Talkshow “Bạo Hành Trẻ Em – Chúng Ta Làm được Gì?”

Vấn nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam vẫn là vấn đề rất nhức nhối và kéo dài. Những hành vi hành hạ, ngược đãi, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi không chỉ gây tổn hại về mặt thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn để lại tuổi thơ của trẻ những vết sẹo xấu xí, tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách và phát triển của trẻ em trong hiện tại và tương lai.

Là một trong những đơn vị có sự quan tâm đến quyền và lợi ích của trẻ em, vừa qua, Khoa XHH-CTXH-DNA Trường ĐH Mở TPHCM đã tổ chức chương trình Talkshow trực tuyến chủ đề “Bạo hành trẻ em – Chúng ta làm được gì?”. Chương trình được phát sóng trực tuyến trên Fanpage Công tác sinh viên – Trường Đại học Mở TPHCM vào lúc 19 giờ ngày 6/1/2022 và nhận được nhiều sự theo dõi, ủng hộ từ các bậc phụ huynh và các bạn sinh viên qua livestream.

Với các khách mời đặc biệt: Thạc sĩ Lê Minh Tiến – Thạc sĩ Xã hội học – GV Khoa Xã hội học Công tác xã hội và Đông Nam Á; Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên – Thạc sĩ Tâm lý học – GV Khoa Xã hội học Công tác xã hội và Đông Nam Á; Ông Trần Công Bình – Chuyên gia Hợp tác Chương trình, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, UNICEF Việt Nam – Cựu sinh viên khoa XHH-CTXH-ĐNA và Thạc sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt -Thạc sĩ Tâm lý giáo dục – Nhân viên công tác xã hội và trợ giúp gia đình trong lĩnh vực trợ giúp thanh thiếu niên và trẻ em tại Berlin, CHLB.

MC: Bạo lực nói chung và bạo lực trẻ em nói riêng đang tồn tại ngày một nhiều trong bối cảnh xã hội Việt Nam. Theo thống kê, gần 70% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết mình đã từng bị bạo hành bởi chính cha mẹ, người chăm sóc và người thân trong gia đình. Vậy theo khách mời, nạn bạo hành xuất phát từ những nguyên nhân nào?

Thạc sĩ Lê Minh Tiến chia sẻ nguyên nhân về mặt xã hội: Một nguyên nhân vô cùng quan trọng, rất khó thay đổi nhưng bắt buộc chúng ta phải thay đổi, đó là quan niệm “thương cho roi cho vọt”, một quan niệm sai lầm về tình yêu nhưng đã tồn tại lâu đời trong quan niệm thương con của người Việt. “Cái roi” được các bậc phụ huynh sử dụng như là công cụ giáo dục con cái nhưng đối với các em “Cái roi” là nỗi sợ hãi, là công cụ gây ra vết thương trên da thịt và tình cảm. Dùng quan niệm “thương cho roi cho vọt” để tung tin hóa bạo lực, làm cho bạo lực trở thành tiêu chuẩn được xã hội Việt Nam chấp nhận.

Song song đó, nguyên nhân lớn thứ hai gây ra hành vi bạo hành là sự kiểm soát bản thân yếu kém. Nhiều người có thói quen “đi tắt đón đầu” – quy tắc muốn đạt mục tiêu một cách nhanh chóng trong đời sống, trong giáo dục con cái và trong những tình huống khác. Ví dụ như khi muốn con ăn nhanh, người mẹ thay vì chọn những phương án khác thì họ lại chọn tác động vật lý vào đầu con nhỏ, ép con ăn. Hay thay vì ngồi nói chuyện với con, giảng dạy về việc sai việc đúng thì người ta lại chọn cách nhanh nhất là dùng đòn roi.

Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên chia sẻ nguyên nhân từ ngôn ngữ: Dường như các bậc cha mẹ đang lầm tưởng rằng “Chỉ khi nào thân thể có những vết bầm tím, vết hằng, vết bỏng, bị tổn thương về thể chất nghiêm trọng thì mới là vấn đề đáng quan ngại, còn không thì không sao hết”.

Nhưng hành động không có tính chủ đích gây thương tổn từ cha mẹ hay từ những người xung quanh như câu chuyện “Con nhà người ta”, “Mẹ cháu có thêm em bé rồi không còn thương cháu nữa đâu” hay những câu nói vô tình của người lớn đôi khi, đối với đứa trẻ sẽ gây ra những vết thương về lâu về dài, đem đến hệ quả khó khắc phục, thậm chí đến khi trưởng thành, đứa trẻ sẽ lệch đi suy nghĩ đúng đắn về tình thương của cha mẹ.

Ông Trần Công Bình chia sẻ nguyên nhân trong cách giáo dục thưởng phạt cho con trẻ: Khi các thầy cô giáo áp dụng các biện pháp kỷ luật trừng phạt lâu dài có thể dẫn đến hình thức bạo hành, ngoài ra nhiều bậc cha mẹ thiếu kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ, kiến thức về sự phát triển của trẻ, không có khả năng kiểm soát được bản thân trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống, đặt quá nhiều kỳ vọng vào con em của mình để rồi có những hành động thưởng phạt, mắng nhiếc khi con không đạt được kỳ vọng của mình. Nhìn chung, những hành vi thưởng phạt không đúng cách đã và đang để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và lâu dài đối với cuộc sống và sự phát triển của trẻ em. Do đó, chúng ta cần tìm cách ngăn chặn và giảm thiểu tối đa những hành vi xâm hại, bạo lực đang diễn ra trong xã hội, trong trường học và trong môi trường gia đình.

Xúc động với những hình ảnh bạo hành, Thạc sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt chia sẻ nguyên nhân đến từ trẻ em: Trẻ em là nhóm người không có khả năng tự bảo vệ mình. Khi bị bạo hành, những trẻ em bị tàn tật không thể tự bảo vệ, giải thích cho mình được hay đối với những trẻ em khuyết tật, sinh non sẽ cần sự chăm sóc từ người lớn rất nhiều, từ đó khiến người lớn quá tải, dẫn đến áp lực và có thể bạo hành trẻ em.

MC: Theo Ths. Lê Minh Tiến, bạo hành trẻ em bên cạnh việc gây ra con tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ thì còn có những hệ quả nghiêm trọng khác như thế nào?

Thạc sĩ Lê Minh Tiến chia sẻ: Bạo hành trẻ em sẽ tạo ra bạo hành trong tương lai. Bởi vì trẻ em được giáo dục kiểu bạo hành thì các khuôn mẫu giáo dục đó nhập vào trong tiềm thức của trẻ, dẫn đến khi lớn lên làm cha mẹ sẽ tiếp tục diễn lại các khuôn mẫu hành vi đó. Khuôn mẫu ứng xử được truyền lại cho thế hệ sau, do đó khi giáo dục bằng bạo hành sẽ dẫn đến các thế hệ con cháu đời sau sẽ tiếp tục bị bạo lực.

Mặt khác, tỷ lệ trẻ em bị bạo hành tại Việt Nam rất cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng lực lao động của Việt Nam thấp hơn so với các nước Đông Nam Á. Từ những tác động tiêu cực như ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ, tâm lý, tình cảm và chắc chắn khi lớn lên khả năng lao động của họ sẽ giảm sút.

Đặc biệt, quan niệm xâm hại bằng ngôn ngữ, chà đạp, hạ thấp danh dự, nhân phẩm khiến trẻ có những quan niệm sai lầm về bản thân. Từ đó, hình thành trong tâm trí của trẻ hình ảnh tiêu cực về bản thân khiến trẻ dễ sa vào các hành vi phạm tội.

MC: Để chấm dứt, giảm thiểu tình trạng bạo hành trẻ em, UNICEF Việt Nam đã và đang có những giải pháp như thế nào?

Ông Trần Công Bình – Chuyên gia Hợp tác Chương trình, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, UNICEF Việt Nam đại diện chia sẻ các nhiệm vụ trọng yếu, giải pháp mà chúng ta cần thực hiện giáo dục trong thời gian tới.

  1. Vận động, nâng cao nhận thức về bạo hành trẻ em, những nguy cơ và tác hại của nạn bạo hành trẻ em đến người dân.
  2. Giáo dục cho trẻ em, phụ huynh, giáo viên, các thành viên trong cộng đồng khi phát hiện trẻ em bị bạo hành hãy mạnh dạng lên tiếng và tố cáo các hành vi bạo lực một cách an toàn.
  3. Đối với cha mẹ cần có hiểu biết về các dấu hiệu nhận biết xâm hại ở trẻ để kịp thời can thiệp. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em bị bạo hành từ cha mẹ của mình, nên các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý cảm xúc của bản thân, kỹ năng giáo dục con em khi làm cha mẹ, để biết được đâu là phương pháp giáo dục đúng, đâu là hành vi bạo hành và xâm hại trẻ em. Và để làm được điều đó, trước hết chúng ta phải kiên trì, cần thời gian để nói chuyện với con, tìm hiểu lý do và giúp cho con điều chỉnh hành vi của mình. Đặt ra những quy tắc rõ ràng để con tuân thủ, quản lý con em tiếp xúc internet một cách tích cực, tìm hiểu và phòng tránh các nguy cơ trên mạng.
  4. Đối với các trường hợp xâm hại trẻ em không giải quyết được, nên báo cáo với các cơ quan thẩm quyền về quyền lợi trẻ em, cơ quan công an, chính quyền địa phương để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em có thể xảy ra.
  5. Đối với các tổ chức, trường học cần có hành động, chương trình thiết thực phòng chống bạo lực như các khóa tập huấn, mô hình sáng kiến chống bạo lực gia đình, các khóa học làm cha mẹ tích cực, các biện pháp kỷ luật nghiêm minh, xây dựng các hệ thống dịch vụ xã hội, tập huấn cho nhân viên công tác xã hội để cung cấp dịch vụ chuyển gởi, tư vấn, trị liệu cho trẻ em bị bạo lực.

Khép lại Talkshow trực tuyến “Bạo hành trẻ em – Chúng ta làm được gì?”, Khoa XHH-CTXH-DNA Trường ĐH Mở TPHCM và các khách mời hy vọng đóng góp được một phần hồi chuông đỏ cảnh báo đến “Nạn bạo hành trẻ em” để các đứa trẻ xung quanh chúng ta có được cảm nhận yêu thương một cách trọn vẹn, khoa học và chân thành,bởi vì trẻ em là tương lai, là mầm non của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Xem livestream tại đây: https://fb.watch/arka1U65jt/

Minh Viên

Từ khóa » Các Vấn đề Bạo Hành Trẻ Em