Tác Hại Của Cây Tơ Hồng Và Cách Diệt Trừ

(Nguyễn Hải Nam - xóm 5, xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh)

Trả lời: Tơ hồng (Cuscuta chinensis Lamk) là loại thực vật sống ký sinh trên các loài thực vật khác. Tơ hồng có 2 loại: tơ hồng xanh và tơ hồng vàng, trong đó thường gặp là loài tơ hồng vàng. Tuy tơ hồng xanh cũng có chứa chất diệp lục, thân biến thành sợi, lá thoái hóa thành vẩy nhưng cũng như tơ hồng vàng, chúng tạo ra rễ giác hút để hút nhựa từ cây chủ lấy thức ăn. Tơ hồng sống ký gửi trên nhiều loại cây trồng khác nhau. Vùng đồng bằng ta thường gặp tơ hồng bám trên các dậu cúc tần hoặc hàng rào chè mận hảo, trên các vườn cây ăn quả lâu năm như cam, quít, bưởi, nhãn, vải… trồng quá dầy và thiếu sự đầu tư, chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên của bàn tay con người. Ở các tỉnh miền núi người ta thường gặp tơ hồng mọc trên nhiều loại cây dại như sim, mua, cóc, ké, dâu tằm v.v… mà quả của chúng lại có tác dụng như một loại thuốc Bắc rất quí (thỏ ty) chữa được nhiều bệnh.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thường vào mùa đông trên sợi tơ hồng xuất hiện nhiều hoa, từ đây hình thành các quả nang bên trong có chứa nhiều hạt. Khi quả chín già thì rụng xuống, gặp điều kiện thuận lợi hạt sẽ nẩy chồi thành những cây tơ hồng mới. Cây con không ra rễ cắm vào đất mà tìm cách leo lên tán cây chủ rồi sinh rễ giác hút để bám chặt và hút chất dinh dưỡng từ cây chủ, còn thân tơ hồng bên dưới thì chết đi.

Tơ hồng lây lan nhờ hạt và sợi, lưu tồn từ năm này qua năm khác nhờ hạt, quả nang trên cây ký chủ. Quả rụng từ cây cao mắc vào các kẽ nứt, tán cây bên dưới rồi nẩy mầm, phát triển và lan tỏa sang các cây bên cạnh; hạt của chúng có thể phát tán nhờ gió, côn trùng, chim chóc và trôi theo dòng nước. Khi ta gỡ hoặc dứt đứt sợi tơ hồng, chỉ cần sót lại một mẩu nhỏ có rễ giác hút bám vào cành, lá cây chủ thì chỉ sau một thời gian ngắn chúng tiếp tục phát triển thành một sợi tơ hồng hoàn chỉnh, tiếp tục phát triển, gây hại.

Tác hại của dây tơ hồng là chúng phân bố chủ yếu trên mặt tán lá cây chủ, khi phát triển thành số lượng lớn, tạo thành từng đám che kín mặt tán, làm cho cây mất khả năng quang hợp. Rễ giác hút của chúng bám chặt vào thân, cành, lá hút hết dinh dưỡng của cây dẫn đến cây sinh trưởng kém, không ra hoa đậu quả được rồi chết khô dần như bạn đã thấy. Ở nước ta tơ hồng chưa được quan tâm đầy đủ nhưng từ lâu Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ xếp loại cây ký sinh này là một trong 10 cây dại độc hại nhất cần được đặc biệt chú ý diệt trừ.

Như đã nói ở trên do phương thức sinh sản và lây lan dễ dàng nên trên thực tế việc diệt trừ cây tơ hồng một cách triệt để gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu nào cho thấy sử dụng hóa chất để tiêu diệt tơ hồng gây hại trên các loài cây chủ là có kết quả. Phần lớn các loại hóa chất (kể cả các loại thuốc trừ cỏ chọn lọc) cũng dễ dàng gây hại cho các loài cây ký chủ. Kinh nghiệm nhiều nơi cho thấy, để hạn chế tác hại của cây tơ hông bạn cần làm tốt một số việc sau đây:

- Đề phòng lây lan: Trồng cây đúng khoảng cách, mật độ, không trồng quá dầy sẽ làm cho độ ẩm môi trường lớn, thiếu ánh sáng là điều kiện lý tưởng để tơ hồng phát triển, lây lan. Thường xuyên cắt tỉa, chăm sóc đầy đủ cho vườn cây thông thoáng, sinh trưởng, phát triển tốt. Diệt trừ hết tơ hồng ở các hàng rào cúc tần, các cây ký chủ quanh vườn để tránh lây lan.

- Để diệt trừ: Cần phát hiện sớm, gỡ hết các sợi mới leo lên cây trước khi tơ hồng ra quả vào mùa đông, không được để sót. Nếu tơ hồng bám nhiều phải bắc thang lên gỡ, cắt hết đem gom lại và đốt, sau đó sử dụng thuốc Sulphat đồng (CuSO4 0,5-1%) phun 2 lần cách nhau 1 tuần sẽ có tác dụng tốt.

Từ khóa » Dây Tơ Hồng Châu âu