SỨC MẠNH CỦA CÁI ĐẸP TRONG TÁC PHẨM CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ ...

        Nhà văn Hà Minh Đức đã tâm sự “Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật”. Cái đẹp, bản thân nó cũng cần được những làn gió mới thổi qua để bừng dậy nguồn sức sống căng tràn, để ngày càng toàn mĩ hơn và duy trì sự tồn tại trong đời sống văn học. Vì lẽ đó, một tác phẩm chỉ nói về cái đẹp thôi là chưa đủ, ấy còn phải là những vẻ đẹp mà chưa một ai khám phá ra, là cái đẹp không chỉ ở ngoài ánh sáng mà còn trong bóng tối, vẻ đẹp tồn tại ngay cả những nơi tầm thường, bần cùng nhất. Chỉ khi chạm đến những ngưỡng cửa khác nhau của cái đẹp, văn học mới có thể thức tỉnh con người từ trong những lạc lối u mê, khiến chúng ta phải lặng mình mà lắng nghe những thanh âm cuộc sống đang tràn về trong tim. Và cũng giống như những người thủy thủ sau bao ngày lênh đênh trên biển khơi bỗng nhận ra đất mẹ là nơi quý giá nhất, văn học càng tôn vinh vẻ đẹp ở nhiều góc độ bao nhiêu, khai thác cái đẹp đến một chiều kích vĩ mô bao nhiêu rổi sẽ có lúc thấy rằng: cái đẹp vốn không nằm ở đâu xa, ở tít tận trời mây hay sâu cùng góc bể mà vẻ đẹp có mặt ngay trong cuộc sống hiện diện trước mắt ta. Do đó, vẻ đẹp của văn học chính là những cái đẹp khác thường, sáng tạo nhưng không bao giờ được tách rời khỏi hiện thực, thoát ly khỏi những quy luật của cuộc sống. Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, là nhà văn của chủ nghĩa duy mĩ, thích cái đẹp, cái độc đáo, thích sự cầu kì, ông đã tạo cho mình một thế giới những nhân vật đặc biệt, những hoàn cảnh đặc biệt và những cá tính không lặp lại. Dẫu nhiều độc giả có đôi lúc cũng tỏ ra khó chịu vì sự quá mức cầu kì trong câu chữ, trong những hình ảnh và hoàn cảnh được chọn lựa, song hiếm có ai không trân trọng sự lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, đầy công phu của ông. Đọc Chữ người tử tù, ta như được phiêu lưu trong một thế giới chứa đầy và đan xen những xúc cảm đặc biệt: Từ hồi hộp theo dõi cuộc gặp gỡ của những con người đặc biệt đến lo lắng cho sự chạm trán của những địa vị trái ngược, những thân phận không thể dung hòa và vỡ òa trong cảm xúc vui sướng trước sự lên ngôi của cái đẹp, cái thiện, cái văn hóa, dẫu đâu đây còn có nỗi niềm bâng khuâng, tiếc thương cho sự ra đi của một kiếp người tài hoa. Cái đẹp quả thực có sức mạnh phi thường, giúp con người ta vươn tới, hướng về, níu giữ tính người cho con người, giữ mãi trong ta cái cốt lõi của tính nhân bản. Hình tượng Huấn Cao, viên quản ngục quả thực đã để lại trong ta những dư vị khó quên về sức mạnh của cái đẹp, cái văn hóa.

 

        Người tử tù Huấn Cao trao đi con chữ một đời tài hoa của mình cho viên quản ngục, khoảnh khắc ấy cả vũ trụ như được ban phát muôn nơi thứ ánh sáng nhiệm mầu của cái đẹp. Dưới ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, một người tù cổ đeo gông chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiên lụa óng. Đây là cảnh tượng đẹp nhất trong Chữ người tử tù- một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Việc viết thư pháp thường diễn ra ở nơi thư phòng sạch sẽ thoáng mát, có hoa có nguyệt, có tình. Nhưng khung cảnh thường thấy ấy lại không hiện diện nơi đây. Ở đây, sự dơ bẩn, phàm tục được hiện hữu rất rõ: “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Nhưng sự xuất hiện của phiến lụa, của thoi mực thơm đã xua tan đi điều đó, bởi “Cái đẹp là địa hạt của sự sống, cái đẹp đã lên ngôi thay thế cho cái xấu xa, thấp hèn, cái đẹp nâng đỡ con người”. Vì thế dù “Cổ đeo gông chân vướng xiềng” nhưng ông Huấn vẫn tung hoành ngang dọc cái khát khao của đời mình lên từng vuông lụa trắng. Đó là thái độ uy nghi, đường hoàng, một thái độ của “hùm thiêng” khi đã “sa cơ” mà chẳng hèn chút nào. Người tù ấy đã ngự trị nơi bóng tối này với một dáng vóc uy nghi, lẫm liệt thật đường hoàng làm cho những người quản lý nhà ngục phải khiếp sợ, kính nể: “viên quản ngục lại vội khúm núm  cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa” và “thầy thơ lại gầy gò run run bưng chậu mực”. Nét chữ của ông như rồng bay phượng múa, thiên lương của ông tỏa sáng lồng lộng chốn ngục tù. Tài hoa và thiên lương và khí phách đã hợp nhất thành Huấn Cao. Dũng và Mỹ hợp thể làm nên bức tranh cho chữ sáng ngời. Kỳ lạ thay, trong cảnh cho chữ này, pháp luật và uy quyền của nhà tù đã bị sụp đổ. Uy quyền và bạo lực giờ đây đã tan biến, nó bị khuất phục bởi cái đẹp, cái thiên lương. Ở đó không còn tử tù và quản ngục, thơ lại. Ở đó chỉ còn những con người yêu quý và biết thưởng thức cái đẹp. Cái xấu xa, cái ác, cái chết chóc nhường chỗ cho cái đẹp, cái bất tử. “Điều đó cho thấy rằng trong nhà tù tăm tối, hiện thân cho cái ác, cái tàn bạo đó, không phải cái ác, cái xấu đang thống trị mà chính cái Đẹp, cái Thiện, cái cao cả đang làm chủ. Với cảnh cho chữ này, cái nhà ngục tăm tối đã đổ sụp, bởi vì không còn kẻ phạm tội tử tù, không có quản ngục và thơ lại, chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài, tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và khí phách. Cũng với cảnh này, người tử tù đang đi vào cõi bất tử”. 

      Lời khuyên của Huấn Cao đối với quản ngục lại một lần nữa khẳng định cái đẹp, cái thiên lương của con người: “Ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông vắn, tươi tắn nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Lời khuyên của  Huấn Cao đã khẳng định rằng: cái đẹp, cái thiên lương không bao giờ và không khi nào lại có thể chung sống với cái xấu, cái ác: “Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững được và rồi cũng nhen nhuốm mất cả cái đời lương thiện đi”. Một lời khuyên thật thiện tâm, thiện ý của Huấn Cao đã làm cho viên quản ngục cảm động: “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: – Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Câu nói : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” đã cho thấy rằng: cái đẹp, cái thiện, cái tài hoa đã chiến thắng tuyệt đối. Cái đẹp của nghệ thuật đã xóa nhòa mọi khoảng cách và ranh giới đưa con người đến với nhau trong vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ.

       Quả thật, Nguyễn Tuân đã ca tụng hân hoan cái đẹp. Cái đẹp là phạm trù cơ bản và trung tâm của mỹ học, nó làm cho con người tin vào sức mạnh cứu vớt và làm cho cuộc sống bớt khổ đau, với Nguyễn Tuân thì cái đẹp ấy khác lạ và phi thường, nó có thể nảy nở trên nền cái xấu, cái ác nhưng không thể chung sống với nó. Hơn tất cả ông cho rằng, cái đẹp có sức mạnh cảm hóa giữa chốn lao tù nhơ bẩn, hôi hám. Người thi sĩ cổ đeo gông, chân vướng xiềng, nét chữ vẫn tung hoành, nó như một luồng sáng lạ, một thứ khi giới thành cao trong trẻo phá tan cả bóng tối và ngục tù. Nét chữ của Huấn Cao là cái đẹp và nó đã chiến thắng cái ác, cái xấu. như vậy cảnh cho chữ đã làm cho tác phẩm của Nguyễn Tuân trở nên đẹp và đạt một cách bất diệt, ngày mai phải chịu án tử hình những nét chữ của ông thì còn sống mãi. Nguyễn Tuân đưa cái đẹp lên đỉnh cao của nghệ thuật, làm nó rực sáng cả bầu trời, như ngôi sao băng vụt qua đêm tối nhưng vẫn sáng chói lọi.

Bài viết của Nguyễn Thị Thanh Huyền, 

TPCM, trường THPT Sơn Dương

 

Từ khóa » Thiên Lương Trong Chữ Người Tử Tù Là Gì