Suy Tim Sung Huyết Là Gì Và điều Trị Ra Sao? - Suckhoe123

Suy tim sung huyết là gì?

Suy tim sung huyết (Congestive heart failure - CHF) là một bệnh lý tiến triển mãn tính ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim. Mặc dù thường được gọi đơn giản là “suy tim” nhưng thực chất suy tim sung huyết là thuật ngữ cụ thể dùng cho giai đoạn mà máu tích tụ lại ở tim và khiến tim bơm máu kém hiệu quả.

Tim chúng ta gồm có 4 buồng. Nửa trên của tim gồm có hai tâm nhĩ và nửa dưới có có hai tâm thất. Tâm thất có nhiệm vụ bơm máu đến các cơ quan và mô trong cơ thể, còn tâm nhĩ nhận máu lưu thông từ khắp cơ thể trở lại tim.

Bệnh suy tim sung huyết hình thành khi tâm thất không thể bơm đủ lượng máu đến cơ thể. Cuối cùng, máu và các chất lỏng khác ứ lại ở bên trong: phổi, bụng, gan và phần dưới cơ thể.

Có những dạng suy tim sung huyết nào?

Suy tim sung huyết tâm thất trái là dạng suy tim sung huyết phổ biến nhất. Tình trạng này xảy ra khi tâm thất trái không bơm máu đến khắp cơ thể được như bình thường. Khi tình trạng chuyển xấu, chất lỏng có thể tích tụ trong phổi, khiến cho việc hô hấp trở nên khó khăn.

Có hai loại suy tim tâm thất trái, đó là:

  • Suy tim tâm thu: xảy ra khi tâm thất trái không co bóp bình thường. Điều này làm giảm lực đẩy máu vào lưu thông, khiến cho tim không thể bơm máu hiệu quả.
  • Suy tim tâm trương, hay rối loạn chức năng tâm trương: xảy ra khi cơ ở tâm thất trái bị cứng lại và không còn có thể co giãn linh hoạt nữa, khiến cho trái tim không thể chứa đủ máu giữa các nhịp đập.

Suy tim sung huyết tâm thất phải xảy ra khi tâm thất phải không thể bơm máu lên phổi một cách bình thường. Máu chảy ngược trong các mạch máu, gây ra tình trạng giữ nước ở chi dưới, bụng và các cơ quan quan trọng khác.

Một người có thể bị suy tim sung huyết tâm thất trái và phải cùng một lúc. Thông thường, bệnh bắt đầu ở bên trái rồi sau đó di chuyển sang bên phải nếu không được điều trị.

Các giai đoạn suy tim sung huyết

Giai đoạn Các triệu chứng chính Cách điều trị
I Không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào Ở giai đoạn này, có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc và theo dõi.
II Khi nghỉ ngơi sẽ không có triệu chứng gì bất thường nhưng khi vận động thì lại thấy mệt mỏi, đánh trống ngực và khó thở. Thay đổi lối sống, dùng thuốc và theo dõi cẩn thận.
III Vẫn thấy bình thường khi nghỉ ngơi nhưng ngay cả vận động nhẹ cũng sẽ gây mệt mỏi, đánh trống ngực hoặc khó thở. Việc điều trị lúc này sẽ phức tạp hơn.
IV Các triệu chứng xuất hiện ngay cả trong lúc không hoạt động. Không có cách nào chữa khỏi bệnh ở giai đoạn này mà chỉ có thể dùng các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng.

Nguyên nhân nào gây suy tim sung huyết?

Suy tim sung huyết có thể bắt nguồn từ các vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tim mạch. Đây là lý do tại sao bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tim mạch, bao gồm tăng huyết áp (cao huyết áp), bệnh động mạch vành và vấn đề với van tim.

Tăng huyết áp

Khi huyết áp tăng cao hơn bình thường thì có thể dẫn đến suy tim sung huyết. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tăng huyết áp mà trong đó, phổ biến nhất là động mạch bị thu hẹp và khiến máu lưu thông khó khăn hơn.

Bệnh động mạch vành

Cholesterol và các loại chất béo khác trong máu có thể gây tắc động mạch vành - các động mạch nhỏ cung cấp máu cho tim. Điều này làm cho các động mạch bị hẹp lại, hạn chế sự lưu thông máu và có thể dẫn đến tổn thương bên trong động mạch.

Vấn đề về van tim

Van tim có vai trò điều chỉnh lưu lượng máu qua tim bằng cách mở và đóng để cho máu vào và ra khỏi các buồng tim. Khi các van không thể mở và đóng bình thường thì sẽ khiến tâm thất phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Đây có thể là hậu quả của nhiễm trùng tim hoặc dị tật trong cấu tạo của tim.

Các vấn đề khác

Ngoài các vấn đề tim mạch ra thì còn có những vấn đề tưởng như không liên quan nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ suy tim sung huyết, ví dụ như bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, béo phì, nhiễm trùng nặng hay phản ứng dị ứng.

Các triệu chứng của suy tim sung huyết

Trong giai đoạn đầu của suy tim sung huyết, thường thì bạn sẽ không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe. Khi tình trạng bệnh tiến triển nặng thêm, bạn sẽ dần dần gặp phải những thay đổi trên cơ thể.

Các triệu chứng đầu tiên:

  • Mệt mỏi
  • Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân và chân
  • Tăng cân
  • Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm

Triệu chứng cho thấy tình trạng đã xấu đi

  • Nhịp tim không đều
  • Ho do phổi bị tắc nghẽn
  • Thở khò khè
  • Khó thở, đây là dấu hiệu do phù phổi

Triệu chứng cho thấy tình trạng đã ở mức nghiêm trọng

  • Đau ngực và lan ra khắp cơ thể
  • Thở gấp
  • Da chuyển màu xanh do thiếu oxy trong phổi
  • Ngất xỉu

Đau ngực lan ra khắp phần trên cơ thể cũng có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Nếu bạn gặp phải dấu hiệu này hoặc bất kỳ dấu hiệu nào mà bạn thấy nghi ngờ thì cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Triệu chứng suy tim ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh

Các triệu chứng suy tim ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường khó phát hiện hơn là ở người lớn nhưng các triệu chứng phổ biến thường là:

  • Ăn uống kém
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Thở gấp

Những triệu chứng này thường dễ bị hiểu nhầm là khóc dạ đề (colic) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, tăng trưởng kém và huyết áp thấp cũng có thể là dấu hiệu của suy tim ở trẻ nhỏ. Trong một số trường hợp suy tim, bạn có thể cảm nhận được rõ tim của trẻ đập nhanh qua thành ngực.

Suy tim sung huyết được chẩn đoán như thế nào?

Sau khi hỏi rõ triệu chứng, bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, gồm có nghe tim để xem nhịp tim có bất thường hay không. Để xác nhận chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để kiểm tra van tim, mạch máu và buồng tim.

Có nhiều phương pháp xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim mạch và vì mỗi xét nghiệm lại kiểm tra những khía cạnh, vấn đề khác nhau nên bác sĩ có thể tiến hành từ hai phương pháp trở lên để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ (EKG hay ECG) là phương pháp ghi lại nhịp đập của tim. Sự bất thường trong nhịp tim, chẳng hạn như tim đập quá nhanh hoặc không đều là những dấu hiệu cho thấy rằng thành tim dày hơn bình thường. Đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim.

Siêu âm tim

Siêu âm tim là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để ghi lại cấu trúc và sự chuyển động của tim. Phương pháp này giúp xác định mức độ lưu thông máu, tổn thương cơ hoặc sự co bóp của cơ tim.

Chụp cộng hưởng từ tim mạch

Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim mạch là phương pháp chụp ảnh tim. Từ những hình ảnh tĩnh và động, bác sĩ sẽ xác định được tim có bị tổn thương hay không.

Điện tim gắng sức

Phương pháp điện tim gắng sức cho biết trái tim hoạt động như thế nào ở các mức độ vận động khác nhau và từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán các vấn đề một cách dễ dàng hơn.

Xét nghiệm máu

Phương pháp này cho phép kiểm tra các tế bào máu bất thường và nhiễm trùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra nồng độ BNP - một loại hormone tăng lên khi bị suy tim.

Đặt ống thông tim

Đặt ống thông tim là phương pháp cho thấy những vị trí bị tắc nghẽn trong động mạch vành. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào mạch máu từ bẹn, cánh tay hoặc cổ tay. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu máu, chụp X-quang để kiểm tra động mạch vành, lưu lượng máu cũng như là áp lực trong buồng tim.

Điều trị suy tim sung huyết như thế nào?

Bệnh suy tim sung huyết được điều trị bằng các phương pháp khác nhau dưới đây, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ tiến triển của bệnh.

Dùng thuốc

Một số loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị suy tim sung huyết gồm có:

Thuốc ức chế men chuyển

Thuốc ức chế men chuyển hay thuốc ức chế ACE có tác dụng mở các mạch máu bị thu hẹp, nghẽn tắc để cải thiện lưu thông máu. Một lựa chọn khác dành cho những người không thể dùng thuốc ức chế men chuyển là thuốc giãn mạch.

Bác sĩ thường kê một trong những loại thuốc sau:

  • benazepril (Lotensin)
  • captopril (Capoten)
  • enalapril (Vasotec)
  • fosinopril (Monopril)
  • lisinopril (Zestril)
  • quinapril (Accupril)
  • eamipril (Altace)
  • moexipril (Univasc)
  • perindopril (Aceon)
  • trandolapril (Masta)

Không nên dùng chung thuốc ức chế men chuyển với các loại thuốc sau mà không hỏi ý kiến ​​bác sĩ vì chúng có thể gây ra các phản ứng bất lợi:

  • Thuốc lợi tiểu thiazide (gây tụt huyết áp)
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali, ví dụ như Triamterene (Dyrenium), Eplerenone (Inspra) và Spironolactone (Aldactone) (gây tích tụ kali trong máu và dẫn đến nhịp tim bất thường).
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Ibuprofen, Aspirin và Naproxen (gây giữ nước và natri, điều này có thể làm giảm tác dụng của thuốc ức chế men chuyển đối với huyết áp).

Trên đây chỉ là một số tên thuốc điển hình và bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào.

Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta có tác dụng làm giảm huyết áp và làm chậm nhịp tim.

Các loại thuốc phổ biến:

  • acebutolol (Sectral)
  • atenolol (Tenormin)
  • bisoprolol (Zebeta)
  • carteolol (Cartrol)
  • esmolol (Brevibloc)
  • metoprolol (Lopressor)
  • nadolol (Corgard)
  • nebivolol (Bystolic)
  • propranolol (Inderal LA)

Nên thận trọng khi dùng thuốc chẹn beta với các loại thuốc sau:

  • Thuốc chống loạn nhịp tim, chẳng hạn như Amiodarone (Nexterone) vì có thể làm tăng những tác động lên tim mạch, bao gồm hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim.
  • Thuốc hạ huyết áp, chẳng hạn như Lisinopril (Zestril), Candesartan (Atacand) và Amlodipine (Norvasc) vì cũng có thể làm tăng ảnh hưởng lên tim mạch.
  • Albuterol (AccuNeb) vì thuốc chẹn beta sẽ làm vô hiệu hóa tác dụng của loại thuốc này đối với tình trạng giãn phế quản.
  • Fentora (Fentanyl) vì gây tụt huyết áp.
  • Thuốc chống loạn thần, ví dụ như thioridazine (Mellaril) vì gây tụt huyết áp.
  • Clonidine (Catapres) vì gây tăng huyết áp.

Trên đây chỉ là một số tên thuốc điển hình và bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào.

Thuốc lợi tiểu

Bệnh suy tim sung huyết có thể khiến cơ thể tích nhiều chất lỏng hơn mức cần thiết và thuốc lợi tiểu có tác dụng làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể.

Các loại thuốc lợi tiểu:

  • Thuốc lợi tiểu thiazide: có tác dụng mở rộng mạch máu và giúp cơ thể loại bỏ chất lỏng thừa. Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có: Metolazone (Zaroxolyn), Indapamide (Lozol) và Hydrochlorothiazide (Microzide).
  • Thuốc lợi tiểu quai: Những loại thuốc này kích thích thận tạo nhiều nước tiểu hơn để thải bớt chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể. Nhóm này gồm có một số tên thuốc như Furosemide (Lasix), Ethacrynic acid (Edecrin) và Torsemide (Demadex).
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali: giúp thải chất lỏng và natri trong khi vẫn giữ lại kali. Các loại thuốc lợi tiểu giữ kali phổ biến gồm có: Triamterene (Dyrenium), Eplerenone (Inspra) và Spironolactone (Aldactone).

Nên thận trọng khi dùng thuốc lợi tiểu với các loại thuốc sau:

  • Thuốc ức chế men chuyển, như Lisinopril (Zestril), Benazepril (Lotensin) và Captopril (Capoten) vì việc dùng chung có thể gây tụt huyết áp.
  • Các loại thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như Amitriptyline và Desipramine (Norpramin) vì sẽ gây tụt huyết áp.
  • Thuốc chống lo âu, chẳng hạn như Alprazolam (Xanax), Chlordiazepoxide (Librium) và Diazepam (Valium) vì gây tụt huyết áp.
  • Các loại thuốc ngủ, chẳng hạn như Zolpidem (Ambien) và Triazolam (Halcion) vì gây tụt huyết áp.
  • Thuốc chẹn beta, như Acebutolol (Sectral) và Atenolol (Tenormin) vì gây tụt huyết áp.
  • Thuốc chẹn kênh canxi, như Amlodipine (Norvasc) và Diltiazem (Cardizem) vì gây tụt huyết áp.
  • Nhóm thuốc nitrat, như Nitroglycerin (Nitrostat) và Isosorbide-dinitrate (Isordil) vì gây tụt huyết áp.
  • Thuốc chống viêm không steroid, ví dụ như Ibuprofen, Aspirin và Naproxen vì có thể gây hại cho gan.

Trên đây chỉ là một số tên thuốc điển hình và bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào.

Phẫu thuật

Nếu dùng thuốc không có hiệu quả thì bệnh nhân suy tim sung huyết sẽ cần được điều trị bằng các phương pháp xâm lấn. Một trong các phương pháp đó là phẫu thuật nong mạch vành, một kỹ thuật mở rộng các động mạch bị tắc nghẽn. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể còn dùng đến phương pháp phẫu thuật sửa van tim để làm cho van mở và đóng một cách bình thường.

Triển vọng về lâu dài khi bị suy tim sung huyết

Tình trạng suy tim sung huyết có thể được cải thiện bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Triển vọng đối với những người mắc bệnh này sẽ phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh và bệnh nhân có còn mắc phải vấn đề khác về sức khỏe ví du như bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp hay không. Bệnh được chẩn đoán càng sớm thì triển vọng càng cao.

Suy tim sung huyết và di truyền

Bệnh cơ tim có thể là nguyên nhân gây suy tim và yếu tố di truyền cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh cơ tim. Mặc dù hầu hết các trường hợp suy tim sung huyết đều không di truyền nhưng một số yếu tố nguy cơ của bệnh suy tim sung huyết như tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh động mạch vành lại có thể di truyền. Nếu trong gia đình có người bị suy tim sung huyết và để giảm nguy cơ mắc bệnh thì bạn nên cân nhắc thay đổi một số thói quen sống ví dụ như xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Cách ngăn ngừa suy tim xung huyết

Lối sống là một yếu tố quyết định đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nói chung và bệnh suy tim sung huyết nói riêng. Do vậy mà có một số thay đổi bạn có thể thực hiện ngay từ bây giờ để giảm nguy cơ suy tim hoặc ít nhất là trì hoãn bệnh khởi phát.

Bỏ thuốc lá

Nếu bạn hút thuốc thì hãy bỏ ngay bây giờ để tránh nguy cơ suy tim. Không chỉ có hút thuốc chủ động mà hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc từ xung quanh) cũng có hại cho sức khỏe nên cần tránh xa hết sức có thể.

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng

Một chế độ ăn có lợi cho tim cần có nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Nên chọn các sản phẩm từ sữa chứa hàm lượng chất béo thấp hoặc không có chất béo. Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm nhiều protein trong chế độ ăn uống. Những thực phẩm và thành phần cần tránh gồm có muối (natri), đường, mỡ dạng rắn và ngũ cốc tinh chế.

Tập thể dục

Chỉ cần một tiếng tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần là đã có thể cải thiện sức khỏe tim một cách đáng kể. Bạn có thể chọn lựa giữa nhiều hình thức tập thể dục khác nhau như đi bộ, đi xe đạp hay bơi lội...

Nếu bạn không tập được trong thời gian dài thì có thể bắt đầu tập 15 phút mỗi ngày và tăng dần lên.

Theo dõi cân nặng

Thừa cân cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Thực hiện theo một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên là hai cách hiệu quả nhất để giảm cân và duy trì cân nặng.

Hạn chế đồ uống có cồn

Nếu bạn thường xuyên uống rượu bia thì nên hạn chế, chỉ nên tiêu thụ ở mức vừa phải để giữ gìn sức khỏe tim mạch.

Uống thuốc đúng theo đơn

Nếu bạn đang dùng thuốc do bác sĩ kê đơn thì nên tuân thủ đúng hướng dẫn và không được tự ý thay đổi liều lượng mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao bị suy tim hoặc đã từng bị tổn thương tim trước đây thì vẫn hoàn toàn có thể làm theo các bước nếu trên nhưng trước tiên nên hỏi bác sĩ về mức độ tập luyện và một số điều cần lưu ý khác.

Từ khóa » điều Trị Suy Tim Sung Huyết