Tác động Của "Đồ án điều Chỉnh Quy Hoạch Chung Xây Dựng Tp ...

Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch chung 2010) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg/ngày 06/01/2010. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch này đã góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển đô thị TP HCM. Để hiểu rõ những tác động nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của Đồ án này, cần nhất thiết nghiên cứu đánh giá tác động (bước đầu) của Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025”.

Thời hạn 4 năm là khá ngắn, do vậy, khi đánh giá tác động, chuyên đề cũng sẽ đề cập đến Đồ án quy hoạch chung xây dựng năm 1998 và một số đồ án quy hoạch khác có liên quan, đồng thời khái quát những kết quả mang lại.

1

2

3 Việc so sánh các Đồ án quy hoạch chung xây dựng của TPHCM qua các thời kỳ (được phê duyệt vào năm 1993 và điều chỉnh vào các năm 1998 và 2010) đã cho thấy rõ xu hướng huy động nguồn tài nguyên đất đai phục vụ phát triển đô thị ngày càng gia tăng (thông qua việc mở rộng ranh giới lập quy hoạch)

Tăng trưởng và phát triển sau Quy hoạch chung 2010: Thành tựu phát triển kinh tế thành phố trong 4 năm qua Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân giai đoạn 2011 – 2013 tăng 9,6%, gấp 1,74 lần so cả nước (5,6%); đây là dấu hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nếu như tăng trưởng năm 2012 chỉ đạt 9,2%/năm thì đến năm 2013 đã tăng nhẹ ở mức 9,3%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Tăng dần tỉ trọng thương mại – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp – xây dựng. Nếu như năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng đạt mức 41,0%, đến năm 2013, giảm còn 40,6% trong khi khu vực dịch vụ tăng từ 57,9% lên đến 58,4% ở 2 mốc thời gian tương ứng. Một trong những điểm đáng lưu ý là các chỉ số kinh tế đại diện cho chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Cụ thể chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp – TFP (Total Factor Productivity) đã tăng từ 28,3% năm 2010 lên 30,1% năm 2013, thể hiện chất lượng tăng trưởng đã giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2010 – 2013 ước đạt 817.142 tỷ đồng; từng bước phát triển theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực công giảm dần (từ tỷ trọng 30,8% năm 2010 giảm còn 22,1% năm 2013), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực tư tăng dần (từ 49,8% năm 2010 lên đến 62,1% vào năm 2013), thể hiện chính sách xã hội hóa, huy động nguồn lực các thành phần kinh tế (nhất là kinh tế tư nhân) đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Những con số trên thể hiện kết quả tăng trưởng kinh tế thành phố trong 3 năm qua đã những đạt thành tựu đáng khích lệ và vai trò của quy hoạch và thực thi quy hoạch (về định hướng phát triển không gian đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng cũng như phát triển các khu dân cư mới), góp phần không nhỏ vào kết quả trên.

Để làm rõ những tác động từ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 2010, trước tiên cần nắm rõ những mục tiêu chủ đạo của Đồ án 2010 có những điểm nổi bật gì liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của thành phố?

Những mục tiêu chủ đạo của Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng 2010 Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung 2010 có những điểm nổi bật, nhấn mạnh hơn so với các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung trước đây: Về mục tiêu định hướng phát triển không gian đô thị, quy hoạch đã định hướng di chuyển các cảng biển nằm sâu trong nội thành ra bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển khu vực trung tâm nội thành hiện hữu (đây là điểm mà quy hoạch chung năm 1998 chưa đề cập). Bên cạnh đó, vấn đề liên kết vùng được chú trọng khá nhiều trong điều chỉnh quy hoạch chung 2010, thông qua định hướng phát triển các trục giao thông đối ngoại, tăng tính liên kết trong Vùng với các tỉnh xung quanh ngày càng cao, nhằm mục đích tác động tới sự hình thành các đô thị trong Vùng.

Về mục tiêu tác động phát triển kết cấu hạ tầng, Đồ án cũng định rõ cần triển khai phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu đồng bộ hóa, đồng thời tập trung đề xuất giải quyết quy hoạch cốt nền là vấn đề trong nhiều năm qua chưa được giải quyết. Vấn đề quy hoạch thống nhất cốt nền góp phần quan trọng trong việc giải quyết ngập úng. Ngoài ra, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung 2010 còn đề cập đến quy hoạch cơ sở hạ tầng ngầm và công trình ngầm đô thị, tăng mỹ quan cho thành phố. Về mục tiêu phát triển khu dân cư mới, Đồ án định hướng phát triển các khu có quy mô lớn (hơn 500 ha) theo hướng đa cực, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển các dự án quy mô nhỏ và không phát triển các dự án phân lô hộ lẻ; quy hoạch phân bố khu dân cư theo 4 hướng quy hoạch đề ra.

Đồng thời, Đồ án Quy hoạch định hướng chuyển đổi mô hình từ nhà thấp sang nhà cao tầng hiện đại ở khu phố cũ trung tâm (thông qua chỉnh trang và xây mới) nhằm giảm dân số, giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình, tăng công viên cây xanh…Vấn đề cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc đô thị cũng được coi trọng, nhằm góp phần duy trì và tạo dựng bản sắc đặc trưng của TP HCM. Như vậy, những mục tiêu chủ đạo nêu trên, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung 2010 đã tác động đóng góp như thế nào vào sự phát triển của thành phố trong thời gian qua?

Lượng hóa một số tác động từ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM năm 2010 đến phát triển thành phố 1. Kế thừa và tiếp nối từ Đồ án Quy hoạch chung năm 1993, năm 1998 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Khi đánh giá tác động của Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng năm 2010, cũng đồng thời phải tính đến thời gian nghiên cứu và lồng ghép các ý tưởng quy hoạch từ thực tiễn nghiên cứu vào trong đồ án, bắt đầu từ năm 2004. Sau hơn 6 năm nghiên cứu, những ý tưởng kế thừa đã được đưa vào (như Dự án Đại lộ Đông Tây và tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai ngoài…). Do vậy, trên thực tế, không thể chỉ đánh giá riêng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch năm 2010, mà còn phải liên kết sự tiếp nối của một số dự án từ Đồ án Quy hoạch chung phê duyệt năm 1998 (điển hình nhất là hầm Thủ Thiêm, nối liền Đại lộ Đông Tây…). 2. Một số tác động của Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2010 Sau hơn 4 năm triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 2010, có thể nhận thấy một số tác động tích vực tới việc xây dựng phát triển Thành phố như sau: a) Trước tiên, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 2010 (kế thừa quy hoạch chung xây dựng năm 1998) đã tác động thu hút đầu tư nước ngoài, thông qua cung ứng đất quy hoạch và cơ sở văn phòng cao cấp cho thuê đối với các công ty đa quốc gia. Sau năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, năm 1998 gia nhập APEC, 2007 gia nhập WTO, dẫn đến tăng nhu cầu đất đô thị dành cho phát triển thông qua thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã cung ứng dịch vụ nhà ở, văn phòng và các dịch vụ cao cấp cho các đối tác nước ngoài tại TP HCM, trong khi khu trung tâm Thành phố đã hết đất. Tính đến thời điểm 12/2012, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã thu hút 16 ngân hàng tầm cỡ, 46 dự án thương mại, dịch vụ (showroom Toyota, BMW, tòa nhà Lawrence S.Ting, Unilever, Nam Long, Trung tâm thương mại Crescent Mall, Paragon, Thiên Sơn Plaza,…), cùng hàng trăm doanh nghiệp thứ cấp đã đóng trụ sở tại đây. Tổng số người nước ngoài sinh sống tại đây là 9.354 người, chiếm tỷ lệ 46,0% số dân hiện có. Sự hiện diện của các công ty đa quốc gia giúp Thành phố tăng tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế. Đến thời điểm năm 2010, tổng diện tích đất đô thị đã lên đến 494 km2 (tăng thêm 352 km2 so năm 2003). Sau khi có Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2010, nhiều nhà đầu tư Châu Á (như Malaysia, Singapore) đã đến và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản rất lớn. Số liệu thống kê 2012 cho thấy, Malaysia đứng hàng thứ nhất về quy mô vốn đầu tư với con số 5,85 triệu USD, Singapore đứng hàng thứ hai: 5,67 triệu USD, với nhiều dự án bất động sản cao cấp. b) Tác động tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu của khu vực dịch vụ TPHCM. Khu vực dịch vụ trong cơ cấu GDP tăng từ 57,9% lên 58,4% từ năm 2010 đến 2013. Điểm nổi bật trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng năm 2010 là việc di dời cảng ra bên ngoài và dự án bờ Tây sông Sài Gòn đã được hình thành, hứa hẹn nhiều tiềm năng chỉnh trang, phát triển và hiện đại hóa khu trung tâm, tăng đáng kể giá trị ngành dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện đầu tư hiện đại hóa dịch vụ logistics tại cảng Hiệp Phước. Bên cạnh đó, thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP HCM năm 2010, vai trò Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được xác định là trung tâm TP, nhờ đó Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thành phố ưu tiên tập trung công tác giải tỏa bồi thường (gần như dứt điểm) và hiện đang đầu tư một số trục, tuyến chính. Đây là dự án nhiều tiềm năng, góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế (ngành dịch vụ là chính). Cũng từ Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP HCM năm 2010, khu trung tâm được phát triển nhiều hơn với nhiều dự án hình thành phố đi bộ, du lịch phát triển. Khách du lịch đến TP HCM ngày càng gia tăng, doanh thu du lịch từ dịch vụ lữ hành tăng từ 9.514 tỷ đồng (năm 2010) lên đến 12.596 tỷ đồng (năm 2012). Chính nhờ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP xây dựng năm 2010, Thành phố từng bước triển khai phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu đồng bộ hóa. Cụ thể, dịch vụ cấp nước đang được chú trọng, nhất là mạng lưới phủ khắp thành phố với mục tiêu phấn đấu cung cấp 100% nước sạch cho dân cư đô thị vào năm 2014. c) Góp phần làm tăng giá trị đất ở các khu vực được quy hoạch, tăng nguồn thu xã hội. Một số công trình phát triển không gian phía Nam thành phố (như mở rộng đường Rừng Sác (Cần Giờ), phát triển Phú Mỹ Hưng (quận 7), triển khai Khu đô thị cảng Hiệp Phước (Nhà Bè), nạo vét luồng sông Soài Rạp đón tàu biển tải trọng 50.000 tấn… Đất Huyện Nhà Bè có giá trị thấp, sau khi có các công trình (như cảng Hiệp Phước), đã kéo giá đất gia tăng gấp 4-5 lần so với trước kia. d) Tác động giảm thiệt hại do ùn tắc giao thông gây ra hàng năm hàng nghìn tỷ đồng. Vị trí kẹt xe thường xảy ra tại các nút giao cắt hoặc do chưa hoàn chỉnh trục hướng tâm, xuyên tâm. Do vậy, sau năm 2010, một số tuyến đường hướng tâm, xuyên tâm đã được tập trung hoàn thành (VD: Dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội mở rộng, Quốc lộ 1A phía Tây…). Thành phố đang từng bước khép kín vành đai 2 với mục tiêu giảm lượng xe băng qua khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc trong nội đô. Sau khi có các tuyến vành đai, tuyến hướng tâm được xây dựng, cùng với một số cầu vượt đã được xây dựng tại các giao cắt bùng binh nội thành, số vụ ùn tắc đã giảm đi đáng kể. Ngoài ra, Thành phố đã xác định tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và Xa lộ Hà Nội (về phía Đông) là hành lang phát triển chính; Trung ương và Thành phố tập trung đầu tư tuyến này, đã khánh thành vào đầu năm 2014. Đây là tuyến giao thông quan trọng, góp phần tăng tính liên kết vùng, giảm thời gian đi lại giữa TP HCM và Vũng Tàu (chỉ còn 50-60% so với trước đây). e) Giảm ngập nước (gây thiệt hại hàng năm rất lớn), giảm ô nhiễm. Sau năm 2010, Thành phố đã hoàn chỉnh và công bố cốt san nền, giúp một số nơi hạn chế ngập úng do triều cường, mưa. Thành phố đã quy hoạch các bãi chôn lấp rác và tăng tỷ trọng xử lý rác bằng phân vi sinh (compost) và áp dụng công nghệ đốt rác. Điểm đáng lưu ý là thành phố đã chủ động phối hợp cùng các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, triển khai ngăn ngừa ô nhiễm các sông rạch, nhất là các sông đi qua nhiều tỉnh thành trong vùng. f) Cuối cùng, nhờ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng năm 2010, Thành phố đã chỉnh trang vỉa hè và cho phép kinh doanh một số tuyến có thu phí, góp phần tăng cơ hội việc làm và thu nhập của người dân. Cụ thể, Ủy ban nhân dân Thành phố đã công bố Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 06/02/2013 về ban hành danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí trên địa bàn TP. Quyết định này thay thế các Quyết định số 5010/QĐ-UBND ngày 03/11/2009, Quyết định số 4030/QĐ-UBND ngày 07/8/2012, Quyết định số 4410/QĐ-UBND ngày 24/8/2012 của Ủy ban nhân dân TP HCM. Như vậy, Quyết định điều chỉnh đã thay đổi khá nhiều đối với danh mục cho phép sử dụng kinh doanh, dịch vụ, buôn bán hàng hóa trên vỉa hè, từ 112 tuyến chỉ còn 13 tuyến. Đây là cơ sở để quản lý vỉa hè phù hợp thực tiễn phát sinh, đồng thời cho phép người dân khai thác buôn bán kinh doanh trong phạm vi thời gian nhất định.

Bên cạnh các tác động tích cực nêu trên, một tác động tiêu cực lớn nhất của Đồ án là do giá cả đất đai nhà ở trong khu quy hoạch khu dân cư chính quy vượt quá mức thu nhập người dân. Do vậy, một số khu đô thị hiện đại, quy hoạch bài bản lại để hoang, trong khi đất trong hẻm, hạ tầng kém, ô nhiễm và ngập lụt, thì vẫn có nhu cầu mua do phù hợp túi tiền của người dân. Điều này đã tác động rất lớn đến thị trường bất động sản trong thời gian qua.

Một số thách thức đặt ra trong thời gian tới 1) Thiếu vốn đầu tư Thách thức lớn nhất hiện nay là nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng, trong khi khả năng thành phố chưa thể đáp ứng, gây bất cập trong công tác đầu tư và nhất là triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch đã định hình, với nhiều dự án đầu tư quan trọng, được đặt ra trong thời gian tới.Theo ước tính, nhu cầu đầu tư của Thành phố hiện nay khoảng 3-4 tỷ USD/năm, trong khi thực tế chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp. Thu tiền sử dụng đất dự báo sẽ không còn nhiều như trước đây. Các nước cho vay vốn ưu đãi cũng ngày càng giảm đi. Vì vậy, Thành phố cần xác định thêm các nguồn vốn có thể huy động hoặc khai thác, để bổ sung vốn đầu tư trong thời gian tới. 2) Thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao Để triển khai theo Đồ án quy hoạch năm 2010, nguồn nhân lực là vấn đề đặt ra cấp thiết. Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực về giáo dục, y tế, đặc biệt là cán bộ quản lý dự án có trình độ chuyên nghiệp rất thiếu, do quá trình đào tạo chưa đủ đáp ứng nhu cầu. 3) Thách thức phát triển theo mô hình thành phố “nén” Mặc dù mô hình phát triển Thành phố là tập trung – đa cực, nhưng thực tế 4 năm qua, các dự án đầu tư vẫn bị thu hút theo mô hình gần như “nén”, mọi thứ hầu như vẫn dồn vào khu vực trung tâm (cao ốc mọc lên nhiều), nhưng bên ngoài thì gần như chưa có gì. Dự báo thành phố có khả năng phát triển đô thị nén (với dân số tăng khá cao, khoảng 20 triệu dân trong tương lai), nếu không quản lý thực thi quy hoạch ngay từ bây giờ. Ngoài ra, do đặc điểm cấu trúc đô thị TP HCM hiện nay gần như đơn cực, thể hiện mạng lưới đường nối kết giữa khu dân cư hiện hữu và khu dân cư mới chưa thuận tiện để phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng (bằng xe bus), dẫn đến gia tăng xe cá nhân quá nhanh, gây áp lực lên diện tích đường còn khiêm tốn, góp phần gây ùn tắc và tai nạn giao thông kéo dài. 4) Thách thức trong công tác triển khai thực thi quy hoạch Do quy hoạch phát triển các công trình, dự án, khu dân cư mới khá nhiều, trong khi thực tế triển khai đầu tư chưa tương xứng, dẫn đến hiện tượng tạm gọi là quy hoạch “treo” hoặc sử dụng đất đai chưa hiệu quả. Hiện nay, thành phố đang tập trung giải quyết vấn đề quy hoạch “treo”, thông qua nghiên cứu ban hành các quy định cấp phép xây dựng tạm trong khu quy hoạch ‘treo”, giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi bồi thường đầy đủ sau thời gian công bố quy hoạch; qua đó hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất và lợi ích toàn xã hội thông qua việc bảo đảm tiến độ triển khai các dự án công trình hạ tầng. 5) Thách thức về vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường Trong quy hoạch phát triển thành phố, việc giảm hiệu ứng nhà kính cũng như triển khai thực hiện theo chiến lược “tăng trưởng xanh” cũng được đặt ra, nhưng cần có cơ chế chính sách khuyến khích sao cho phù hợp. Vấn đề lồng ghép biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm môi trường đã đặt ra nhu cầu đánh giá tác động môi trường gần như bắt buộc và ngày càng chú trọng hơn đối với các dự án đầu tư.

Kết luận Qua đánh giá tác động sau hơn 4 năm triển khai đồ án quy hoạch chung xây dựng năm 2010, một số điểm chính cần được lưu ý như sau: 1. Công tác quy hoạch hiện nay cần được coi trọng đúng mức, tránh tình trạng thiếu tập trung, dàn trải. Phương pháp lập quy hoạch cần được các cấp liên quan tập trung nghiên cứu, cải tiến sao cho tránh chồng chéo, đặc biệt là cần có sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội với quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, hạn chế gây lãng phí và không hiệu quả khi triển khai thực hiện. 2. Chính sách nhà ở cần được ưu tiên sao cho cân đối nhu cầu giữa các đối tượng thu nhập cao, trung bình và thấp. Hiện nay, chương trình phát triển căn hộ cho thuê dài hạn giá bình dân cần được khuyến khích phát triển, nhằm cung ứng nhà ở cho đại bộ phận dân nghèo. 3. Do đất đai có hạn, hiện nay xu hướng phát triển không gian đô thị TP HCM đã vượt khỏi ranh giới thành phố, mở rộng ra đến các tỉnh thành lân cận. Kiến nghị Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành một cơ chế hợp tác và điều phối Vùng thực sự hiệu quả và thiết thực, nhằm giải quyết những tồn tại hiện nay trong phạm vi Vùng và qua đó không gian đô thị được tiếp tục mở rộng hơn trong mối liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành. Đồng thời, cần ưu tiên đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông nối kết, tạo điều kiện mở rộng không gian Vùng đô thị. Cần nghiên cứu và công bố các vành đai phát triển (từ trong ra ngoài) theo chính sách ưu tiên đầu tư cho từng vành đai; chẳng hạn như miễn giảm thuế ưu đãi cho nhà đầu tư nếu đầu tư vào khu vực bên ngoài trong một thời gian nhất định, qua đó khuyến khích các nhà đầu tư chọn các địa điểm hướng ra bên ngoài, hạn chế chỉ tập trung đầu tư bên trong, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đa cực.

4. Trong quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố, cần nhất thiết phải điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất cho phù hợp, theo hướng giảm bớt các khu công nghiệp và gia tăng diện tích đất dành cho khu vực dịch vụ như phát triển bệnh viện, trường học, thương mại, cửa hàng…Trong bối cảnh có nhiều biến động từ nhu cầu thực tiễn phát sinh, kiến nghị Thành phố đến năm 2015 (sau 5 năm triển khai thực hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP phê duyệt năm 2010), có thể xem xét và đề xuất điều chỉnh lại Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP HCM cho phù hợp với tình hình mới.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM

Từ khóa » đồ án điều Chỉnh Quy Hoạch Là Gì