Tai Nạn Gia Tăng, Có Nên Giới Hạn Lại Tốc độ Trong đô Thị?
Có thể bạn quan tâm
Trong điều kiện giao thông phức tạp, còn nhiều bất cập cả về ý thức giao thông và hạ tầng, có nên cân nhắc giới hạn lại tốc độ này?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trực tiếp phân luồng, điều tiết giao thông trên trục Nguyễn Trãi – Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội), thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, mặc dù mặt cắt ngang đường Nguyễn Trãi khá rộng, song, hầu hết các thời điểm trong ngày đều có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, nên việc lưu thông đạt tốc độ tối đa 50km cho phép là rất khó, nên không nhất thiết phải hạ tốc độ lưu thông.
Chuyên gia giao thông Phạm Hoài Chung cũng cho rằng, vận tốc của dòng giao thông trong đô thị, nhất là trong giờ cao điểm thường rất thấp, khó đạt tốc độ đối đa cho phép.
Tốc độ là một yếu tố rất nhỏ trong những vụ TNGT xảy ra gần đây tại Hà Nội, mà yếu tố chính là mật độ dòng phương tiện hỗn hợp quá đông, nên khó có thể đổ lỗi cho tốc độ lưu thông trong đô thị: "Cần nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa vận tốc với TNGT của những tình huống thực tế để có đề xuất nên giảm hay không để phù hợp với đặc điểm giao thông của từng đô thị".
Tuy vậy, dưới góc độ quy hoạch, Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm rằng, đối với những tuyến đường hay xảy ra TNGT, góc nhìn về quy hoạch và tổ chức giao thông, cần xem tuyến đường đó thuộc cấp hạng gì để điều chỉnh tốc độ cho phù hợp theo cấp hạng đường, theo mặt cắt ngang và mật độ phương tiện để đưa ra giải pháp phù hợp:
"Tổ chức giao thông thì cái số 1 là quy hoạch mạng lưới đường bộ, trong phạm vi tỉnh, quận, huyện. Từ tổ chức giao thông đó mới đặt cơ sở khoa học để điều chỉnh dòng xe. Cho nên để góp phần giảm thiểu TNGT, hãy đi từ bài toán tổ chức giao thông", Chuyên gia Doãn Minh Tâm nói.
Ở góc độ khác, Chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo cho rằng, để đảm bảo ATGT thì tốc độ lưu thông của phương tiện là chỉ tiêu quan trọng nhất.
Vừa qua, ở Hà Nội xảy ra rất nhiều vụ TNGT gây chết người, nguyên nhân chính là do tốc độ, không chỉ là tốc độ lưu thông, mà đó là tốc độ đảm bảo an toàn tại những vị trí đó.
Bởi tốc độ lưu thông an toàn ở mỗi vị trí phụ thuộc vào điều kiện môi trường, mật độ giao thông, năng lực của người điều khiển phương tiện giao thông… Do vậy, cần điều chỉnh tốc độ an toàn ở những điểm cần thiết:
Theo TS. Khương Kim Tạo: "Không nên nặng nề chuyện tốc độ trong thành phố 50 hay 60, mà cần phải kiểm soát lại, thẩm định lại trên toàn bộ Thành phố, những chỗ nào cho phép chạy bao nhiêu. Chúng ta nên quy định tốc độ trần như hiện tại đang quy định, nhưng bổ sung thêm những vị trí cần khống chế tốc độ, chỗ nào cần thiết phải chạy với tốc độ 40, 30, thậm chí 20 cần bổ sung biển báo…"
TS Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng UBATGTQG cho rằng, với thực trạng giao thông hỗn hợp tại các đô thị, nếu tuyến đường nào có điều kiện cần triệt để thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện để đảm bảo an toàn cho các đối tượng tham gia giao thông yếu thế. Với những tuyến đường không đảm bảo tách làn, cần quản lý tốc độ chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tế
"Trong trường hợp những trục không phân tách được, có những tuyến một chiều một làn thì việc phân tách cho nhiều loại phương tiện gần như không khả thi; thì phải có những giải pháp kiểm soát tốc độ, tổ chức giao thông cho hợp lý; để đảm bảo những phương tiện cơ giới có kích thước, trọng tải lớn không đe dọa đến sự an toàn của những phương tiện yếu thế hơn"; TS Trần Hữu Minh nói.
GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho hay, trong số nhiều nguyên nhân gây tai nạn, vi phạm tốc độ luôn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều nước phát triển đang áp dụng giới hạn tốc độ 50 km/h trong khu vực đô thị, trong khi Việt Nam vẫn áp dụng giới hạn 60km/h với những đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên là không hợp lý. Bởi nếu tăng tốc độ trung bình 1 km/h có thể dẫn đến gia tăng 4-5% số vụ TNGT. Ngược lại nếu giảm 5% tốc độ bình quân, có thể giảm đến 30% số vụ TNGT nghiêm trọng:
"Giả sử là tốc độ 50km, thì chỉ đối với xe con thôi, còn với xe tải, xe buýt và những loại xe tải trọng lớn thì phải giảm theo tỷ lệ nhất định", GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.
Mặc dù chưa thể khẳng định mối liên hệ giữa chạy quá tốc độ với những vụ TNGT xảy ra liên tiếp trong khu vực đô thị Hà Nội thời gian gần đây, song nhìn vào thực trạng TNGT xảy ra tại các đô thị Hà Nội, TP. HCM trong quý I cho thấy, số người chết do TNGT đều tăng.
Điều đó cho thấy, việc nghiên cứu, rà soát để hạ tốc độ lưu thông tại một số tuyến đường có tình trạng giao thông phức tạp là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông.
Góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bình luận: "Không nên quy định cứng nhắc"
Trong quý 1/2022, tại TP. HCM, dù TNGT giảm mạnh cả về số vụ, số người bị thương, song số người chết lại tăng (tăng 2 người chết, tăng 1,2%). Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại Hà Nội khi số vụ và số người thương do TNGT giảm, nhưng tăng tới 6 người chết (tăng 6,9%).
Ghi nhận sơ bộ cho thấy, tình hình TNGT tháng 4 đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi việc mở cửa trở lại, nhu cầu đi lại gia tăng.
Đó là chưa kể những vụ TNGT gây chết người liên tiếp xảy ra trong khu vực đô thị những ngày đầu tháng 5 này, cá biệt có những ngày, tổng đài VOVGT nhận thông tin của 4 vụ TNGT, đều có người tử vong.
Điều đó cho thấy, thực tế tình hình giao thông tại các đô thị đang diễn biến rất phức tạp. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, nhiều địa phương, trong đó có TP. HCM đã kiến nghị hạ tốc độ lưu thông trong đô thị để góp phần kiềm chế TNGT.
Trước đó, năm 2018, Cục CSGT đã kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh giảm tốc độ tối đa cho phép trong đô thị nhằm phòng ngừa TNGT.
Theo Cục CSGT, Thông tư 91/2015 (hiện nay là Thông tư 31/2019) quy định tốc độ tối đa cho phép trong khu vực đông dân cư đối với đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên là 60 km/h là chưa phù hợp; vì trên trên tuyến quốc lộ đi qua huyện, thị xã, thành phố chủ yếu đi vào khu đông dân cư, nhiều nút giao đồng mức, mật độ tham gia giao thông đông, nếu lưu thông với tốc độ này rất dễ xảy ra tai nạn.
Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra năm 2017 cũng cho thấy, vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT tại Việt Nam.
Và tình trạng này có thể được ngăn ngừa bằng cách cho xe di chuyển với tốc độ thấp hơn, bởi chỉ cần giảm 5% tốc độ trung bình có thể giảm được 30% số vụ TNGT chết người.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, Tổ chức Y tế thế giới tại VN đã kiến nghị điều chỉnh giảm tốc độ tối đa khu đô thị, khu đông dân cư, từ 60km/h hiện nay xuống còn 50km/h.
Mặc dù nhiều ý kiến lo ngại, việc giảm tốc độ tối đa sẽ làm giảm tốc độ lưu thông của phương tiện, gây thêm ùn tắc, song một nghiên cứu đã được công bố của Đại học Monash (Australia) cho thấy, việc giảm tốc độ giới hạn trong khu vực đô thị từ 60 km/h xuống 50 km/h có ảnh hưởng rất nhỏ tới thời gian đi lại của người dân nhưng đem lại rất nhiều lợi ích về ATGT với cộng đồng.
Do vậy, để giảm thiểu TNGT trong đô thị, hạn chế nguy cơ mất an toàn với các đối tượng tham gia giao thông yếu thế, chính quyền các đô thị cần sớm rà soát lại mạng lưới giao thông đô thị, phân loại chức năng của các tuyến đường đô thị, để bổ sung các giải pháp kiểm soát tốc độ tại những địa điểm, những tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, từ biển báo đến đèn tín hiệu, vạch kẻ đường…, nhất là tại các tuyến đường có nhiều nút giao, gần cổng bệnh viện, trường học…
Bên cạnh đó, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu đi lại đã tăng đột biến, cùng với tình trạng gia tăng số lượng ô tô bình quân khoảng 10%/năm, nhất là tại các đô thị, càng đặt ra nhu cầu kiểm soát tốc độ để đảm bảo an toàn, nhất là những đối tượng tham gia giao thông yếu thế.
Ngoài ra, dù đều là khu vực đông dân cư, song đặc thù đường đô thị khác hẳn với các trục quốc lộ đi qua các trung tâm huyện, thị xã, kể cả về mật độ dân cư, điều kiện mặt đường, tần suất giao cắt… nên việc quy định giới hạn tốc độ như nhau là không phù hợp, chưa kể, khi qua các lối mở, thói quen của người điều khiển phương tiện dễ tăng tốc độ, cũng là yếu tố dễ dẫn tới TNGT.
Từ khóa » Tốc độ Giới Hạn Khu đông Dân Cư
-
Tốc độ Cho Phép Khi Tham Gia Giao Thông Của Từng Loại Xe
-
Tốc độ Tối đa Của Xe Máy, ô Tô Trong Khu Dân Cư Là Bao Nhiêu?
-
Tốc độ Cho Phép Của Các Loại Xe Khi Tham Gia Giao Thông
-
Quy định Tốc độ Xe ô Tô Trong đô Thị, Khu Dân Cư & Các Mức Phạt
-
Tốc độ Xe Máy Trong Khu đông Dân Cư được Quy định Như Thế Nào?
-
Tốc độ Quy định Tối đa Trong Khu đông Dân Cư - Bộ đề 600 Câu
-
Quy định Tốc độ Xe ô Tô Mới Nhất 2021 - Báo Thanh Tra
-
Quy định Về Tốc độ Cho Phép Của Các Loại Xe Khi Tham Gia Giao Thông
-
Tốc độ Tối đa Của Các Loại Xe Khi Tham Gia Giao Thông
-
Tốc độ Tối đa Khi đi Vào Khu Vực đông Dân Cư Là Bao Nhiêu?
-
Tốc độ Tối đa được Chạy ở Khu Vực đông Dân Cư - Luật Học .Vn
-
Giới Hạn Tốc độ Xe Máy Là Bao Nhiêu? - OKXE
-
Như Thế Nào Là Khu Đông Dân Cư Và Tốc Độ Tối Đa
-
Quy định Tốc độ Xe ô Tô Và Mức Phạt Lỗi Chạy Quá Tốc độ Mới Nhất
-
Có Nên Giảm Tốc độ Trong Khu đông Dân Cư Xuống 30 Km/h?
-
Có Nên Giới Hạn Tốc độ Phương Tiện Qua Khu đô Thị, Trung Tâm ...
-
Biển Báo Khu Vực Đông Dân Cư Nói Lên Điều Gì, Bạn Đã Hiểu Hết ?
-
Tốc độ Cho Phép Ngoài Khu Vực đông Dân Cư Theo Quy định