Tại Sao Nên Siêu âm Thai ở 31 Tuần?

Sau hai mốc siêu âm định kỳ lần trước, mẹ bầu đã yên tâm về kết quả. Bé yêu vẫn phát triển khỏe mạnh. Bác sĩ bảo mẹ nên bồi dưỡng đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý.

Đến 31 tuần, chắc hẳn các bà mẹ đang rất hồi hộp chờ đợi sự chào đời của bé yêu. Bởi vì, ở thời điểm này, bé đã rất sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài rồi. Bé nặng khoảng từ 1,6 - 1,8 kg. Bộ não cùng với xương hộp sọ lớn và cứng cáp hơn. Tay chân bé cũng bắt đầu phát triển tương xứng với đầu. Nếu đo từ đỉnh đầu đến gót chân, bé dài khoảng 42 cm.

Bây giờ bé đã đầy đủ móng tay, móng chân, lông mi, lông mày, tóc. Lớp lông tơ bao bọc khắp cơ thể từ mấy tháng đầu đang rụng dần. Da bé bắt đầu nhẵn, mềm mại và đàn hồi hơn. Lớp mỡ dưới da cũng dày lên để chuẩn bị tốt cho cuộc sống bên ngoài. Hệ miễn dịch đã được trang bị và hệ xương cứng cáp hơn rất nhiều. Bé lúc này trông đã ngày càng giống so với thời điểm lúc chào đời. Và thông thường bé đã nằm cố định tại một vị trí trong tử cung.

Kết quả hình ảnh cho Tại sao nên siêu âm thai ở 31 tuần?

Đến 31 tuần là mốc cuối cùng trong 3 mốc siêu âm 3D, 4D quan trọng để khảo sát thêm một lần nữa tình trạng của thai nhi. Lần này, bác sĩ sẽ khảo sát một số bất thường xảy ra muộn mà những lần trước không thấy như ở tim, mạch và ở cấu trúc não. Ngoài ra, siêu âm cũng giúp đánh giá sự phát triển của thai nhi có phù hợp với tuổi hay không, kịp thời phát hiện tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung, một nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau đẻ, đồng thời xác định cụ thể hơn ngày sinh.

Bác sĩ cũng sẽ khảo sát sự lưu thông máu trong dây rốn, khối lượng nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít), xác định ngôi thai để biết ngôi thuận hay nghịch.

Không như những mốc siêu âm trước, lần này, nếu có phát hiện những điều bất thường không thể sửa chữa thì cũng không thể đình chỉ thai được vì thai đã quá lớn. Nếu có kích đẻ non thì rất có thể thai vẫn sống. Bên cạnh đó, thực hiện điều này cũng sẽ nguy hiểm cho mẹ.

Tuy nhiên việc phát hiện những vấn đề bất thường này có thể giúp gia đình ứng phó kịp thời trước sinh như chọn nơi sinh, phương pháp sinh cũng như chuẩn bị tâm lý để chữa trị cho bé sau này.

Lần siêu âm thứ 3 này có thể là lần siêu âm “chốt” (trong 3 kỳ siêu âm có thể xem là bắt buộc) nếu thai nhi hoàn toàn bình thường. Bạn không cần phải siêu âm quá nhiều lần, nhất là trong kỹ thuật siêu âm 3D, 4D. Bởi dù sao, sự ảnh hưởng bởi những sóng âm đối với thai nhi như thế nào vẫn còn là đề tài tranh cãi của giới chuyên môn. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tùy thuộc vào sức khỏe của mẹ và bé mà có thể hẹn bạn đến siêu âm lần tiếp theo hay không.

Sau lần siêu âm này, nếu kết quả cho thấy thai hoàn toàn khỏe mạnh và thuận ngôi, mẹ sẽ không còn gì phải lo lắng nữa. Mẹ bầu chỉ cần nghỉ ngơi, bồi dưỡng, chuẩn bị sức khỏe và tinh thần thật tốt để chờ đón thiên thần nhỏ chào đời.

Từ khóa » Hình ảnh Siêu âm 31 Tuần