SWOT Là Gì? Cách Thực Hiện Phân Tích SWOT | SEO VietNam

SWOT là gì? Cách thực hiện phân tích SWOT

Tác giả: Nguyễn Kiều Linh | Chuyên mục: Marketing | Đăng ngày: 14/07/2021

SWOT là một công cụ cực kỳ đơn giản nhưng hữu dụng có thể giúp bạn phát triển chiến lược kinh doanh của mình, dù bạn đang bắt đầu xây dựng một startup hay một công ty nhiều năm hoạt động. Bài viết này sẽ đề cập đến các vấn đề: SWOT là gì? Tại sao cần phân tích SWOT? Một số ví dụ về phân tích SWOT và cách thực hiện một phân tích SWOT toàn diện. 

swot-la-gi-1

SWOT là gì?

Mục lục

  • SWOT là gì?
  • Tại sao phân tích SWOT lại quan trọng?
  • Lập chiến lược với phân tích SWOT
    • Các yếu tố thuộc ma trận SWOT
      • Strengths (Điểm mạnh)
      • Weaknesses (Điểm yếu)
      • Opportunities (Cơ hội)
      • Threats (Thách thức)
    • Cách thực hiện phân tích SWOT
      • Xem xét các yếu tố bên trong
      • Đánh giá các yếu tố bên ngoài
      • Xây dựng ma trận SWOT

SWOT là gì?

SWOT là cụm viết tắt của tập hợp 4 từ tiếng Anh, tương ứng là: Strengths, Weaknesses, Opportunities và Threats. Bốn yếu tố này hợp lại với nhau tạo thành một ma trận SWOT – được ứng dụng phổ biến trong các doanh nghiệp nhằm đánh giá tiềm lực bên trong, bên ngoài và xác định cơ hội cạnh tranh. Từ đó vạch ra chiến lược mới đúng đắn cho toàn bộ doanh nghiệp. 

Tại sao phân tích SWOT lại quan trọng?

Trong quá trình xây dựng chiến lược, dù là ngắn hạn hay dài hạn cho doanh nghiệp, phân tích SWOT đều đóng vai trò là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan nhất về những gì đang tác động đến hiệu quả hoạt động và thành công của chính nó. Phân tích SWOT quan trọng bởi nó giúp:

  • Xác định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường hiện tại
  • Đánh giá những cơ hội, thách thức doanh nghiệp đang đối mặt
  • Đưa ra ý tưởng cải thiện hiệu suất hoạt động
  • Lập chiến lược tổng thể trong ngắn hạn và dài hạn.

Nếu không có phân tích SWOT là gì thì bạn không có cơ sở xác đáng để xây dựng bất kỳ kế hoạch hay chiến lược nào. 

Lập chiến lược với phân tích SWOT

Các yếu tố thuộc ma trận SWOT

Ma trận SWOT bao gồm 4 yếu tố: Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức). Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu được xếp vào các yếu tố bên trong doanh nghiệp; còn cơ hội và thách thức lại là các yếu tố bên ngoài. 

swot-la-gi-2

4 yếu tố thuộc SWOT: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức

Khi được phân tích cùng nhau, mô hình SWOT có thể vẽ nên một “bức tranh toàn cảnh” hơn về vị thế của doanh nghiệp và cơ hội cần nắm bắt để cải thiện vị thế của nó trên thị trường. Cùng đi sâu vào phân tích từng yếu tố để hiểu rõ hơn về mô hình này:

Strengths (Điểm mạnh)

Điểm mạnh là yếu tố đầu tiên bạn cần phân tích trong mô hình SWOT. Điểm mạnh trong SWOT đề cập đến những điều thuộc về bên trong mà doanh nghiệp đang thực hiện tốt. Đó có thể là nguồn nhân lực chuyên môn cao, sản phẩm độc đáo, khác biệt hay cơ sở hạ tầng, môi trường làm việc tốt,…

Khi xem xét điểm mạnh của doanh nghiệp, cần liệt kê và trả lời các câu hỏi xoay quanh như:

  • Điều mà doanh nghiệp đang làm tốt là gì?
  • Doanh nghiệp có điểm nào độc đáo, khác biệt so với các đối thủ cùng ngành?
  • Khách hàng mục tiêu thích gì ở doanh nghiệp hay sản phẩm/dịch vụ của bạn?
  • Ý tưởng, nguồn lực nào chỉ doanh nghiệp của bạn đang sở hữu?

Có thể dựa trên USP (Unique Selling Point) để tìm ra được điểm mạnh của doanh nghiệp. Và đừng quên đứng từ góc nhìn của một khách hàng hay một đối thủ để có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn. 

swot-la-gi-3

Phân tích điểm mạnh là xác định điều doanh nghiệp đang làm tốt

Ví dụ: Một công ty về dịch vụ phát biểu rằng: “Dịch vụ chăm sóc khách hàng của chúng tôi là đẳng cấp và khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khi chúng tôi có điểm NPS là 9”. (NPS là chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng trên thang 0 – 10). Vậy điểm mạnh của công ty này là dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp và được đánh giá rất cao bởi khách hàng. 

Weaknesses (Điểm yếu)

Ngược lại với điểm mạnh, điểm yếu trong SWOT để cập đến những điều bên trong mà doanh nghiệp thực hiện kém hiệu quả. Đừng lầm tưởng mình không có bất cứ sai lầm nào, chỉ khi nhận ra những thiếu sót, doanh nghiệp mới có thể cải thiện và hoạt động hiệu quả được.

Để tự xác định các điểm yếu của doanh nghiệp, bạn cũng cần đặt ra những câu hỏi khác nhau:

  • Điều gì doanh nghiệp làm chưa hiệu quả và nguyên nhân tại sao?
  • Những vấn đề yếu kém có thể cải thiện được là gì?
  • Khách hàng phàn nàn gì về sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu?
  • Tài nguyên nào bạn không có nhưng đối thủ lại sở hữu?
swot-la-gi-4

Điểm yếu của mô hình SWOT là gì?

Thành thật chỉ ra những điểm yếu, thiếu sót chính là cách tốt để thay đổi hướng đi của doanh nghiệp theo cách tích cực hơn.

Ví dụ: Cũng là doanh nghiệp dịch vụ trên, họ cho rằng: “Khả năng hiển thị trang web của chúng tôi trên các công cụ tìm kiếm thấp do ít ngân sách Marketing. Tương tác với khách hàng trên nền tảng di động cũng giảm dần”. Vậy điểm yếu của họ là thứ hạng web trên công cụ tìm kiếm thấp và do đó không có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng. 

Opportunities (Cơ hội)

Cơ hội thuộc về yếu tố bên ngoài có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Các cơ hội có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, nó có thể là: nguồn cung nguyên liệu dồi dào, thị hiếu khách hàng thay đổi, công nghệ phát triển hỗ trợ hoạt động kinh doanh,…

Để nắm bắt các cơ hội, bạn có thể cân nhắc trả lời những câu hỏi liệt kê dưới đây: 

  • Công nghệ nào giúp cải thiện hiệu quả quản lý?
  • Tài nguyên nào giúp tiết kiệm chi phí sản xuất?
  • Kênh truyền thông, quảng cáo hiệu quả chưa được tận dụng đúng cách?
  • Xu hướng tiêu dùng của khách hàng đang dịch chuyển ra sao?
swot-la-gi-5

Nhận ra cơ hội từ nhiều thay đổi dù là nhỏ nhất

Việc phát hiện ra các cơ hội và biết cách khai thác chúng có thể tạo nên sự khác biệt lớn đối với các đối thủ khác, giúp tăng khả năng cạnh tranh và dẫn đầu thị trường cho doanh nghiệp của bạn. Bạn cũng cần lưu ý những thay đổi trong chính sách của chính phủ liên quan đến lĩnh vực bạn đang kinh doanh. Và những thay đổi nhỏ trong cấu trúc dân số hay lối sống của người dân cũng đều có thể tạo ra những cơ hội thú vị. 

Ví dụ: Công ty dịch vụ ở ví dụ trước đó đưa ra ý tưởng: “Để cải thiện khả năng hiển thị của thương hiệu trên Internet, chúng tôi sẽ đầu tư chi phí chạy quảng cáo trên Facebook, Google và Instagram”. Vậy là doanh nghiệp đã nắm bắt được cơ hội khi mà Marketing 4.0 đang lên ngôi, khách hàng dành nhiều thời gian hơn trên Internet và doanh nghiệp có đa kênh để tiếp cận gần hơn với khách hàng mục tiêu.  

Threats (Thách thức)

Đây là yếu tố cuối cùng của mô hình SWOT. Yếu tố này đề cập đến các mối đe dọa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp của bạn từ bên ngoài. Yếu tố này khác với điểm yếu bởi chúng là các yếu tố bên ngoài và nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Đó có thể là các vấn đề như nguồn cung ứng hạn hẹp, nhu cầu thị trường thay đổi hay thiếu hụt nhân sự có chuyên môn,… 

swot-la-gi-6

Không thể kiểm soát nhưng có thể chọn cách phản ứng lại các thách thức

Quan trọng là bạn phải lường trước được những thách thức và tìm cách vượt qua chúng trước khi các mối đe dọa đó ngăn chặn sự phát triển của doanh nghiệp. Dưới đây là list các câu hỏi bạn cần cân nhắc trả lời khi phân tích các thách thức bên ngoài:

  • Những thay đổi nào trong ngành gây lo ngại đến hoạt động kinh doanh?
  • Xu hướng thị trường đang thay đổi ra sao?
  • Đối thủ cạnh tranh vượt trội hơn chúng ta ở điểm nào?
  • Chúng ta có bắt kịp xu hướng công nghệ mới?

Ví dụ: Công ty dịch vụ trên nhận thấy thách thức: “Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu khiến mọi hoạt động trì trệ, thu nhập người dân bị cắt giảm và chúng tôi nhận thấy lượng khách hàng cũng sụt giảm đáng kể trong 6 tháng”. Đây là thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt và không có cách nào để kiểm soát. 

Cách thực hiện phân tích SWOT

Xem xét các yếu tố bên trong

Như đã đề cập ở phần trước, yếu tố bên trong bao gồm điểm mạnh và điểm yếu của một doanh nghiệp. Những yếu tố này có xu hướng dễ giải quyết hơn nếu doanh nghiệp có đủ nguồn lực và phương tiện bởi bạn có quyền kiểm soát đối với chúng. 

Khi xem xét các yếu tố bên trong, bạn có thể thực hiện bằng cách gặp gỡ các bộ phận, phòng ban liên quan để thu thập ý kiến về tình hình hiện tại của doanh nghiệp. Các cuộc thảo luận cần dựa trên list các câu hỏi được đặt ra ở phần trước nhằm xác định đâu là thế mạnh hay yếu điểm. 

Đánh giá các yếu tố bên ngoài

Các yếu tố bên ngoài bắt nguồn từ các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nó bao gồm: đối thủ cạnh tranh, xu hướng thị trường và bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến doanh nghiệp của bạn từ bên ngoài. 

Các yếu tố bên ngoài khó giải quyết hơn vì bạn không thể trực tiếp kiểm soát kết quả. Những gì bạn có thể làm là thích ứng, điều chỉnh các quy trình của riêng bạn theo cách tận dụng cơ hội và giảm thiểu tối đa các yếu tố tiêu cực. Mặc dù không thể kiểm soát các tác nhân bên ngoài nhưng bạn có thể kiểm soát cách mà tổ chức của mình “phản ứng” lại những thay đổi. 

Ví dụ: Doanh nghiệp của bạn có đối thủ cạnh tranh mới cho ra mắt sản phẩm mới trên thị trường và có hiệu quả đón nhận tốt hơn sản phẩm của bạn. Bạn không thể làm gì với sản phẩm của đối thủ thế nhưng có thể nỗ lực để cho ra sản phẩm mới tốt hơn để giảm thiểu sụt giảm doanh số bán hàng. 

Xây dựng ma trận SWOT

Cách tốt nhất để phân tích SWOT là thể hiện các yếu tố một cách trực quan trong một bảng. Nó thường được tổ chức thành 4 hình chữ nhật riêng biệt nhau và được đặt trong một bảng lớn tạo thành ma trận. 

swot-la-gi-7

Xây dựng ma trận SWOT bằng cách tập hợp các yếu tố trong một bảng

Sau công đoạn sắp xếp các yếu tố đã phân tích vào ma trận SWOT, giờ là lúc xây dựng chiến lược hay kế hoạch cho doanh nghiệp theo các định hướng sau:

  • Phát huy điểm mạnh để tận dụng cơ hội (SO)
  • Cải thiện điểm yếu để nắm bắt thời cơ (WO)
  • Tận dụng thế mạnh để vượt qua thách thức (ST)
  • Khắc phục điểm yếu để giảm thiểu rủi ro (WT)

Kết hợp các yếu tố bên trong và bên ngoài nhằm đưa ra nhiều ý tưởng hay ho, hiệu quả cho chiến lược trong tương lai. 

Kết

Phân tích SWOT là một kỹ thuật hiệu quả để xác định các yếu tố bên trong và bên ngoài đang tác động tích cực hay tiêu cực đến doanh nghiệp. Vậy sau khi hiểu rõ về SWOT là gì? Hiểu được bạn đang ở đâu và đích đến bạn hướng tới là gì sẽ giúp doanh nghiệp của bạn có hướng phát triển đúng đắn và thành công. Hy vọng bài viết đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho bạn!

Từ khóa » điểm Mạnh Trong Swot Thể Hiện điều Gì