Tại Sao Cần Phải Ghi điện Cơ (EMG)? - Công Ty TBYT CX

1. Định nghĩa về ghi điện cơ (EMG)

Ghi điện cơ (electromyography) được sử dụng để nghiên cứu phản ứng điện của thần kinh và cơ hoặc đánh giá sự mất phân bố thần kinh của cơ. Đây là kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong thăm khám và chẩn đoán bệnh trong thực hành thần kinh học hiện đại.

may-do-dien-co-singapore

Những tế bào thần kinh vận động dẫn truyền các tín hiệu điện tới vùng cơ, phản ứng với tín hiệu nhận được sẽ gây ra sự co cơ. Bản ghi điện cơ chính là một bản phiên dịch các tín hiệu này thành âm thanh, biểu đồ hay các giá trị bằng số mà các bác sĩ nhìn vào đó sẽ đọc và hiểu được.

Khi đo điện cơ:

Khi đo điện cơ, các bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị rất nhỏ gọn là các điện cực để dẫn truyền và phát hiện các tín hiệu điện này. Đồng thời, các điện cực bằng kim châm sẽ châm trực tiếp vào bắp cơ để ghi lại hoạt động của cơ đó. Kết quả ghi điện cơ có thể giúp bác sĩ nhận thấy các bất thường về thần kinh hay cơ hoặc dẫn truyền của nơi tiếp xúc thần kinh và cơ.

Kết quả ghi điện cơ trả về có thể cho thấy các bất thường của dây thần kinh hay bất thường về cơ hoặc dẫn truyền của nơi tiếp xúc giữa dây thần kinh với cơ.

2. Chỉ định và chống chỉ định của ghi điện cơ

Chỉ định thực hiện:

  • Bệnh nhân gặp các tổn thương cơ do thần kinh hoặc do bệnh lý về cơ như tổn thương nhu mô cơ (bệnh lý cơ, viêm cơ) hoặc các bệnh lý khác;
  • Chỉ định thực hiện nhằm hỗ trợ trong việc chẩn đoán và theo dõi:
    • Những rối loạn chỗ nối thần kinh cơ do bệnh nhược cơ, hội chứng nhược cơ gây ra;
    • Tiên lượng tổn thương dây thần kinh do chấn thương như: chấn thương cột sống- tủy sống, chấn thương dây thần kinh.
  • Xác định định khu những tổn thương thần kinh cục bộ hoặc do chèn ép (hội chứng ống cổ tay, cổ chân, ép rễ thần kinh), viêm dây thần kinh, bệnh thần kinh vận động,…

Ghi điện cơ được bác sĩ thực hiện khi nhận thấy bệnh nhân có những dấu hiệu hay triệu chứng như:

  • Cảm giác châm chích ở da;
  • Cảm giác tê cứng;
  • Yếu cơ, sụp mi, nuốt khó;
  • Đau cơ hay chuột rút;
  • Một số kiểu đau ở tay hay chân.
  • Yếu chi, teo cơ,…

Chống chỉ định thực hiện:

Trước khi thực hiện bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tình hình sử dụng các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng. Kỹ thuật ghi điện cơ và khảo sát tốc độ dẫn truyền thần kinh sẽ không được thực hiện trong trường hợp bệnh nhân đang uống thuốc điều trị, trong đó có thuốc chống đông như Warfarin và Heparin.

3. Ghi điện cơ để làm gì?

Mục đích thực hiện kỹ thuật ghi điện cơ là để thăm dò hệ thần kinh ngoại biên. Hệ thần kinh ngoại biên là phần dây thần kinh có vị trí ở bên ngoài não, tuỷ sống. Hệ thần kinh ngoại biên là tập hợp của các dây thần kinh, đám rối thần kinh và rễ thần kinh.

Lợi ích của đo điện cơ là giúp đánh giá chức năng của các dây; rễ thần kinh ngoại vi, khớp thần kinh – cơ và các cơ. Đồng thời nó giúp bác sĩ chẩn đoán xác định; chẩn đoán phân biệt bản chất tổn thương sợi trục hay tổn thương phối hợp; tế bào thần kinh vận động, myelin và chẩn đoán định khu; tiên lượng bệnh để từ đó xác định nguyên nhân của bệnh và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Bệnh nhân sau khi thực hiện đo điện cơ, bác sĩ nhìn vào kết quả có thể xác định một số bệnh như:

  • Rối loạn dây thần kinh bên ngoài tủy sống (hệ thần kinh ngoại biên); như hội chứng ống cổ tay hoặc bệnh lý dây thần kinh ngoại biên. Điện cơ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh và đưa ra quyết định có cần điều trị phẫu thuật hay không;
  • Các rối loạn ảnh hưởng đến thần kinh vận động ở não hoặc tủy sống như xơ cứng cột bên teo cơ hoặc bại liệt;
  • Các rối loạn rễ thần kinh như thoát vị đĩa đệm cột sống; đau thần kinh tọa: đánh giá giai đoạn mổ và rễ thần kinh nào cần được ưu tiên mổ;
  • Rối loạn cơ như loạn dưỡng cơ hay viêm đa cơ;
  • Các bệnh ảnh hưởng đến sự liên kết giữa thần kinh và cơ như bệnh nhược cơ.

4. Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện ghi điện cơ?

Điện cơ là một kỹ thuật có yếu tố nguy cơ rất thấp và ít có biến chứng. Tuy nhiên trước khi thực hiện kỹ thuật, bác sĩ sẽ trao đổi; thăm khám lâm sàng; làm các xét nghiệm thường quy nhằm xác định:

  • Có máy điều hòa nhịp tim hay bất kỳ dụng cụ điện nào khác trong người bệnh nhân hay không?
  • Bệnh nhân có đang điều trị bệnh thiếu máu hay không?
  • Bệnh nhân có chứng máu khó đông hay rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài hay không?

Chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi đo điện cơ:

  • Vệ sinh tay chân bệnh nhân sạch sẽ trước khi tiến hành đo điện cơ;
  • Giải thích cho bệnh nhân các bước tiến hành; hướng dẫn bệnh nhân phối hợp trong quá trình đo điện cơ;
  • Đối với trẻ em, cần chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ tùy theo lứa tuổi; thái độ và kinh nghiệm của trẻ.

Từ khóa » Tín Hiệu Emg