Tài Nguyên đất - UBND Tỉnh Yên Bái

Một góc hình ảnh Tài nguyên đất tỉnh Yên Bái

1. Nhóm đất phù sa: Ký hiệu (P) (Fluvisols) (FL)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 9.668 ha, chiếm 1,40% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng phần lớn tập trung ở lưu vực các con sông, suối lớn trong tỉnh như sông Hồng, sông Chảy, ngòi Thia... Khu vực có diện tích tập trung nhiều nhất là bồn địa Văn Chấn và trở thành cánh đồng phù sa trồng lúa lớn nhất tỉnh; các cánh đồng phù sa của huyện Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình.

Nhóm đất này được hình thành do quá trình bồi lắng phù sa của các con sông suối trong tỉnh, tùy theo thành phần mẫu chất mà các khu vực có những đặc tính lý, hoá học khác nhau. Nhóm đất này có đặc tính xếp lớp, hàm lượng chất hữu cơ giảm theo chiều sâu của đất, ngoài tầng A bị xáo trộn có màu sáng hoặc tơi mềm hoặc tối màu hoặc có tầng H tích luỹ chất hữu cơ thích hợp trồng lúa, cây màu các loại.

2. Nhóm đất Glây (GL) (Gleysols) (GL)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 4.455 ha chiếm 0,65% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố rải rác ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, trên các địa hình thấp trũng hoặc thung lũng giữa các dãy núi, khả năng thoát nước kém.

Đất Glây hình thành từ các vật liệu không gắn kết, từ các vật liệu có thành phần cơ giới thô và trầm tích phù sa có các đặc tính Fluvie, thường hình thành ở địa hình đọng nước và những nơi có mực nước ngầm nông; đất có màu nâu đen, xám đen, lầy thụt, bão hòa nước có tính trương co lớn, khi khô trở thành cứng rắn. Trong đất có quá trình khử chiếm ưu thế. Nhóm đất này thích hợp chủ yếu cho trồng lúa nước và đào ao, hồ, đầm phát triển nuôi trồng thủy sản.

3. Nhóm đất đen (R) Luvisols (LV)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 951 ha chiếm 0,14% diện tích tự nhiên của tỉnh; phân bố tập trung ở huyện Lục Yên, trên các địa hình thung lũng và chân núi đá vôi; diện tích thường hẹp và xen kẽ giữa các loại đất khác.

Nhóm đất này được hình thành trên địa hình thung lũng hoặc chân đồi núi đá vôi, nên chủ yếu là đất đen trên đá vôi, có thành phần cơ giới nặng, có tầng B Angic tính sét với khả năng trao đổi cation lớn, thường là hơn 24 me/100g đất; độ no bazơ trên 50% trong suốt tầng B cho đến 125 cm; thích hợp với việc trồng lúa ở những nơi địa hình trũng và trồng rau màu các loại, cây ăn quả ở nơi địa hình cao.

4. Nhóm đất xám (X) Acrisols (AC)

Nhóm này có diện tích khoảng 599.370 ha chiếm 87,02% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là nhóm có diện tích lớn nhất tỉnh; phân bố ở phần lớn diện tích đồi núi của tỉnh, ở độ cao dưới 1.800 m ở tất cả các huyện trong tỉnh, song tập trung nhiều nhất ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải.

Đây là nhóm đất được hình thành tại chỗ ở địa hình đồi núi, chủ yếu có độ dốc lớn. Đất có tầng B tính sét với khả năng trao đổi cation dưới 24 me/100g đất, độ no bazơ nhỏ hơn 50%. Tối thiểu ở một phần của tầng B ở lớp đất từ 0 - 125 cm, không có tầng E nằm đột ngột ngay ở trên một tầng có tính thấm chậm. Theo phân loại của nhóm đất này gồm các loại đất bạc màu, đỏ vàng trên đá Macma axit, phiến sét, phù sa cổ, đá cát... Đất có phản ứng chua, độ no bazơ thấp, hoạt tính thấp; thích hợp trồng cây nông nghiệp, công nghiệp ở vùng thấp và trồng rừng, bảo vệ rừng ở địa hình vùng cao.

5. Nhóm đất đỏ (F) Ferralsols (FR)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 12.758 ha chiếm 1,85% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố rải rác ở một số huyện vùng cao nhưng chủ yếu tập trung ở huyện Trạm Tấu, Lục Yên, Văn Chấn; trên các khu vực địa hình núi phát triển trên đá vôi, đá macma bazơ hoặc trung tính.

Nhóm đất này là loại đất hình thành tại chỗ do sự phong hoá của các loại đá macma bazơ hoặc trung tính và đá vôi; có độ dốc lớn hơn 150, có tầng dày trên 30 cm, có khả năng trao đổi cation (CEC) nhỏ hơn hoặc bằng 16 me/100g đất, có dưới 10% khoáng có thể phong hoá trong cấp hạt 50 - 200mm, có dưới 5% đá chưa phong hoá, có dưới 10% sét phân tán trong nước. Nhìn chung đây là nhóm đất có khả năng phản ứng chua, khả năng hấp thụ không cao, khoáng sét chủ yếu là kaolinit, có quá trình tích lũy Fe và Al cao, hạt kết von tương đối bền; có khả năng thích hợp cho sản xuất nông - lâm nghiệp.

6. Nhóm đất mùn Alit núi cao (A) - Alisols (AL)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 59.115 ha chiếm 8,58% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố rải rác ở các huyện, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, trên địa hình núi cao có độ cao tuyệt đối trên 1.800 m.

Nhóm đất này được hình thành tại chỗ ở độ cao trên 1.800 m, nhiệt độ thấp, quá trình tích luỹ mùn chiếm ưu thế, quá trình khoáng hoá yếu, đất có phản ứng chua (pHKCL từ 4 - 5), độ no bazơ thấp (dưới 30%), hàm lượng mùn ở tầng mặt giàu (trên 5%), các tầng dưới giảm đột ngột; đất phần lớn có tầng mỏng dưới 100 cm. Nhóm đất này chủ yếu thích nghi và có khả năng khai thác cho trồng cây dược liệu, trồng, bảo vệ và khoanh nuôi rừng phòng hộ.

7. Nhóm đất tầng mỏng (E) - Leptosols (LP)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 2.450 ha chiếm 0,36% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố tập trung ở huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn trên vùng đất đồi, có độ dốc trên 200m, đất có tầng mỏng dưới 30cm, có nơi có nhiều đá lộ đầu.

Nhóm đất này được hình thành trên địa hình đồi cao, phát triển trên các loại đá macma axit hoặc đá biến chất, đá vôi, tầng đất mỏng lẫn nhiều đá vụn phong hoá dở dang, chủ yếu là do quá trình rửa trôi, xói mòn nên càng ngày tầng đất càng mỏng, có nơi trơ đá gốc. Đất có tầng mỏng dưới 30 cm; thường có phản ứng chua (pHKCL< 4,5), độ no bazơ thấp, hàm lượng dinh dưỡng thấp nên sử dụng hạn chế nhất là đối với sản xuất nông lâm nghiệp.

(Tài liệu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cung cấp)

13922 lượt xem Ban Biên tập

Từ khóa » đất Glây Là Gì