Sữa Mẹ Có Lẫn Máu Có Thể Tiếp Tục Cho Bé Bú? - Hello Bacsi

Lần đầu tiên nhìn thấy sữa mẹ có lẫn máu có thể khiến bạn hoảng sợ. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng bình thường, đặc biệt là đối với những phụ nữ mới sinh. Và tình trạng này cũng chưa chắc có nghĩa là bạn đang mắc phải bệnh nào đó.

Thực tế, máu lẫn trong sữa mẹ thường rất khó nhận ra, trừ khi bạn hút sữa ra đựng vào bình hoặc bé trớ sữa có máu hay phân của bé có lẫn chút máu. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Sữa mẹ có lẫn máu liệu có an toàn cho bé hay không?

Theo Hiệp hội Nuôi con bằng sữa mẹ của Úc, sữa mẹ có rất nhiều màu sắc và thường thay đổi liên tục. Sữa non có màu vàng nhạt, trong khi sữa sau lại có màu trắng và hơi có ánh xanh tím. Do đó, nếu máu lẫn vào sữa mẹ thì sữa có thể đổi sang màu có sắc đỏ, hồng, nâu cà phê, cam hoặc xanh ô liu. Tuy nhiên, việc này thường không gây hại cho bé và bạn không cần phải ngưng cho bé bú.

Bé có thể nôn/trớ ra sữa có lẫn một chút máu hoặc máu có thể đi qua đường tiêu hóa và xuất hiện trong phân. Nếu bé bú một lượng lớn sữa mẹ có lẫn máu thì bé có thể nôn ra dịch có màu sẫm hoặc phân của bé có màu tối. Trong trường hợp này, bạn không cần quá lo mà hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn nhé.

Hãy chắc chắn rằng bạn không mắc phải bất cứ bệnh nào có thể truyền sang cho bé thông qua sữa mẹ. Ví dụ, nếu bạn bị nhiễm HIV/AIDS, viêm gan hoặc nhiễm trùng toàn thân như nhiễm trùng huyết thì tốt nhất bạn nên dừng cho con bú và hỏi ý kiến bác sĩ.

Đôi khi, sữa mẹ đổi màu cũng không có nghĩa là có máu lẫn trong sữa vì một số loại thực phẩm mà bạn ăn cũng có thể khiến màu của sữa mẹ bị thay đổi.

Nguyên nhân sữa mẹ có lẫn máu

Máu xuất hiện trong sữa mẹ vì rất nhiều lý do. Đa số các lý do này thường không nghiêm trọng và có thể giải quyết được. Thông thường, tình trạng này sẽ không dài quá 1 tháng, trừ khi núm vú của bạn bị tổn thương. Nếu tình trạng sữa mẹ có lẫn máu kéo dài hơn 1 tháng, bạn nên trao đổi với bác sĩ. Một số nguyên nhân khiến sữa mẹ có lẫn máu bạn nên biết:

1. Nứt núm vú

Núm vú bị nứt hoặc tổn thương có thể khiến sữa mẹ có máu. Tình trạng này có thể xuất hiện trong vài tuần đầu sau sinh, khi bé chưa đủ khả năng bú mẹ hiệu quả hoặc do bạn chưa biết cách đặt núm vú vào miệng bé. Nếu núm vú bị trầy xước, phồng rộp hoặc có các vết thương hở, các mô sẽ bị chảy máu do sức căng khi bé bú hoặc khi bạn dùng máy hút sữa mẹ. Nếu vấn đề này vẫn tiếp tục xảy ra sau vài tuần, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.

2. Hội chứng căng mạch máu (Rusty Pipe Syndrome)

Hội chứng căng mạch máu là một nguyên nhân phổ biến khiến sữa mẹ có lẫn máu, thường xảy ra trong vài ngày đầu sau khi sinh. Khi mắc phải hội chứng này, sữa mẹ sẽ có màu đỏ, giống như màu của rỉ sắt.

Căng mạch máu là tình trạng có một lượng máu lớn hoặc các loại dịch khác chảy vào bầu vú. Sự dồn lên đột ngột sẽ làm phì đại ống dẫn sữa. Ngoài ra, nó cũng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào chịu trách nhiệm sản xuất sữa ở vú. Một ít máu có thể còn lại trong ống sẽ chảy ra ngoài theo dòng sữa.

Tình trạng này không gây đau đớn và có thể xảy ra ở một hoặc hai bên vú. Thông thường, hội chứng căng mạch máu sẽ tự biến mất mà bạn không cần phải làm gì cả. Tuy nhiên, nếu bạn thấy tình trạng sữa mẹ có lẫn máu kéo dài vài tuần thì bạn nên nói với bác sĩ.

sữa mẹ có lẫn máu

3. U nhú bên trong ống dẫn sữa (Intraductal Papilloma)

U nhú bên trong ống dẫn sữa là một lý do không phổ biến gây ra tình trạng sữa mẹ có lẫn máu. Đây là những khối u nhỏ, lành tính, trông giống như những nốt mụn cơm hình thành trong ống dẫn sữa. Những khối u này có thể gây chảy máu và khiến máu xuất hiện trong sữa mẹ. Thông thường, tình trạng này có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Đôi khi bạn có thể thấy đau nhưng những u nhú này không gây ra cục u nào cả. Một nguyên nhân khác ít phổ biến hơn là bệnh xơ nang vú, một tình trạng lành tính có thể sẽ khiến vú bạn cảm thấy sần sùi.

4. Vỡ mao mạch

Chấn thương hoặc tổn thương các mạch máu nhỏ hoặc mao mạch ở vú do sử dụng máy hút sữa mẹ không đúng cách hoặc do chấn thương ngực cũng có thể khiến máu rò rỉ vào ống dẫn sữa và chảy vào sữa mẹ. Đôi khi, máy hút sữa mẹ có thể sẽ tạo ra áp lực quá lớn lên núm vú, dẫn đến tổn thương núm vú.

5. Viêm vú

Viêm vú là tình trạng nhiễm trùng ở vú, gây chảy máu. Các cục u xuất hiện nhiều có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm vú trong giai đoạn sớm. Nếu bị viêm vú, bạn sẽ thấy sưng và đau ở bên bú bị viêm. Ngoài ra, vú cũng sẽ bị đỏ, nóng và đau nhức khi chạm vào. Hãy nói chuyện với bác sĩ ngay nếu bạn thấy mình có các triệu chứng trên nhé.

6. Ung thư vú

Ung thư vú là nguyên nhân hiếm gặp nhất gây ra tình trạng sữa mẹ có lẫn máu. Một số dạng ung thư vú như ung thư biểu mô ống dẫn sữa và bệnh Paget có thể dẫn đến tình trạng chảy máu núm vú. Bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán căn bệnh này và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Nếu nhận ra sữa mẹ có lẫn máu, bạn phải làm gì?

Bạn không nên hoảng sợ mà hãy tuân thủ những bước sau:

  • Tiếp tục cho bé bú hoặc hút sữa kể cả khi bạn thấy sữa mẹ có lẫn máu.
  • Chỉ cần bé vẫn bú tốt và không nôn mửa, bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú sữa mẹ có lẫn máu.
  • Hãy hỏi bác sĩ để biết cách cho bé bú tốt hơn và có vị trí cho bé bú phù hợp, thoải mái.
  • Theo dõi các triệu chứng nhiễm trùng như sốt, sưng, đau và nóng đỏ ở vú.
  • Các tình trạng nhiễm trùng như viêm vú cần được điều trị bằng kháng sinh. Nếu không được điều trị đúng cách, có khả năng bạn sẽ bị tắc ống dẫn sữa và không thể cho con bú được nữa.
  • Để giảm tình trạng khô và nứt núm vú, bạn có thể thoa lanolin hoặc vaselin lên núm vú.
  • Nếu bạn cảm thấy đau khi cho con bú, hãy dành thời gian để núm vú lành lại. Bạn có thể sử dụng các loại kem an toàn cho bé để thoa lên núm vú. Để duy trì nguồn sữa, hãy tiếp tục vắt sữa (từ 8 – 10 lần/ngày) và tìm các giải pháp khác để thay thế sữa mẹ.
  • Nếu bạn không thể tìm ra nguyên nhân rõ ràng cho tình trạng chảy máu và nếu tình trạng không biến mất trong một tuần thì hãy đến gặp bác sĩ ngay nhé.
  • Khi vắt sữa bằng tay, hãy nhớ chú ý vắt thật nhẹ nhàng. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn dùng máy hút có tốc độ và áp lực vừa phải.

Sữa mẹ có lẫn máu thường không gây hại cho bé. Do đó, bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú bình thường. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Trong Sữa Mẹ Có Lẫn Máu