giải ngân đầu tư công, vừa kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo ra năng lực cho nền kinh tế nhằm tăng trưởng trong dài hạn.

Thứ ba, khu vực FDI - xét cả về đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu - trong 6 tháng đầu năm 2020 có tăng trưởng âm, điều này là do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế thế giới, làm đứt chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Tuy nhiên, khu vực kinh tế trong nước có tăng trưởng đầu tư giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng vẫn tương đối tốt. Đối với khu vực này, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ (miễn, giảm thuế, giãn nộp bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất…) cho các doanh nghiệp trong nước trước các khó khăn và cú sốc tiêu cực từ bên ngoài.

Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19_Ảnh: TTXVN

Thứ tư, lao động tự do, hộ kinh doanh, người nhập cư, người dân tộc thiểu số chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19 nặng nề hơn so với các nhóm đối tượng khác, vì thế gói hỗ trợ Chính phủ đang triển khai cần tháo gỡ điểm nghẽn để nguồn lực hỗ trợ tìm đến được đúng các địa chỉ chịu tổn thương nhất từ dịch bệnh.

Thứ năm, cú sốc dịch tễ chưa có tiền lệ này cho thấy hệ thống y tế và giáo dục của Việt Nam cần được củng cố và có những thay đổi căn bản. Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất y tế và giáo dục nhằm ứng phó hiệu quả trước các cú sốc y tế trong tương lai. Quan trọng hơn, cơ sở vật chất y tế và giáo dục cần được thay đổi để tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (ví dụ như học online) nhằm thích nghi tốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thứ sáu, trong nền kinh tế tương thuộc lẫn nhau, sự suy giảm tăng trưởng hay đứt gãy chuỗi cung ứng bên ngoài sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất trong nước. Tuy nhiên, phụ thuộc quá mức vào khu vực FDI (trong đầu tư và xuất khẩu) sẽ tạo nên rủi ro lớn cho nền kinh tế khi gặp phải các cú sốc bên ngoài. Trong tình hình này, Việt Nam cần tư duy và nhìn nhận lại mô hình phát triển để tạo nên mô hình có sự cân bằng và liên kết tốt hơn giữa các động lực của tăng trưởng, các khu vực kinh tế.

Thứ bảy, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do là xu thế tất yếu, tuy nhiên nền kinh tế cũng sẽ phải đương đầu với nhiều cú sốc từ bên ngoài hơn. Xây dựng một nền kinh tế mạnh là cần thiết, nhưng việc xây dựng một nền kinh tế có tính thích nghi cao, có sức chống chịu tốt trong một thế giới diễn biến phức tạp, khó lường sẽ cần thiết hơn. Điều này đòi hỏi phải có tầm nhìn, chiến lược nhằm phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước có tính gắn kết, có sức cạnh tranh và thực sự là những trụ cột cho nền kinh tế trong tương lai.

Thứ tám, đại dịch COVID-19 đặt nền kinh tế nước ta trước những thách thức vô cùng to lớn, đồng thời đem lại những cơ hội. Cú sốc này góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế; lợi ích to lớn trong ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại được nhìn nhận rõ nét hơn, sản phẩm mới xuất hiện và phát triển rộng rãi. Các xu thế này đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế, quy định nhằm thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.

Các giải pháp trên vừa là ứng phó cấp bách; vừa mang tính căn cơ lâu dài, nhằm giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn và quay trở lại đường ray phát triển hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng trong tương lai./.

------------------------------ (1) Các số liệu này đang thay đổi theo từng ngày, giờ. (2) https://baodautu.vn/du-bao-dong-von-fdi-toan-cau-se-giam-40-do-dai-dich-covid-19-d124239.html (3) http://trungtamwto.vn/chuyen-de/15869-wto-du-bao-lac-quan-hon-ve-thuong-mai-toan-cau

Từ khóa » đoạn Văn Nghị Luận Về Covid