Thực Hiện đề án Tái Cơ Cấu, Ngân Hàng Buộc Phải “lên Dây Cót”

Đặt ra những yêu cầu cụ thể

Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” ban hành trong tháng 6/2022 đã đặt ra những mục tiêu và yêu cầu rất rõ ràng trong việc nâng cao chất lượng các tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đề án này nhằm tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới. Hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững; phấn đấu có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại (NHTM) nằm trong top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất (theo tiêu chí sức mạnh) trong khu vực châu Á.

Nguồn: Quyết định số 689/QĐ-TTg. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Quyết định số 689/QĐ-TTg. Đồ họa: Thế Dương

Mục tiêu cụ thể của đề án là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các NHTM nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025. Phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.

Trong các yêu cầu về chỉ tiêu vốn, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn thì vốn điều lệ tối thiếu đạt 15.000 tỷ đồng. Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng. Các công ty tài chính cũng phải đạt vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng; công ty cho thuê tài chính phải đạt vốn điều lệ tối thiểu 450 tỷ đồng.

Về nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).

Các ngân hàng buộc phải “lên dây cót”

Ngoài các mục tiêu được đặt ra, đề án cũng đưa ra một số giải pháp cơ bản để thực thi thời gian tới. Trong đó, nhóm giải pháp chung đặt ra yêu cầu việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Nhóm giải pháp tái cơ cấu đưa ra yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng phương án và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo từng nhóm/khối các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nhóm giải pháp thứ ba là xử lý nợ xấu yêu cầu các ngân hàng phải đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp.

Theo đánh giá mới đây của TS. Châu Đình Linh - giảng viên Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, thực chất, nhiều nội dung trong đề án cũng mang tính chất nhấn mạnh các công việc cơ bản của ngành Ngân hàng, đặc biệt trong đó có 2 vấn đề chính là thực thi nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đề án đặt ra các yêu cầu, mốc thời gian và cụ thể các yêu cầu để các ngân hàng thực hiện.

Nhắm tới nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN

Một trong những mục tiêu tổng quát đưa ra tại đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” là phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

Chẳng hạn, các quy định trong việc tuân thủ chuẩn mực Basel II sẽ có tác dụng “đốc thúc” các ngân hàng phải khẩn trương hơn trong việc nâng cao các yêu cầu về quản trị tài chính. “Trước đây chưa có đề án, các chuẩn mực về Basel II cũng đã được nhắc nhiều nhưng thường mới dừng lại ở mức độ khuyến khích, nhưng khi nội dung đó được đưa vào đề án nằm trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì yêu cầu tuân thủ sẽ phải nghiêm túc hơn” - ông Linh đánh giá. Tương tự, các yêu cầu khác về quy mô vốn, quản trị rủi ro, chế độ kế toán, tỷ lệ nợ xấu… cũng giống như vậy.

Đánh giá chung về bức tranh tổng thể hiện tại, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, ngành Ngân hàng Việt Nam hiện đang khác với các nước khác trên thế giới, đó là kiêm cả 2 vai: ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, ngành Ngân hàng vừa trải qua giai đoạn phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm. Trong đó, các ngân hàng đã phải thực hiện tái cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn và điều này đã làm cho nợ xấu tiềm ẩn trở thành vấn đề đáng lo ngại trong thời gian tới. Theo đó, thực tế bản thân các ngân hàng sẽ phải quyết liệt trong việc tái cơ cấu, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu...

Từ khóa » Hàng Tái Cơ Cấu