Tắc Ruột Non: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị

1. Tắc ruột non có thể do những nguyên nhân nào?

Trong đường tiêu hóa, ruột non nằm sau dạ dày và nhận sản phẩm tiêu hóa từ dạ dày để tiếp tục phân giải, hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn. Khi các chất trong lòng ruột non không lưu thông được sẽ dẫn đến tắc ruột non, đây là bệnh lý nguy hiểm. Đối tượng thường bị tắc ruột non là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già.

Tắc ruột non có thể dẫn đến thủng ruột nếu can thiệp muộn

Tắc ruột non có thể dẫn đến thủng ruột nếu can thiệp muộn

Có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột non, được chia thành các nhóm nguyên nhân sau:

  • Nguyên nhân trong lòng ruột: Tắc ruột non xảy ra ở những người bị sỏi mật, u bướu, giun hoặc dị vật trong lòng ruột.

  • Nguyên nhân ngoài thành ruột: thoát vị thành bụng, dây dính, xoắn ruột, áp xe trong khoang bụng hay máu tụ.

  • Nguyên nhân ở thành ruột: tụ máu trong thành ruột hay lòng ruột, viêm ruột, u bướu, chít hẹp.

2. Triệu chứng, biến chứng của tắc ruột non

Ruột non bị tắc gây ra nhiều triệu chứng khó chịu dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không được cấp cứu điều trị kịp thời.

2.1. Triệu chứng nhận biết tắc ruột non

Triệu chứng của tắc ruột non xuất hiện khá sớm và dồn dập, nên đi khám để điều trị ngay từ giai đoạn này. Khi triệu chứng nặng hơn và kéo dài, tắc ruột non có thể đã gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhân.

Những triệu chứng do tắc ruột non bao gồm:

Đau và chướng bụng là triệu chứng thường gặp do tắc ruột non

Đau và chướng bụng là triệu chứng thường gặp do tắc ruột non

Đau và chướng bụng

Những cơn đau, chướng bụng xuất hiện ở vùng quanh rốn hoặc thượng vị xuất hiện khá sớm ở bệnh nhân tắc ruột non. Cơn đau quặn liên tục, đôi khi kèm theo co thắt dồn dập khiến người bệnh vô cùng khó chịu, nặng hơn bệnh nhân có thể ngất xỉu.

Ngoài ra, tắc ruột non khiến thức ăn tích lại, ruột non phản ứng nên bụng thường bị căng chướng hơn.

Nôn mửa, bí trung tiện và đại tiện

Những triệu chứng này cũng thường xuất hiện ở bệnh nhân bị tắc ruột non song thường xảy ra muộn, nhất là nôn. Nếu tình trạng tắc xảy ra ở đoạn cuối ruột non, bệnh nhân có thể nôn ra chất phân. Nhiều người bệnh có cảm giác bí trung, đại tiện kéo dài dù đã thụt tháo sạch phân ở trực tràng.

Triệu chứng khác

Người bệnh bị tắc ruột non dẫn đến nôn nhiều, ứ dịch trong ruột nếu kéo dài sẽ gây ra tình trạng mất nước, rối loạn điện giải nghiêm trọng. Triệu chứng điển hình của chứng này là choáng váng, nhịp tim nhanh, sốt, nhạy cảm với cơn đau ở bụng, nhu động ruột giảm,...

Mặc dù triệu chứng của tắc ruột non xuất hiện khá sớm song không rõ rệt gây khó khăn trong chẩn đoán. Vì thế mà nhiều bệnh nhân đi khám và điều trị muộn khi đã gặp phải biến chứng nguy hiểm.

2.2. Biến chứng do tắc ruột non

Các chuyên gia đánh giá, tắc ruột non là chứng bệnh tiêu hóa cấp tính, nguy hiểm cao chỉ đứng sau viêm ruột thừa cấp. Tình trạng tắc nghẹt tại ruột non càng kéo dài thì ruột càng bị giãn ra cùng với tổn thương ở mạch máu. Áp lực lồng ruột tăng cùng sự bít tắc là nguyên nhân gây hoại tử ruột, thủng ruột vô cùng nguy hiểm.

Tắc ruột non càng kéo dài càng nguy hiểm cho sức khỏe

Tắc ruột non càng kéo dài càng nguy hiểm cho sức khỏe

Ngoài ra, tắc ruột non gây tổn thương thành ruột là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn từ ruột tấn công gây viêm nhiễm. Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc biến chứng từ tắc ruột non rất nguy hiểm, có thể gây sốc nặng đến tử vong nếu không can thiệp sớm. Đặc biệt, biến chứng viêm phúc mạc có tỉ lệ tử vong rất cao.

3. Biện pháp điều trị tắc ruột non hiệu quả

Dựa trên triệu chứng lâm sàng và thăm khám, bác sĩ có thể nghi ngờ tắc ruột non để thực hiện các xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh để chẩn đoán. Các phương pháp để chẩn đoán tắc ruột non bao gồm: siêu âm ổ bụng và chụp Xquang ổ bụng không chuẩn bị là chỉ định đầu tiên cho những trường hợp nghi ngờ tắc ruột non. Ngoài ra, còn có các phương pháp khác như : chụp ổ bụng với thuốc Barium, chụp CT hoặc MRI, các xn điện giải, tổng phân tích máu,... Ngoài chẩn đoán bệnh thì chẩn đoán vị trí bị tắc ruột non cùng các tổn thương, viêm nhiễm liên quan rất quan trọng để điều trị hiệu quả.

Bệnh nhân bị tắc ruột non cần cấp cứu sớm

Bệnh nhân bị tắc ruột non cần cấp cứu sớm

Cần biết rằng, tắc ruột non là bệnh lý tiêu hóa cấp tính nguy hiểm, cần cấp cứu ngay lập tức để ngăn ngừa biến chứng cũng như đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Nếu được can thiệp sớm, bệnh tắc ruột non có tiên lượng tốt. Điều trị càng chậm trễ thì khả năng hồi phục sức khỏe và biến chứng càng kém.

Các phương pháp hiện được áp dụng trong điều trị tắc ruột non bao gồm:

3.1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa hiệu quả trong các trường hợp bán tắc ruột non có dính hoặc viêm ruột như như lao ruột, Crohn,...hoặc tắc ruột non hoàn toàn do dính nhưng đến trước 6h. Nếu người bị bị sốc, cần hồi sức tích cực để cứu sống và duy trì chỉ số sức khỏe của người bệnh, đồng thời nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch hoặc sonde dạ dày.

Ngoài ra, còn cần điều trị bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh nếu tắc ruột non có biến chứng nhiễm trùng hoặc gây đau đớn nghiêm trọng. Nếu điều trị nội khoa quá 48h mà tình trạng không được cải thiện thì cần chuyển phẫu thuật.

3.2. Điều trị ngoại khoa

Được chỉ định trong các trường hợp như: điều trị nội khoa thất bại, tắc ruột non hoàn toàn, tắc do u bướu,... Qua phẫu thuật, tình trạng tắc ruột non sẽ được khắc phục, cùng với đó là điều trị loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.

Như vậy, tắc ruột non là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, bệnh nhân cần được cấp cứu điều trị sớm để bảo toàn sức khỏe, hạn chế rủi ro. Điều trị càng chậm trễ thì mức độ nguy hiểm cao, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa bởi biến chứng nhiễm độc, nhiễm trùng, sốc nặng, viêm màng bụng, hoại tử hoặc thủng ruột,...

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với trang thiết bị y tế hiện đại, đầy đủ cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ khám chữa bệnh nhanh chóng cho các trường hợp tắc ruột non. Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.

Từ khóa » điều Trị Tắc Ruột ở Trẻ Em