Tắc Lệ đạo ở Trẻ Em | Bệnh Viện Nhi Trung ương

01/11/2021

Tắc lệ đạo là hiện tượng tắc ống lệ mũi gây nên ướt mắt, chảy nước mắt, đôi khi có rử mắt ở trẻ em. Là bệnh bẩm sinh hoặc mắc phải. Tắc lệ đạo có thể ở một hoặc hai bên mắt của trẻ.

1. Tắc lệ đạo ở trẻ em là gì?

Tắc lệ đạo là hiện tượng tắc ống lệ mũi gây nên ướt mắt, chảy nước mắt, đôi khi có rử mắt ở trẻ em. Là bệnh bẩm sinh hoặc mắc phải. Tắc lệ đạo có thể ở một hoặc hai bên mắt của trẻ.

2. Một số biểu hiện nhận biết trẻ bị tắc lệ đạo cha mẹ cần lưu ý

Cha mẹ có thể nhận biết bệnh khi trẻ có biểu hiện ướt mắt, chảy nước nước mắt, có thể kèm theo dử mắt giống như bệnh lý viêm kết mạc mạn tính.

3. Nguyên nhân tắc lệ đạo ở trẻ em:

Bất kỳ một nguyên nhân nào làm cản trở sự lưu thông nước mắt từ mắt xuống mũi đều gây ra tình trạng tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh. Một số nhóm bất thường phổ biến như:

– Bẩm sinh: do các nguyên nhân gây tắc hoặc hẹp ống lệ mũi, thông thường ở các trẻ tắc lệ đạo bẩm sinh ống lệ mũi thường có 1 màng ngăn.

– Chấn thương: do sang chấn sau chấn thương hoặc tai biến của các phẫu thuật gây nên tình trạng tắc/hỏng ống lệ mũi.

4. Biến chứng tắc lệ đạo không thể xem thường

Tắc lệ đạo không phải bệnh hiếm gặp, cũng không quá phức tạp nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra viêm mủ túi lệ mãn gây viêm kết mạc, viêm giác mạc; gây áp xe túi lệ thậm chí gây viêm tổ chức hốc mắt; gây dò túi lệ (trong trường hợp axpe vỡ).

5. Chẩn đoán và phương pháp điều trị

Dựa vào biểu hiện trên lâm sàng mà các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đánh giá mức độ tắc lệ đạo ở bệnh nhi:

– Ướt mắt, chảy nước mắt có thể kèm theo dử mắt.

– Bơm thông lệ đạo thấy nước trào ngược lại.

Việc đưa ra phương pháp chữa tắc lệ đạo ở trẻ còn phải phụ thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi mắc bệnh:

– Việc day túi lệ và sử dụng các chế phẩm tra mắt (nước muối sinh lý, kháng sinh, chống viêm,…) theo hướng dẫn của Bác sỹ Nhãn nhi là rất cần thiết và cho hiệu quả cao trong điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh.

– Bơm thông lệ đạo gây mê hoặc gây tê:

– Can thiệp: trước đây khi gây mê nhi còn hạn chế, việc thông lệ đạo gây mê rất hạn chế, mặc dù đây là phương pháp tốt và cho hiệu quả cao.

Bác sĩ hướng dẫn phụ huynh day mắt cho trẻ tắc lệ đạo

6. Điều trị tắc lệ đạo tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức khám và điều trị cho bệnh nhân tắc lệ đạo vào tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 trong giờ hành chính.

– Với những trẻ dưới 3 tháng tuổi: Hướng dẫn bố mẹ day vùng túi lệ kết hợp với tra thuốc kháng sinh nếu có rử nhiều sau 3 tháng không đỡ thì cho trẻ đến bơm thông lệ đạo.

Bộ dụng cụ thông lệ đạo được vô trùng và đáp ứng các tiêu chuẩn Y khoa

– Trẻ trên 3 tháng tuổi:

* Nếu bố mẹ đã day mắt và tra thuốc cho bé mà không đỡ thì bơm thông lệ đạo cho trẻ.

*Nếu bố mẹ chưa day mắt và tra thuốc thì kê đơn và hướng dẫn bố mẹ day mắt cho bệnh nhân nếu sau 1 tháng không đỡ thì cho trẻ đến khám lại và thông lệ đạo cho trẻ.

Bơm thông lệ đạo có hai phương pháp:

+ Bơm thông lệ đạo gây tê tại chỗ: Ưu điểm: dễ thực hiện ở hầu hết các bệnh viện, chi phí thấp. Nhược điểm: trẻ thường đau nhiều sau khi làm thủ thuật, các biến chứng chảy máu nhiễm trùng có thể xảy ra do trong quá trình thực hiện thủ thuật do trẻ giãy lắc đầu, một số trẻ bị sang chấn tâm lý sau thông lệ đạo gây tê.

+ Bơm thông lệ đạo gây mê: Ưu điểm: thực hiện dễ dàng nhất là trên các trẻ lớn, bơm rửa được triệt để hơn, ít tái phát hơn, trẻ ít đau, hạn chế các sang chấn tâm lý. Nhược điểm: 1 số cơ sở y tế chưa thực hiện được do khó khăn về gây mê Nhi, chi phí cao.

Bác sĩ chuyên khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thông lệ đạo cho bệnh nhi

+ Phẫu thuật đặt ống Silicon nếu trẻ có dị dạng đường lệ đạo.

Theo dõi con yêu hàng ngày để phát hiện những bất thường về sức khỏe của con là điều cha mẹ thật sự cần lưu ý. Nếu trẻ có những biểu hiện bệnh Tắc lệ đạo, cha mẹ có thể liên hệ Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Trung ương hotline 0246.273.8512 – 0817.126.456 để được bác sĩ tư vấn và đến trực tiếp Khoa Mắt để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

ThS. BS Lưu Thị Quỳnh Anh – Phó Khoa Mắt

Trà My – Phòng Truyền thông & CSKH

Từ khóa » Tắc Lệ đạo Là Gì