Tái Cơ Cấu Ngân Hàng 0 đồng, Thêm 8 - 10 Năm để Vực Dậy
Có thể bạn quan tâm
Cả lãnh đạo VCB và MB đều khẳng định, qua thời gian xử lý sẽ đưa ngân hàng chuyển giao bắt buộc thành các tổ chức tín dụng (TCTD) lành mạnh và hoạt động bình thường.
Lộ diện 2 ngân hàng được tái cơ cấu
Tại báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á.
Những biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai hoạt động kinh doanh an toàn... Trong đó, 2 trong 3 ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã có phương án xử lý.
Tại mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay, lãnh đạo VCB và MB đều chia sẻ, sẽ thực hiện nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém từ NHNN.
Mặc dù chưa có thông tin chính thức 2 ngân hàng này sẽ bị giao tổ chức tín dụng yếu kém nào, nhưng theo thông tin được tiết lộ trước đó, MB sẽ nhận chuyển nhượng bắt buộc OceanBank. Nguyên nhân là tại hội nghị triển khai nghiệm vụ kinh doanh 2022 của OceanBank, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc MB Lưu Trung Thái đã có mặt tại hội nghị và phát biểu với tư cách khách mời.
Ông Lưu Trung Thái nói: "Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB". Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.
Tại phiên họp thường niên của MB, nhà băng này không nhắc tới "việc hợp tác với Oceanbank", nhưng cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn. MB đã trình cơ quan quản lý nhà nước chuyển giao bắt buộc, và được chấp thuận về chủ trương tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng, cùng hỗ trợ đối với một số quỹ tín dụng nhân dân. Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của đơn vị này.
Còn đối với VCB, khả năng cao CBBank sẽ về với ngân hàng này. Vì năm 2014, VCB và CBBank đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện. Trước đó, VCB đã hỗ trợ cơ bản cho CBBank về kinh nghiệm phát triển sản phẩm, dịch vụ, rà soát lại hệ thống quản trị rủi ro. VCB cũng cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt để hỗ trợ và chia sẻ với CBBank về quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, kiểm toán, công nghệ thông tin. Ngoài ra, năm 2015, NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của CBBank với giá 0 đồng và giao cho VCB tham gia quản trị, điều hành.
Lãnh đạo VCB chia sẻ tại đại hội cổ đông cho biết, một trong những nguyên tắc nhận chuyển giao bắt buộc là đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thông thường và danh tiếng của VCB; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và cán bộ công nhân viên VCB.
Về thời gian cơ cấu xong ngân hàng yếu kém, theo lãnh đạo VCB, phụ thuộc vào tình hình cụ thể về tổng tài sản, tài chính của ngân hàng mà VCB nhận chuyển giao bắt buộc, diễn biến tình hình thị trường trong khoảng 5 - 6 năm nữa. Về phía VCB đánh giá, thời gian xử lý tối đa 8 - 10 năm để tổ chức tín dụng yếu kém này thành lành mạnh, hoạt động bình thường. Còn lãnh đạo MB dự kiến, trong 7 - 9 năm, MBBank sẽ giải quyết được lỗ lũy kế của ngân hàng yếu kém.
Ngân hàng nhận chuyển giao có bị ảnh hưởng?
“Ngân hàng 0 đồng” là những ngân hàng yếu kém và NHNN phải mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng để tái cơ cấu. Cụ thể, năm 2015, NHNN đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với 3 ngân hàng OceanBank, GPBank và CBBank nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán 2 năm sau đó của Kiểm toán Nhà nước, nợ xấu của OceanBank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Đối với CBBank nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và TCTD) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng). Kiểm toán cũng ước tính, số lỗ mỗi năm của 3 ngân hàng này lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Từ khi mua lại 3 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, NHNN đã đặt ra nhiều phương án, như sáp nhập, hợp nhất, bán cho nước ngoài… song tất cả đều chưa thành công.
Trước sự yếu kém của 3 ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước từng đề xuất phải có những biện pháp tập trung giải quyết dứt điểm. Vấn đề này được đặt ra quyết liệt hơn trong bối cảnh giám sát hoạt động ngân hàng ngày càng chặt chẽ, việc áp dụng hệ thống chuẩn mực Basel II, Basel III đang được nhiều ngân hàng tại Việt Nam thực hiện rốt ráo.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, khi mua lại 0 đồng, các ngân hàng sẽ có những mạng lưới điểm giao dịch, nhưng trong bối cảnh hiện nay mạng lưới đó không có giá trị bởi toàn bộ hệ thống ngân hàng đang số hóa, tăng thêm mạng lưới sẽ đội thêm chi phí... Dù vậy, việc tiếp quản ngân hàng 0 đồng là một thách thức không nhỏ đối với ngân hàng tiếp nhận, bởi các ngân hàng nói chung phải xác định lợi nhuận sẽ sụt giảm trong vài năm, và nhiều khả năng giá cổ phiếu tụt xuống.
Theo quy định của Luật Các TCTD tham gia hỗ trợ ngân hàng 0 đồng được sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc... Ngoài quyền lợi theo quy định, bên nhận chuyển giao có khả năng được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Việc xử lý các ngân hàng 0 đồng được đặt trong bối cảnh kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Mới đây, NHNN đã có Thông tư 02/2022/TT-NHNN liên quan đến hoạt động của các TCTD bị kiểm soát đặc biệt, trong đó có nội dung về cho vay đối với các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt thuộc diện bị mua bắt buộc. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ cho các ngân hàng 0 đồng cải tổ hoạt động. Điểm đáng lưu ý của Thông tư này là quy định cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH có hiệu lực. Ngoài ra, Thông tư cũng đưa ra một số quy định mới, trong đó đề cập đến vai trò của những phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng của các ngân hàng.
“Để cứu ngân hàng yếu kém không đổ vỡ, họ bắt buộc phải chuyển giao về Nhà nước với giá 0 đồng và thuộc sở hữu nhà nước. MB nhận chuyển giao sẽ không góp vốn trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế, đồng thời không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc” - ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.
Cơ quan quản lý cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ như: Được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của VCB đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của VCB; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho VCB trong suốt thời gian TCTD chưa hết lỗ luỹ kế...
Chủ tịch VCB Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của VCB nếu ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; VCB được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngay sau khi nhận chuyển giao bắt buộc TCTD; VCB được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của TCTD).
Ngoài ra, VCB không phải áp dụng các điều kiện hạn chế trong giao dịch với TCTD nhận chuyển giao bắt buộc với tư cách là một ngân hàng con của VCB, các giao dịch liên quan đến tài sản có với TCTD được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.
Trước lo lắng của một số cổ đông về khó khăn khi nhận về một TCTD yếu kém, lãnh đạo VCB cho rằng, với việc nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới hoạt động, tốc độ tăng trưởng… và có thể nhận sáp nhập hoặc tiếp tục duy trì TCTD được chuyển giao như một ngân hàng con hoặc bán, chuyển nhượng TCTD cho nhà đầu tư mới; tạo cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông VCB.
Từ khóa » Hàng Tái Cơ Cấu
-
Tái Cơ Cấu Ngân Hàng Không Chỉ Nhằm Giảm Nợ Xấu
-
Số Phận 4 Ngân Hàng Trong Diện Tái Cơ Cấu đặc Biệt Hiện Như Thế Nào?
-
Lại Chuyện Tái Cơ Cấu Ngân Hàng | DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH
-
Tái Cơ Cấu Hệ Thống Tài Chính - Ngân Hàng, Những Kết Quả Và Triển ...
-
Tái Cơ Cấu Ngân Hàng - VnExpress
-
Thực Hiện đề án Tái Cơ Cấu, Ngân Hàng Buộc Phải “lên Dây Cót”
-
Nợ Tái Cơ Cấu Dần Bộc Lộ Chất Lượng - BVSC
-
Những Vấn đề đặt Ra Trong Quá Trình Tái Cơ Cấu Hệ Thống Ngân Hàng
-
Tái Cơ Cấu Hoạt động Của Các Ngân Hàng Chính Sách Theo Nguyên ...
-
Ngành Ngân Hàng Với Nỗi Lo Tái Cơ Cấu Nợ - Tin Nhanh Chứng Khoán
-
[DOC] Tái Cấu Trúc Khu Vực Ngân Hàng – Xu Thế Khách Quan Trong Tiến Trình ...
-
[PDF] TÁI CƠ CẤU, CẢI CÁCH HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TRÊN THẾ GIỚI
-
[PDF] Tái Cơ Cấu Hệ Thống Tài Chính - Ngân Hàng Mà Trọng Tâm Là Các Tổ ...
-
Tái Cơ Cấu Ngân Hàng đang đi đúng Hướng - Tạp Chí Nghiên Cứu ...