Suy Niệm Lời Chúa Tuần II Phục Sinh - Giáo Phận Cần Thơ

Suy Niệm Lời Chúa Tuần II Phục Sinh

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM A

Thứ hai: Ga 3,1-8.

Thứ ba: Ga 3,7b-15.

Thứ tư: Ga 3, 16-21.

Thứ năm: Ga 3,31-36.

Thứ sáu: Ga 6, 1-15.

Thứ bảy: Ga 6, 16-21.

25/ 04: Kính Thánh Marcô, Tác Giả Tin Mừng.

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM A

Cv 2,42-47; 1Pr 1, 3-9; Ga 20, 19-31

Hàng năm Giáo Hội dành một ngày Chúa nhật II Phục sinh để suy tôn Lòng Thương Xót Chúa. Tin Mừng hôm nay trình thuật lại sự kiện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ, nhất là đối với Tôma để bày tỏ lòng thương xót của Người ngang qua các vết thương mà Người mang lấy vì tội lỗi chúng ta.

Xin Chúa phục sinh củng cố lại niềm tin, trao ban bình an và sức mạnh của CTT, để chúng ta can đảm thực thi sứ mạng lòng thương xót của Chúa cho mọi người, với mong muốn ai nấy đều được đón nhận lời chúc phúc của Chúa phục sinh: “phúc cho những ai không thấy mà tin”.

 Theo như lịch phụng vụ, thì cứ vào Chúa nhật II Phục sinh hàng năm, GH suy tôn lòng thương xót Chúa. Vậy lý do nào mà GH lại chọn Chúa nhật hôm nay mà không phải những ngày khác trong năm để tôn kính lòng thương xót Chúa? Có 3 lý do chính:

–  Thứ nhất là do chính Chúa Giêsu mạc khải cho nữ tu Faustina.

Ngày 22/02/1931, Chúa Giêsu đã hiện ra và mặc khải cho nữ tu Faustina, thuộc dòng Đức Mẹ Từ Bi ở Balan về lòng thương xót của Chúa và dạy chị phải rao truyền lòng thương xót đó qua bức ảnh thánh cũng như chọn ngày Chúa nhật II Phục sinh làm ngày lễ kính lòng thương xót của Chúa. Chúa Giêsu nói với chị Faustina rằng: “Hãy vẽ bức ảnh như con nhìn thấy đây với hàng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.  Ta hứa, nếu ai tôn kính ảnh này sẽ không bị hư mất.  Ta cũng hứa sẽ giúp linh hồn đó toàn thắng các kẻ thù trong cuộc sống, nhất là trong giờ lâm tử. Ta sẽ bảo vệ, gìn giữ linh hồn nó. Ta mong muốn tấm ảnh này được tôn kính trên toàn thế giới.” Theo lệnh của cha linh hướng, chị Faustina có hỏi Chúa về ý nghĩa hai màu sắc của hai luồng sáng đó, thì Chúa trả lời: “Hai luồng sáng đó biểu thị cho máu và nước, luồng trắng chỉ nước, nó làm cho linh hồn nên công chính. Luồng đỏ chỉ máu, đó là sự sống của linh hồn. Hai luồng sáng này được ban ra do lòng thương xót vô bờ của trái tim Ta, mà người lính đã lấy đòng đâm thâu khi Ta bị treo trên Thập giá. Phúc thay những linh hồn nào luôn biết nương náu trong nơi trú ẩn này, vì cánh tay công thẳng của Thiên Chúa sẽ không đánh phạt họ.”.

–  Thứ hai là do chính thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập. 

Ngày 30/04/2000, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho chị nữ tu Faustina, tông đồ của lòng thương xót và đã lập lễ kính lòng thương xót của Chúa trên toàn Giáo hội vào chúa Nhật II Phục sinh, đúng như ước muốn của Chúa nói với chị Faustina: “Ta ao ước là lễ kính lòng thương xót của Ta phải được cử hành vào Chúa nhật 2 Phục sinh”. Như vậy thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức công nhận việc tôn sùng lòng thương xót của Chúa, để mọi người, đặc biệt là các tội nhân biết tin tưởng mau mắn chạy đến với tình yêu đầy nhân ái của Người, như Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina rằng: “không một linh hồn nào phải sợ sệt khi đến gần Ta, dù tội lỗi của nó có đỏ như máu đi nữa…”.

–  Thứ ba do phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng thương xót Chúa.

  1. Tin mừng hôm nay cho biết cả hai lần hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu phục sinh đềutrao chúc bình an cho các ông. Bình an phải là món quà quý giá nhất mà các tông đồ đang cần trong lúc hoang mang, sợ hãi vì những người Do Thái đang tìm cách giết hại. Với lòng thương xót, Chúa Giêsu thấu hiểu điều ấy nên Người đã hiện ra chấn an các ông, trao ban ơn CTT và bình an, để củng cố niềm tin cho các ông.
  2. Cũng vì lòng thương xót, Chúa đã không hề chấp nhất thái độ thách thức của tông đồ Tôma. Trái lại, Người cảm thông tha thứ cho Tôma và còn đã chiều ý Tôma mà hiện ra lần hai để củng cố thêm đức tin cho ông.
  3. Mỗi lần hiện ra Chúa đều mời gọi tông đồ nhìn vào những vết đinh nơi tay và vết giáo nơi cạnh sườn Người. Chính những vết thương ấy là dấu chứng hùng hồn của một vị TC giàu lòng thương xót, đã sẵn sàng ôm lấy hết những vết thương do tội lỗi con người gây ra vào thân thể Người, để đóng đinh nó vào thập giá. Và sẵn sàng đổ đến giọt máu cuối cùng từ trái tim nhằm tẩy xóa mọi vết nhơ tội lỗi của con người. Và từ cạnh sườn, Người đã để cho nước và máu tuôn trào đến giọt cuối hầu khơi nguồn ân sủng và sự sống mới qua các bí tích Người đã lập.
  4. Lòng thương xót Chúa không chỉ dừng lại nơi các tông đồ mà Người còn muốn trao ban cho hết mọi người nên sau khi trao ban bình an và củng cố đức tin cho các tông đồ, Chúa phục sinh tiếp tục trao ban Thánh Thần và năng quyền tha tội cho các tông đồ, để qua các tông đồ, nhờ sự tác động của Thánh Thần, Chúa yêu thương ban ơn tha thứ cho kẻ có tội thật lòng ăn năn. Chính vì thế mà GH đã xác quyết: “Tha thứ chính là đỉnh cao của lòng thương xót”.

Xin Chúa cho chúng ta cũng biết luôn tin tưởng vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, biết sống yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho nhau; nhất là biết luôn nghĩ đến mưu cầu lợi ích cho tha nhân mà tận tình hy sinh phục vụ với niềm tín thác vào lòng thương xót Chúa.

BÀN TAY CỦA YÊU THƯƠNG

Truyện kể:

Trong một tiết dạy vẽ, cô giáo bảo các em học sinh lớp một vẽ điều gì đã làm các em thích nhất trong đời. Cô thầm nghĩ: “chắc rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những ly kem hoặc những món đồ chơi, quyển chuyện tranh…”.  Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của em học sinh tên là Douglas: Bức tranh vẽ một bàn tay!

Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị cuốn hút bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em đoán: “ Đó là bàn tay bác nông dân”. Một em khác cho rằng: “ Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ giải phẩu…”. Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả. Douglas cười ngượng ngịu: “Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!”.

Cô giáo ngẫn ngơ. Cô nhớ lại những phút ra chơi, cô thường dùng bàn tay để dắt Douglas bước ra sân, bởi em là một cô bé tật nguyền, khuôn mặt không được xinh xắn như các bạn trẻ khác, gia cảnh từ lâu lâm cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra, tuy cô vẫn làm điều tương tự với các em khác, nhưng hóa ra đối với Douglas, bàn tay cô lại mang một ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.

Nếu bàn tay cô giáo là hình ảnh đẹp nhất trong tâm hồn em bé khuyết tật Douglas, thì Bàn Tay Chúa Giêsu phải là hình ảnh tuyệt vời nhất đối với nhân loại. Bởi lẽ  bàn tay ấy mang đầy những dấu vết của lòng thương xót. Vì thế mỗi lần hiện ra với các tông đồ, đặc biệt với Tôma qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa đều mời gọi các tông đồ xem đôi bàn tay của Người.

Bàn tay mang vết tích tình yêu dành cho Chúa Cha:

– Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha bằng một tình yêu mật thiết, được thể hiện qua đôi bàn tay của cầu nguyện.

Đôi bàn tay hướng về Cha trong tư thế cầu nguyện mỗi khi bắt đầu ngày sống, xin Cha hướng dẫn và ban ơn giúp sức để những việc làm trong ngày sống được hoàn thành tốt đẹp theo ý Cha. Đôi bàn tay hướng về Cha suốt đêm dài, mỗi khi quyết định những việc làm quan trọng. Xin Cha ban ơn sáng suốt để chọn lựa điều tốt nhất, theo ý muốn của Cha. Đôi bàn tay từng cầm bánh và rượu đưa lên cao hướng về Chúa Cha để chúc tụng, tạ ơn. Xin Cha chúc lành cho những lương thực hưởng dùng. Đôi bàn tay đưa cao hướng lên trời, kêu xin sự sống cho La-da-rô. Bàn tay chấp lại trong lo sợ, thiết tha khẩn cầu xin Cha cất khỏi chén đắng trong tinh thần phó thác. Bàn tay dang rộng trên thập giá đau đớn vang xin Chúa Cha tha thứ cho những người giết hại mình.

Bàn tay mang vết tích yêu thương con người đến cùng:

Đôi bàn tay Chúa Giêsu luôn hướng đến con người để cảm thông chia sẻ và giúp đỡ bằng tình yêu hy sinh.

Bắt đầu bằng đời sống lao động vất vả nơi gia đình Nazarét. Bàn tay từng cầm cưa, búa, đục để làm mộc cùng với thánh Giuse lo của ăn cho gia đình.

Bàn tay sẵn sàng mở ra ban ơn tha thứ biết bao tội nhân biết ăn năn sám hối như Maria Macdala, cho ngưuời phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu…, đã chữa lành biết bao người đau ốm, bằng cách đặt tay trên mắt người mù bẩm sinh, trên tai và lưỡi của người câm điếc, trên thịt da lỡ lóet của người mắc bệnh hủi, trên trán giá lạnh của con gái Giai-rô, trên tay nóng sốt của bà nhạc mẫu Phêrô….

Bàn tay quyền thế đã truyền khiến giông tố và sóng gió yên lặng, đã cầm roi xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đến thờ, đã xua trừ ma quỷ, đã chúc dữ cho những người biệt phái.

Bàn tay bị đâm thủng, nơi ấy vẫn còn lỗ đinh được ghi lại tình yêu Chúa dành muôn thế hệ. Bàn tay bị nộp cho lý hình, bị đóng đinh vào thập giá và phải mang lấy thân xác nặng nề đau xé suốt ba giờ liền trên thập giá. Tất cả chỉ vì tình yêu con người.

Khi mời gọi các tông đồ nhìn xem tay Chúa vừa để chứng thực chính Người là Thiên Chúa giàu lòng thương xót; vừa để mời gọi các ông học lấy bài học yêu thương “như Người đã yêu”.

Khi mời gọi các tông đồ nhìn vào đôi bàn tay của Chúa là để nhắc nhở các ông không chỉ thi hành mệnh lệnh loan báo tin mừng trên môi miệng mà còn phải thực hiện lời rao giảng trên đôi tay mở ra để giúp đỡ những người bé nhỏ, nghèo nàn, yếu đau. An ủi những ai đau khổ, bất hạnh và vỗ về những ai cô đơn, tội lỗi. Hàn gắn những gia đình bị rạng nứt và đổ vỡ.

Nhìn bàn tay Chúa để các tông đồ hiểu rằng việc truyền giáo sẽ không bao giờ đạt kết quả, nếu thiếu đời sống cầu nguyện nên “hãy xin với chủ ruộng” .

Đôi bàn tay giơ cao hướng về Chúa để xin ơn. Xin Chúa ban ơn soi sáng, lòng nhiệt thành và sức mạnh cho những nhà truyền giáo. Xin Chúa đánh đọng lòng người tiếp nhận tin mừng. Xin Chúa chúc lành cho công cuộc truyền giáo.

Đôi bàn tay dang rộng hướng về tha nhân, bằng cách chấp nhận chịu đâm thủng của những dấu đinh vất vả, hy sinh, đau khổ vì tình yêu.

Bàn tay yêu thương đó được minh chứng nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Họ đồng tâm hướng đôi bàn tay lên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bằng lắng nghe Lời Chúa và lời giảng dạy của các tông đồ, cùng hiệp thông trong nghi lễ bẻ bánh.

Họ cũng dùng bàn tay hướng về anh em để chia sẻ trong tình bác ái. Tự nguyện dâng cúng tài sản riêng làm của chung. Chấp nhận bán hết tài sản để trợ giúp cho người túng thiếu. Họ cư xử với nhau như anh em một nhà. Chính đời sống ấy lôi cuốn biết bao người xin gia nhập Kitô giáo.

Sứ mạng loan báo Tin mừng tình thuơng được Chúa phục sinh trao ban cho các tông đồ, qua các tông đồ cho các kitô hữu đầu tiên và hôm nay sứ mạng ấy Chúa trao lại cho mỗi người chúng ta.

Xin Chúa cho đôi bàn tay của chúng con luôn biết nắm chặt lấy bàn tay Chúa bằng đời sống cầu nguyện để chúng con không cảm thấy mệt mỏi khi thực thi sứ mạng của lòng thương xót Chúa qua những bổn phận hàng ngày.

Thứ hai: Ga 3,1-8.

Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô. Qua cuộc đối thoại này, Chúa giải thích cho ông Nicôđêmô hiểu được ý nghĩa của việc “tái sinh”; đồng thời Chúa Giêsu cũng cho ông ta biết giá trị và mục đích của việc “tái sinh”  là để được làm con Chúa và được vào nước trời.

Xin cho chúng ta biết quý trọng những ơn ích Chúa ban trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội mà sống xứng danh làm con Chúa.

Nicôđêmô, thủ lãnh người Do Thái, có địa vị, có học thức cao và là thành phần trong công nghị, được mọi người kính nể. Nghe những lời giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Chúa Giêsu làm, ông cảm phục, tin nhận Chúa Giêsu là tôn sư đến từ Thiên Chúa. Tuy nhiên vì có nhiều điều không hiểu nên trong đêm khuya ông không ngần ngại tìm đến để gặp Chúa Giêsu để xin Người giải đáp.

Nghe những lời giảng hay, chứng kiến nhiều phép lạ nếu để vui tai, thích mắt thì chẳng ích lợi gì nếu bản thân chúng ta không thay đổi trở nên tốt hơn. Giảng dạy và phép lạ chỉ là phương tiện, nước trời mới là đích điểm.

Nhưng làm thế nào để đạt được nước trời?

Trong cuộc đàm đạo với Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã chỉ cho ông cách thức rất cụ thể để vào nước trời đó là phải “tái sinh”. Nicôđimô, chỉ hiểu tái sinh theo nghĩa xác thịt, theo cách thức tự nhiên nên ngây ngô thốt lên: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?”. Chứng tỏ ông không hiểu việc tái sinh theo nghĩa siêu nhiên mà Chúa Giêsu đề cập đến : “Tái sinh bởi nước và Thần Khí”.

Để là người, chúng ta phải được sinh ra bởi cha mẹ. Các ngài đã truyền cho chúng ta sự sống tự nhiên. Để trở nên người, chúng ta phải được hướng dẫn giáo dục nhờ gia đình và xã hội. Nhưng để trở thành người con Chúa, chúng ta phải được sinh lại trong Chúa Thánh Thần nhờ bí tích rửa tội. Qua bí tích rửa tội Chúng ta được Chúa ban cho sự sống siêu nhiên.

Như thế, để làm người và nên người, chúng ta phải được sinh ra theo lối tự nhiên bởi cha mẹ. Nhưng để là người con Chúa, chúng ta phải được sinh ra theo lối siêu nhiên bởi nước và Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Nhờ tái sinh qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa tha thứ tội lỗi, được làm Con Chúa, được gia nhập vào Hội Thánh, được trở nên tạo vật mới mặc lấy Đức Kitô và được kêu mời trở nên ánh sáng giữa trần đời.

Chúa Giêsu đã chết để tiêu diệt sự chết và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Vì thế chúng ta được Chúa kêu mời chết đi cho con người cũ bất tòan, tội lỗi để sống con người mới hoàn hảo nhờ được tái sinh trong Chúa.

Xin cho chúng ta biết ý thức gìn giữ và phát huy ơn trọng đại làm con Chúa trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.  Biết chừa bỏ tội lỗi, tính hư nết xấu mà sống con người mới thánh thiện tốt lành, trở nên ánh sáng tin mừng phục sinh soi chiếu vào trần đời còn nhiều bóng tối, hầu xứng đáng được vào Nước Chúa.

Thứ ba: Ga 3,7b-15.

Suy niệm 1:

Xây dựng Họ đạo trở thành một cộng đoàn hiệp thông là một trong những tiêu chí mà GH luôn hướng đến. Điều này đã được HĐGM VN nhấn mạnh đến trong thư mục vụ năm 2015,  “Tân phúc âm đời sống Giáo xứ”.

Nhưng làm thế nào để xây dựng Họ Đạo trở thành một cộng đoàn hiệp thông?

Thư mục vụ 2015 mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm và noi gương đời sống cộng đoàn tín hữu thời GH ban đầu được sách CVTĐ hôm nói đến. Đó là một cộng đoàn tín hữu không những hiệp thông bên ngoài: “…đối với họ, mọi sự đều là của chung”, nhưng trên hết là bên trong “một lòng một ý”. Qủa là cộng đoàn tín hữu tuyệt đẹp, đáng mơ ước!

Vậy nhờ vào đâu mà cộng đoàn GH non trẻ làm được điều kỳ diệu ấy?

Có phải nhờ tài năng lãnh đạo của các tông đồ không? Chắc chắn là không. Vì các tông đồ đa phần là những người bình dân học vụ, kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo non nớt.

Có phải nhờ vào tình trạng dân trí cao và hiểu biết giáo lý sâu rộng không? Chắn chắn là trình độ hiểu biết về giáo lý, kinh thánh cũng như kiến thức khoa học của các kitô hữu bấy không sánh được như ngày nay…

Có phải nhờ vào nền kinh tế phát triển phồn vinh và đời sống vật chất dân chúng bấy giờ dư đầy không? Chắn chắn là không!

Vậy nhờ đâu?

Thưa nhờ sức mạnh của đức tin.

Tin vào quyền năng của Thiên Chúa nên họ không ngại từ bỏ ý riêng để cùng tùng phục ý Chúa.

Tin vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô do các tông đồ làm chứng nên họ đã vượt lên những ích lợi vật chất đời này mà mưu tìm giá trị vĩnh cửu mai sau.

Tin vào uy tín và thế giá của các tông đồ nên họ sẵn sàng gom góp của cải mình có đem đến đặt dưới chân các tông đồ làm của chung.

Trên hết là vì họ tin vào tình yêu chân thành của nhau và xem nhau như là anh em một nhà nên mong muốn “không ai phải thiếu thốn điều gì”.

Đã có thời nhiều quốc gia, nhiều triết thuyết muốn xây dựng xã hội thành một cộng đoàn hiệp thông như cộng đoàn của các Kitô hữu đầu tiên, nhưng đều thất bại. Bởi lẽ sự hiệp thông ấy không đến từ sức mạnh con người, nhưng đến từ sức mạnh bởi ơn trên. Chính vì thế mà trong bài Tin mừng hôm qua Chúa Giêsu xác quyết mạnh mẽ với Nicôđêmô: “…không ai có thể thấy nước Thiên Chúa , nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”.(Ga 3, 3). Chính nhờ ơn ban của Thiên Chúa và sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần, con người mới có thể tin nhận vào Chúa Giêsu, Đấng từ trời xuống, nhờ đó mà được sống muôn đời như lời Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô trong bài Tin mừng hôm nay .

Như thế để xây dựng Họ đạo thành một cộng đoàn hiệp thông theo mô hình của các kitô hữu ban đầu, cần phải có đức tin: Tin vào Thiên Chúa quyền năng, tin vào uy tín và thế giá của GH cũng như tin vào sự chân thành của nhau. Mà đức tin là một ân ban từ trên cao và từ bên trong. Vì thế chúng ta tha thiết xin Chúa củng cố niềm tin nơi mỗi người chúng ta.  Nhờ đó chúng ta mới có thể xây dựng Họ đạo trở thành một cộng đoàn hiệp thông như cộng đoàn các tín hữu ban đầu.

Suy niệm 2:

Qua cuộc đàm đạo với Nicôđêmô trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận cho biết về nguồn gốc và vai trò của Người trong việc cứu độ con người.

– Trước hết Chúa Giêsu minh chứng về nguồn gốc của Người.

Nguồn gốc của Người đến từ trời cao, nên Người biết và thấy hết những điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời. Điều kiện cần thiết ấy chính là “phải được sinh lại bởi ơn trên”. Bởi vậy trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy các tông đồ đi loan báoTin Mừng và rửa tội cho muôn dân: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án…” (Mc 16, 15-16).

– Tiếp đến Chúa Giêsu cho biết vai trò của Người trong việc cứu độ.

Với hình ảnh con rắn đồng được treo trong sa mạc thời Mô-sê đã cứu chữa những người bị rắn lữa cắn khỏi chết, nhờ tin nhận và nhìn lên rắn đồng, Chúa Giêsu mời gọi Nicôđêmô hãytin vào Ngài để được cứu độ.

Nếu xưa kia nguyên tổ đã nghe lời cám dỗ của ma quỷ, đưa tay hái trái cấm trên cây mà ăn để rồi nhận lấy án tử, thì nay với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Thánh Giá trở thành cây quả phúc, Chúa Giêsu trở nên trái chín thơm lành, mang lại sự sống trường sinh cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài và can đảm ăn lấy Ngài.  

Tin tưởng nhìn lên Ngài và ăn lấy Ngài, đồng nghĩa với việc chấp nhận đồng thân, đồng phận, và đồng tử với Chúa Giêsu trên con đường khổ giá.

Như thế để được sự sống đời đời ngoài điều kiện được sinh lại bởi ơn trên nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta còn phải can đảm dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, qua việc chấp nhận những thử thách, gian nan, khốn khó ở đời này với lòng tin tưởng vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong mùa phục sinh này, biết ý thức sống trọn vẹn ơn tái sinh làm con Chúa, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần; nhất là luôn can đảm chấp nhận vác thập giá mình, bước theo Chúa Giêsu trong niềm xác tín: “Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người…” (Rm 6,8).

Thứ tư: Ga 3, 16-21

Suy niệm 1

Cùng với GH chúng ta đang sống trong năm thánh của lòng thương xót Chúa.

Lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện qua suốt chiều dài lịch sử và rộng khắp mọi nơi, mọi thời. Lòng thương xót của Chúa cũng thể hiện qua muôn vàn cách thế với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra một vài cách thế của lòng thương xót Chúa.

 Bài đọc I cho biết: lòng thương xót Chúa được thể hiện qua sự quan phòng kỳ diệu bằng việc giải thoát các tông đồ ra khỏi ngục tù trong đêm tối, nhờ vào sự hướng dẫn của vị Thiên Sứ Chúa sai đến; cũng như qua sức mạnh hỗ trợ của dân chúng, khiến cho các thượng tế phải dè chừng trước những hành động sai trái của họ.

Còn bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho Nicôđêmô biết về lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa qua việc trao ban chính Người Con yêu dấu của Ngài “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi dã ban chính người con của Ngài là đức kitô. Để ai tin vào người con ấy thì không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời”.

Lòng thương xót của Chúa thật vô biên. Đáng lẽ vì phạm tội con người phải nhận lấy đau khổ và án chết đời đời, nhưng vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã hy sinh chính con mình là Đức Giêsu. Để nhờ và qua Người Con ấy, con người được cứu độ.

Thánh Gioan xác quyết: Đức Kitô chính là Ánh Sáng. Chúa đã đến thế gian nhằm xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết. Vì thế từ nay ai tin nhận và bước theo Ánh Sáng ấy soi dẫn thì sẽ không chết trong bóng đêm tội lỗi, nhưng sẽ được sự sống đời đời trong ánh sáng vinh quang.

Nhưng khốn thay thế gian lại sợ ánh sáng và thích bóng tối, bởi vì ánh sáng phơi bày tội ác xấu xa của họ. Vì thế mỗi chúng ta hãy can đảm bước vào vùng sáng chân lý, hãy mạnh dạn khướt từ bóng tối của đam mê dục vọng và sự dữ, nhờ đó ánh sáng của lòng thương xót Chúa mới được lan tỏa đến mọi người và mọi nơi.

Xin ánh sáng Chúa Kitô phục sinh được thắp lên trong lòng của mỗi chúng ta để ta lan tỏa ánh sáng lòng thương xót Chúa đến những nơi còn sống trong bóng tối tử thần với hy vọng mọi người tin nhận ánh sáng của lòng thương xót Chúa mà được cứu độ..

Suy niệm 2:

Ánh sáng và bóng tối, sống và chết luôn tồn tại nơi trần gian và trong mỗi người chúng ta. Muốn bước đi trong ánh sáng để được sự sống đời đời, chúng ta cần phải đến cùng Đức Giêsu, nguồn ánh sáng và là Đấng ban sự sống.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh Ánh Sáng để chỉ về Người.

Ánh sáng là thứ quan trọng và gần gũi với con người. Ánh sáng rất cần thiết cho sự sống. Không có ánh sáng thì không có sự sống. Thảo mộc , súc vật và con người nếu không có ánh sáng thì sẽ chết.

Ánh sáng giúp cho con người thấy nhau, thấy được vẽ đẹp vũ trụ vạn vật, phân biệt được màu sắc và cảnh vật.

Trong lãnh vực siêu nhiên, Chúa Giêsu muốn nói đến sự cần thiết của Ngài như ánh sáng không thể thiếu. Không có Người thì tạo vật không được tạo thành. Không có Người không có ơn cứu rỗi. Không có Người không có sự sống đích thực nơi con người.

Nhưng con người chúng ta lại sợ ánh sáng và ngại đến cùng ánh sáng vì ánh sáng phơi bày tội lỗi chúng ta trước mặt Chúa và mọi người, nên chúng ta yêu bóng tối hơn ánh sáng.

Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm đẩy lui những bóng tối của gian dối, bất công, chia rẽ hận thù và sự chết ra khỏi tâm hồn và môi trường sống của ta.

Xin cho chúng ta luôn yêu thích tắm dội ánh sáng chân lý, tình thương và sự sống của Chúa Giêsu vào cuộc đời ta.

Suy niệm 3:

Sống trong xã hội vàng thau lẫn lộn, con người không còn khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, thật giả…vì thế, hơn bao giờ hết con người ngày hôm nay cần có ánh sáng thật soi đường, chỉ lối.

Chúa Kitô, ánh sáng thật, đến trần gian để soi đường chỉ lối. Xin cho chúng ta tin nhận và sống theo sự hướng dẫn của Ngài.

Ánh sáng là chủ đề tài nổi bậc trong tin mừng:

Ngay những trang đầu của tin mừng, thánh Gioan đã cho biết Chúa Giêsu chính là “ánh sáng, ánh sáng thật, ánh sáng đến trần gian và chiếu soi mọi người”.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự xưng là ánh sáng thế gian và Ngài mời gọi con người đi trong ánh sáng của Ngài.

Từ hai ngàn năm qua, Ngôi Lời Thiên Chúa đã chiếu ánh sáng Thiên Chúa vào trần gian. Người mang lửa xuống trần gian. Người mong ước cho ngọn lửa ấy cháy bừng lên, lan rộng ra. Nhưng nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ta thấy bóng tối vẫn còn vây phủ con người.

 Bóng tối chết chóc của chiến tranh, hận thù, của ô nhiễm môi trường, của đói nghèo, áp bức, phân biệt chủng tộc, của nền văn hóa sự chết giết hại cả những mầm mống sự sống.

Bóng tối tội lỗi. Tội lỗi vẫn tiếp tục lan tràn. Sự dữ nổi lên dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguy hiểm nhất là người ta đánh mất cảm thức về tội lỗi, thản nhiên sống trong tội, sống chung với tội lỗi.

Bóng tối của hận thù ghen ghét. Trong thế giới văn minh mà con người hô hào hôm nay, vẫn còn có những người say máu giết hại đồng bào của mình, gây nên tội ác diệt chủng. Vẫn có những thế lực đen tối ngấm ngầm gây chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các cộng đoàn, hội thánh…

Sống trong xã hội tràn ngập bóng tối của sự chết, của tội lỗi và hận thù…như thế, Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta phải chiếu giãi trước mặt mọi người.

“Các con là ánh sáng thế gian”. Ngày nhận lãnh bí tích rửa tội, Giáo Hội trao cho ta cây nến sáng để nhắc nhớ chúng ta hãy gìn giữ ngọn nến ấy luôn cháy sáng mãi trong suốt cuộc đời.

Cây nến phục sinh mà người kitô hữu chúng ta thắp lên trong đêm lễ phục sinh nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ mang ánh sáng Chúa Kitô chia sẻ cho mọi người chung quanh.

Xin Chúa giúp chúng ta tẩy sạch mọi bóng tối tội lỗi, để thực sự được sinh lại cùng với Đức Giê-su. Trở nên con cái sự sáng bằng đời sống tươi vui, an hoà, khiêm nhường, nhịn nhục, yêu thương, đoàn kết đến cho anh em.

Thứ năm: Ga 3,31-36.

Suy niệm 1:

Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Chọn đúng làm cho cuộc sống trở hạnh phúc. Chọn lựa sai sẽ làm cho ta bất hạnh. Chọn lựa là quyền tự do căn bản của con người. Chính quyền ấy đã được Thiên Chúa ban tặng và luôn tôn trọng. Vì thế chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.

Phụng vụ lời chúa hôm nay đặt ra cho các tông đồ và Nicôđêmô những lựa chọn.

Bài đọc I đặt ra cho các tông đồ đứng trước giữa hai chọn lựa:

Chọn nghe theo lời các thượng tế im lặng trước sự thật về sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu thì được an phận. Còn nếu lên tiếng rao giảng và làm chứng cho sự thật ấy thì sẽ nguy hại đến bản thân. Nhưng nhờ ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, các ngài đã mạnh mẽ chọn đứng về sự thật: “Vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”.

Còn bài tin mừng hôm nay thì Chúa Giêsu lại đặt ra cho Nicôđêmô về hai chọn lựa: tin hay không tin vào Ngài. Chúa Giêsu nói:“Ngài chính là  Đấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài nói những lời của Thiên Chúa… ai tin vào Ngài thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Ngài, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy”. Ta không biết sau đó ông đã chọn lựa thế nào, bởi tin mừng bỏ ngỏ. Điều này khiến chúng ta lại phải nghĩ đến quyết định lựa chọn của mỗi người chúng ta.

Đúng vậy, chọn lựa luôn gắn liền với đời sống chúng ta. Nhìn lại cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy mình thích chọn lựa những gì xem ra nhẹ nhàn, dễ dãi, không thích chọn gian khổ hy sinh; chúng ta thích chọn nghe những lời ngon ngọt, a dua, ngợi khen chúc tụng hơn là những lời chân thật, bởi lời thật thì đắng lòng. Cũng thế chúng ta thường thích nói những lời của con người hơn là nói những Lời của Chúa. Chúng ta thích chọn lựa đứng về lợi ích nhóm hơn là đứng về những ai cô thế cô thân. Chúng thường hay chọn im lặng trước dối trá hơn là bên vực cho công lý… Nhất là chúng ta hay chọn an phận hơn là làm chứng nhân cho Chúa.

Xin Chúa Giêsu Phục sinh ban dồi dào ơn khôn ngoan và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên chúng ta, để chúng ta biết chọn lựa sao cho đúng ý Chúa và can đảm sống theo sự lựa chọn ấy cho dẫu phải hy sinh và thiệt thòi vì biết rằng mình đã làm đẹp lòng Chúa như các tông đồ xưa. Có như vậy ta mới xứng đáng đón nhận ơn cứu độ do Chúa Giêsu phục sinh đem đến.

Suy niệm 2:

Bằng những hình ảnh đối lập: Cao- thấp, trời-đất, Chúa Giêsu muốn xác định thiên tính của Ngài và mời gọi chúng ta dấn bước theo Ngài để được sự sống đời dời.

Chúa Giêsu xác định:

Ngài đến từ trên cao nên cao trọng hơn hết mọi người.

Ngài được Thiên Chúa sai đi nên Ngài là Người của Thiên Chúa.

Ngài được Thiên Chúa yêu thương trao ban thần khí vô ngần vô hạn cũng như Chúa Cha trao ban mọi sự trong tay Ngài, điều này xác nhận Ngài chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa.

Vì ngài đến từ trời cao, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa làm người, nên Ngài thấy hết, biết hết các việc trên trời. Đo đó lời chứng của Ngài là chân thật, để ai tin vào Ngài thì được sự sống đời đời, kẻ nào không tin thì sẽ bị luận phạt.

Là Thiên Chúa làm người và đã trãi qua kiếp người bằng cái chết đau thương để rồi phục sinh vinh hiển trở về cùng Thiên Chúa, nên ai tin theo con đường Ngài đã đi thì sẽ không sợ lạc đường về quê trời.  

Chúa Giêsu không chỉ vạch ra cho ta con đường đạt đến sự sống đời đời, mà Ngài còn dấn thân tiến bước trên con đường ấy. Vì thế chúng ta hãy vững tin tiến bước theo Ngài. Đường dẫn về quê trời đã có, người dẫn đường đã sẵn sàng, điều quan trọng là tùy thuộc nơi mỗi chúng ta có dám dấn thân bước theo hay không? Chúa không thể bắt ép ta bước đi trên con đường ấy, nếu như ta không muốn.

Xin cho chúng ta biết ngước vọng về trời cao và hướng lòng trí về quê trời vĩnh cửu mà xin cho lòng được ái mộ những sự trên trời. Nhờ đó ta sẵn sàng dấn thân bước theo con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra mà thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa để được Chúa thương ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Thứ sáu: Ga 6, 1-15.

Suy niệm 1:

“Hãy tín thác vào lòng thương xót Chúa”, đó là sứ điệp mà Chúa Giêsu gửi đến nhân loại qua thánh nữ Faustina. Sứ điệp ấy càng được xác tín qua phụng vụ lời Chúa hôm nay.

Bài đọc I hôm nay cho biết: trong lúc mà các giới chức lãnh đạo tôn giáo triệu tập họp hội đồng Do Thái để tìm cách tiêu diệt các tông đồ nhằm dập tắt đạo Giêsu. Thì Chúa lại quan phòng cho một người Pharisêu tên là Gamaliên đứng ra giữa hội đồng để phân tích thiệt hơn nếu ra tay giết hại các tông đồ.

Sau khi ông nhắc lại các phong trào mang tính nhân loại thuần túy nổi lên trước đây nhưng đến nay tất cả đều bị tan rã. Thì ngay sau đó ông xác tín rằng:“Còn quả thật là do Thiên Chúa thì không thể nào phá hủy được, không khéo lại quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa”. Nghe những lời đó nên họ chùng bước, chỉ quyết định đem các tông đồ ra đánh đòn và cấm không cho nói đến danh Đức Giêsu nữa, rồi thả đi. Dẫu bị đánh đập nhưng các tông đồ cảm thấy “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu và tiếp tục rao giảng và loan báo tin mừng tại tư gia và trong đền thờ”.

Còn bài tin mừng thì tường thuật lại những hoạt động của Chúa Giêsu bên kia biển hồ Ga-li-lê. Chiêm ngắm về tất cả những lời nói, cử chỉ, việc làm của Chúa Giêsu được thể hiện trong bài tin mừng hôm nay, ta nhận thấy Chúa Giêsu không chỉ quan tâm đến nhu cầu tâm linh mà còn cả nhu cầu vật chất của dân chúng nữa. Với lòng thương xót trước sự bơ vơ và đói khát của đám đông dân chúng theo Ngài nên Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ.

Như thế lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng một khi can đảm tín thác vào lòng thương xót Chúa qua việc dấn bước theo và nghe Lời giảng dạy của Ngài (bài tin mừng), cũng như hy sinh làm chứng cho tin mừng phục sinh của Ngài (bài đọc I) thì Chúa không bỏ rơi bao giờ.

Xin cho chúng ta luôn biết tín thác mạnh mẽ vào lòng thương xót của Chúa để can đảm loan truyền tình thương của Ngài cho mọi nơi dẫu phải gặp nhiều thử thách với niềm tin rằng: “có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại chúng ta?”.  

Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông. Cho thấy Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác của con người. Nhưng Ngài không dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu cơ bản là “đói cho ăn, khát cho uống”. Cơm bánh chỉ là thứ lương thực mau qua dành cho thân xác, chứ không phải là thứ lương thực đem lại sự sống đời đời. Do đó Ngài muốn ban cho con người thứ lương thực trường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu.

Để có được của ăn mau qua, nuôi dưỡng thân xác, con người phải ra công làm việc vất vã “đổ mồ hôi sót con mắt ”, cũng như biết nhường cơm xẻ áo cho nhau.

 Để có của ăn vĩnh cửu, nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, con người chỉ cần làm hai việc: Đến với Chúa Giêsu và Tin vào Ngài.

Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.

Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.

Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.

Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.

Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến.

Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.

Xin cho chúng ta biết siêng năng đến với Chúa Giêsu với niềm tin yêu, để chúng ta được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh Thánh, là thứ lương thực không hư nát và đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.

Thứ bảy: Ga 6, 16-21

Suy niệm 1:

Các nhà xã hội học định nghĩa: “con người là con vật có xã hội tính”. Do đó không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống với, sống cùng, sống cho, sống vì và sống nhờ nhau… Nhờ đời sống cộng đồng mà con người được lớn lên, phát triển và thành toàn hơn do sự tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng bởi đời sống chung mà cuộc sống chúng ta gặp phải không ít khó khăn và thử thách.

– Bài đọc I hôm nay cho thấy có một vấn đề khó khăn được đặt ra trong đời sống của cộng đoàn sơ khai. Đó là sự ghen tỵ, phân bì xảy ra, bởi lẽ vì những bà góa Do Thái gốc Hy Lạp phải chịu thiệt thòi bởi không được các tông đồ quan tâm nhiều. Điều này có nguy cơ đưa đến sự chia rẻ, hận thù và trở thành gương mù. Sáng suốt nhận ra nguy hại ấy nên các tông đồ đã tìm cách giải quyết. Thay vì dùng quyền bính của mình để chống chế hoặc tìm cách loại trừ họ ra khỏi cộng đoàn, thì trái lại các tông đồ lại biết khiêm tốn nhận ra sự thiếu xót của mình vì đã không quan tâm đủ để chăm lo cho mọi người. Để giải quyết cho nhu cầu chính đáng ấy cho mọi thành phần, các tông đồ đã đề nghị bầu chọn thêm 7 phó tế để nhằm phụ giúp các ngài chăm lo phục vụ cho các bà góa, cho dẫu đây thành phần này không được xã hội đề cao thời bấy giờ. Nhờ đó mà cuộc sống của cộng đoàn bấy giờ trở nên êm đẹp.

– Bài Tin mừng hôm nay thì nêu lên những sóng gió mà các tông đồ gặp phải khi xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ trong đêm tối. Trong bóng đêm ngoài việc phải vất vả chống chọi với sóng to gió lớn, các ông còn phải đối mặt với sự sợ hãi kinh hồn khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với họ, vì tưởng là ma. Nhưng nhờ lời trấn an của Chúa Giêsu: “Thầy đây mà, đừng sợ!”,  bấy giờ các ông mới tìm lại được sự bình an và con thuyền cũng được cập bến an toàn.

– Cuộc đời ta của chúng ta cũng tựa như một cuộc hải trình vượt biển trần, có lúc thuyền đời của ta cảm thấy bình yên nhưng cũng có lúc bất an sợ hãi vì sóng gió nổi lên. Nhưng nếu chúng ta nhận ra có Chúa cùng đồng hành trong mọi cảnh huống của cuộc đời, ta sẽ cảm thấy bình an cho dẫu phải dối mặt với nhiều sóng gió.

Xin Chúa phục sinh luôn ở bên để bảo vệ, che chở và hướng dẫn chúng ta biết chọn lựa sống theo thánh ý Chúa, nhờ đó thuyền đời của ta sẽ dễ dàng vượt qua mọi sóng gió hiễm nguy mà đạt đến bến bờ của an vui và hạnh phúc nhờ quyền năng của Chúa.

Suy niệm 2:

Suy niệm về bài tin mừng hôm nay, ta nhận ra rằng:

– Các môn đệ chính là mỗi người chúng ta.

– Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội.

– Biển Hồ là hình ảnh trần gian.

– Đêm tối, bảo tố, gió mạnh là những thử thách do ma quỷ gây nên.

– Bờ bên kia là hạnh phúc nước trời mà con người cần vươn tới.

Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta đã bước vào con thuyền của Giáo Hội khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Cùng với con thuyền Giáo hội, chúng ta đang tiến bước trên biển đời trần gian.

Giống như con thuyền của các môn đệ bị những cơn sóng to, gió lớn đánh dữ dội, thì ở mọi thời, mọi nơi Giáo Hội cách chung, cách riêng mỗi chúng ta cũng đương đầu với những chống đối, những vu khống, bôi nhọ và loại trừ do thế lực ma quỷ gây ra.

Có khi những bóng tối, những vết đen đáng tiếc xảy ra trong Giáo Hội cách chung hay những đau khổ, những thất bại và những bất hạnh xảy đến cho bản thân, làm cho ta dao động, mất hướng sống. Khi đó là lúc thuyền đời của ta đang đi trong đêm tối đức tin, đến nỗi ta muốn buông xuôi tất cả.

Quan trọng là Chúa Giêsu phục sinh không bỏ rơi chúng ta khi gặp gian nan thử thách. Chính lúc đó, Chúa sẽ ra tay cứu giúp chúng ta, không để cho sóng gió nhận chìm chúng ta vì “Ơn Ta đủ cho con”. Ngài vẫn ở bên Giáo Hội. Ngài luôn đồng hành và hiện diện bên mỗi người chúng ta. Ngài ban Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội và ban ơn trợ giúp chúng tađủ sức lướt thắng mọi sóng to gió lớn và dìu bước chúng tacập bến bình an, nếu chúng ta tin tưởng cậy trông phó thác vào Ngài.

Xin Chúa phục sinh ban thêm lòng tin kiên vững nơi chúngcon, để dù trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng con vẫn an tâm tiến bước trên biển đời. Xin Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con, để đưa dẫn chúng con đạt tới bến bờ bình an.

25/ 04: Kính Thánh Marcô, Tác Giả Tin Mừng

1 Pr 5, 5b-14; Mc 16, 15-20

“Công cuộc truyền giáo mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên đất nước chúng ta”. Đó là lời mở đầu của UB Loan Báo Tin Mừng/HĐGMVN sau 50 năm (1960-2010) nỗ lực truyền giáo.

Vì thế truyền giáo hay loan báo tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Gíao Hội. Gíao Hội có được lớn mạnh hay không tùy thuộc vào việc loan báo tin mừng.

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2).

Sẽ không là Gíao hội hay là người kitô hữu nữa nếu không loan báo tin mừng.

Trên hết truyền giáo hay loan báo tin mừng là lệnh truyền tâm quyết của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời Ngài đã di chúc lại cho các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án ” (Mc 16, 15).

Vậy đã rõ mục đích của việc loan báo tin mừng là để người khác tin vào Chúa Giêsu, nhận lãnh phép rửa và được cứu độ.

Nhưng làm thế nào để việc loan báo tin mừng mang lại hiệu quả?

Thư I của thánh Phêrô, trong bài đọc I hôm nay cho ta biết những điều tóm lượt quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm để sống:

– “Lấy đức khiêm nhường đối xử với nhau”. Muốn đối xử khiêm nhường với nhau, trước hết phải tự khiêm hạ trước Chúa.Không khiêm hạ trước Chúa làm sao ta dễ khiêm nhường với anh em. Kiêu ngạo luôn là cám dỗ nguy hiểm đánh mất hạnh phúc thiêng đàng mà nguyên tổ Adam và Eva đã mắc phải.  

– “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em”. Nghĩa là phải đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Chúa đầy yêu thương chúng ta.

–  “Hãy sống tiết độ và tỉnh thức”: sống đúng với ơn gọi và chu toàn tốt bổn phận mà Chúa trao phó cho  mình.

– “Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”. Trong mọi hoàn cảnh, ngay cả cái chết cũng luôn trung thành làm chứng niềm tin của mình. Vì phần thưởng mà Chúa ban tặng chính là được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường; nhất là được hưởng vinh quang đời đời trong Đức Kitô.

Xin Chúa cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc truyền giáo, để như thánh Mác-cô, ta biết tận mọi khả năng, hoàn cảnh mà góp phần tich cực cho việc truyền giáo.

Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân trung thành của Chúa Giêsu nhờ biết siêng năng tìm hiểu học hỏi và sống theo lời Chúa dạy trong các sách Tin Mừng, trong đó có Tin Mừng thánh Mác-cô để lại bằng đời sống khiêm nhường, phó thác, tiết độ, tỉnh thức và kiên vững đức tin cho dẫu phải đối mặt với bao gian lao thử thách, nhờ đó mà Tin mừng của Chúa mới có sức thuyết phục và ơn cứu độ của Chúa mới được lan tỏa đến mọi người ở khắp nơi.

Suy niệm 2:

Mỗi khi tưởng nhớ hay tôn kính một vị thánh nào đó, GH thường nhắc lại thân thế và sự nghiệp của các ngài để tri ân công đức, nêu gương bắt chước đời sống tốt lành và khấn xin các ngài khấn cầu cùng Chúa ban ơn cho ta. Do đó trong ngày mừng kính thánh Marcô tác giả Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng hãy nhìn lại thân thế và sự nghiệp của thánh Marcô.

  1. Thân thế:

Chúng ta không biết nhiều về quãng đời niên thiếu của thánh Marcô. Chỉ biết rằng ngài là một trong bốn vị thánh sử đã ghi chép Phúc Âm. 

Tên đầy đủ của ngài là Gioan Marcô (x.Cv 12,12). Thánh nhân là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Mẹ của ngài là bà Maria, một góa phụ giàu có, nơi ngôi nhà này, các tín hữu tiên khởi Giêrusalem hay đến để tụ họp để cầu nguyện (x. Cv 12, 12tt). Cũng vì thế mà sau khi ra khỏi tù Phêrô đã về đây trú ẩn: “Mở cổng ra, thấy ông, họ kinh ngạc. Ông giơ tay làm hiệu cho họ im lặng, rồi kể cho họ nghe Chúa đã đưa ông ra khỏi tù thế nào” (Cv 12, 16-17).

Trong ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin mừng, ta không thấy nhắc đến tên ngài, nhưng trong biến cố Chúa Giêsu bị bắt thì ngài có mặt ở đó, nhưng vì sợ liên lụy, ngài đã bỏ chạy thục mạng, đến tuột cả quần ra (x. Mc 14,  51-52).

  1. Sự nghiệp:

Vâng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời, Marcô đã đi theo tông đồ Barnaba và Phaolô ra đi loan báo Tin mừng. Nhưng trong chuyến truyền giáo thứ nhất có vì gặp quá nhiều gian lao, vất vả nên Marcô đã bỏ về Giêrusalem (x. Cv 13, 13). Do đó mà trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba (x. Cv 15, 36-40).

Nhưng nhờ thế mà sau đó Marcô lại theo Phêrô đến Rôma và làm thông dịch cho Phêrô, nên trong bức thư thứ nhất, Phêrô đã gọi Marcô là người con của ngài. (x. 1Pr 5, 13).

Là người thông ngôn cho Phêrô nên Marcô lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng dạy và là người đầu tiên soạn thảo “sách Tin Mừng”, vào khoảng năm 64-70, với nhiều mục đích:

– Nhằm lưu lại lời rao giảng của các tông đồ cùng với những truyền thồng tiên khởi của GH vì e rằng thế hệ chứng nhân “mắt thấy tai nghe” sắp qua đi.

– Nhằm nâng đỡ và củng cố đức tin cho các tín hữu gốc lương dân, sống ngoài lãnh thổ Palestin, đang sống trong hoàn cảnh bị bách hại dữ dội bởi hoàng đế Nêron.

– Nhằm để giúp tín hữu mới theo đạo có được cảm nghiệm về Chúa Giêsu như thánh Phêrô. Cảm nghiệm ấy được Marcô trình bày một cách tiệm tiến qua ba giai đoạn được tóm lược vào câu đầu tiên trong Tin Mừng của ngài: “Khởi đầu Tin mừng Đức Giêsu-Kitô-Con Thiên Chúa”. Trước hết Chúa Giêsu là một người, tiếp đến Người là Đức Kitô như lời tuyên xưng của Phêrô (x. Mc 8, 29), Sau cùng Marcô trình bày cho thấy Đức Kitô ấy chính là Con TC, qua lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng Rôma dưới chân thập giá (x. Mc 15, 39),

Nếu so sánh với các Thánh sử khác, thì Phúc âm của Thánh Marcô là ngắn nhất (16 chương). Trong khi đó Matthêu có đến 28 chương, Luca 24 chương, và Gioan 21 chương. Lối trình bày của Ngài đơn sơ, mộc mạc, mang tính kể chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu, thích hợp cho mọi độc giả, đặc biệt cho những anh chị em bình dân.

Người ta quen vẽ hình ngài là một con sư tử, một trong bốn con vật được tiên tri Ezekiel xem thấy trong thị kiến. Quả thật sách Tin Mừng của Marcô khởi đầu bằng việc trình bày Gioan Tẩy Giả như là tiếng hô trong sa mạc (x. Mc 1,3).

Tài liệu cho biết sau này thánh nhân được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa.

Cũng như các tông đồ, thánh nhân cũng gặp nhiều gian lao thử thách trong sứ mạng làm chứng cho Chúa. Cuối cùng ngài cũng chịu bách hại bởi những lương dân tại giáo đoàn ngài phục vụ. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25/04/67.

Ngài mất đi để lại một sự nghiệp vô giá. Phúc Âm do ngài biên soạn vẫn còn mãi. Danh ngài sẽ luôn được nhắc đến trong Giáo Hội, nhưng quan trọng hơn hết là phần thưởng bội hậu mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trên Thiên Quốc.

Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh nhân ban cho mỗi người chúng ta biết tích cực cộng tác với GH trong sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Ðức Kitô phục sinh trong đời sống bổn phận hằng ngày với hết khả năng của mình bằng tình yêu mến theo gương thánh Marcô tác giả của Tin mừng mà chúng ta mừng kính hôm nay.

 

print

Từ khóa » Suy Niệm Ga 3 7-15