Tắc Lệ đạo Và Cách Nhận Biết Khi Tắc Lệ đạo
Có thể bạn quan tâm
Tắc lệ đạo là gì?
Tắc lệ đạo là khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Khi đó nước mắt không còn thoát được xuống mũi như bình thường và sẽ gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống, kích thích hoặc làm cho mắt bị nhiễm trùng mạn tính.
Hình minh họa về tắc lệ đạo
Hầu hết lượng nước mắt của chúng ta được tiết ra từ tuyến lệ nằm phía trên của mỗi bên mắt. Nước mắt được tiết liên tục sẽ giúp bôi trơn và bảo vệ bề mặt nhãn cầu, sau đó thoát vào hai điểm lệ rất nhỏ nằm ở góc trong mi trên và dưới. Lượng nước mắt này sẽ tiếp tục chảy qua hai lệ quản nằm trong mi mắt để vào đến túi lệ ở mặt bên sống mũi, sau đó được dẫn xuống mũi thông qua ống lệ mũi. Tại đây, nước mắt sẽ bốc hơi hoặc được tái hấp thu.
Khoảng 20% trẻ sinh ra bị tắc lệ đạo bẩm sinh, nhưng tình trạng này hầu hết sẽ tự khỏi khi bé được 1 tuổi. Ở người lớn, các nhiễm trùng tại mắt, tình trạng sưng nề, chấn thương hoặc khối u sẽ gây ra tắc lệ đạo.
Vì sao lệ đạo bị tắc?
Khi còn trong bụng mẹ, ống lệ mũi của trẻ được che lại bởi một lớp màng mỏng. Sau khi chào đời, nếu lớp màng che này không tự mở ra thì sẽ dẫn đến tình trạng tắc lệ đạo bẩm sinh.
Viêm mũi hoặc viêm xoang mạn tính đều có thể gây tắc lệ đạo. Tình trạng viêm xoang sẽ kích thích các mô tạo sẹo gây tắc nghẽn đường dẫn nước mắt.
Một số các nguyên nhân khác:
- Bất thường phát triển xương sọ và mặt (dị dạng sọ mặt): như hội chứng Down hoặc các rối loạn khác, làm tăng nguy cơ tắc lệ đạo
- Thay đổi do tuổi tác: điểm lệ của người lớn tuổi thường bị hẹp dần, dẫn đến bít tắc điểm lệ làm nước mắt không chảy xuống lệ quản được.
- Chấn thương mũi: như trường hợp gãy mũi, mô sẹo sẽ là tác nhân gây nghẹt hệ thống lệ đạo
- Pôlíp mũi: là dạng mẩu thịt thừa trong xoang mũi, được hình thành từ niêm mạc mũi ở những người bị viêm mũi dị ứng cũng có thể gây tắc lệ đạo
- Viêm kết mạc: bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt được bao phủ bởi một lớp màng trong suốt gọi là kết mạc. Đặc biệt sau một đợt viêm kết mạc do siêu vi, hệ thống lệ đạo có thể bị ảnh hưởng theo và dẫn đến tắc nghẽn. Tuy nhiên tình trạng này hiếm khi xảy ra.
- Khối u: bất kỳ khối u nào gây chèn ép đường thoát nước mắt.
Cách nhận biết khi bị tắc lệ đạo?
Hệ thống thoát lưu nước mắt có thể bị tắc ở bất kì vị trí nào, gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm tại mắt. Các triệu chứng này có thể sẽ nặng lên khi bị cảm lạnh, viêm xoang, hoặc khi ra nắng, gió và nơi có không khí lạnh.
Lệ đạo tắc nghẽn có thể sẽ dẫn đến tình trạng ứ đọng vi trùng trong ống lệ mũi và gây viêm túi lệ. Các triệu chứng của nhiễm trùng bao gồm:
- Viêm (sưng nề), mềm, đỏ ở góc mắt trong hoặc ở khu vực giữa mắt và mũi
- Nhiễm trùng mắt tái đi tái lại
- Xuất tiết nhầy mắt
- Đóng vảy ở lông mi
- Nhìn mờ
- Nước mắt có lẫn vệt máu
- Sốt
Nhìn chung, khi có triệu chứng chảy nước mắt hoặc bị kích ứng, viêm nhiễm kéo dài, bạn cần đi khám bác sĩ nhãn khoa.
Tắc lệ đạo được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ nhãn khoa sẽ hỏi bệnh sử, khám mắt toàn diện và sử dụng một số phương pháp để đánh giá xem lệ đạo của bạn có bị tắc nghẽn hay không, và tìm nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Bác sĩ sẽ bơm dịch vào hệ thống lệ đạo của bạn thông qua điểm lệ ở góc trong của mắt bị bệnh. Nếu lượng dịch này không xuống được họng thì bạn đã bị tắc lệ đạo.
Những xét nghiệm khác như chụp X quang hoặc CT scan có kết hợp bơm chất cản quang vào hệ thống lệ đạo có thể sẽ được dùng khi bác sĩ cần khảo sát sâu thêm.
Cách điều trị Tắc lệ đạo?
Nhiều trường hợp tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ tự cải thiện trong vòng vài tháng sau sinh khi hệ thống thoát lưu nước mắt của bé hoàn thiện hơn hoặc khi lớp màng che ống lệ mũi mở ra được. Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa sẽ hướng dẫn bạn cách ấn vuốt dọc cạnh mũi của bé để làm bật lớp màng này ra.
Mục đích của việc ấn vuốt là để tạo một lực lên vùng túi lệ nhằm đẩy bật lớp màng che ở đầu dưới ống lệ mũi. Ấn ngón út lên vùng da nằm giữa góc mắt trong và cạnh bên của mũi, sau đó vuốt xuống trong vài giây. Cần thực hiện vài lần mỗi ngày, chẳng hạn cứ mỗi lần thay tã thì ấn vuốt vùng lệ đạo cho bé.
Hầu hết những trường hợp tắc lệ đạo sau chấn thương mặt sẽ không cần phương pháp điều trị hỗ trợ vì hệ thống thoát lưu nước mắt thường phải mất vài tháng mới tự hoạt động lại được. Do đó, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ đề nghị bạn chờ đợi vài tháng trước khi cân nhắc phẫu thuật.
Ở những trẻ mà sự bít tắc không tự cải thiện, hoặc các trường hợp người lớn bị bán tắc lệ đạo, hẹp bán phần điểm lệ, bác sĩ sẽ can thiệp bằng phương pháp thông lệ đạo. Một dụng cụ sẽ được dùng để nong dãn điểm lệ trước khi đưa que thông vào lệ đạo qua điểm lệ này. Chiếc que sẽ được luồn xuống đến mũi rồi rút ra. Sau đó, lệ đạo sẽ được bơm rửa với nước muối sinh lý để đẩy trôi những chất ứ đọng gây nghẹt.
Đối với các trường hợp lệ đạo bị hẹp tắc do viêm hoặc do mô sẹo, bác sĩ sẽ sử dụng một dây ống nhỏ luồng vào lệ đạo xuống tận ống lệ mũi, bơm hơi vào để phần bóng ở đầu ống phình ra nong chỗ hẹp, sau đó xả bóng. Phương pháp này cần phải gây mê toàn thân.
Một phương pháp khác, cũng cần gây mê toàn thân, gọi là phương pháp đặt ống. Bác sĩ sẽ đưa đoạn dây ống nhỏ vào lệ đạo thông qua một hoặc cả hai điểm lệ ở góc trong của mắt, sau đó luồng hẳn xuống mũi và được giữ nguyên như vậy trong 3 đến 4 tháng. Phần đầu ống ở điểm lệ được thắt nút để giữ cho dây không bị tuột mất. Điểm thắt này sẽ không gây cảm giác khó chịu cho bạn.
Phẫu thuật thường được lựa chọn trong những trường hợp tắc lệ đạo tiến triển. Phương pháp này cũng khá hiệu quả đối với các trẻ nhỏ bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Tuy nhiên, nó được áp dụng sau khi các phương pháp trên thất bại.
Tiếp khẩu túi lệ mũi thường được dùng để điều trị hầu hết các trường hợp tắc lệ đạo. Bác sĩ sẽ tạo điểm thông nối giữa túi lệ và mũi. Do đó, nước mắt sẽ không còn chảy xuống ống lệ mũi, nơi tắc nghẽn, như trước mà chảy thẳng vào mũi bằng đường dẫn mới. Để chỗ thông nối được ổn định, bác sĩ sẽ đặt ống vào trong và lưu ống từ 3 đến 4 tháng mới lấy ra.
Tùy vị trí tắc, phẫu thuật viên có thể sẽ tạo đường thông ngay từ đoạn chỗ điểm lệ và dẫn vào thẳng mũi, đi tắt qua cả hệ thống lệ đạo bên dưới. Phương pháp này được gọi là Tiếp khẩu kết mạc túi lệ mũi (hoặc tiếp khẩu hồ lệ mũi).
Để phòng ngừa viêm nhiễm sau mổ, bạn sẽ cần sử dụng thuốc co mạch mũi và thuốc nhỏ mắt. Sau 3 đến 6 tháng, ống đặt bên trong sẽ được lấy ra.
Nếu tắc lệ đạo do u chèn ép, phẫu thuật cắt khối u hoặc các phương pháp khác nhằm làm giảm kích thước khối u sẽ được thực hiện nhằm giải quyết nguyên nhân.
Theo Yhoccongdong.com tổng hợp từ eyesmart.org
Từ khóa » Tắc Lệ đạo Là Gì
-
Tắc Lệ đạo - Rối Loạn Mắt - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Bệnh Tắc Lệ đạo Và Dấu Hiệu Nhận Biết | Vinmec
-
Tắc Lệ đạo Và Những điều Bạn Cần Biết
-
Tắc Lệ đạo Và Cách Xử Trí
-
Viêm Tắc Lệ đạo - FAMILY HOSPITAL
-
Viêm Tắc Lệ đạo Xảy Ra ở độ Tuổi Nào - Cách điều Trị? | TCI Hospital
-
Tắc Lệ đạo ở Trẻ Sơ Sinh | BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
-
Tắc Lệ đạo Bẩm Sinh Và Cách Nhận Biết - Bệnh Viện Mắt Sài Gòn
-
Tắc Lệ đạo ở Trẻ Em | Bệnh Viện Nhi Trung ương
-
Viêm Tắc Lệ đạo - Bệnh Viện Mắt Quốc Tế Việt - Nga
-
Tắc Lệ đạo Bẩm Sinh Có Nguy Hiểm?
-
TẮC LỆ ĐẠO - Bệnh Viện Mắt Hà Nội
-
Tắc Lệ đạo Là Gì ? | Website Bệnh Viện Nhi đồng 2
-
Viêm Tắc Lệ đạo: Nguyên Nhân Do đâu? Phải Làm Gì để điều Trị Bệnh ...