SUITE (TỔ KHÚC) - Website Nhạc Cổ Điển - Nhaccodien

Tổ khúc (Suite) là một bộ các tác phẩm khí nhạc được sắp xếp theo thứ tự nhằm để biểu diễn riêng một mạch. Trong thời kỳ Baroque, tổ khúc là một thể loại khí nhạc bao gồm một số chương có cùng điệu thức, một vài hay tất cả dựa trên các hình thức và phong cách vũ khúc (các thuật ngữ khác dành cho nhóm các vũ khúc thời Baroque gồm có Partita, Overture, Ordre và Sonata da camera).

Việc ghép đôi các vũ khúc ít nhất cũng đã có từ thế kỷ 14 nhưng các nhóm tác phẩm được gọi là tổ khúc được biết đến sớm nhất là suyttes de bransles của Estienne du Tertre (1557). Tuy nhiên chúng chỉ tạo thành chất liệu thô cho một chuỗi các vũ khúc hơn là một chuỗi thực sự được chơi trên thực tế. Phần lớn các nhóm vũ khúc từ những năm 1840 tới cuối thế kỷ đó đều là những cặp tác phẩm, một điệu pavan hay passamezzo đi cùng một điệu galliard hay saltarello. Sự thôi thúc ghép nhóm kiểu tổ khúc có vẻ như bắt nguồn từ nước Anh tại thời điểm bước ngoặt thế kỷ, với William Brade và Giovanni Coprario, nhưng xuất bản phẩm đầu tiên của nhóm các tác phẩm kiểu tổ khúc với tư cách là các tác phẩm được ghép lại một cách đồng bộ là Newe Padouan, Intrada, Däntz und Galliarda (1611) của Peuerl mà bốn vũ khúc trên tiêu đề trở đi trở lại trong mười “suite” được thống nhất bằng điệu thức và chất liệu chủ đề. Banchetto musicale (1617) của Schein bao gồm 20 chuỗi paduana, gagliarda, courente, allmande và tripla được thống nhất một cách tương tự.

Sự phát triển của tổ khúc “cổ điển”, gồm có allemande, courante, sarabande và gigue theo trình tự đó (A-C-S-G), diễn ra trong hai giai đoạn. Giai đoạn đấu đối với nhóm A-C-S có lẽ được thực hiện bởi những người chơi đàn lute ở Paris hay những bậc thầy nhạc vũ khúc ở triều đình Pháp, những nhóm đầu tiên mà có thể xác định ngày tháng một cách chắc chắn kiểu như thế xuất hiện trong Tablature de mandore de la composition du Sieur Chancy (1629). Vũ khúc gigue chỉ được chấp nhận một cách thưa thớt khi nó bắt đầu xuất hiện trong những cách sắp xếp tổ khúc sau năm 1650 và ban đầu nó hiếm khi có được vị trí cuối cùng cổ điển. Froberger chỉ để lại duy nhất một tổ khúc A-C-S-G thật sự; cấu trúc A-G-C-S thông thường của ông được các nhà xuất bản đầu tiên của ông thay đổi trong các năm 1697-98 cùng thời gian mà quy tắc được Buxtehude, Böhm và Kuhnau xây dựng cho các nhà soạn nhạc Đức. Ở nước Anh, tổ khúc với vũ khúc gigue rất hiếm (chẳng hạn như vũ khúc gigue không xuất hiện trong các tổ khúc của Purcell) và ở nước Pháp trong thời trị vì của Louis XIV, thường thì các tổ khúc cho viol và harpsichord đi theo nhóm A-C-S-G cùng các vũ khúc khác. Các đặc trưng trong tổ khúc cho harpsichord của L. Couperin, D’Angelbert và các nhà soạn nhạc khác bao gồm Prélude không nhịp và xu hướng xếp các tác phẩm đã có với nhau (đôi khi do các nhà soạn nhạc khác nhau viết). Chỉ có năm tổ khúc cổ điển hoặc ít hơn thế trong số 27 ordre của François Couperin – trong mỗi ordre số 1, 2, 3, 5 và 8 bao gồm năm hoặc mười khúc nhạc. Các ordre khác gồm các nhóm liên kết theo chương trình và pha tạp.

Người Pháp cũng sử dụng tổ khúc cho hòa tấu và dàn nhạc. Tổ khúc cho dàn nhạc thường được tạo bởi một nhóm tác phẩm từ các nguồn thể loại khác (đặc biệt là các opera và ballet của Lully). Nhiều tổ khúc bắt đầu bằng một overture và “overture-suite” (tổ khúc overture) được các nhà soạn nhạc Đức như J.S. Kusser, J.C.F. Fischer và Georg Muffat tiếp quản một cách hăng hái. Telemann khẳng định đã sáng tác không ít hơn 200 tổ khúc, nhưng bốn tổ khúc cho dàn nhạc của Bach và các tác phẩm Water Music và Music for the Royal Fireworks (Âm nhạc dành cho lễ hội pháo hoa hoàng gia) của Handel tỏ ra là minh chứng hay nhất của thể loại này.

Trong các tổ khúc khác của mình, cả Bach và Handel thường theo mô hình Prelude-A-C-S-X-G (trong đó X là một hay nhiều vũ khúc hoặc cặp vũ khúc thêm vào). Các tổ khúc cho đàn phím của Handel, lên tới khoảng 22 tổ khúc, phần lớn được soạn từ các tác phẩm đã có. Bach tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến thể loại này, với 6 tổ khúc cho cello, 3 partita cho violin solo và các bộ 6 tổ khúc Anh, tổ khúc Pháp và partita cho harpsichord. Bach sử dụng tổ khúc như một khối kiến trúc theo một tổng thể lớn hơn, sắp xếp từng tổ khúc để tạo ra khác biệt nào đó – hoặc tạo ra cùng loại tổ khúc nhưng theo một cách khác – vì thế bộ tác phẩm là một kiểu liệt kê tổ khúc dành cho phương tiện diễn đạt cụ thể đó.

Sau năm 1750, các thể loại sonata, giao hưởng và concerto bắt đầu lấn át các chức năng của tổ khúc. Việc viết một tổ khúc trở thành một bài luyện tập cổ xưa, như các tổ khúc K399/385i của Mozart và các tổ khúc à l’antique mãi về sau của Ravel, Debussy, Strauss, Hindemith và Schönberg. Trong thế kỷ 19 tiêu đề ‘tổ khúc” ngày càng được sử dụng nhiều hoặc là đối với một bộ tuyển chọn cho dàn nhạc từ một tác phẩm lớn (đặc biệt là ballet và opera) hoặc là đối với một chuỗi các khúc nhạc kết nối với nhau một cách lỏng lẻo bằng một chương trình mang tính mô tả (ví dụ như tổ khúc Những hành tinh của Holst) hay bằng một chương trình ngoại lai hoặc mang tính dân tộc chủ nghĩa (như trong một số tổ khúc của Grieg, Sibelius, Tchaikovsky và Rimsky-Korsakov).

Sự độc lập đối với các hình thức vũ khúc có nghĩa là thể loại này có thể được cho là bao gồm các tác phẩm không được gắn tiêu đề “tổ khúc”, kể cả các bộ liên khúc cho piano của Schumann, “Năm tác phẩm cho dàn nhạc” của Schönberg và Momente của Stockhausen.

Ngọc Anh (nhaccodien.info) dịch

Từ khóa » Tổ Khúc Tiếng Anh Là Gì