TÀI TỬ NGỌC BẢO: NGƯỜI RA ĐI, LỜI CA Ở LẠI!
Có thể bạn quan tâm
Tài tử Ngọc Bảo (1926-2006)
“Cuộc sống vẫn là những điều bất ngờ như thế. Ngọc Bảo, người nghệ sĩ tài hoa của muôn đời đã lặng lẽ ra đi mà chẳng hề bao giờ nghĩ rằng, người đời đã và đang bàng hoàng, nuối tiếc về một giọng ca, một phong cách lãng tử xưa nay hiếm có.
Ở cái tuổi ngoài 80, tóc đã đổi mầu, bước đi chầm chậm theo dòng thời gian nhưng đâu đó vẫn một dáng vẻ hào hoa phong nhã của chàng trai Hà Nội năm nao. Cái chất lãng tử và sang của ông trong từng ca khúc đã mang đến cho đời, đã làm rung động bao con tim của bao nàng thiếu nữ và bao mối tình.
Họ yêu tiếng hát của ông, yêu nhân cách của ông, như yêu một biểu tượng của mảnh đất Hà thành văn hiến. Cứ như thể cuộc đời này là chốn tạm dừng chân trong hành trình bất tận vì nghệ thuật của ông. Biết đâu ở một cuộc đời khác, ông đang say sưa cất tiếng hát những bản tình ca tha thiết, thắm đượm tình người cho những linh hồn cô liêu xích lại gần nhau”.
Những tâm tình ấy của một bạn trẻ Hà thành, cũng chính là lời khóc thương cho sự ra đi của một vì sao rực sáng trên bầu trời Tân nhạc Việt Nam: Tài tử Ngọc Bảo, một trong vài ca sĩ thế hệ đầu của âm nhạc cải cách Việt Nam, chàng trai lãng tử, hào hoa và Hà Nội bậc nhất trong số những nghệ sĩ xuất thân từ Hà Nội, đã nhẹ gót trần ai hồi 15 giờ 30 ngày 4-5-2006 vì căn bệnh ung thư phổi đã hành hạ ông hơn 1 năm nay, thọ 82 tuổi.
Lễ viếng và truy điệu ông cũng đã được tổ chức sau đó 3 ngày: theo tin từ Hà Nội, rất đông văn nghệ sĩ, quan chức và người dân ngưỡng mộ giọng hát Ngọc Bảo đã tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng. Một huyền thoại đã lặng lẽ ra đi, âm thầm nhưng sang trọng như chính phong cách và giọng ca của ông thuở sinh thời...
*
Tài tử Ngọc Bảo sinh năm 1926 tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thân phụ ông, cụ Bùi Xuân Thắng, từng là chủ bút tờ báo “Đông Pháp” lừng danh; thân mẫu của ông, bà Nguyễn Thị Quy, là người hát ả đào lừng danh đất Bắc.
Khi 6 tuổi, Ngọc Bảo đã hát được ca trù và chèo. Năm 10 tuổi, ông ra Hà Nội theo học ở trường Madelon, phố Hàng Đẫy. Năm 12-13 tuổi, ông học ở trường Duvillier. Lúc đó, tại Nhà hát Đa Phúc và Nhà hát Thiên Nhiên ở Hàng Bông có bán đĩa của Tino Rossi (danh ca người Pháp gốc Ý), Ngọc Bảo như bị “hút hồn”.
Theo như lời ông kể, hầu hết trào lưu âm nhạc của nước ta thời kỳ này đều bị ảnh hưởng ít nhiều những giai điệu mà Tino Rossi thể hiện một cách hết sức truyền cảm và du dương: “Tôi thường bỏ học đi bộ tới phòng trà Thiên Phúc ở Hàng Gai để nghe tiếng hát của Tino. Tôi học lỏm và hát theo rất tốt. Cứ 9-10 giờ tối, họ bật nhạc của ông này và ngày nào tôi cũng đứng nghe mê mẩn, nhẩm thuộc trong đầu từng câu, từng chữ”.
Ông bắt đầu vào nghiệp hát như thế, từ năm 16 tuổi, chịu ảnh hưởng rất nhiều câu nói nổi tiếng của Tino Rossi: “Hát cho một nỗi buồn có nghĩa có sức nặng ngàn lần một niềm vui không trọn vẹn”.
Tuy nhiên, phải đến năm 1947, khi nhạc sĩ Tô Vũ sáng tác bài “Em đến thăm anh một chiều mưa” và Ngọc Bảo hát tại Phòng trà Thiên Phúc thì mọi người mới biết đến tên tuổi ông. Năm đó ông 21 tuổi.
Kể từ dạo ấy, Ngọc Bảo lừng danh từ Bắc chí Nam với nghệ danh “Tài tử” mà ông đã được một phát thanh viên người Pháp đặt cho, vì ngoại hình ông cao, đẹp như tài tử xi-nê, phong cách lại nghệ sĩ, “chơi lãng tử, tự do thích gì làm nấy”, như chính lời ông thổ lộ.
Đối với ông, hát không phải một nghề để kiếm sống mà đó là một sở thích, tâm huyết, một thú chơi thanh cao. 82 tuổi đời và 62 năm ca hát, sở trường của Ngọc Bảo là những bản tình ca sang trọng cả về ca từ lẫn nhạc điệu của hai thập niên đầu của nền Tân nhạc Việt Nam: không ai hát những bài ấy hay, xác tín, bay bổng và quyến rũ như ông.
Có thể kể đến ở đây, những ca khúc “Mơ hoa”, “Ngày về”... của nhạc sĩ Hoàng Giác, cũng đồng thời là một giọng ca tài tử từng có dịp lưu diễn cùng Ngọc Bảo. Hoặc “Chiều vàng”, của chàng nghệ sĩ Nguyễn Văn Khánh, từng “vang bóng một thời” với cây Hạ Uy Cầm.
Rất nhiều sáng tác của các nhạc sĩ thuộc “Thế hệ vàng” Tân nhạc Việt Nam như Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy, Tô Vũ, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương, Cung Tiến... đã được tài tử Ngọc Bảo thể hiện một cách xuất thần trên Đài phát thanh, hoặc các buổi diễn.
Nhưng nhắc đến tài tử Ngọc Bảo, người đời hẳn nghĩ ngay đến những tình khúc trác tuyệt về mùa thu của Đoàn Chuẩn, người bạn thân tri kỷ của ông, đồng thời cũng là lãng tử số một thời đó. “Thu quyến rũ”, “Tà áo xanh”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Lá đổ muôn chiều”, “Tình nghệ sĩ” và đặc biệt, “Gửi người em gái miền Nam”... đã trở thành bất tử và còn mãi với thời gian, đầu tiên, và trước hết, qua giọng hát và phong cách trình diễn của tài tử Ngọc Bảo.
*
Dường như cả cuộc đời của Ngọc Bảo đã gắn liền với những nhạc phẩm lãng mạn: từ đầu thập niên 60, suốt 30 năm chiến chinh và loạn lạc, lòng người ly tán, người nghệ sĩ tài tử này đã ngưng hát, sống ẩn dật và âm thầm giữa lòng Hà Nội, khiến có người đã nói về ông: “Ba mươi năm họa mi ngừng hót - Để dành cho tiếng thét xung phong”.
Chỉ đến đầu thập niên 90, khi các nhạc phẩm lãng mạn tiền chiến được tái hồi trên sân khấu và băng đĩa, khi dòng nhạc cổ động không còn chiếm địa vị độc tôn như xưa, Ngọc Bảo mới trở lại, thoạt tiên và chính thức là trong băng nhạc vinh danh Đoàn Chuẩn với hai ca khúc “Thu quyến rũ” và “Lá đổ muôn chiều”.
Và từ đó, sân khấu thính phòng Hà Nội lại vang lên giọng hát của một ca sĩ lão thành ở ngưỡng thất thập, tóc đã bạc và da đã nhăn vì thời gian, nhưng vẻ hào hoa, phong trần chưa phai nhạt, những bước đi uyển chuyển và những ca khúc một thời vang bóng, dưới sự thể hiện đầy tinh chiêm nghiệm của ông, vẫn đẹp, vẫn lãng tử và tràn đầy cảm xúc như thuở nào.
Nghe Ngọc Bảo kể chuyện xưa... - Ảnh: Trần Lê
Đây là cảm nhận của một thính giả cách ông nhiều thế hệ, từng có dịp xem ông biểu diễn: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Tài tử Ngọc Bảo trong một chương trình vinh danh ông. Dạo ấy, dáng vẻ ông không còn nhanh nhẹn, đôi mắt như thể muốn nói điều gì... nhưng rồi lại thôi.
Phải đợi đến phần hỏi đáp của khán thính giả thì nguời ta lại thấy cái chất Ngọc Bảo lại bừng lên, vẫn dí dỏm và có duyên đến lạ thường. Đặc biệt, khi thể hiện lại các ca khúc trữ tình một thuở vang bóng, không ai có thể cầm lòng... Những người cùng thế hệ ông lặng lẽ lau nước mắt; những thế hệ lần đầu biết đến ông thì lặng im trong nỗi xúc động trước một tài năng của đất Việt chưa thể hiện được hết cho đời dù biết rằng ông rất muốn.
Lần ấy, tôi xem Tivi cùng với bà nội, người cùng thời với tài tử Ngọc Bảo và cũng rất lãng mạn, từng đam mê những ca khúc tiền chiến với những nghệ sĩ tài hoa như Ngọc Bảo, Ánh Tuyết...
Bà tôi lắng nghe Ngọc Bảo hát, đôi mắt mơ màng, và nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa thời con gái của bà với những ca khúc như thế... Tại sao bà hay nói câu “màu áo xanh là màu anh trót yêu”, tại sao “mơ đến em một ngày đầm ấm”, “nhìn xác pháo bên thềm, chạnh lòng tôi nhớ đến người em”...
Một thời để yêu, và một thời để nhớ... Bà tôi cũng kể rằng ngày xưa đã từng rất hâm mộ tài tử Ngọc Bảo và nói thêm rằng, các cô thiếu nữ Hà Nội ngày ấy, không ai không mong được làm “người trong mộng” của người nghệ sĩ lãng tử hào hoa này...”
*
Trong đời, trên phương diện một người nghệ sĩ, Tài tử Ngọc Bảo là người may mắn vì ông có sự tự do tuyệt đối của kẻ lãng tử: không qua trường lớp “chính thống” về âm nhạc, nhưng vẫn hát, coi điều tâm đắc của cuộc đời là “được hát cho khán giả nghe, đặc biệt là cho các đôi lứa yêu nhau”, và “hát đến hơi thở cuối cùng”.
Có điều, ông chỉ hát những khi thích, khi có cảm xúc, tại nơi ông thích và những bài mà ông thích. Ca sĩ, mấy người đạt được những vinh quang như Ngọc Bảo! Ông là người Việt đầu tiên được một hãng đĩa mời sang Paris thu 20 tình khúc Pháp cùng một ban nhạc “bản địa”.
Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam, ngưỡng mộ giọng ca tài tử của Ngọc Bảo, đã mời ông về dinh thự để đệm đàn cho ông hát. Người ca sĩ đào hoa nhất mực ấy của đất Hà thành, thần tượng của biết bao cô gái đương thời, có lúc - chỉ trong 4 đêm nhạc - đã mang về 80 cây vàng cho bà Đặng Thị Khểnh, một bóng hồng ở phố Hàng Gai, người vợ thân yêu và bao dung, chỗ dựa tinh thần của cả cuộc đời ông.
Tài tử Ngọc Bảo còn may mắn vì ông có thể bỏ ngoài tai mọi eo sèo nhân thế để chuyên tâm với những bài ca của cuộc đời ông. Được mệnh danh là “người rong chơi qua hai thế kỷ”, nhưng trong nghệ thuật, Ngọc Bảo là kẻ cầu toàn bậc nhất!
Trước khi diễn một ca khúc mới, ông thường nghiền ngẫm ca từ rất lâu, có khi hàng tháng hoặc mấy tháng trời, để nhập tâm và thể hiện từng nốt nhạc, từng chỗ luyến láy sao cho xác tín nhất với ý đồ nghệ thuật của tác giả.
Thành công vang dội của ông với “Gửi người em gái miền Nam” là một trường hợp điển hình: bản thân nhạc sĩ Đoàn Chuẩn phải có lời thầm phục người ca sĩ tài tử vì ông đã thể hiện tuyệt vời cảm xúc của tác giả khi chấp bút lời ca và điệu nhạc!
Những sự thừa nhận chính thống đến với Ngọc Bảo ở tuổi gần 80 thật muộn mằn, nhưng dó không phải là điều ông quan tâm. “Tiếng ngọc ngàn năm là quốc bảo - Tuổi vàng tám chục giữa xuân hoa” - GS Vũ Khiêu đã viết tặng Ngọc Bảo 2 câu thơ khi ông lên ngưỡng thượng thọ, nhưng đến lúc ấy, dường như ông mới chỉ ra được 1 CD duy nhất!
Nhưng, với Ngọc Bảo, tình cảm thương mến và ngưỡng mộ của nhiều thế hệ thính giả mới là đáng kể: biết bao giọt nước mắt ngậm ngùi đã chảy trong chương trình “Ký ức Thời gian” vinh danh Ngọc Bảo trên truyền hình Việt Nam!
Cách đây vài năm, khi trình diễn ca khúc “Ký ức đêm” mà nhạc sĩ Hồng Đăng viết tặng, Tài tử Ngọc Bảo đã nói về sự ra đi của mình với một cảm xúc bùi ngùi và chân thành: “Có thể, đây là ca khúc cuối cùng tôi hát cho các bạn. Tôi không tin lắm nữa vào sức khỏe của mình.
Trong các bạn, có người mới lần đầu nghe, có người chưa nghe bao giờ, cũng có người đã cổ vũ tôi suốt mấy chục năm qua. Tôi không nghĩ rằng tiếng hát của mình có thể còn lại mãi mãi, bởi các bạn cũng có thể quên tôi hoặc sẽ mang theo những tâm tình qua những câu hát vào với cát bụi để thành hư vô.
Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng, ca khúc thì không bao giờ như thế. Nó sẽ ở lại như tình yêu vậy. Tôi chỉ cần tình yêu của tôi với những ca khúc, với cuộc đời ở lại trên cõi dương gian này, thế là được rồi”.
Phải rồi, người ra đi, nhưng giọng ca của tài tử Ngọc Bảo, trầm ấm và sang trọng, day dứt và u uẩn, đẹp và buồn, sẽ còn ở lại, vĩnh viễn, với thời gian!
Từ khóa » Tiếng Hát Tài Tử Ngọc Bảo
-
Tài Tử Ngọc Bảo - YouTube
-
Tài Tử Ngọc Bảo - Trở Về - YouTube
-
Ngọc Bảo - Nhạc Ngọc Bảo - Zing MP3
-
Tổng Hợp Ca Khúc Của Tài Tử Ngọc Bảo. - Đang Cập Nhật
-
Những Bài Hát Do Ca Sĩ Tài Tử Ngọc Bảo Trình Bày
-
Tiếng Hát Quay Tơ - Song By Tài Tử Ngọc Bảo - Spotify – Web Player
-
Vĩnh Biệt Tài Tử Ngọc Bảo: Tiếng Hát Vượt Thời Gian
-
Tài Tử Ngọc Bảo On Apple Music
-
Tiếng Hát Quay Tơ - Tài Tử Ngọc Bảo
-
Tài Tử Ngọc Bảo
-
Tài Tử Ngọc Bảo: Nghìn Người Tình Cũng Không Bằng Vợ - VietNamNet