Tái Sinh Từ Những điêu Tàn - Báo Phụ Nữ

Nhạc sĩ, nghệ sĩ violin người Ý Antonio Vivaldi (1678-1741) không là nhạc sĩ duy nhất sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc kinh điển về bốn mùa. Thế nhưng, bộ bốn concerto về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của ông được biết đến như những tác phẩm đẹp đẽ nhất về những bước đi của thời gian trong năm với những nét nhạc trong sáng, thuần khiết, có sức ám ảnh dài lâu và khiến người ta mê đắm.

Nhiều thế hệ người Việt có thể không biết concerto Mùa xuân là gì, của ai nhưng bất cứ khi nào giai điệu của tổ khúc này vang lên, họ đều có thể nhận biết và “điểm danh”: “Đó là bài hát… dự báo thời tiết!”. Nhiều năm trước, Đài truyền hình Việt Nam đã dùng đoạn mở đầu của tổ khúc này làm nhạc hiệu cho chương trình Dự báo thời tiết phát sóng mỗi ngày.

1

Những tổ khúc bước ra từ bóng đêm

Sinh ngày 4/3/1678 tại thành phố Venice xinh đẹp, Vivaldi lớn lên trong bầu không khí âm nhạc bởi bố ông là một người chơi violin chuyên nghiệp tại nhà thờ St. Mark. Từ nhỏ, Vivaldi đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc thiên bẩm và thường được biểu diễn cùng bố trong các buổi hòa nhạc của nhà thờ. Lớn lên, ông theo học tại trường dòng và được thụ phong thánh chức vào năm 1703. Vì lý do sức khỏe, ông không theo con đường truyền giáo mà trở thành thầy dạy violin tại trường nữ mồ côi ở Venice, mang tên Ospedale della Pietà. Ngôi trường này đồng thời là một trường dạy nhạc đẳng cấp với nhiều học sinh tài năng. Vừa giảng dạy vừa sáng tác âm nhạc, tổ chức các chương trình hòa nhạc, các buổi biểu diễn opera, chỉ huy dàn nhạc và biểu diễn violin… có thể nói rằng Vivaldi đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho âm nhạc.

Chân dung Vivaldi
Chân dung Vivaldi

Tuy nhiên, ông và những bản thảo âm nhạc quý giá chìm vào quên lãng trong những ngăn tủ bám bụi của giới quý tộc, những nhà sưu tầm một thời gian dài sau khi ông mất lặng lẽ và cô đơn tại Vienna, Áo (ngày 28/7/1741). Như những kết thúc thường thấy đối với nhiều tài năng ngày đó, ông mất đi trong cảnh túng bấn. Đau lòng hơn, đám tang của ông diễn ra lặng lẽ, không có khúc nhạc nào được tấu lên để tiễn đưa.

Những nhạc sĩ đi sau, đặc biệt là nhạc sĩ thiên tài J.S.Bach, đã tìm thấy những bản thảo không còn hoàn chỉnh và đưa âm nhạc của Vivaldi trở lại. Nhạc sĩ thiên tài người Đức từng chuyển soạn nhiều tác phẩm của Vivaldi cho cây đàn phím và người ta nói rằng, không khó để nhận thấy những dấu ấn của Vivaldi trong âm nhạc của Bach vĩ đại.

Đến năm 1920 của thế kỷ XX, một số lượng lớn tác phẩm của Antonio Vivaldi được khôi phục và nhanh chóng được toàn thế giới yêu thích. Cho đến nay, những tác phẩm của ông đã được xuất bản rộng rãi cũng như thường xuyên vang lên trong các buổi hòa nhạc lớn, các chương trình thính phòng cổ điển của những dàn nhạc và nghệ sĩ danh tiếng. Di sản âm nhạc của ông, quả thực rất đáng nể, với khoảng 550 bản concerto, hơn 100 bản nhạc thính phòng cho một số loại nhạc cụ, hàng chục tác phẩm opera cùng những bài hát nhà thờ như oratorio, motet…

Tạo hình Vivaldi trong bộ phim về ông - Vivaldi, Hoàng tử thành Viên - (Vivaldi, Un Prince à Venice)  trong bộ phim được sản xuất vào năm 2005
Tạo hình Vivaldi trong bộ phim về ông - Vivaldi, Hoàng tử thành Viên - (Vivaldi, Un Prince à Venice) trong bộ phim được sản xuất vào năm 2005

Trong số đó, nổi bật nhất là các concerto, bởi đó là những đóng góp quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu sắc của Vivaldi đối với lịch sử phát triển concerto trong âm nhạc. Dấu ấn đẹp đẽ và mẫu mực nhất chính là bộ bốn concerto mang tên Bốn mùa (The Four Seasons - khán giả Việt Nam quen với tên gọi tổ khúc Bốn mùa).

Sau điêu tàn, vạn vật sẽ hồi sinh

Cảnh sắc bốn mùa trong năm với hơi thở thời gian, những chuyển động tinh tế của đất trời và sự tác động của thiên nhiên đến con người, cây cỏ, muông thú, mùa màng… đã được vị nhạc sĩ miêu tả một cách vô cùng sống động và tràn đầy cảm hứng. Mỗi tác phẩm là một bức tranh thiên nhiên rực rỡ sắc màu.

Rất khác với thiên tài âm nhạc kế tiếp, J.S.Bach, âm nhạc của Vivaldi không hướng tới giới thượng lưu - vốn là đối tượng mặc định đối với âm nhạc giao hưởng thính phòng. Không cần đến những dàn nhạc lớn với bộ hơi, bộ dây, bộ gõ... để tấu Bốn mùa của Vivaldi, chỉ cần vĩ cầm và phong cầm. Ông cũng không mấy hứng thú với hình thức đối âm phức điệu như J.S.Bach mà chọn cách lặp lại giai điệu trong một bản nhạc, khiến thính giả dễ dàng tiếp nhận hơn. Vivaldi được cho là một trong số những nghệ sĩ violin nổi tiếng nhất đầu thế kỷ XVIII trong khía cạnh hiểu được giá trị của việc thu hút thính giả.

Bức tranh ấy không hề tĩnh lặng mà dường như đang tan chảy ngọt ngào trong âm điệu hân hoan đón chào nàng xuân xinh đẹp với tiếng hót mừng của loài chim cuckoo, chim hoàng yến, tiếng kèn túi mục đồng và những điệu nhảy dân dã hoặc cựa mình uể oải trong cái nắng thiêu đốt của mùa hè, hay rung lên bởi tiếng khóc nỉ non của cậu bé chăn cừu trước nỗi lo sợ cơn bão lớn đang về.

Hoặc có khi, bức tranh thiên nhiên bằng âm nhạc lại nghiêng ngả với cái nồng say trong tiếng hát, điệu nhảy và rượu của thần Bacchus mừng mùa màng bội thu. Hoặc có lúc, bức tranh đó lại phủ trắng màu của tuyết lạnh mùa đông. Vạn vật như đóng băng trong sự lạnh giá, nhưng không, vẫn có những bước chân chậm chạp bước trên băng, ngã rồi lại đứng dậy, lại ngã và lại tiếp tục bước đi cho đến khi lớp băng vỡ tan ra…

The Four Seasons:

Người ta sẽ không khó khăn lắm để có thể cảm nhận những bức tranh mang dấu ấn mùa mà Vivaldi đã vẽ ra bằng những nốt nhạc đơn giản nhưng được phối khí một cách tuyệt diệu cho đàn violin và dàn nhạc. Những ấn tượng âm nhạc ở đó rất trong sáng, đẹp, giản dị và được cụ thể hóa bằng những hình tượng cụ thể, xen kẽ hai chương nhạc nhanh, mạnh mẽ, dồn dập bao quanh một chương nhạc trữ tình và chậm rãi. Kết cấu nhanh - chậm - nhanh đó đã tạo nên sự nhịp nhàng như bước đi của thời gian.

Antonio Vivaldi cũng đưa ra những bài thơ ngắn (sonnet) kèm theo mỗi concerto như phần minh họa và giải thích ý đồ diễn tả của mình. Ví dụ, để giới thiệu Mùa xuân, Vivaldi viết: “Và rồi chim non lại ca hát ngọt ngào/Trên bãi cỏ, chú bé chăn dê ngủ ngon dưới gốc sồi xào xạc lá xanh, bên cạnh là con chó trung thành của chú. Những nàng tiên nhảy múa với điệu nhạc đồng…” (dẫn theo Các thể loại âm nhạc).

Cụm tượng tưởng niệm Vivaldi ở Venice, Áo, trong đó là ba nữ tu đang kéo vĩ cầm với chân dung Vivaldi nơi mặt khối đồng phía trước
Cụm tượng tưởng niệm Vivaldi ở Venice, Áo, trong đó là ba nữ tu đang kéo vĩ cầm với chân dung Vivaldi nơi mặt khối đồng phía trước

Cứ như vậy, thơ, nhạc và họa trong Bốn mùa của Vivaldi gắn bó khắng khít với nhau trong mối liên hệ mật thiết và ấn tượng đến một mức độ hiếm thấy so với các tác phẩm thuộc dòng Program music (nhạc tiêu đề) khác, kể cả trong thời kỳ Baroque lẫn sau này. Lắng nghe bộ bốn tác phẩm mà người Việt Nam vẫn quen gọi là tổ khúc Bốn mùa cũng là lắng nghe những nét nhạc đẹp, trong lành, thuần khiết và gợi cảm như những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, sống động đang hiện diện ngay trước mắt giữa ngày xuân có lẽ sẽ khiến chúng ta cảm thấy như tâm hồn được gột rửa bằng một thứ nước mát lành, thanh sạch. Trên tất cả, ngộ ra được quy luật của vạn vật: bước qua tro tàn, vạn vật sẽ hồi sinh.

Bóng ma COVID-19 vẫn còn đó, sau một năm hủy diệt và làm tổn thương nhân loại nặng nề. Nhưng, tất cả rồi sẽ qua. Vượt qua bi thương, con người đứng dậy, hít làn gió mới của tiết trời vẫn còn xuân. Cuộc đời vẫn còn ở phía trước.

Huyền Thương

Từ khóa » Tổ Khúc Bốn Mùa