Sự Tích Về "Lá Diêu Bông" Trong Thơ - Em" Của Thi Sĩ Hoàng Cầm
Có thể bạn quan tâm
Đứa nào tìm được lá Diêu Bông Từ nay ta gọi là chồng…
Đó là 2 câu thơ quen thuộc trong bài Lá Diêu Bông của thi sĩ Hoàng Cầm đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên. Với nhiều người Việt, đặc biệt là với những người yêu nhạc, thì hình ảnh “lá diêu bông” chưa bao giờ xa lạ, mà trái lại, đó là sự dân dã, gắn kết gần gũi với tâm hồn. Nếu hỏi rằng “lá diêu bông” có hình dáng, màu sắc ra sao thì dù là trong trí tưởng tượng thì cũng không ai cũng có thể hình dung ra được. Thậm chí đến cả người “sáng tạo” ra lá diêu bông là nhà thơ Hoàng Cầm cũng không biết lá diêu bông ra sao. Ông nói: “…cái lá diêu bông là cái lá gì, ở đâu, nào tôi có biết. Thần linh đọc diêu bông, tôi chép diêu bông, thế thôi!”
Cậu bé 8 tuổi và mối tình đơn phương “chị chị em em”
Thi sĩ Hoàng Cầm sinh năm 1921, tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Ninh. Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt, được ghép từ tên của ngôi làng và vùng huyện nơi ông sinh ra. Nhưng sau khi lớn lên, cậu bé Bùi Tằng Việt lại lấy tên Hoàng Cầm làm bút danh cho mình. Hoàng Cầm là tên một vị thuốc Bắc rất đắng trong tủ thuốc của ông cụ thân sinh của ông. Đồng thời, đây cũng là một cái tên bay bổng mà theo sự cắt nghĩa của chính ông, thì Hoàng tức là Vàng, còn Cầm là chim. Hoàng Cầm nghĩa là chim vàng. Có lẽ ngay từ lúc bắt đầu đến với thơ ca, ông đã muốn làm con chim vàng oanh cất lên những tiếng hót lảnh lót dâng tặng cho đời.
Nói về câu chuyện tình “Lá Diêu Bông” đã đi vào trong nhiều bài hát, Hoàng Cầm kể rằng từ năm 5 tuổi, ông đã rời nhà lên Bắc Giang trọ học ở nhà ông bác. Năm 8 tuổi, trong một lần về thăm nhà, cậu bé Tằng Việt bất ngờ gặp một chị hàng xóm đang trò chuyện với mẹ mình. Lần đầu tiên trong đời, trái tim non của cậu bé ngừng lại một vài nhịp, rồi lại đập mạnh, xốn xang nhưng cảm xúc khó tả. Rất dạn dĩ, chỉ một tuần sau đó, cậu trở về nhà và gửi tặng chị hàng xóm hơn mình tận 8 tuổi một bài thơ lục bát để “tỏ tình” do chính mình sáng tác. Bài thơ được viết bằng bút mực tím trên giấy học trò và được trang trí hoa, bướm đặc biệt lãng mạn. Phía trên bài thơ là dòng chữ nắn nót của cậu bé 8 tuổi: “Em gửi chị Vinh của em”. Mối tình đó được cậu bé Tằng Việt tơ vương suốt 4 năm, đến tận khi cậu 12 tuổi, thì “chị Vinh” của cậu đi lấy chồng.
Trong suốt 4 năm đó, mọi tâm tư, tình cảm của cậu đều dành cho chị Vinh, Hoàng Cầm mới kể lại (Trích trong cuốn Tám Nhịp Tuần Du – NXB Văn Học 1999): “Trước mắt tôi, chị hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả học hành sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường, xê xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần của tôi ngồi bán quán nghèo..”.
Xem bài khác
Hoàn cảnh sáng tác “Đêm Đông” qua lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương
Hoàn cảnh sáng tác “Xập Xám Chướng” của nghệ sĩ Tùng Lâm
Với một cậu bé 8 tuổi, cuộc sống êm đềm không có quá nhiều biến cố, lại mang một tâm hồn thơ thiên bẩm thì cuộc đời và con người đối với cậu vẫn còn như những ảo ảnh lấp lánh. Vậy nên, tình yêu đầu đời của cậu bé 8 tuổi theo lẽ đó cũng ảo diệu và phiêu bồng theo dòng cảm xúc của cậu, như trong những câu mở đầu của bài thơ:
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng Chị thẩn thơ đi tìm Đồng chiều Cuống rạ
Nếu hình ảnh “lá diêu bông” giống như một ảo ảnh, là viễn mộng, thì hình ảnh “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” lại vô cùng hiện thực. Một hình ảnh vừa gợi tình, vừa bay bổng, vừa khêu gợi sự tò mò. Phải chăng, vào thời điểm sáng tác bài thơ, thi sĩ vẫn muốn “giấu” bóng dáng thực của mối tình đầu bởi khi đặt bút viết những dòng thơ đó, ông vẫn đang nằm cạnh người vợ và những đứa con đang say giấc.
Cho đến tận 70 năm sau, ông mới hé lộ: “Chị Vinh võ vẽ chữ nho, đọc thông quốc ngữ, quê gốc Tiên Du nên hát quan họ cũng làm người ta mê ngang với nhan sắc của chị… về môn hát quan họ thì chị là Bà Chúa của dân ca! Giọng ngọt và say như mật ong, đôi mắt đen buồn thăm thẳm với hàng mi cong và dài, đôi môi đã hồng lại còn cắn chỉ quết trầu, răng đen rưng rức hạt na”. Đúng là hình mẫu lý tưởng của một thiếu nữ mới lớn vùng quan họ vừa mang vẻ đẹp thanh xuân mơn mởn, vừa có giọng hát làm say lòng người.
Kể về khoảnh khắc đã làm nên giấc mơ “lá diêu bông”, thi sĩ Hoàng Cầm viết: “Một buổi chiều của dịp lễ Giáng Sinh năm 1934, nắng hanh vàng rộm, gió lạnh se se, thấy chị Vinh diện váy kiểu Đình Bảng, áo lụa cánh mỡ gà, bên ngoài áo ghi lê tím, bên trong yếm nhạt cánh sen, lưng thắt dải lụa đào, bước thoăn thoắt ra cánh đồng còn trơ gốc rạ dưới chân dãy núi Neo, cậu bé 12 tuổi lập tức vọt theo… Chị đi trên bờ ruộng, cứ vạch từng búi cỏ đầu bờ hoặc ở những bụi cây trên mấy gò nhỏ rồi cắm cúi tìm… Cứ thế, chị đi trước và tìm, cậu bé lẽo đẽo theo sau. Bỗng chị quay lại mắng: “Ơ hay! Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?” Cậu bé tự ái muốn khóc, nhưng cố nuốt nghẹn bước theo chị. Hình như chị có thoáng thấy nên.. mỉm cười. Khi chị bước qua bờ ruộng khác thì cậu bé không kìm được, bật hỏi: “Chị Vinh ơi, chị tìm gì thế?” Bỗng chị quay lại, nhìn thẳng vào mắt cậu bé, giọng bỡn cợt: “Chị tìm, tìm cái lá… ấy đấy. Đứa nào tìm được cái lá… ấy thì ta gọi là chồng!”. Dù chỉ mới 12 tuổi, cậu bé cũng nhận ra chị Vinh đã thay đổi cách xưng hô, từ “tao, mày”, rồi “chị” đến “ta”. Cái lá mà chị Vinh nói có lẽ là một thứ lá có thật, nhưng rất khó kiếm… Cuối năm đó, khi chị Vinh đi lấy chồng thì cậu bé quên mất tên chiếc lá mà chị Vinh “đùa trên sự đau khổ” của mình…”
Chị bảo Đứa nào tìm được lá Diêu Bông Từ nay ta gọi là chồng
Bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm từ khi mới ra đời đã gây ra một sự tò mò lẫn đồng cảm rất lớn từ công chúng yêu thơ. Đó là năm 1959, khi thi sĩ đã 38 tuổi, nhưng trong tâm trí ông, những rung động đầu đời của cậu bé 8 tuổi Bùi Tằng Việt với “chị Vinh của cậu” vẫn in đậm. Có lẽ vì vậy mà trong những mộng mị, mơ hồ của giấc mơ lúc nửa đêm, những tiếng gọi từ ký ức đã níu ông lại, trao cho ông những vần thơ tuyệt đẹp và hình ảnh “lá diêu bông” cũng đến thật bất ngờ. Thi sĩ Hoàng Cầm nói rằng ông không hề cố ý “bịa” ra một cái tên lá kỳ cục như vậy, mà chính ký ức, chính thần thức thơ trong nội tâm sâu thẳm đã mang đến cho ông chiếc lá thần kỳ ấy. Để rồi khi nhắc đến Hoàng Cầm, người ta nghĩ ngay đến lá diêu bông. Hoặc chỉ cần nghe loáng thoáng đâu đó hai chữ “diêu bông”, người ta cũng sẽ nhớ ngay đến Hoàng Cầm.
Hai ngày sau Em tìm thấy lá Chị chau mày Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị Em tìm thấy lá Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con Em tìm thấy lá Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn
Năm tháng trôi qua, cậu bé Tằng Việt đã lớn lên, trở thành chàng thi sĩ Hoàng Cầm có gia đình, vợ con đề huề. “Chị Vinh của cậu” cũng vậy, đã trở thành một người đàn bà đeo mang nhiều nỗi lòng, trải qua nhiều biến cố. Trong cuộc đời mình, có vài lần nhà thơ gặp lại chị Vinh nhưng khi đó cả hai người đều đã ở những thân phận và tâm trạng rất khác. Trong ký ức, trong nội tâm sâu thẳm của chàng thi sĩ Hoàng Cầm thì những cảm xúc, những kỷ niệm đẹp đẽ về mối tình của cậu bé Tằng Việt dành cho “chị Vinh” của cậu vẫn luôn còn đó.
Nhưng đó là Tằng Việt của 4 năm thời thơ ấu, và chị Vinh của 4 năm thời thiếu nữ, chứ không phải là cảm xúc và tình yêu khi đã trưởng thành của chàng thi sĩ Hoàng Cầm và người đàn bà tên Vinh. Và mối tình đó vĩnh viễn không thay đổi, vĩnh viễn dừng ở đó. Nên dù nhiều năm qua, cậu bé Tằng Việt ngày xưa vẫn mải miết đi tìm mối tình của mình. Những câu kết cuối cùng của bài thơ giống như một lời hát, lời hát của cậu bé 12 tuổi phiêu lãng trên con đường đi tìm tình yêu, đi tìm mối tình thơ dại và thuần khiết của cậu mà mãi mãi không bao giờ cậu có thể chạm đến. Mối tình đó cũng như chiếc lá diêu bông kia, hư thực, phiêu bồng…
Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá đi đầu non cuối bể Gió quê vi vút gọi Diêu Bông hời!… ới Diêu Bông!…
Năm 1992, thi sĩ Hoàng Cầm có viết một bài báo nói về quá trình sáng tác các bài thơ nổi tiếng của mình, trong đó ông kể một câu chuyện rất ly kỳ và mang đầy dấu ấn của tâm linh về thi phẩm “Lá Diêu Bông”, xin trích lại như sau:
“…Quá nửa đêm mùa rét 1959, trên giường ngủ, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ 6w, bên cạnh người vợ đang ngủ ngon và các con các giường bên cũng đang ngủ say. Tôi không gây một tiếng động khả dĩ làm mất giấc ngủ của những người thân. Đêm nào, khi lên giường nằm, tôi cũng đã để sẵn một tập giấy trắng và cái bút chì. Nếu ngủ được thì càng tốt, nhưng thường về đêm, tôi cứ hay bị thao thức, trằn trọc vô cớ. Chẳng có chuyện gì phải lo nghĩ, chẳng có ý định gì trong đầu mà sao về quá nửa đêm một mùa rét ấy, tôi vẫn không ngủ được. Bốn bề yên tĩnh. Nhà tôi ở vào một phố nhỏ, lại lùi tít vào phía trong, nên tiếng xe cộ thưa thớt cũng không bận tai. Im lặng. Chợt bên tai vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thời nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về:
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…
Tôi xoay người trong chăn về phía bên trái và ghi ngay. Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ. Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bỗng hẳn, một lát sau tôi ngủ thiếp đi. Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ như xoá mất chữ khác. Phải mất gần tiếng đồng hồ, tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như những lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm hôm qua. Bài Lá diêu bông ra đời như vậy, nói có người không tin, nhưng tôi nghĩ bây giờ khoa tâm thần học, vô thức luận, tâm linh học có thể lý giải được hiện tượng đó một cách rất khoa học.
Vậy nên, cái lá diêu bông là cái lá gì, ở đâu, nào tôi có biết. Thần linh đọc diêu bông, tôi chép diêu bông, thế thôi…”
Những ca khúc gắn liền với chiếc “lá diêu bông”
Ca khúc đầu tiên phải kể đến là ca khúc Lá Diêu Bông do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ giữa những năm 1980 khi ông đang sống ở hải ngoại. Đây là ca khúc phổ nhạc có lời ca gần nhất với bản gốc bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm. Nhạc sĩ Phạm Duy hầu như không sửa đổi gì lời thơ. Thay đổi đáng chú ý nhất là hai câu hát cuối cùng được nhạc sĩ thêm vào:
Em đi trăm núi nghìn sông Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ…
Dường như để làm rõ thêm ý tứ của Hoàng Cầm, Phạm Duy đã đặt thêm hai câu hát này. Ca khúc này đã được một ca sĩ hải ngoại thể hiện như Thái Hiền, Ý Lan,.. Tuy nhiên, do thời điểm ca khúc này ra đời, âm nhạc hải ngoại chưa có điều kiện phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, cộng với giai điệu khá lạ của ca khúc nên về độ phổ biến và yêu thích đối với công chúng yêu nhạc trong nước không bằng các ca khúc “lá diêu bông” được các nhạc sĩ trong nước viết lời sau này trên nền nhạc dân gian, gần gũi và ngọt ngào hơn.
Click để nghe Lá Diêu Bông (Phạm Duy) – Ý Lan
Ca khúc thứ hai là ca khúc Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng của nhạc sĩ Trần Tiến được viết từ đầu những năm 1990. Như đã nói ở trên, nhờ chất liệu âm nhạc dân gian mượt mà, gần gũi, ca khúc này được phổ biến rộng rãi và rất được yêu thích trong công chúng nghe nhạc. Khác với nhạc sĩ Phạm Duy là giữ nguyên phần lời của thi sĩ Hoàng Cầm thì ở ca khúc này, nhạc sĩ Trần Tiến đã khéo léo pha trộn thêm nhiều chất liệu khác của âm nhạc dân gian cả Bắc Bộ và Nam Bộ:
Lời ru buồn nghe mênh mang Mênh mang sau lũy tre làng Khiến lòng tôi xôn xao.
Ngày lấy chồng em đi qua con đê Con đê mòn lối cỏ về Có chú bướm vàng bay theo em
Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi Lấy chồng sớm làm gì Ðể lời ru thêm buồn
Ru em thời thiếu nữ xa xôi Còn đâu bao đêm trong xanh Tát gàu sòng vui bên anh
Ru em thời con gái kiêu sa Em đố ai tìm được lá diêu bông Em xin lấy làm chồng
Ru em đời thiếu nữ xa rồi Mình tôi lang thang muôn nơi Ði tìm lá cho em tôi
Ru em thời con gái hay quên Thương em tôi tìm được lá diêu bông Sao em nỡ vội lấy chồng
Diêu bông hỡi diêu bông Sao em nỡ vội lấy chồng
Dựa vào lời hát này thì có thể nhận ra mối tình trong “Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng” không phải là một mối tình chị – em theo nguyên tác, mà là một mối tình anh – em trai gái bình thường. Lời hát cũng chín chắn, trưởng thành, nhiều tâm sự hơn rất nhiều so với bản gốc là mối tình trẻ con bộc phát, trong sáng và thuần chất yêu đương. Có lẽ đây cũng là một phần lý do mà ca khúc này chiếm được sự đồng cảm của phần đông khán giả.
Click để nghe Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng – Mạnh Đình Như Quỳnh
Ca khúc thứ ba cần phải kể đến là ca khúc Chuyện Tình Lá Diêu Bông do nhạc sĩ Nguyễn Tiến viết lại lời trên nền nhạc dân ca Thanh Nghệ Tĩnh. Với ca khúc này, toàn bộ hình ảnh, nội dung, ý tứ thơ của thi sĩ Hoàng Cầm đều được giữ lại nguyên vẹn, nhạc sĩ Nguyễn Tiến chỉ thay đổi chút ít cho phù hợp với giai điệu nhạc. Đây cũng là một ca khúc hết sức ngọt ngào và da diết được công chúng yêu thích và nhiều nghệ sĩ của dòng âm nhạc dân gian chọn lựa thể hiện.
Nhớ đồng chiều cuống rạ Chị thẩn thơ đi tìm Em ở đầu làng chiều xuống ven đê Theo sau chị đi tìm chợt nghe lời chị nói.
Ai mà tìm được lá diêu bông Từ nay chị sẽ lấy làm chồng Hai ngày sau em tìm thấy lá Chị chau mày: “Đâu phải lá diêu bông”.
Mùa đông sau em lại tìm thấy lá Chị lắc đầu nhìn nắng bên sông Lần cuối chị qua đồng chiều cũ Tay em cầm lá diêu bông Chị cười quay đi không nhìn lá.
Để gió quê vi vút, diêu bông hỡi diêu bông Ngày cưới xe hoa qua làng cũ Tay em cầm chiếc lá đứng ven đê Chị buồn quay đi không nhìn lá Để gió quê vi vút, diêu bông hỡi, diêu bông hời.
Click để nghe ca sĩ Thu Hiền hát ca khúc Chuyện Tình Lá Diêu Bông
Bài: Đông Kha Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
Share 0Từ khóa » Bài Thơ Lá Diêu Bông Tác Giả Là Ai
-
Ai Là Tác Giả Bài Thơ 'Lá Diêu Bông'? - VnExpress
-
Sự Tích Bài Thơ Lá Diêu Bông - Hoàng Cầm - NLS Bảo Lộc
-
Tác Giả 'Lá Diêu Bông' Với Chuyện Tình Cõi Mộng
-
Bài Thơ: Lá Diêu Bông (Hoàng Cầm - Bùi Tằng Việt) - Thi Viện
-
Lời Bài Thơ Lá Diêu Bông (Hoàng Cầm) - TKaraoke
-
Bài Thơ: "Lá Diêu Bông" - Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt) - OCuaSo.Com
-
Tình Khúc Bất Tử - LÁ DIÊU BÔNG (TRẦN TIẾN; THƠ HOÀNG CẦM ...
-
Lá Diêu Bông Là Gì? Lá Diêu Bông Có Thật Sự Tồn Tại Không?
-
Truyền Thuyết Về Lá Diêu Bông Và Nhạc Sĩ Trần Tiến - Thu Âm Việt
-
Sự Thật Sau Những Tác Phẩm để đời - Kỳ Cuối: Lá Diêu Bông Và Vị ...
-
Lá Diêu Bông Là Gì? Sự Thật Về "Lá Diêu Bông" | Việt Nam 24h
-
Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng – Wikipedia Tiếng Việt
-
NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG BÀI THƠ “LÁ DIÊU BÔNG” CỦA ...
-
Tác Giả: Lá Diêu Bông, Bên Kia Sông Đuống...| Jimmy TV - YouTube