Sáng này 20.04.2019 vào lúc 05h00, tại nhà nguyện Dòng Nữ Vương Hòa Bình, các nữ tu thuộc cộng đoàn Nhà Mẹ, Tiền Tập Viện và một số anh chị em giáo dân đã tham dự suy niệm 7 sự thương khó của Đức mẹ do khối Khấn Tạm của Dòng hướng dẫn. Giờ cầu nguyện diễn ra sốt sắng và cảm động khi các nữ tu tiến lên dâng cho Chúa những bông hoa trắng tượng trưng cho sự thanh khiết của đời sống dâng hiến của mình.
SUY NIỆM BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC MẸ Thứ Bảy Tuần Thánh 2019
HƯỚNG NGUYỆN (Cộng đoàn quỳ) Kính thưa cộng đoàn, Trong tông thư Rosarium Virginis Mariae Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quảng diễn: Mẹ Maria là mẫu gương vô song cho ta về việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô vì: không ai say sưa chiêm ngưỡng dung nhan Chúa một cách trung thành như Mẹ. Đôi mắt tâm hồn của Mẹ hướng về Người ngay từ lúc truyền tin…tìm Người thất lạc trong đền thờ…hoặc cái nhìn chiêm ngưỡng trong đau buồn khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Người.” Cuộc đời Mẹ Maria là cuộc đời của bà Mẹ có trăm nghìn đau khổ nối tiếp nhau kể ra không hết. Mẹ đã cùng Chúa đi hết những chặng đường gian khó. Luôn giữ tâm hồn thinh lặng mà suy đi nghĩ lại trong lòng để Thánh ý Thiên Chúa được thể hiện qua cuộc đời Mẹ. Cùng với Giáo Hội suy ngắm Bảy Sự Thương khó Đức Mẹ trong ngày thứ bảy tuần thánh, gợi nhớ lại những biến cố đau thương của Mẹ, đồng thời chúng ta cũng được mời gọi cảm nếm những kinh nghiệm Mẹ đã đi qua, và từng bước theo Mẹ trên hành trình tiến về quê trời. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cùng đồng hành với chúng con; và cho chúng con được ở lại bên Mẹ, chiêm ngắm, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của Mẹ trên con đường khổ giá. Đồng thời, cùng với Mẹ, chúng con hiệp lòng với bao tâm hồn dâng lời nguyện cầu cho thế giới, cho Giáo Hội, cùng dâng lên Chúa các Kitô hữu đang bị bách hại về đức tin, các nạn nhân của tệ nạn buôn người, các nạn nhận trong các vụ lạm dụng tính dục. Xin Chúa đánh thức trái tim nhân loại bằng niềm đau mà Mẹ đã thông hiệp với Chúa trong công trình cứu chuộc. Hát: Mẹ đồng công, Ca Nguyện tr. 340, câu 1 và 3 (Kính mời cộng đoàn ngồi)
-
Niềm đau thứ 1: ÔNG SIMÊON NÓI TIÊN TRI CÙNG ĐỨC MẸ
“Ông Simêon nói với Đức Maria: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2, 34-35). (xem phim) Trước lời tiên tri của cụ già Simêon: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” như cửa ngõ dẫn vào những thách đố trong hành trình đức tin của Mẹ. Thế nhưng tình yêu dành cho Thiên Chúa và tâm hồn thinh lặng vâng phục thánh ý Thiên Chúa đã giúp Mẹ vượt lên trên những điều mà cụ già Simêon tiên báo, Mẹ gạt đi những lắng lo, khó hiểu và nhất là vượt lên cả nỗi đau mà con Mẹ sẽ phải chịu vì nhân loại và cả những khó khăn trong chính tương lai của Mẹ, mà để tâm suy đi nghĩ lại trong lòng. Thưa Mẹ Maria, sự thinh lặng của Mẹ trước thánh ý Chúa là mẫu gương cho chúng con – những người đang chập bước theo Mẹ trong đời sống thánh hiến. Xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ, biết giữ thinh lặng trước những biến cố xảy đến, không hoang mang lo sợ nhưng biết phó thác hoàn toàn trong bàn tay yêu thương của Chúa. Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Hát: Xin Vâng Như Mẹ, Ca Nguyện tr. 356, câu 1
-
Niềm đau thứ 2: ĐỨC MẸ ĐEM CHÚA GIÊSU TRỐN SANG AI-CẬP
“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”. Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.” (Mt 2:13-14) (xem phim) Giữa đêm đông giá rét Mẹ ẵm Chúa trốn sang Ai-cập, biến cố ấy như tiên báo cho Mẹ thấy một khởi đầu đầy gian nan và bấp bênh, một khởi đầu của hành trình đức tin và khởi đầu cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người. Nhưng ẩn sau cái bấp bênh và khó nhọc ấy, Mẹ đã sẵn sàng và tự nguyện tận hiến cho Thiên Chúa một tình yêu trọn vẹn – “tình yêu không chia sẻ”. Chính vì thế, tâm hồn Mẹ rộng mở để đón nhận Thánh ý và bình tâm trước mọi biến cố của cuộc sống. Thưa Mẹ Maria, Mẹ đã luôn thán phục ca ngợi hồng ân nhưng không của Chúa trong suốt cuộc đời bằng một cuộc sống âm thầm. Xin giúp chúng con luôn biết tận hiến cuộc đời chúng con như Mẹ, biết dành cho Chúa một tình yêu trọn vẹn qua đời sống thinh lặng kết thân với Chúa mỗi ngày nơi Tập Viện, ngõ hầu chúng con biết biến đổi những tâm tình, cảm nghĩ và hành động nên giống tâm tình, cảm nghĩ và hành động của Chúa. Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Hát: Mẹ Đồng Công, Ca Nguyện tr. 340, ĐK
-
Niềm đau thứ 3: ĐỨC MẸ LẠC MẤT CON TRONG ĐỀN THỜ
“Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ.” (Lc 2: 41-46) (xem phim) Nỗi hoang mang lo lắng vì lạc mất Chúa đã làm cho trái tim Mẹ đau đớn. Nhưng trong chính biến cố ấy, Mẹ đã cho chúng con thấy cái nghèo của Mẹ khi Mẹ “suy đi nghĩ lại trong lòng” những điều đã xảy đến cho Mẹ. Mẹ vui lòng đón nhận tất cả với tâm tình tri ân, phó thác trọn vẹn cho Chúa trong hoan lạc, bình an. Xin Mẹ giúp chúng con biết sống tinh thần khó nghèo như Mẹ, biết khước từ những đòi hỏi chính đáng mà không cần thiết, vượt thắng những khuynh hướng ích kỉ, vui nhận giới hạn của mình, lắng nghe tha nhân, nhẫn nại chịu đựng những khó khăn và tận tâm trong bổn phận (Hp 72). Qua đó, chúng con khám phá ra Đức Kitô chính là kho tàng duy nhất đáng để chúng con tìm kiếm. Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Hát: Xin Vâng Như Mẹ, Ca Nguyện tr. 356, câu 2
-
Niềm đau thứ 4: ĐỨC MẸ GẶP ĐỨC GIÊSU VÁC THẬP GIÁ
“Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá.” (Ga 19: 16 – 18) (xem phim) Có dấu chân nào Chúa đi qua mà lại không vương những bước chân của Mẹ. Đường lên đồi Gôngôtha sỏi đá cheo leo. Đôi chân Chúa run rẩy không còn bước đi vững vàng được nữa, máu đã chảy ra hết, đau đớn vì những roi đòn như mưa giáng xuống thân xác. Thêm một lần nữa, Mẹ can đảm ôm con trong những đau đớn tột cùng. Mặc cho quân dữ hung hăng đang ở trước mặt. Thưa Mẹ, chúng con được chọn gọi cách đặc biệt, sống chung trong một gia đình Phúc Âm với lý tưởng tận hiến cho Thiên Chúa, cùng một đặc sủng, một linh đạo, một sứ vụ, một truyền thống và cùng chung một quy luật… (Hp 48). Xin cho chúng con cảm nhận được tình thân hữu mà Chúa ban Qua mỗi chị em, để chúng con biết tôn trọng, biết đón nhận sự khác biệt của người khác như là cơ hội Chúa ban để tập khiêm tốn. Đồng thời cũng biết an ủi, nâng đỡ chị em trong những lúc yếu đuối, vấp ngã để chúng con cùng đưa nhau tiến đến hạnh phúc viên mãn là chính Chúa. Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Hát: Mẹ Đồng Công, Ca Nguyện tr. 340, câu 3
-
Niềm đau thứ 5: ĐỨC MẸ ĐỨNG DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ
“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.” (Ga 19: 25 – 27) (xem phim) (Kính mời cộng đoàn quỳ) Khung cảnh một buổi chiều buồn, tất cả chìm trong thinh lặng, mọi người quay gót ra về sau khi chứng kiến thảm cảnh con Mẹ tắt hơi trên Thập Giá. Chỉ còn lại tiếng khóc nghẹn ngào của Mẹ đang nhìn con cô đơn. Không một lời oán trách, không một tiếng thở than khi thấy con đang chết đau đớn tủi nhục. Mẹ đã“đứng” kiên vững trong thinh lặng thẳm sâu hoàn toàn phó dâng để cho thánh Ý Thiên Chúa được thể hiện. Thưa Mẹ, với một tâm hồn chiêm niệm luôn lưu giữ mọi điều trong lòng, Mẹ đã kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su trong từng biến cố cuộc đời và hiệp thông sâu sắc với người trong hy lễ cứu chuộc nhân loại (Hp 63) . Xin Mẹ thương nâng đỡ và đồng hành với những tâm hồn đang đau khổ, cách riêng những phụ nữ, những trẻ em đang bị bạo hành và lạm dụng trên toàn thế giới. Xin Mẹ giúp chúng con, những người con của Mẹ đang sống trong đời sống dâng hiến, luôn biết tôn trọng sự sống, và phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa ban tặng nơi mỗi chị em sống ngay bên cạnh mình. Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Hát: Mẹ Nhân Loại, TCCĐ tr. 352, câu 1 (Kính mời cộng đoàn ngồi)
-
Niềm đau thứ 6: HẠ XÁC ĐỨC GIÊSU MÀ TRAO CHO ĐỨC MẸ
“Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống.” (Ga 19: 38 – 40) (xem phim) Những đau đớn trên thân xác của Chúa là những nỗi đau đang đâm thấu tâm hồn Mẹ. Khi trước bồng ẵm con trong ngày hạ sinh, tâm hồn Mẹ ngập tràn hạnh phúc, Giờ đây khi ôm con vào lòng, thân xác không còn lạnh lạnh, gương mặt thì tan nát, đây có lẽ là lúc Mẹ cảm nhận lưỡi gươm đang xuyên thấu tâm hồn Mẹ. Lúc này, Bê-lem và máng cỏ không còn, chỉ còn Thập Giá và biệt ly. Nhưng giữa lúc đen tối nhất của đức tin và lời hứa, trái tim và đôi tay Mẹ vẫn rộng mở để đón nhận tất cả trong can đảm tin yêu. Thưa Mẹ, khi ôm xác Chúa vào lòng cũng là lúc Mẹ ôm trọn những nỗi khổ đau, tội lỗi và yếu hèn của tất cả chúng con, để cùng cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ thế giới. Trước những thách đố về đời sống đức tin cùng với những nỗi đau mà Giáo Hội của Chúa đang mang. Nhờ lời chuyển cầu từ ái của Mẹ, xin Chúa gìn giữ Hội Thánh, luôn sống trong ân sủng, bình an và sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã tặng ban qua giá máu cứu chuộc của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Cùng xin Mẹ thương đồng hành với những ai đang mang gánh nặng và đớn đau của bệnh tật thể xác cũng như tinh thần, và giúp mỗi người luôn vững tin vượt qua mọi khó khăn, thách đố trong hành trình tiến về quê hương vĩnh cửu. Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Hát: Mẹ Đứng Đó, TCCĐ tr. 352, Điệp Khúc câu 3
-
Niềm đau thứ 7: TÁNG XÁC ĐỨC GIÊSU VÀO HUYỆT ĐÁ
“Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.” (Ga 19: 41 – 42) Mai táng xác Con nơi mộ đá, lòng Mẹ thổn thức trong niềm đau mất mát của cái chết. Nhưng Mẹ vẫn một lòng xác tín, con của Mẹ là Con Thiên Chúa. Mẹ đã sống và suy gẫm mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể ngay từ khởi đầu, khi Mẹ vừa thưa lên hai tiếng xin vâng trong ngày sứ thần truyền tin. Vì thế, trong sự tĩnh lặng sâu thẳm của mộ đá – nơi mai táng thân xác Con, Mẹ vẫn một niềm hy vọng vững chắc rằng, tấm đá chặn lối vào mộ sẽ nảy sinh một sự sống mới. Lạy Mẹ Maria, nhờ công nghiệp của Mẹ, xin Chúa biến đổi chúng con mỗi ngày nên con cái sự sáng. Xin giúp chúng con biết can đảm vượt thắng những cám dỗ yếu hèn; biết nhìn mọi biến cố xảy đến với con mắt đức tin. Chúng con cũng không quên nguyện cầu cho tất cả những người đang chán chường thất vọng, đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Xin Mẹ thương nâng đỡ để họ biết đứng lên và tin tưởng vào Chúa là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. (Kính mời cộng đoàn quỳ) Lời nguyện kết: Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ðức Mẹ đứng kề bên Con Chúa chịu treo trên Thánh Giá mà thông phần đau khổ. Xin ban cho Hội Thánh Chúa, khi đã cùng chịu đau khổ với Đức Kitô thì cũng được sống lại với Người. Xin giúp chúng con biết chiêm ngắm khuôn mặt rạng người của Chúa nơi mầu nhiệm Thập Giá mà uốn nắn đôi mắt tâm hồn trở nên thân quen với những hình ảnh về Chúa; ngõ hầu trong mọi cảnh sống cho dù bận rộn với trăm ngàn hoạt động, chúng con vẫn giữ được sự an tĩnh nội tâm mà quay về với điều cốt yếu. Đó là sự hiện diện của một Tình Yêu, một tình yêu không thể diễn tả và không thể nói lên bằng lời. Xin giúp chúng con biết chấp nhận những đau khổ trong cuộc đời như niềm vui để làm sáng danh Chúa… Chúng con cầu xin… Hát: Với Mẹ Con Dâng, Ca Nguyện tr. 318, câu 1, 2 CĐ. Tập Viện Dòng NVHB