Tác động Của Việc Giảm Thuế Suất Thuế Giá Trị Gia Tăng đến Nền Kinh ...

Kết quả cho thấy, việc giảm thuế GTGT không làm giảm thu ngân sách mà trái lại trong dài hạn ngân sách tăng, GDP tăng, thặng dư thương mại và quan trọng nhất là phúc lợi hộ gia đình tăng mạnh.

1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, ngân sách nhà nước hình thành và tồn tại cùng với sự ra đời và phát triển của Nhà nước. Vai trò của ngân sách nhà nước đối với phát triển kinh tế được phân tích qua công trình nghiên cứu nổi tiếng của John M. Keynes và các cộng sự. Từ đó, hình thành khái niệm chính sách tài khóa, đó là sự tác động có chủ đích của Nhà nước thông qua công cụ thu - chi ngân sách nhà nước đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô đề ra.

Các nhà kinh tế theo trường phái kinh tế học Keynes cho rằng, việc giảm thuế suất trong giai đoạn suy thoái giúp hạn chế việc suy giảm sản lượng nhờ tăng đầu tư ngoài khu vực nhà nước, trong khi việc tăng thuế suất trong các giai đoạn tăng trưởng nóng giúp hạn chế tốc độ lạm phát nhờ cắt giảm tiêu dùng ngoài khu vực nhà nước (J.M. Keynes, 1973). David Begg (2005) cũng đã đề cập đến chính sách tài khóa và tác động của nó đến kinh tế vĩ mô, trong đó nhấn mạnh tác động của chính sách tài khóa đến sản lượng cân bằng.

Thuế GTGT tại Việt Nam được áp dụng thử nghiệm năm 1993 ở 11 đơn vị (các ngành đường, dệt, xi măng). Luật Thuế GTGT số 57/1997/L-CTN lần đầu tiên được ban hành vào ngày 10/05/1997 và chính thức đưa vào áp dụng từ ngày 01/01/1999 thay thế cho thuế doanh thu. Ngày 03/06/2008, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH ra đời đã đánh dấu sự phát triển mới về chính sách thuế GTGT của Việt Nam.

Thuế GTGT là một sắc thuế tiên tiến góp phần làm cho hệ thống thuế của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với sự vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường. Luật Thuế GTGT áp dụng 3 mức thuế suất: 0%, 5%, 10%. Mức thuế suất 10% có thể coi là mức thuế suất chuẩn, áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ thông thường. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ ưu đãi, khuyến khích phát triển, đầu tư. Thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về giảm thuế suất thuế GTGT áp dụng từ ngày 01/02/2022.

Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chính sách giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% của Chính phủ có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Nghiên cứu này sử dụng mô hình cân bằng tổng thể dạng động (DCGE) phân tích tác động của việc giảm thuế suất thuế GTGT đến tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và phúc lợi của hộ gia đình cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điểm cân bằng ban đầu theo kịch bản cơ sở được so sánh với điểm cân bằng sau “cú shock thuế suất thuế GTGT” để đo lường tác động của việc giảm thuế suất thuế GTGT. Kết quả phân tích giúp cho nhà quản lý kinh tế vĩ mô có cái nhìn tổng thể về những tác động đa chiều của việc giảm thuế suất thuế GTGT đến nền kinh tế Việt Nam.

2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu tác động của thuế GTGT đến nền kinh tế

Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm về tác động của thuế GTGT lên nền kinh tế của nhiều quốc gia (Emran & Stiglitz, 2005) (Sajadifar, Khiabani, & Arakelyan, 2012) (Miller, Webster, & Yanti, 2013) (Erero, 2015). Đến nay, có 2 nhóm phương pháp được sử dụng phổ biến để nghiên cứu vấn đề này: Nhóm phương pháp thứ nhất dựa trên cách tiếp cận hậu nghiệm, sử dụng các mô hình kinh tế lượng để kiểm chứng, đánh giá tác động (Tào Thị Hoàng Anh, 2007) (La Xuân Đào, 2012).

Nhóm phương pháp thứ hai dựa trên cách tiếp cận tiên liệu, sử dụng các mô hình cân bằng tổng thể (CGE) để mô phỏng và dự báo (Nguyen & Tran, 2001) (Giesecke, & Trần, 2009) (Nguyễn Thị Hương, 2018). Cách tiếp cận dựa trên mô hình CGE có nhiều ưu việt hơn, vì cho phép xem xét tổng thể các mối liên kết trong nền kinh tế, giúp dự đoán xu hướng và lý giải các cơ chế phân bổ nguồn lực khi thuế suất thay đổi đến các biến số kinh tế vĩ mô.

2.2. Cơ chế tác động của giảm thuế suất thuế GTGT đến các biến số kinh tế vĩ mô

Khi giảm thuế suất thuế GTGT, giá hàng hóa sẽ giảm làm tăng nhu cầu về loại hàng hóa đó, nên nhà sản xuất tăng quy mô, lợi nhuận sẽ tăng. Bên cạnh đó, việc giảm thuế suất thuế GTGT ở thị trường hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường liên quan thông qua các mối liên kết rất đa dạng và phức tạp.

Cụ thể, khi sản xuất của các ngành có sự thay đổi sẽ tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động dẫn đến sự phân bổ lại nguồn lực trong toàn nền kinh tế. Cho nên, thông qua phân tích tác động đối với từng ngành, có thể ước tính tác động của giảm thuế suất đến giá cả, sản lượng, mức tiêu dùng và xuất khẩu, nhập khẩu của mỗi ngành.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bán sản phẩm cho các doanh nghiệp khác với vai trò là hàng hóa trung gian nên giá cả giảm sẽ làm giảm chi phí cho các ngành sử dụng sản phẩm đó làm đầu vào. Về phía người tiêu dùng, nhờ giảm thuế sẽ tiết kiệm được chi tiêu. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế sẽ giúp đạt 2 mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất - kinh doanh, từ phía tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

2.3. Mô hình DCGE và dữ liệu

Mô hình CGE dựa trên lý thuyết cân bằng Walrasian. Theo đó, giá cả của hàng hóa, lao động và chi phí sử dụng vốn được quyết định thông qua quan hệ cung cầu trên các thị trường làm cho nền kinh tế luôn có khuynh hướng trở về trạng thái cân bằng. Trong tình huống nghiên cứu cú sốc thuế suất đến nền kinh tế, với thuế suất thuế GTGT và mức giá cả hiện tại, nền kinh tế được giả định đang ở trạng thái cân bằng mà tại đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được xác định. Dưới tác động của việc thay đổi thuế suất thuế GTGT, nền kinh tế sẽ dịch chuyển điểm cân bằng mới và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được tính toán lại. Từ đó, có thể so sánh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giữa các điểm cân bằng để ước lượng sự thay đổi của từng ngành nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Đối với mô hình DCGE, nền kinh tế không chỉ hướng đến cân bằng trong ngắn hạn, mà còn chỉ ra xu hướng dịch chuyển theo thời gian để hướng đến cân bằng trong dài hạn (Nguyễn Mạnh Toàn, 2005).

Nghiên cứu này sử dụng mô hình CGE dạng động với bộ dữ liệu cho mô hình là Bảng SAM Việt Nam năm 2012 (VSAM2012) được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố năm 2016 (CIEM, 2016). Mô hình này cho phép: thay đổi thuế suất theo từng ngành sản phẩm, thay đổi thuế suất tại các mốc thời gian khác nhau và thay đổi thuế suất của các sắc thuế khác nhau.

2.4. Kịch bản mô phỏng

Để đánh giá tác động riêng của việc giảm thuế suất khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về giảm thuế suất thuế GTGT, áp dụng từ ngày 01/02/2022, nghiên cứu này thực hiện kịch bản: giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% cho tất cả hàng hóa, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Thuế suất các sắc thuế khác giữ nguyên không đổi.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Tác động của giảm thuế suất thuế GTGT đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô

Theo số liệu tính toán từ quyết toán thu ngân sách nhà nước theo sắc thuế năm 2019 của Bộ Tài chính, thuế GTGT chiếm 34,4% trong tổng các khoản thu từ thuế và chiếm 24% trong tổng thu ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính, 2019). Do vậy, việc giảm thuế suất thuế GTGT sẽ tác động rất lớn ngân sách nhà nước. Kết quả mô phỏng cho thấy, trong ngắn hạn, ngân sách giảm 6,9% (Bảng 1). Tuy nhiên, sự hỗ trợ này của Chính phủ sẽ kích thích tiêu dùng và gia tăng sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất và mở rộng kinh doanh. Điều này cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp, khôi phục nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Từ đó, kích cầu tiêu dùng, kích thích người dân mua sắm, chi tiêu nhiều hơn. Khi sức tiêu thụ hàng hóa tăng lên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đẩy mạnh. Nhờ vậy, sản lượng sản xuất tăng, GDP tăng đáng kể (tăng 7%), xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng mạnh trong dài hạn (tương ứng tăng 23,6% và 21,8%), xuất khẩu tăng mạnh hơn nhập khẩu nên cán cân thương mại sẽ thặng dư. Doanh nghiệp giảm được chi phí nhờ thuế GTGT đầu vào giảm, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn đồng thời tiết kiệm được 2% trong tiêu dùng nên sức tiêu thụ mạnh hơn, ngân sách nhà nước không giảm, mà trái lại tăng 4,3% trong dài hạn. (Bảng 1)

Bảng 1. Tốc độ tăng (%) các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô

Ngắn hạn

Dài hạn

GDP

0,5

7,0

Tổng sản lượng

0,3

8,9

Nhập khẩu

2,5

21,8

Xuất khẩu

-2,4

23,6

Ngân sách nhà nước

-6,9

4,3

Nguồn: Tính toán từ kết quả mô phỏng

3.2. Tác động của giảm thuế suất thuế GTGT đến phúc lợi hộ gia đình

Việc giảm thuế suất thuế GTGT có nhiều khả năng gây ra bất bình đẳng về thu nhập và sự biến đổi trong phúc lợi hộ gia đình. Trong mô hình, các hộ gia đình được chia theo khu vực (thành thị/nông thôn), theo hoạt động (nông nghiệp/phi nông nghiệp) và theo nhóm thu nhập (theo thứ tự Nhóm1 (thu nhập thấp) đến nhóm 5 (thu nhập cao). (Bảng 2)

Bảng 2. Ảnh hưởng của thay đổi thuế suất thuế GTGT đến phúc lợi hộ gia đình

EV

%

Thành thị

Nông nghiệp

Nhóm 1 (H1)

2,388

2,5

Nhóm 2 (H2)

5,316

2,2

Nhóm 3 (H3)

13,357

2,6

Nhóm 4 (H4)

19,166

2,6

Nhóm 5 (H5)

25,672

3,3

Phi nông nghiệp

Nhóm 1 (H6)

1,295

2,3

Nhóm 2 (H7)

3,493

1,8

Nhóm 3 (H8)

14,533

2,2

Nhóm 4 (H9)

47,705

2,2

Nhóm 5 (H10)

293,529

2,8

Nông thôn

Nông nghiệp

Nhóm 1 (H11)

23,179

1,4

Nhóm 2 (H12)

61,297

2,2

Nhóm 3 (H13)

74,360

2,3

Nhóm 4 (H14)

91,716

2,7

Nhóm 5 (H15)

102,187

4,3

Phi nông nghiệp

Nhóm 1 (H16)

1,508

1,1

Nhóm 2 (H17)

4,645

1,4

Nhóm 3 (H18)

14,130

2,3

Nhóm 4 (H19)

33,319

3,3

Nhóm 5 (H20)

63,844

3,5

Tổng

896,637

2,7

Nguồn: Tính toán từ kết quả mô phỏng

Kết quả trong Bảng 2 chỉ ra rằng, giảm thuế suất thuế GTGT làm tăng phúc lợi hộ gia đình với mức độ tác động phân bố không đều giữa các nhóm hộ. Theo kịch bản giảm thuế suất, các nhóm hộ giàu (H5, H10, H15, H20) trong tất cả các khu vực (thành thị/nông thôn), lĩnh vực (nông nghiệp/phi nông nghiệp) mức tăng phúc lợi rất lớn, nên có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Quan trọng hơn, các nhóm hộ nông nghiệp có xu hướng nhận được lợi ích cao hơn các nhóm hộ phi nông nghiệp. Do đó, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ hợp lý để tạo sự công bằng trong phân phối thu nhập giữa thành thị và nông thôn, cũng như giữa các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp.

4. Kết luận

Nghiên cứu đã ứng dụng mô hình DCGE với nguồn dữ liệu VSAM2012. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% làm cho nguồn thu thuế vào ngân sách nhà nước giảm trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn việc giảm thuế suất thuế GTGT ảnh hưởng đến hệ thống giá của hàng hóa, tác động tích cực đến sản xuất.

Kết quả đạt được là trong dài hạn, tổng thu ngân sách từ thuế của Chính phủ được cải thiện nhiều, trong đó thu từ thuế GTGT giảm - nhưng % giảm thấp, thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp tăng - do doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng được lợi nhuận. Như vậy, với chính sách giảm thuế suất thuế VAT, không chỉ tăng phúc lợi cho người dân, kích cầu tiêu dùng, mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ sẽ đạt được mục tiêu khôi phục nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2019), Quyết toán thu ngân sách nhà nước theo sắc thuế năm 2019, <https://ckns.mof.gov.vn/SitePages/home.aspx>
  2. CIEM (2016), Ma trận hạch toán xã hội (SAM) Việt Nam năm 2012, Nhà Xuất bản Tài chính, Hà Nội.
  3. David Begg (2005), Kinh tế học, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  4. J.M. Keynes. (1973). The General Theory of Employment, Interest and Money. London: Macmillan, St. Martin’s Press.
  5. La Xuân Đào (2012), Chính sách thuế đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
  6. Nguyen Chan & Tran Kim Dung. (2001). Further Development of CGE Model To Evaluate Tariff Policy in Vietnam, Paper presented at the Conference on MIMAP Model. Singapore.
  7. Nguyen Manh Toan. (2005). The Long-Term Effect of Trade Liberalization on Income Distribution in Vietnam: A Multi-Household Dynamic Computable General Equilibrium Approach. Japan: Kobe University.
  8. Nguyễn Thị Hương (2018), Tác động của chính sách thuế đến cơ cấu ngành của nền kinh tế Việt Nam, luận án tiến sĩ, Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng.
  9. Sajadifar, S. H., Khiabani, N., & Arakelyan, A. (2012). A Computable General Equilibrium Model for Evaluating the Effects of Value-Added Tax Reform in Iran. World Applied Sciences Journal, 18 (7), 918-924.
  10. Tào Thị Hoàng Anh (2007), Đổi mới và hoàn thiện các chính sách thuế nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội.

Từ khóa » Thuế Trong Nền Kinh Tế Vĩ Mô