Tả Loài Cây Em Yêu (12 Mẫu)
Có thể bạn quan tâm
Tả loài cây em yêu lớp 7
- Tả loài cây em yêu: Tả cây bằng lăng
- Tả loài cây em yêu: Tả cây bàng
- Tả loài cây em yêu: Tả cây hoa đào
- Tả loài cây em yêu: Tả cây nhãn
- Tả loài cây em yêu: Tả cây chuối
- Tả loài cây em yêu: Tả cây hoa đào mẫu 2
- Tả loài cây em yêu: Tả cây đu đủ
- Tả loài cây em yêu: Tả cây khế
- Tả loài cây em yêu: Tả cây dừa
- Tả loài cây em yêu: Tả cây hoa mai
- Tả loài cây em yêu: Tả cây xoan
- Tả loài cây em yêu: Tả cây xoài
- Tả loài cây em yêu: Tả cây bưởi
Xung quanh chúng ta có rất nhiều những loài cây khác nhau. Tài liệu Ngữ văn 7: Tả loài cây em yêu lớp 7 bao gồm 13 bài văn mẫu khác nhau cho các em tham khảo, biết cách tả loài cây mà em yêu thích như cây bằng lăng, cây đào, cây mai, cây bưởi, cây nhãn, cây chuối.... Mời các em tham khảo để có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình cho bài kiểm tra sắp tới.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Tả loài cây em yêu: Tả cây bằng lăng
Nhắc đến loài cây gợi nhớ tuổi học trò, bên cạnh cây phượng với sắc hoa đỏ thắm, không thể không nhắc đến bằng lăng với màu tím biếc thủy chung.
Bằng lăng là một loài cây thuộc họ cây gỗ. Thân cây không to lắm, một vòng tay em ôm cũng xuể. Thân cây màu nâu thẫm, nổi lên những vết sần nhuốm màu năm tháng. Cách mặt đất chừng một mét thân cây chia ra làm nhiều nhánh. Trong từng nhánh ấy lại tiếp tục chia ra thành những nhánh nhỏ vươn mình lên cao cùng với những chiếc lá xanh đón ánh nắng mặt trời. Nhìn từ xa, bằng lăng như một người lực sĩ khổng lồ đang vươn mình trong nắng và gió, mang sức mạnh phi thường.
Cây bằng lăng có nhiều tán lá xum xuê. Hè về cây tỏa bóng mát khắp các con đường. Lá cây hình bầu dục tròn ở gốc và nhọn ngắn ở chóp. Lá to thì bằng bàn tay người lớn, lá nhỏ nhìn giống như lá vối trồng trong vườn. Lá bằng lăng thường dài, rất nhẵn. Mùa xuân, lá có màu xanh biếc ở hai mặt. Khi những dàn đồng ca ve sầu cất lên khúc hát mùa hạ, lá cây thay đổi mình, chuyển sang màu xanh thẫm, dày dặn. Mặt dưới của chiếc lá có những đường gân xanh chia nhánh kéo dài kín chiếc lá nhìn như bộ xương cá.
Hè về, bằng lăng nở hoa tím biếc. Không cháy đỏ rực lửa như hoa phượng hay đài các kiêu sa như các loài hoa khác, hoa bằng lăng ngây thơ ngơ ngác giữa trời chiều. Hoa bằng lăng không nở rộ cùng lúc như nhiều loài hoa khác. Ban đầu chỉ là những nụ hoa bé xíu, lấp ló sau những tán lá xanh như chơi trò trốn tìm. Bất ngờ xuất hiện rồi khoe sắc lung linh như một cô gái dịu hiền, cuối mùa lại chóng bạc màu nhường không gian cho hoa phượng. Vì thế người ta vẫn bảo hoa bằng lăng có vẻ gì yếu đuối, có tính nhường nhịn chứ không mạnh mẽ loài cây “học trò”.
Hoa bằng lăng có sáu cánh, xoăn xoăn ở rìa, cánh mỏng như hoa lục bình vươn mình khoe sắc trong nắng, lớp nọ kế lớp kia, bông nọ tiếp bông kia duyên dáng đến diệu kỳ. Mỗi cành có đến hàng chục bông hoa cho nên người ta thường gọi là cành hoa bằng lăng chứ ít ai gọi bông hoa hay nhành hoa bằng lăng.
Lấp ló sau những cánh hoa là nhụy hoa màu vàng óng, có mùi thơm thoang thoảng, thu hút ong bướm đến vui đùa. Khi hoa bằng lăng rụng thì bằng lăng bắt đầu ra quả. Lúc đầu quả nhỏ xíu, hình tròn, màu xanh thẫm, khi gần về già tự tách ra từng múi. Trong mỗi múi là những cái hạt nhỏ li ti. Những cơn gió mùa hạ xào xạc đến cuốn bay đi hạt bằng lăng rải rác khác mọi miền.
Học trò ai cũng tha thiết với sắc tím biếc thủy chung của hoa bằng lăng. Bằng lăng như gợi về những kỉ niệm mơn man của một thời áo trắng ngây ngô, hồn nhiên, trong sáng.
Tả loài cây em yêu: Tả cây bàng
Ở trên vỉa hè trước cổng nhà em, có một cây bàng cao lớn lắm.
Cây cao phải hơn bốn mét, cao hẳn lên trên cột đèn đường cơ. Thân cây to như cái cột nhà, cứng cáp và vững chãi lắm. Phía dưới cây là một bộ rễ khổng lồ. Nó chỉ lộ một đoạn nhỏ trên mặt đất thôi mà cũng đủ khiến mọi người phải trầm trồ. Nhờ bộ rễ ấy, mà cây có thể hiên ngang chống chọi lại với bao mưa gió bão bùng, không sợ bị quật ngã. Vì lớn tuổi rồi, nên lớp vỏ của thân cây thô ráp và sần sùi lắm. Có thể nhìn rõ từng đường vân nứt nẻ như ruộng đồng tháng 8 vậy. Lấy tay chạm vào, cứ cảm thấy nhồn nhột khó tả.
Cây bàng có tán lá rất to, nhờ vào hệ thống các cành nhánh to dài và chi chít. Cành thấp nhất cũng cách mặt đất đến hơn hai mét cơ. Lá bàng to như bàn tay của bố, tròn tròn ở trên đầu. Chiếc lá xanh mướt, mỗi khi đến mùa thu sẽ chuyển đỏ vàng rồi rụng xuống đất. Cây bàng thông minh lắm. Bởi vì phần tán hướng ra lòng đường thường bị cưa bớt để tránh ảnh hưởng tầm nhìn của chiếc cầu vượt bắc qua. Nên cây nghiêng hẳn về phía nhà em. Tán lá to xanh um che rợp cả phần sân nhà em, nên bố chắc cần phải dựng mái che ở trước nhà. Bố bảo vì cây biết mình quý nên mới nghiêng sang nhà mình như thế. Chính vì vậy, chiều chiều em lại mang nước ra tưới cho cây bàng. Vừa tưới vừa mong cho cây luôn khỏe mạnh và xanh tốt.
Em quý cây bàng trước nhà mình lắm. Vì với em, cây như một người bạn thầm lặng luôn có mặt trong những buổi chơi cùng bè bạn. Cây luôn đứng ở đó chào tạm biệt em đi học và đón em trở về nhà. Thật là một người bạn tuyệt vời.
Tả loài cây em yêu: Tả cây hoa đào
Mỗi loài cây đều mang trong mình một vẻ đẹp riêng. Nhưng không hiểu sao, em lại đặc biệt thích những cây hoa đào. Mà phải là giống đào của miền Bắc nước ta từ ngày xưa, chứ không phải những cây đào được lai tạo từ nước ngoài về.
Những cây đào thường cao từ mét rưỡi đến hai mét. Thân cây chỉ to chừng cổ tay, vỏ nâu sẫm. Tuy nhỏ nhưng nó rất chắc chắn và dẻo dai. Vừa có thể mọc thẳng đứng như cây tre, nhưng cũng có thể uốn theo nhiều tư thế, hình dáng khác nhau. Cành đào cũng nhiều và nhỏ như cành mai, nhưng thường sẽ mọc hướng lên trên, như đang vươn lên trời cao vậy. Thường người ta sẽ quét vôi trắng ở dưới gốc cây, để bảo vệ cây khỏi các loài sâu, mối mọt sinh trưởng khi mùa xuân ấm áp đến.
Nhắc đến cây hoa đào là phải nói đến hoa đào. Chẳng phải tự nhiên mà hoa đào cùng hoa mai được chọn là hai loài hoa tiêu biểu cho mùa xuân cả. Những đóa hoa đào lớn chừng một trái trứng gà ta, với nhiều cánh hoa xếp chồng lên nhau như chiếc váy nghìn lớp. Cánh nào cánh nấy mỏng tanh, phơn phớt hồng như đôi gò má của người thiếu nữ. Những đóa hoa đào không mọc dày như hoa mai, mà mỗi bông một góc, tự mình tỏa sáng. Thường lúc đào nở rộ, thì lá cũng đã bung. Nhìn ngắm những bông hoa xinh xen lẫn lá non, thật là thích mắt.
Vẻ đẹp phơi phới, tươi mới của hoa đào trong tiết trời lạnh lẽo khiến ai cũng thích thú. Chỉ cần nhìn thấy một nụ hồng vừa hé trong màn sương giăng, là người ta biết mùa Tết đã về. Có lẽ chính bởi những cảm xúc ấy, mà em mới yêu mến hoa đào đến vậy.
Tả loài cây em yêu: Tả cây nhãn
Xung quanh nơi em sinh sống luôn tràn ngập sắc xanh của các loại cây. Sống ở một vùng quê yên bình, cây xanh luôn hiện diện bên mỗi con đường làng ngõ xóm, trở thành hình ảnh rất đỗi quen thuộc với bất kì người con nào của quê hương. Trong tất cả các loại cây, em thích nhất là cây nhãn – loài cây đã gắn bó với em trong suốt những năm tháng ấu thơ.
Nhà em có trồng một cây nhãn ở vườn, phần để lấy bóng mát, phần để thưởng thức hương vị ngọt lành của trái nhãn lúc vào mùa. Nhìn từ xa, cây như một dũng sĩ đứng hiên ngang như đang canh giữ cho vùng đất. Cũng chẳng biết cây nhãn này được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng khi em lớn lên thì cây nhãn cũng đã lớn lắm rồi. Bà em nói cây nhãn ấy đã gắn bó với gia đình em suốt cả một khoảng thời gian đã lâu lâu lắm. Thân cây to ngang phải 2 người ôm mới hết, từ ấy vươn ra những cành cây xum xuê, tán lá mở rộng như một chiếc dù khổng lồ dưới bầu trời cao rộng. Rễ cây lớn, nổi lên trên mặt đất như những con rắn đang uốn mình. Thân cây xù xì,đầy những mảng rêu phong vì bụi màu của thời gian. Từ thân cây ấy bong tróc ra những lớp vỏ cũ kĩ, nâu sồng mà lại rất cứng. Đó phải chăng chính là dấu vết của thời gian in lên trên thân gỗ, để ta có thể thấy được trăm năm của đời thảo mộc? Những cánh tay nhãn vươn lên vững chắc như muốn nâng đỡ cả đất trời. Tán cây xanh mươn mướt, nhất là sau những trận mưa lớn, tán cây lại khoác lên mình một màu xanh mướt như được phết lên một lớp dầu bóng. Lá nhãn thuôn dài, mượt mà như một nét mi. Lá dày nhưng không có chút gì của sự mềm mỏng. Ngay cả những cái lá non mới nhú cũng cho thấy sức sống của một loài cây khỏe. Chúng cứ mơn mởn trổ lá như thể đang phô diễn hết thảy cái sức sống mãnh liệt trời ban cho mình.
Mỗi dịp đầu hè là mùa hoa nhãn nở. Từng chùm, từng lớp thi nhau trổ ra làm vàng ươm cả một góc vườn. Hoa nhãn nhỏ li ti, kết lại thành từng chùm nom đẹp như những chùm sao. Nó báo hiệu cho một mùa nhãn được mùa. Khi cái nắng hè báo hiệu một mùa hè oi ả sắp đến, khi những tán cây đã dập dìu tiếng kêu văng vẳng của loài ve cũng chính là lúc nhãn kết trái ngọt. Khi cơn mưa hè dữ dội gột rửa sach những cái lá, khi chút nắng vàng ươm của mùa hè làm cho thịt vỏ săn lại, quả nhãn cứ to dần, to dần lên rồi chẳng mấy chốc mà thành quả ngọt chốn vườn. Trảy một vài chùm nhãn xuống, lắng nghe cái vị ngọt đang ứa ra trong từng lớp thịt, âu cũng đã là một sự thú vị rồi. Cùi nhãn dày, trắng đục nom đẹp như những viên ngọc trai. Hạt nhãn đen lay láy như ánh mắt của một người thiếu nữ đang độ xuân thì. Ăn một quả nhãn, cái vị ngọt ấy như chứa chan hết thảy cái nắng, cái gió của một mùa hè. Người ta nói, mùa nhãn tức là mùa hè đã chín quả là không sai.
Còn nhớ hồi em còn nhỏ, cây nhãn đã trải qua cùng gia đình em một trận bão lớn chưa từng có. Sáng ra khi cơn bão đã qua đi, cây nhãn đứng đó, trơ trụi lá, những cành to cũng rạp hết xuống gốc. Trông nó thảm hại và đáng thương biết bao, cứ tưởng sẽ chẳng qua nổi. Thế mà chỉ độ vài ngày sau, nhãn đã lấy lại cho mình sức sống thuở nào. Nó vươn lên đầy mạnh mẽ để rồi cho đến bây giờ vẫn luôn hoàn thành trọng trách của một kẻ gác vườn.
Cây nhãn đã gắn bó với em từ những ngày còn thơ bé đến khi đã trưởng thành. Vị ngọt của nhãn, sắc xanh ngọc tuyệt đẹp của loài cây ấy sẽ mãi mãi chiếm một phần trong trái tim em.
Tả loài cây em yêu: Tả cây chuối
Ở quê em, mỗi nhà đều có một khu vườn nhỏ trồng rau, cây trái. Mỗi người với sở thích, nhu cầu khác nhau thì sẽ có những lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung là ở bất kì khu vườn nào trong xóm em cũng có thể bắt gặp hình ảnh những cây chuối, bụi chuối. Bởi đơn giản, giống cây này không chỉ dễ trồng, ít công chăm sóc, lại còn đem lại giá trị kinh tế cao.
Giống chuối được trồng nhiều nhất ở quê em là giống chuối lùn. Gọi là chuối lùn vì nó gần như là loại thấp nhất trong các giống chuối. Nhưng một cây chuối lùn trưởng thành cũng cao từ 1m6 đến 1m8. Thân cây chuối thẳng đuột, to tròn như cột nhà, với nhiều kích thước khác nhau. Cây nhỏ thì thân chỉ to như bắp đùi của người lớn, cây to thì thân phải to đến con nít ôm không xuể. Thân chuối thực ra được tạo từ nhiều lớp bọc sát vào nhau như bánh bông lan cuộn, chứ không đặc một khối như các loại cây thân gỗ khác. Các lớp bên ngoài, gần gốc có màu xám sẫm, càng lên cao chuyển sang xanh đậm, rồi xanh ngọc. Rễ của cây chuối là rễ chùm, tuy không to, dai, chắc như các cây ăn quả khác, nhưng nó vẫn giúp cây bám rất chắc vào mặt đất. Bởi nó còn có một phần gốc cắm xuống lòng đất, thường được gọi là củ chuối.
Cây chuối không mọc thành các cành, mà chỉ có lá thôi. Lá chuối mọc trực tiếp từ phần ngọn của thân cây chuối. Từng lá chuối to, dài như cánh quạt trần tỏa ra tầng tầng, lớp lớp. Mỗi lá chuối sẽ có sống lá to, nằm ở giữa, và phần lá tỏa ra hai bên, liền thành một tảng chứ không chẻ thành nhiều phần nhỏ như lá dừa. Lá chuối càng ở dưới thấp thì sẽ càng to và có màu xanh sẫm hơn lá ở trên. Lá chuối non ban đầu dựng thẳng như thân cây, cuốn chặt như một phong thư chưa được mở. Sau nó sẽ lớn hơn, đậm màu hơn, cứng cáp hơn mà mở bung ra, duỗi thẳng.
Cây chuối kết trái không có thời gian cố định. Cứ khi tích lũy đủ chất, hấp thu đủ tinh hoa đất trời thì nó sẽ ra trái. Từ ngọn cây chuối nhú ra chồi hoa. Khi hoa nở ra, bên trong nó là các lớp nhụy hoa, Từng lớp thụ phấn thành từng nải chuối, kéo dãn dài ra tạo thành cả một buồng chuối to. Tất nhiên, cũng không có giới hạn nào cho một buồng chuối cả. Có buồng chỉ có vài ba nải, có buồng đã ghi nhận đến cả gần trăm nải. Mỗi quả chuối dài và cong cong như lưỡi liềm, thường to bằng tay lái xe máy. Mỗi cây chuối lùn, cả cuộc đời chỉ cho ra quả một lần. Sau lần đó, nó sẽ không thể ra hoa kết trái nữa. Mà dành sức dưỡng lên những cây con mọc sát cạnh mình, chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo. Những cây con đó, được mọc lên từ phần rễ, phần gốc của cây chuối ban đầu. Đó chính là lý do mà cây chuối thường mọc thành bụi, thành cụm.
Đối với người dân quê em, thì cây chuối không có bộ phần nào là bỏ phí cả. Quả chuối lúc chín ăn thơm, ngọt, bùi. Khi còn xanh thì có thể làm món chuối chiên ngào đường, hay làm nộm, ăn với gỏi cuốn. Hoa chuối khi đã kết trái xong, thái mỏng trộn với rau sống ăn bún, phở. Lá chuối thì dùng để gói bánh, bọc xôi, còn phần thân thì làm thức ăn cho gia súc. Thế là chẳng để thừa cái gì.
Từ bé, hình ảnh những tàu lá chuối rung rinh trong gió như những cánh chim khổng lồ đã in sâu vào trong tâm trí của em. Em mong rằng, rồi mai đây, dù kinh tế phát triển, cuộc sống có đổi thay như thế nào, thì cây chuối vẫn sẽ được người dân quê em yêu quý, gắn bó như hiện tại.
Tả loài cây em yêu: Tả cây hoa đào mẫu 2
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà cuối năm đã đến rồi. Trời trở nên rét lạnh, khô hanh. Thoảng trong gió là những tiếng hát mừng xuân rộn ràng. Trên phố, hình ảnh những cây nào hồng thắm đã lác đác xuất hiện. Báo hiệu nàng xuân đã sắp về rồi.
Nói về cây đào, thì cũng như cây mai, nó là loài hoa đặc trưng, biểu tượng cho mùa xuân của đất trời. Nhưng nếu như hoa mai là sự ấm áp, rực rỡ, rộn ràng, thì hoa đào chính là sự dịu dàng, đằm thắm, say sưa của đất trời.
Cây đào có rất nhiều chiều cao, cây thấp, có khi chỉ khoảng 1m, những có cây có thể cao đến gần 10m. Tuy nhiên, ở nước ta, người ta thường chuộng và xuất hiện nhiều nhất là những cây đào cao từ 1m6 đến 2m - xấp xỉ với một người đàn ông trưởng thành. Thân cây đào thường không quá lớn, đường kính phần gốc chỉ khoảng 10cm đổ lại. Càng lên cao sẽ càng nhỏ hơn. Không phải là thân của nó không thể to hơn nữa, mà đơn giản là do thị hiếu của người chơi đào đa phần thích dáng vẻ tinh tế, thanh thoát của nó. Phần vỏ ở thân cây có màu nâu sâm, hơi xù xì, lên gần ngọn thì bớt đi. Tùy vào người chăm cây, mà thân cây sẽ được uốn theo nhiều hình thù nghệ thuật khác nhau, mang những ý nghĩa, kì vọng khác nhau. Từ thân cây, các cành, các nhánh đào tỏa ra, nhỏ như cây đũa, được tỉa tót lại cho hài hòa với dáng vẻ của thân. Lá đào nhỏ như lá mai, nhưng dày hơn và màu xanh sẫm.
Điều đặc biệt của hoa đào, là khi hoa nở rộ, thì lá sẽ rụng hết. Chứ không như cây mai, hoa lá đan xen. Chính vì vậy, cả cây đào lúc đó như một ngọn đuốc hồng rực rỡ. Cánh hoa đào mỏng tanh như cánh bướm, màu hồng nhạt, xếp thành nhiều lớp. Ở phần sát gốc, màu hồng đậm hơn. Đến cả nhụy hoa cũng là màu hồng. Những bông hoa mọc chi chít từ cành cây, sát vào nhau trông vô cùng thích mắt. Cứ khi Tết đến, xuân về là đến mùa hoa đào nở. Và nếu như hoa mai thích nơi ấm áp, thì hoa đào chỉ hợp với nơi giá lạnh. Khi đất trời khô ráo, mọi người cuộn chặt trong lớp áo ấm hồ hởi chờ năm mới đến, là lúc mà hoa đào nở rộ.
Từ lâu nay, hình ảnh cành đào hồng tươi thắm đã trở thành biểu tượng của cái Tết Việt Nam ta. Nó cùng với bông mai vàng xuất hiện trên báo đài, các nhãn hiệu quảng cáo, trang phục, bánh kẹo… Nhìn thấy hoa đào là thấy năm mới đã đến sát bên thềm nhà. Chính vì vậy, em yêu quý và mong chờ nó vô cùng. Và mong sao, dù năm sau, năm sau và rất lâu nữa, hoa đào vẫn mãi giữ được vị trí tinh thần quan trọng như vậy trong lòng nhân dân.
Tả loài cây em yêu: Tả cây đu đủ
Nhà em có một khu vườn nhỏ, trồng nhiều cây trái thơm ngon như ổi, xoài, bưởi, nhãn… Nhưng trong đó, em yêu thích nhất là cây đu đủ được trồng ngay cạnh lối ra vườn.
Cây đu đủ cao tới gần hai mét, cao hơn mọi thành viên trong gia đình em. Thân cây thẳng đuột, to bằng bắp chân người lớn, càng lên cao thì càng bé hơn. Toàn thân cây như phủ một lớp vảy bạc li ti, càng lên cao thì lớp màu bạc ấy mỏng dần, để lộ ra màu xanh vốn có của thân cây. Dọc theo thân cây là rất nhiều “mắt”, càng gần gốc thì mắt sẽ càng to. Mẹ em bảo phần mắt đó chính là cội của những tàu lá đã rụng xuống rồi. Nên cây có bao nhiêu mắt chính là đã có từng đấy chiếc lá. Lá đu đủ thì khá to, xòe ra theo hình như bông tuyết vậy. Phần lá được nối với thân bởi một ống dài giống thân lá chuối vậy. Chính những chiếc lá đu đủ ấy đã là thứ đồ chơi mà bao đứa trẻ đều từng yêu thích. Bẻ một chiếc lá đu đủ là vừa để tạo thành một chiếc nón che ngang. Phần thân lá to dài sẽ là một chiếc gậy, chiếc que lý tưởng cho những lần đánh trận giả của bao cậu trai thuở ấy.
Cây đu đủ ra quả quanh năm, tùy vào sự chăm sóc của người làm vườn. Ở phần gốc lá, cuối ngọn cây, chính là nơi những chùm hoa đu đủ nở rộ rồi kết trái. Quả đu đủ có hình như quả hồ lô, lúc nhỏ có vỏ màu xanh lá mạ, ruột màu trắng, có mủ. Khi lớn lên nó sẽ to dần. Lúc gần chín vỏ có màu xanh nhạt hơn, ruột chuyển màu xanh ngọc, ánh vàng, ăn rất giòn và ngọt. thường dùng làm món nộm. Khi chín, vỏ chuyển màu vàng ươm, ruột có màu đỏ gạch. Ăn thấy mềm mịn, ngọt thơm vô cùng.
Ngày bé, điều mà em thường làm nhất, và cũng kiên trì nhất chính là đứng nhìn dưới gốc cây đu đủ. Chờ những ánh vàng tươi xuất hiện trong chùm quả. Mỗi ngày đều ra vườn nhìn ngắm một chút. Và khi nào cả trái đu đủ đã vàng ươm sẽ sung sướng gọi bố ra vườn để hái. Cái cảm giác háo hức chờ mong, rồi được thỏa mãn bằng từng miếng cắn ngọt lịm ấy là cả thiên đường tuổi thơ.
Đến nay, em đã lớn, trong vườn cũng có thêm nhiều cây ăn quả thơm ngon khác. Nhưng cây đu đủ vẫn mãi chiếm vị trí quan trọng nhất trong trái tim em.
Tả loài cây em yêu: Tả cây khế
Nhà bà ngoại em có vườn cây rất lớn. Trong đó trồng nhiều loại cây do ông bà tự mình chăm sóc. Trong đó, cây trồng lớn tuổi nhất chính là cây khế ngọt được trồng ở chính giữa khu vườn.
Cây khế rất cao, em không chắc là cây cao bao nhiêu mét, nhưng nó đã vượt hẳn lên cả mái ngói đỏ tươi của nhà bà. Thân cây to đến phải hai người ôm mới xuể. Vỏ cây màu nâu sẫm, thô ráp và nhăn nheo. Một số chỗ còn bám cả rêu xanh. Bộ rễ của cây cắm sâu vào lòng đất, nhưng cũng có những sợi bò lên mặt đất, to như cổ tay em, ngoằn ngoèo như những con rắn lớn. Tất cả đã đủ để nói lên tuổi đời của cây khế.
Từ thân cây, tỏa ra rất nhiều cành, đan xen chằng chịt như mạng nhện. Các cành chính rất to và vững chắc, đến hai người cùng ngồi lên cũng không sao. Khắp các cành, tỏa ra vô vàn những chiếc lá xanh to bằng cái thìa con, xanh thẫm. Cả tán cây như một chiếc ô màu xanh khổng lồ che mát cả một góc vườn.
Đến mùa ra hoa, xen lẫn trong tán lá là những chùm hoa li ti màu tím biếc. Mọc ra từ các nhánh thân cây, trông như những nàng tiên cánh bướm tí hon đang nhảy múa trong gió mát. Ngày tháng trôi qua, từng chùm quả khế cũng xuất hiện. Thế là dưới ánh mắt thèm khát trông chờ của lũ trẻ con, trái khế chuyển dần từ xanh sẫm, sang xanh ngọc, vàng chanh rồi vàng ươm. Mùi thơm của trái chín theo gió bay khắp sân vườn, mời gọi mọi người đến thưởng thức. Cắn một miếng, bao nhiêu là vị ngọt thanh, giòn tươi chiếm đầy cả khoang miệng. Phải cắn miếng thật to, thật đầy, rồi ăn liên tục vài ba quả thì mới bõ cái công chăm bẵm, mong ngóng suốt lâu nay.
Đối với em, hình ảnh cây khế ngọt sau vườn giống như là một người bạn thân thiết. Em mong rằng cây sẽ mãi luôn mạnh khỏe và phát triển tốt. Để mùa hè năm nào em cũng được về quê, trèo lên thân cây to lớn ấy mà nô đùa.
Tả loài cây em yêu: Tả cây dừa
Quê em là một xóm nhỏ tại miền Tây sông nước. Ở đó, có những người dân quê chân chất thật thà. Có những dòng sông, con nước đan xen chằng chịt. Có những miệt vườn xum xuê cây trái. Nhưng em yêu thích và ấn tượng nhất vẫn là những hàng dừa xanh mọc dọc bên bờ sông phía sau nhà.
Những cây dừa ở quê em không bao giờ đơn độc đứng một mình. Khi nào cũng có vài ba cây dừa được trồng gần nhau. Giống như tình làng xóm láng giềng luôn quan tâm, đùm bọc lẫn nhau của người dân nơi đây. Điều đặc biệt là, những cây dừa ở đây không quá cao như ở nơi khác. Chỉ khoảng 2 đến 3 mét. Thân cây thì lại rất to, mũm mĩm, mọc xiêu vẹo, cong cong theo các hướng khác nhau. Vì vậy, mà việc leo trèo, hái quả, hái lá của cây dừa nơi đây trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thân dừa cứng cáp màu nâu sẫm, chia thành nhiều khúc. Càng lên cao, thân dừa càng nhỏ dần đi và các khúc thân cũng dài hơn. Rễ dừa thì xuề xòa y như rễ tre, nhưng nó lại to hơn và trồi lên mặt đất khá nhiều. Dù vậy, cây vẫn rất chắc chắn và mạnh khỏe. Dù một lúc cá cả vài ba đứa nhóc trèo lên vẫn chẳng lo gì. Lá dừa quê em có kích thước rất lớn, có lá còn dài chạm đến mé sông, mặt đất. Những chiếc chĩa lên cao thì có màu xanh mới, khi có gió thổi qua, lại rung rinh, như muôn cánh tay đang vẫy chào trời cao. Còn những tàu ở thấp lại có màu xanh sẫm hơn. Đặc biệt, những tàu sà xuống gần mặt đất, sẽ vô cùng tơi tả, do lũ trẻ con bám lên đó mà đánh đu. Đó cũng là trò chơi thú vị mà dân dã của trẻ em nơi đây. Những chùm dừa sẽ nằm sát dưới nách các tán lá, tít trên cao. Nơi mà các người rành trèo cây mới lên hái được. Một chùm thường sẽ có từ 5 đến 7 trái dừa. Tuy những trái dừa này không to lắm, thường chỉ bằng cái tô con ăn hủ tiếu. Nhưng lại có nước ngọt thanh, cùi cũng dày và bùi béo. Từ trái dừa ấy, bao nhiêu món ngon hấp dẫn được các dì, các mẹ, các chị chế biến.
Mỗi lần về quê, em lại sung sướng cùng các bạn tụ tập dưới gốc cây dừa bên mé sông. Để cùng nhau tỉ tê kể những câu chuyện thú vị, rồi cười phá lên thích thú. Và để cùng nhau chơi những trò chơi hấp dẫn dưới gốc dừa. Nào là chơi đánh đu trên tàu lá, thi trèo cây, đuổi bắt quanh gốc cây. Chơi mệt, lại đem những nước dừa, mứt dừa mẹ làm ở nhà ra chia sẻ cho nhau ăn. Vui thú vô cùng.
Cây dừa gắn bó với tuổi thơ của mọi người dân nơi làng quê này, và cùng họ lớn lên, trưởng thành. Dù đã từng đi chơi rất nhiều nơi, ngắm nhiều loại cây cao lớn, đẹp đẽ, quý giá. Nhưng với em, hình ảnh hàng dừa xanh, trồng dọc bờ sông sau nhà bà, sẽ mãi luôn là hình ảnh loài cây đẹp nhất.
Tả loài cây em yêu: Tả cây hoa mai
Mùa xuân là mùa mà trăm hoa đua nhau khoe sắc, cây cối cũng rủ nhau chuyển mình, khoác lên những chiếc áo tươi xanh, rạng rỡ. Thế nên, nhìn đâu cũng là tươi mới, cũng là sắc xuân. Thế nhưng, dù có cả rừng cây tươi đẹp như thế, thì đối với em, cây hoa mai vẫn là loài cây đẹp nhất của mùa xuân. Chính vì vậy, mà trước sân nhà em, ở vị trí đẹp nhất đã được trồng một chậu mai vàng.
Cây mai vàng nhà em năm nay đã 6 tuổi rồi, vì vậy thật không có gì ngạc nhiên khi nó có kích thước khá to lớn so với một cây hoa. Cây cao hơn hai mét, với nhiều cành, nhiều nhánh nhỏ, tỏa ra xum xuê. Thân cây to như bắp chân của người đàn ông trưởng thành, cứng cáp và chắc nịch. Phần dưới gốc có màu nâu sẫm hơn phía thân trên, và bề ngang cũng lớn hơn nhiều. Cả thân cây, được bố em uốn theo hình xoắn ốc, các nhánh tỏa ra xung quanh trông rất đẹp và nghệ thuật. Các nhánh mai lại được cắt tỉa gọn gàng, đều nhau, nhìn đến là ưa mắt. Cả năm, cây mai luôn được bao phủ bởi từng lớp lá xanh tươi. Lá mai to bằng cái thìa ăn cơm, mỏng tanh và mềm mại. Sờ vào mướt như lớp bánh cuốn. Kể cả mùa thu, chớm đông rét mướt, lá cây vẫn xanh tươi, rộn rã.
Ấy thế nhưng, cứ đến tầm giữa mùa đông, cây mai lại tự nhiên rụng lá. Không có dấu hiệu gì báo trước, từng chiếc lá cứ thế mà từ giã thân mẹ để trở về với mặt đất. Điều này diễn ra một cách chậm rãi, từ tốn trong suốt cả tháng trời. Hôm nào, dưới gốc cây cũng có cả nhóm lá khô rơi rụng. Bố em bảo, lá cây rụng chính là để nhường lại không gian, chất dinh dưỡng cho hoa mai sắp nở. Đến cuối năm, khi xuân sắp về, trên thân cây trơ trọi còn sót và ba chiếc lá cũ, những mầm non lại nhú lên. Nho nhỏ, xanh nõn, lấp ló, đáng yêu đến lạ lùng. Những hôm này, em và bố sẽ dành thời gian, ra tỉa nốt những chiếc lá già còn sót lại trên thân cây, để cây mai thực sự được đón một mùa mới. Chỉ mấy hôm sau thôi, cả thân cây có đầy những lộc non to như hạt hướng dương, chỉ thẳng lên trời, như những ngọn nến li ti. Cùng với đó, là vô số các hạt tròn nhỏ, nằm chi chít trên khắp cành, thân mai. Đó chính là nụ mai vàng đấy. Thế là với gió se, nắng vàng, nàng xuân đến gõ cửa trần gian. Nàng đánh thức cả những nụ hoa nhỏ đang ngủ say trong sự vỗ về của đất trời. Vậy là mai nở. Từng bông hoa vàng tươi năm cánh như những nụ cười rực rỡ. Những cánh hoa nhỏ, mỏng như cánh bướm, khẽ rung rinh, chập chờn trong nắng mai, lấp la lấp lánh. Cả cây mai ngập tràn ánh vàng, như muôn nghìn chú bướm vàng đang đậu lại nơi đây. Xen kẽ với đó, là những chiếc lá non tươi mới nhú, có màu tím pha chút xanh non. Nhìn từ xa, toàn bộ cây như một ngọn đuốc rực rỡ. Báo hiệu cho mọi người rằng xuân đã về rồi, hãy tươi vui, hãy năng động lên nào.
Mỗi khi mai nở chính mùa, chính là lúc nhà nhà sống trong niềm vui hân hoan sum vầy của ngày Tết. Trong ánh nắng chan hòa của ngày xuân, cây mai cùng bao người vui cười bên mâm cỗ với bánh chưng, hạt dưa, kẹo mứt… Thật hạnh phúc biết bao. Và khi mùa xuân qua đi, cây mai lại trở về với màu xanh trầm mặc. Lại cặm cụi chắt chiu từng tinh hoa đất trời mà nuôi dưỡng, mà ấp ủ. Chờ khi nào cánh én báo tin, sẽ lại bung tỏa thêm lần nữa.
Cây mai vàng không chỉ là một cây cảnh với vẻ ngoài xinh đẹp. Mà nó còn mang những ý nghĩa, biểu trưng tinh thần đặc biệt với mọi người. Vì thế, dù ngày xuân có vô vàn những loài hoa, loài cây đẹp, thì em vẫn luôn yêu mến cây hoa mai vàng nhất.
Tả loài cây em yêu: Tả cây xoan
Ở những làng quê miền Bắc, đâu đâu cũng có cây xoan, một thứ cây quen thuộc, gắn bó với cuộc sống của người nông dân tự bao đời. Từ vùng trung du đất cằn sỏi đá đến vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ, xoan được trồng trên đồi hay ven con đường làng uốn lượn quanh co, quanh nhà. Xoan rất dễ sống. Người ta chỉ cần đào một cái hố nho nhỏ, ươm cây xoan con con và đặt vào đó một niềm hi vọng.
Thời gian trôi qua rất nhanh. Khoảng năm đến sáu năm sau, cây xoan đã trưởng thành. Thân cây cao và thẳng tắp, màu nâu sẫm. Cành xoan khẳng khiu, đầu cành lưa thưa một vài túm lá. Lá xoan mỏng và nhỏ, màu xanh đậm, phất phơ trước gió.
Cây xoan đẹp nhất là vào cuối tháng ba, mùa hoa xoan nở. Những bông hoa nhỏ bé, cánh tím phớt, điểm mấy chấm đen li ti nở thành từng chùm. Mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua, những chùm hoa lại đong đưa, đong đưa khe khẽ. Không khí trong làng thơm ngát hương hoa xoan, một mùi thơm mộc mạc, dịu dàng hơn cả hoa cau, hoa bưởi.
Ở làng em, nhà nào cũng trồng xoan. Ngọn xoan cao vượt lên khỏi những khu vườn cây cối xanh um. Sau trận mưa, hoa xoan rơi đầy lối ngõ, rắc trên những luống rau cải xanh mướt và lấm tấm cả trong vại nước trước sân nhà.
Ngắm hàng xoan trồng trước ngõ, ông em tấm tắc khen cây nào cũng to, cũng đẹp sang năm là có thể đốn xoan làm cột, dựng thêm chiếc nhà ngang. Gỗ xoan dẻo dai, bền chắc và đặc biệt là không mối mọt nào đục được. Ông bảo em nhớ nhắc ông bữa nào tỉa bớt lá xoan già để ủ làm phân xanh bón lúa.
Giống như tre, trúc, cây xoan là bạn thân của người nông dân Việt Nam từ ngàn xưa. Xoan mọc ở khắp nơi, không chê đất xấu đất cằn. Nét đẹp giản dị của cây xoan góp phần làm nên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên thanh bình chốn làng quê Bắc bộ.
Tả loài cây em yêu: Tả cây xoài
Trong tất cả các loại cây ăn quả được trồng trong vườn của ông bà em, em thích nhất là cây xoài cát mà ông em đã trồng từ năm em được ba tuổi. Nó không chỉ là một cây cho gia đình em những trái ngọt mát mỗi khi hè đến mà đây còn là một loài cây cho bóng mát rất hữu ích.
Cây xoài cát được ông em mang giống từ trong miền Nam. Em nghe ông nói là do một người bạn đã từng chiến đấu với ông trong kháng chiến trong một lần ông tới thăm đã đưa giống cho ông. Hồi ông mang cây về trồng em còn bé quá nên không nhớ nhiều, em chỉ nhớ là mỗi ngày hè nào, cây xoài luôn là một trong những điểm đến thú vị của lũ trẻ con trong xóm em. Rồi lại tíu tít nói đủ mọi chuyện trên đời.
Cây xoài của nhà ông em cao bằng một cái nhà xây 2 tầng, tán lá xum xuê, tỏa bóng mát rộng khắp một góc vườn. Thân cây có màu nâu đậm, trên đó có những vằn dọc màu nâu nhạt. Gốc cây to bằng một người ôm, lá cây to và xanh đen. Điều em thích nhất ở cây xoài là nhựa cây có một mùi rất đặc trưng, đó là một mùi nhựa ngai ngái nhưng lại đậm chất xoài trong đó.
Vào mùa xuân, cây đâm chồi nảy lộc và những chùm hoa bé tí ti lại làm rực lên cả góc vườn. Đến mùa hè, cây lại cho những trái xoài thơm ngọt. Quả bằng hai bàn tay người chụm lại, khi quả chín, vỏ có màu vàng và sực nức mùi. Trên quả khi chín còn có những vết đồi mồi tạo nên một vẻ rất riêng cho xoài cát.
Em rất thích ra hóng mát và ngồi nói chuyện với các bạn trong xóm vào những ngày hè nóng nực. Vừa được ngồi dưới gốc cây, vừa được ăn những trái xoài ngọt em lại càng biết ơn công sức chăm sóc cây của ông em để có thể cho chúng em có những trái ngọt như ngày hôm nay.
Tả loài cây em yêu: Tả cây bưởi
Mỗi mùa xuân sang, em lại thấy lòng mình trào lên một niềm xúc động kì lạ, đặc biệt là khi đứng ngắm nhìn cây bưởi trước nhà trổ hoa. Em yêu quý cây bưởi nhiều hơn cả so với những cây khác trong vườn.
Em dành tình cảm cho cây bưởi bởi nó gắn với những kỉ niệm về ông nội. Bố em kể rằng, ngày em chào đời, ông đã vui mừng trồng cây bưởi trước sân với mong ước cháu gái lớn lên sẽ thanh khiết, dịu dàng như hương hoa bưởi. Những buổi chiều gió mát, ông lại bế em đến ngồi gốc cây hóng gió… Giờ đây, ông không còn nữa, cây bưởi vẫn xanh tươi như tình cảm ông dành cho em vẫn ấm áp như ngày nào.
Cùng tuổi với em nhưng cây bưởi đã cao lắm, tán cây vượt hẳn mái ngói ngôi nhà của em. Bồi hồi đứng dưới vòm lá xanh tươi, ngước nhìn lên, phía trên, em thấy ánh sáng được lọc qua tán lá trở thành một thứ màu xanh trong như ngọc. Chợt, “chiếc ô ngọc bích” khẽ rùng mình lao xao, những tia nắng lọt qua khe lá nhảy nhót dưới mặt đất. Chao ôi! Thơm quá! Em ngỡ ngàng trong hương hoa dịu dàng thanh khiết, nhìn những bông hoa rụng theo gió bay. Ông ơi! Có phải ngày cháu ra đời, ông đã ước cháu sẽ đẹp dịu dàng như hoa bưởi? Em bồi hồi cúi nhặt bông hoa rơi. Hoa bưởi có năm cánh màu trắng muốt – màu trắng của chiếc áo nữ sinh em thường mặc khi đến lớp. Nhị hoa vàng tươi lấm tấm những hạt phấn nhỏ li ti. Em khẽ áp bông hoa lên mũi, một mùi hương nồng nàn dâng lên, những hạt phấn vàng li ti cũng dính nhẹ lên mũi em thật ngộ. Chỉ một lát nữa, mẹ sẽ nhắc em nhặt những bông hoa bưởi rụng để thả vào nước gội đầu: bao nhiêu năm nay mẹ con em gội đầu bằng nước nấu từ vỏ bưởi, lá bưởi và thả những bông hoa xinh đẹp vào nước để làm mềm mượt mái tóc đen dài…
Từng cánh hoa bưởi rụng xuống khiến em nghĩ đến một ngày kia những quả bưởi non sẽ lần lượt xuất hiện. Chúng nho nhỏ, xinh xinh, ban đầu bé xíu rồi lớn dần bằng nắm tay em bé, rồi như vốc tay người lớn. Cây bưởi này thường đậu quả rất sai. Những trái bưởi non đông đúc treo mình trên cây như đám trẻ con nghịch ngợm. Nhất là khi có gió, chúng thoắt ẩn thoắt hiện sau tán lá như chơi trò trốn tìm với nhau. Nếu lỡ có trái bưởi non nào rụng, em sẽ chẳng để chú phải buồn vì xa lìa anh chị em. Chú bưởi non ấy lập tức thành quả chuyền vừa ý trong trò chơi đánh chắt thú vị. Nếu bưởi rụng lúc đã khá to thì đã có cậu hàng xóm sẵn lòng lấy làm bóng đá với bạn bè. Em nghĩ: đâu chỉ có trái bưởi là ngon và bổ mà cả hoa bưởi và trái bưởi non cũng trở thành vật có ích cho người.
Cây bưởi nhà em rất sai quả nên khi bưởi già, mẹ em thường hái đem biếu họ hàng, hàng xóm để mọi người cùng thưởng thức. Nhìn những múi bưởi, tép bưởi căng mọng đã thấy ngọt mát tấm lòng. Có điều thật lạ, đã mười mấy năm rồi mà quả vẫn ngọt mát, không hề chua như nhiều cây bưởi khác. Các cô bác hàng xóm khen mẹ em khéo chăm cây nhưng mẹ bảo đó là lộc ông nội để lại cho con cháu. Em cầm trái bưởi vàng ươm trên tay mà lòng bồi hồi, xúc động.
Cây bưởi đã gắn bó với em bởi nhiều kỉ niệm và tình cảm thiêng liêng như thế. Em yêu quý loài cây ấy vì tất cả những gì em cảm nhận được từ ý nghĩa, vẻ đẹp kì lạ của cây.
-----------------------------------------------------------------------------------------
Trên đây VnDoc đã gửi tới các bạn tài liệu Tả một loài cây em yêu thích lớp 7. Hy vọng thông qua các bài văn mẫu mà VnDoc đã cung cấp ở trên, cùng với cách hành văn của mình, các em sẽ biết cách xây dựng bài văn Tả loài cây em yêu thích một cách hoàn chỉnh, đầy đủ ý và đảm bảo yêu cầu bài ra. Với cấu trúc của một bài văn miêu tả loài cây yêu thích ở trên, các em cũng có thể căn cứ vào đó để lựa chọn cho mình một loài cây khác để trình bày bài viết theo ý của mình nhé.
Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm Ngữ văn lớp 7, Soạn văn 7 được cập nhật liên tục trên VnDoc để học tốt Văn 7 hơn.
Từ khóa » Tả Bài Văn Cây Cối Lớp 7
-
Văn Mẫu Miêu Tả Cây Phượng Lớp 7 Hay Nhất
-
Biểu Cảm Về Cây Phượng (16 Mẫu) - Văn 7
-
Tả Loài Cây Em Yêu Lớp 7 ❤️️ 15 Bài Văn Tả Hay Nhất - SCR.VN
-
Bài Văn Tả Cây Phượng Lớp 7 ❤️️ 15 Bài Văn Mẫu 10 Điểm
-
Văn Mẫu Lớp 7: Tả Một Loài Cây | Học Cùng
-
[ Văn Mẫu Lớp 7] - Bài Văn Tả Cây Phượng Lớp 7 Hay Nhất
-
Văn Mẫu Lớp 7 Loài Cây Em Yêu (14 Mẫu) - Cẩm Nang Bếp Blog
-
Những Bài Văn Hay Tả Cây Cối Lớp 7 - 123doc
-
Tả Cây Bàng - Văn Hay Lớp 7 - Bài Tập Hay
-
Top 15 Bài Văn Tả Cây Phượng, Hoa Phượng Hay Nhất - Thủ Thuật
-
Tả Cây ăn Quả Lớp 7 | Văn Học Vui
-
Bài Văn Tả Cây ăn Quả Lớp 7 - 123doc
-
Bài Văn Tả Về Một Loài Cây Em Yêu Lớp 7 Hay Nhất - VFO.VN
-
Bài Văn Tả Cây Phượng Lớp 7 Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu
-
Top 3 Bài Văn Tả Cây Xoài Lớp 7 Hay Nhất (có Sử Dụng Yếu Tố Biểu Cảm)
-
Top 16 Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Phượng (lớp 7) Hay Nhất
-
10+ Bài Văn Tả Và Cảm Nghĩ Về Cây Phượng Lớp 7 Tuyển Chọn ...
-
Bài Văn Mẫu Lớp 7: Văn Biểu Cảm Về Cây Phượng