Sương Sâm: Vị Thuốc đến Từ Loại Lá Cây Nấu Món ăn Giải Khát - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm cây Sương sâm
  • 2. Phân bố
  • 3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
  • 4. Thành phần hóa học trong cây Sương sâm
  • 5. Công dụng của Sương sâm
  • 6. Một số bài thuốc sử dụng cây Sương sâm
  • 7. Lưu ý

Vào những ngày hè nóng nực, những ly sương sâm, sương sáo, thạch dừa,… đã trở thành những món giải khát vô cùng quen thuộc. Sương sâm được nấu lên từ lá cây Sương sâm, hầu hết bà con vùng quê, hay những bà nội trợ cũng không quá lạ lẫm với thứ lá này. Nhưng có lẽ mọi người chỉ mới biết đến chúng ở công dụng này, còn nó là một vị thuốc chữa bệnh thì không hẳn ai cũng biết. Vậy bài viết hôm nay sẽ giới thiệu tới bạn đọc những khía cạnh khác của loài dược liệu này. Mong nhận được sự theo dõi của các bạn!

1. Đặc điểm cây Sương sâm

Sương sâm là dạng cây thân leo, nó thường bò hoặc bám vào bờ rào, bờ tường hay các cây khác để phát triển. Đây là loại cây sống lâu năm. Thân cây thường dài khoảng 3 – 5m, thậm chí có những cây sống nhiều năm có thể dài tới 10m, cho nhiều nhánh. Từ đoạn thân có thể sinh trưởng thành cây mới. Rễ cây là rễ cọc, ăn sâu vào đất, có sức sống rất mạnh mẽ.

Thật ra ở Việt Nam ghi nhận có 2 loại: Sương sâm lôngSương sâm trơn. Cả 2 đều thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae), và cũng khá dễ để nhận biết với nhau:

1.1. Sương sâm trơn

Các nhánh cây thường rất mảnh và được bao phủ bởi lớp lông mịn và gai nhọn. Lá có phiến cứng với kích thước dài khoảng 9cm, rộng 4cm và không có lông bao bọc. Lá trơn, có màu nhạt khi còn non và chuyển dần sang xanh đậm khi già. Đường gân chạy dọc theo phiến lá.

Hoa mọc thành từng chùm nhỏ có màu vàng nhạt, cánh hoa li ti. Mỗi bông hoa có đến 7, 8 nhị. Khi kết trái, quả hình tròn nhỏ kích thước 10-12mm. Thời gian ra hoa là từ tháng 3 cho đến tháng 6 mỗi năm. Đến tháng 7, quả sẽ chín và đổi màu tím như màu nho đen.

Cây Sương sâm trơn
Cây Sương sâm trơn

1.2. Sương sâm lông

Cây được bao phủ bởi một lớp lông dày. Lá cây không nhẵn như sương sâm trơn mà phủ lông ở mặt dưới của lá. Cuống lá có phần ngắn hơn. Kích thước của lá dài khoảng 6 – 10cm, rộng 4 – 9cm, có màu xanh không đậm như sương sâm trơn. Hoa mọc thành cụm tại các nách của thân leo với đặc điểm mọc phân nhánh. Các nhánh hoa có thể đạt độ dài 7cm. Hoa kết trái màu vàng, tròn nhỏ màu đỏ và có lông bao phủ.

Cây Sương sâm lông
Cây Sương sâm lông

2. Phân bố

Sương sâm mọc chủ yếu các nước Ấn Độ,  Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia. Ở nước ta, cây chủ yếu trồng nhiều ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Dây được trồng hoặc mọc len lỏi ở các khu rừng mưa, thân dây leo bám vào các cây khác. Cây sinh trưởng tốt ở môi trường ánh sáng từ 70-80% . Độ ẩm cao từ 65-80%.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Người dân thường hay hái lá cây để nấu thạch. Nhưng nếu để dùng làm thuốc thì các bộ phận rễ, thân, lá đều có thể sử dụng.

Lá có thể thu hái quanh năm. Cây sinh trưởng rất nhanh và chỉ sau 3 đến 4 tháng đã có thể lấy lá. Nên chọn lá già có màu xanh lục đậm sẽ giàu hoạt tính hơn lá non. Rễ và thân nên thu hoạch ở những cây đã trồng lâu năm sẽ tốt hơn cây mới trồng.

Dược liệu thu hái về rửa sạch, phơi khô dùng dần. Lưu ý bảo quản nơi khô thoáng, sạch sẽ, tránh những chỗ ẩm thấp, côn trùng mối mọt, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

4. Thành phần hóa học trong cây Sương sâm

Sương sâm còn có tên gọi khác là sâm vò. Trong rễ có alcaloid tetrandrin, isochondrodendrin, homoaromalin, linacin, magnoflorin, protoquecitol, curin… Có hoạt tính chống sốt rét, giản cơ, hạ huyết áp nhẹ, chống viêm và ức chế miễn dịch.

Lá tươi có hàm lượng pectin rất cao lên tới 15,87%, ngoài ra còn có protein, đường khử, vitamin C, cellulose và nước. Trong Y dược, pectin là một loại chất xơ hòa tan có tác dụng giảm cholesterol trong máu và chữa các bệnh đường ruột.

Thạch sương sâm là món ăn tính mát có tác dụng giải nhiệt trong ngày hè
Thạch sương sâm là món ăn tính mát có tác dụng giải nhiệt trong ngày hè

5. Công dụng của Sương sâm

5.1. Công dụng của rễ cây

Rễ có vị đắng, tính hàn. Có tác dụng giải độc, giảm đau, tan ứ, lợi tiểu, giải nhiệt, nhuận trường nhẹ. Rễ thường được sử dụng để chữa:

  • Đau họng.
  • Đau lưng.
  • Đau dạ dày.
  • Tiêu chảy.
  • Kiết lỵ.
  • Các bệnh về gan.
  • Trĩ.
  • Đau răng.
  • Các tổn thương do té ngã.

5.2. Công dụng của lá

Lá tính mát, có thể dùng để:

  • Nhuận tràng.
  • Hạ sốt.
  • Giải độc.
  • Lợi tiểu.
  • Hỗ trợ chữa đái tháo đường.

>> Tham khảo thêm: Bá tử nhân: vị thuốc an thần và nhuận tràng

6. Một số bài thuốc sử dụng cây Sương sâm

6.1. Bài thuốc chữa tiểu đường, táo bón, miệng khô khát

Lá sương sâm 30g, rau đắng 30g, rung rúc 45g. Tất cả các vị thuốc đem đun sôi và uống.

6.2. Bài thuốc chữa bệnh thủy đậu

Sương sâm 12g, rễ cây phục sinh 12g, lá bồ công anh 12g, rễ tục đoạn 12g, cỏ nhọ nồi 12g, hoa mộc miên 6g, hoài sơn 8g. Tất cả đem sắc uống.

7. Lưu ý

  • Sương sâm tuy rất mát và có tác dụng nhuận trường nhưng khi ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tiêu chảy. Vì vậy, mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa hai ly thạch sâm.
  • Thạch sâm được bán ở các chợ hoặc ngoài đường thường rất khó kiểm soát được chất lượng vệ sinh (nhiều nơi dùng chân để đạp thay vì dùng tay vò, nguồn nước có nhiễm khuẩn…). Do đó, tốt nhất là nên tự vò sâm để ăn là cách an toàn nhất.

Bài viết hôm nay mong rằng sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc thêm hiểu biết về loài cây tưởng đã quen thuộc mà còn bao điều chưa biết. Tuy nhiên nếu muốn dùng Sương sâm để chữa bệnh, người bệnh cần có sự chẩn đoán và tư vấn từ thầy thuốc để sử dụng thuốc chính xác, tránh những tác dụng không mong muốn.

Từ khóa » Cách Nấu Lá Sâm Nam