Tái Bản Sách Về Nạn đói Lịch Sử Năm 1945

Cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử” do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết, đó là giáo sư Văn Tạo và giáo sư Furuta Motoo. Đây là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 - 1994, 1994 - 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Hai tác giả đã nghiên cứu và khảo cứu công phu, tìm hiểu chi tiết các tư liệu lịch sử, khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử để dựng lại khá toàn diện bức tranh về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.

Công bố lần đầu vào năm 1995, đến nay đã gần 30 năm, cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử” vẫn còn nguyên giá trị.

Cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử"

Theo cuốn sách, nạn đói năm 1945 diễn ra từ cuối năm 1944 đến tháng 5/1945 và tỉnh Thái Bình là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Xã Tây Lương (thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có đến 66,66% số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ. Nạn đói năm 1945 không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu con người mà những hình ảnh như: trẻ em nhay vú mẹ đã chết, những nấm mồ chôn tập thể, những bóng người đói vật vờ trên khắp các ngõ phố, mùi hôi thối nồng nặc, việc cướp giật đồ ăn… trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, trở thành biểu tượng đỉnh cao của sự dày vò mà chiến tranh mang lại. Để đến hiện tại, vẫn có những người thân đi tìm nhau sau hơn nửa thế kỷ thất lạc vì nạn đói. Cái đói khủng khiếp ở chỗ nó không chỉ gây ra cái chết, cái ly tán, chia lìa của những số phận mà nó trực diện đánh vào nhân phẩm con người…

Với việc cung cấp những tư liệu thành văn về chủ trương, chính sách và cơ cấu tổ chức thu vét thóc gạo của Nhật - Pháp, chủ trương, chính sách và cơ cấu tổ chức trồng và thu mua đay; việc tổ chức thực hiện chính sách thu vét thóc gạo của Nhật - Pháp, cuốn sách đã cung cấp cái nhìn đầy đủ nhưng quan trọng hơn hết có lẽ là đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân gây ra nạn đói.

Với sự hợp tác của đội ngũ tri thức từ cả hai nước, “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” đã mang đến một cái nhìn đa chiều, công phu. Giá trị của cuốn sách không chỉ ở những thông tin khoa học, bài bản, hệ thống mà còn ở tính nhân văn của cuốn sách. Bởi lên tiếng xót thương, cảm thông về những nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng là cách hữu hiệu nhất bày tỏ sự yêu chuộng hòa bình giữa các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới./.

Từ khóa » Những Hình ảnh Năm 1945