Tấm Cám (Truyện Cổ Tích) - Củng Cố Kiến Thức

I. Tiểu dẫn

- Truyện cổ tích được chia làm 3 loại gồm cổ tích sinh hoạt, cổ tích loài vật và cổ tích thần kì.

- Truyện cổ tích thần kì có nội dung phong phú và chiếm số lượng nhiều nhất. Truyện có sự tham gia của nhiều yếu tố thần kì vào tiến trình phát triển của truyện (tiên, Bụt, sự biến hóa thần kì, những vật có phép màu...).

- Nội dung truyện cổ tích thần kì thể hiện ước mơ của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, công bằng xã hội, phẩm chất năng lực của con người.

- Truyện Tấm Cám thuộc cổ tích thần kì, tTruyện Tấm Cám được phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới.

II. Văn bản (SGK)

1. Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám:

- Xuất xứ xung đột từ mâu thuẫn giữa quan hệ mẹ ghẻ - con chồng, quan hệ giữa kẻ mồ côi với bà mẹ ghẻ và em cùng cha khác mẹ.

- Quá trình mâu thuẫn và xung đột thể hiện qua các tình tiết:

+ Tấm và Cám cùng đi bắt tép, Tấm bị lừa trút hết giỏ tép. Đây là mâu thuẫn trực tiếp giữa Tấm và Cám, mâu thuẫn phản ánh quan hệ trong gia đình.

+ Mẹ con Cám ăn thịt cá bống. Mâu thuẫn bị đẩy lên thành quan hệ giữa kẻ ác (mẹ con Cám) và người thiện (Tấm) nhưng vẫn ở mức độ gia đình.

+ Mẹ con Cám ăn mặc đẹp để đi xem hội, dì ghẻ trộn thóc với gạo bắt Tấm ở nhà nhặt hết mới được đi. Mâu thuẫn bị đẩy đến mức cao hơn, giữa một bên là người hiền, bị áp bức, một bên là kẻ cường hào, độc ác, mâu thuẫn vẫn trong khuôn khổ gia đình.

+ Tấm trở thành vợ vua, về nhà giỗ bố, bị mẹ con Cám lừa leo lên hái cau, sau đó chặt cây cau, giết chết Tấm rồi cho Cám vào cung thay chị. Mâu thuẫn đã trở thành thù địch: Một bên là những kẻ tham lam độc ác, một bên là người hiền thục, nết na. Hai bên thù địch không còn trong phạm vi gia đình mà mở rộng ra xã hội (Tấm là vợ vua).

+ Tấm hóa thành chim vàng anh, vạch mặt Cám. Chim được vua yêu. Mẹ con Cám làm thịt chim, đổ lông ra vườn. Xung đột tiếp tục leo thang: Mẹ con Cám trở thành kẻ thù giết Tấm lần thứ hai.

+ Chỗ lông chim mọc lên hai cây xoan đào tươi tốt. Nhà vua yêu thích cây xoan, mắc võng ngủ, không để ý đến Cám. Mẹ con Cám lại chặt cây xoan làm khung cửi. Hai mẹ con Cám trở thành kẻ thù giết Tấm lần thứ ba.

+ Khung cửi dệt vải kêu "kẽo cà kẽo kẹt... " tố cáo Cám. Mẹ con Cám lại đem đốt khung và đổ tro thật xa. Xung đột cuối cùng: Mẹ con Cám tận diệt Tấm.

+ Tấm hóa thân vào quả thị để trở lại làm người, trở về trả thù mẹ con Cám.

- Mâu thuẫn hình thành từ quan hệ mẹ ghẻ - con chồng, dần dần phát triển, vượt khỏi khuôn khổ gia đình, phản ánh mâu thuẫn giữa người tốt và kẻ xấu, thế lực của cái thiện với thế lực của cái ác. Mâu thuẫn đó đã trở thành xung đột không thể dung hòa và cuối cùng cái thiện đã chiến thắng.

2. Quá trình biến hóa của Tấm nói lên ý nghĩa gì?

- Tấm trải qua bốn kiếp hồi sinh: Tấm bị giết hóa thành chim vàng anh, vàng anh bị giết mọc lên cây xoan đào. Xoan đào bị chặt làm thành khung cửi. Khung cửi bị đốt mọc lên cây thị. Từ quả thị Tấm trở lại làm người gặp lại nhà vua.

- Một cô Tấm hiền lành lương thiện chết đi, một cô Tấm mạnh mẽ quyết liệt sống lại trở về đòi lại hạnh phúc. Tấm hóa vàng anh để báo hiệu sự có mặt của mình. Vàng anh bị giết. Tấm hóa thành cây xoan đào, khung cửi dệt, tuyên chiến với kẻ thù “cót ca, cót két, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”. Khung cửi dệt, quả thị mà Tấm hóa thân là những điều bình dị, thân thương trong cuộc sống dân dã. Đó là những hình ảnh đẹp tạo ấn tượng thẩm mĩ cho truyện.

- Những vật hóa thân cũng đều là những yếu tố kì ảo nhưng khác yếu tố kì ảo ở phần đầu của truyện, ở phần đầu của truyện, Bụt hiện lên giúp Tấm mỗi lần khóc, ở đây Tấm không khóc và Bụt cũng không xuất hiện. Tấm tự mình giành và giữ hạnh phúc. Cho nên vàng anh, xoan đào, khung cửi, quả thị chỉ là nơi Tấm gửi linh hồn để trở về đấu tranh quyết liệt với cái ác giành lại hạnh phúc.

3. Suy nghĩ về hành động trả thù của Tấm đối với Cám.

- Đánh giá hành động trả thù của Tấm đối với mẹ con Cám, có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng Tấm hành động như vậy là đúng, tội ác chất chồng như mẹ con Cám, đáng bị trừng trị; có ý kiến lại cho rằng Tấm quá nhẫn tâm.

- Truyện Tấm Cám tập trung thể hiện đạo lí ở hiền gặp lành, ác giả ác báo... Mẹ con Cám ra tay giết hại Tấm hết lần này đến lượt khác nhưng chúng chỉ chết một lần, cho nên cái chết ấy phải diễn ra như thế nào để tương xứng với những tội ác của chúng. Tấm chỉ là nhân vật thực hiện đạo lí đó.

4. Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện?

- Mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con Cám là mâu thuẫn mẹ ghẻ - con chồng, một vấn đề của đạo đức xã hội thời phong kiến.

- Câu chuyện phản ánh sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, cái thật và cái giả... Tấm là đại diện cho cái thiện, sự siêng năng, cần cù. Mẹ con Cám là hiện thân của cái ác, sự giả đối và lười biếng... vì vậy mâu thuẫn mẹ ghẻ - con chồng trở thành vấn đề xung đột giữa cái thiện và ác.

- Tấm và mẹ con Cám còn là mối quan hệ giữa người bị áp bức với kẻ áp bức. Cho nên, cuộc đấu tranh của những người nhỏ bé, bất hạnh như cô Tấm là cuộc đấu tranh cho công bằng chính nghĩa.

Từ khóa » Những Lần Biến Hóa Của Tấm Nói Lên điều Gì