Vĩnh Biệt Tài Tử Ngọc Bảo: Tiếng Hát Vượt Thời Gian

Giáo sư Vũ Khiêu viết tặng ông: "Tiếng ngọc ngàn năm là quốc bảo/ Tuổi vàng tám chục giữa xuân hoa". Vậy nhưng, chiều 4/5, ở vào tuổi 82, chàng tài tử đỏm dáng với những bản tình ca ngọt ngào, đẹp và sang trọng vắt ngang hai thế kỷ như "Em đến thăm anh một chiều mưa", "Thu quyến rũ", "Suối mơ"... đã lặng lẽ tới chốn Bồng lai vì căn bệnh ung thư phổi.

Từ nay, người ca sỹ lớn tuổi nhất Việt Nam sẽ không còn đứng trên sân khấu hát nhạc tình nữa. Nhưng giọng hát không tuổi tác của ông mãi là một tài sản quý báu của âm nhạc Việt Nam.

Sinh năm 1926 tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội), con trai của ông chủ bút tờ Đông Pháp nổi tiếng và người hát ả đào lừng danh đất Bắc, chính thức bước vào nghề hát từ năm 16 tuổi, dù ông chưa từng qua một trường lớp âm nhạc nào. Sáu tuổi, Ngọc Bảo hát ca trù.

Vì quá mê danh ca Tino Rossy, khi đang học trường Madelon, cậu bé 10 tuổi Ngọc Bảo thường trốn học đến nghe hát tại phòng trà Thiên Phúc trên phố Hàng Gai, và cũng từ đó, cậu quyết tâm trở thành ca sỹ để hát những bản tình ca lãng mạn. Cũng chính Tino Rossi, người đã nói một câu mà Ngọc Bảo mang theo làm hành trang trong suốt cuộc đời của mình: "Hát cho một nỗi buồn có nghĩa có sức nặng ngàn lần một niềm vui không trọn vẹn".

Ngọc Bảo là người Việt đầu tiên được hãng đĩa Pathe' Marcori mời qua Pháp thu 20 tình khúc Pháp cùng ban nhạc Guythevel. Cũng tại đó, nam phát thanh viên Subrie nhìn vào phong độ và trang phục của chàng thanh niên trẻ giống như một diễn viên điện ảnh mà đặt cho Ngọc Bảo biệt danh tài tử. Cũng từ đó, cái tên Ngọc Bảo luôn kèm theo hai chữ tài tử như một nét riêng. Một tài tử hát ca chưa bao giờ ngừng nghỉ, lúc nào cũng ngọt ngào, quyến rũ, luyến láy điệu nghệ mà phong cách luôn toát lên một vẻ say đắm, hào hoa.

Ông quan niệm rằng, người ca sỹ phải giống như họa sỹ, phải làm sao đó cho khán thính giả thấy được vẻ đẹp của ca khúc như một người họa sỹ vẽ nên bức tranh đẹp. Người nghe phải mường tượng được qua giọng hát của người ca sỹ vẻ đẹp của trăng trời, của suối sông, của những tình yêu, dẫu buồn nhưng vẫn thật đẹp và trong sáng như ngọc. Chính vì thế, ông thường nghiền ngẫm ca từ rất lâu, khi tư duy về nó, dường như ông quên cả thời gian, để làm sao cho từng lời ông hát, từng chữ ông luyến láy đều đẹp, đều sang trọng và không trở nên lạc lõng với toàn bài ca.

Trong suốt chặng đường hát ca của mình, Ngọc Bảo có nhiều kỷ niệm. Thời thuộc Pháp, tiếng hát của Ngọc Bảo đã vượt qua khỏi Hà Nội, vang vào tới Sài Gòn, đến mức vua Bảo Đại phải mời ông về dinh thự và đệm đàn cho ông hát. Ông cũng đã tham gia ban kịch Sao Vàng của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, đi diễn khắp chiến khu Việt Bắc. Năm 2004, Ngọc Bảo được Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc và Xuân Ất Dậu, Đài Truyền hình Việt Nam đã tôn vinh ông cùng nhiều thế hệ nghệ sỹ, đó là những kỷ niệm đẹp khi ông đã bước vào tuổi tám mươi.

Những ngày ông trở thành ngôi sao tại các phòng trà, ngày mà bà Đặng Thị Khểnh vợ ông tổ chức 4 đêm diễn cho chồng mà thu về tới tám chục cây vàng, các nhạc sỹ như Ngọc Bích, Đức Cẩn, Thiện Tư... đệm đàn cho Ngọc Bảo hát. Những bạn diễn, bạn chơi ấy của ông, những tri âm tri kỷ như Đoàn Chuẩn, Từ Linh… đã cùng ông sống suốt những ngày Hà Nội khó khăn và bình yên, chiến tranh và hòa bình. Nhưng những người ấy cũng đã lặng lẽ về với đất, để lại Ngọc Bảo một mình sống và hát ca. Và đã có lúc, ông thú nhận, vẫn tiếc nuối trần thế quá nhiều, nhưng đôi khi lên sân khấu, ông thấy mình cô đơn thật nhiều.

Ngọc Bảo hát suốt đời như một tài tử, không phải bởi ông không qua trường lớp, cũng không phải ông sống như một người rong chơi vô định, mà bởi ông chỉ hát khi nào có cảm xúc, như con chim chỉ hót khi biết một ngày thức giấc bằng ánh lê minh. Ông nuôi dưỡng cảm xúc của mình, bằng một tình yêu cháy bỏng với âm nhạc. Và tình yêu đó chưa bao giờ già cỗi, ngay cả khi ông không còn trên mặt đất này, thì lời ca ông hát vẫn là những lời nồng nàn nhất. Đến mức, nhạc sỹ Trọng Bằng còn tâm sự, nếu muốn tìm hiểu lịch sử âm nhạc tiền chiến tại Việt Nam, chỉ cần nghe Ngọc Bảo hát là đã đủ rồi.

Mấy năm qua, tài tử Ngọc Bảo xuất hiện nhiều trên các chương trình ca nhạc lớn. Thậm chí, trong chương trình Giai điệu bạn bè dành cho những người trẻ tuổi, sự xuất hiện của ông bên cạnh các ngôi sao thời thượng còn là một điểm nhấn đặc biệt. Sự xuất hiện đó, không gì khác, ngoài niềm say mê ca hát và muốn được đến với những người yêu mến tiếng hát của mình.

Rất nhiều lần, nhìn ông xuất hiện trong các đêm diễn, ngoài nỗi mong chờ nghe lại những bản tình ca đẹp qua giọng ca đặc biệt của ông, tôi thường bất giác lo, mơ hồ lo, rằng dường như ông đã không còn khỏe nữa. Ông xuất hiện trên báo, nói về những câu chuyện tình yêu và luôn cho rằng "60 tuổi mới ở ngưỡng dậy thì, 70 tuổi chập chững mới lớn và 80 mới là ngưỡng trưởng thành" để chứng minh lòng nhiệt thành với âm nhạc, nhưng tôi lại luôn nghĩ sức người hữu hạn, cuộc đời tưởng dài vậy mà thoắt đã đi qua một kiếp.

Ông còn tiếc đời, nhưng sự yêu mến của tôi và những người yêu dòng nhạc sang, nhạc đẹp không đủ sức níu ông lại, không cùng ông níu được chính mình vì căn bệnh ung thư phổi. Ngọc Bảo đã nhẹ gót trần ai, nhưng những bài tình ca mà ông tặng cho cuộc đời thì vẫn còn ở lại. Và chúng sẽ xanh mãi, như giọng hát ông chưa một lần nhuốm vết nhăn của thời gian...

Từ khóa » Tiếng Hát Tài Tử Ngọc Bảo